Phiêu trên trang sách

16:25 | 13/12/2019
(LĐTĐ) Từ bé tôi vốn dĩ rất thích thơ ca. Thủa tôi 15, lần đầu tiên bắt gặp những câu thơ: “Ai đã chọn túi vàng quên quả khế/Cổ tích bay theo cánh rạc chim đàn” (trích trong tập thơ “Hóa mùa”) của tác giả Nguyễn Văn Học và thầm ngưỡng mộ anh từ đó. Thế nhưng phải đến gần chục năm sau mãi đến khi chính thức bước chân vào làng báo tôi mới có dịp gặp Văn Học. Lúc này anh đã rẽ lối sang con đường văn, cùng nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
phieu tren trang sach Những lá thư tay mang theo đầy nhung nhớ
phieu tren trang sach “Lưu Quang Vũ là một phần của cuộc đời tôi”
phieu tren trang sach Nhà thơ Nguyễn Hòa Bình: Từ người lính tới nhà thơ tình hay nhất thế kỷ XX

Dâu bể cùng con chữ

Như những gì tôi biết sau một thời gian vừa là đồng nghiệp vừa là anh em thân thiết với Nguyễn Văn Học, cuộc đời anh đúng như cánh chim trong câu thơ, mải miết bay trong nỗi cô đơn, lạc đàn tìm nơi dựng tổ. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch, Nguyễn Văn Học ra đi từ miền quê nghèo Phú Xuyên (Hà Tây cũ), kiếm việc làm.

phieu tren trang sach
Nhà văn Nguyễn Văn Học

Để có thể đưa vào văn của mình những trải nghiệm sâu sắc về hiện thực cuộc sống Văn Học đã từng làm đủ nghề, từ nhân viên bảo vệ, khui rượu đến điều hành công việc trong nhà nghỉ, quán karaoke.... anh đã ném mình vào một hiện thực cay đắng, về cuộc đời của những cô gái “bán hoa” bị trả giá và đầy đọa đến khốn cùng.

Hiếm có ai vừa viết, vừa hít thở ngay trong môi trường sặc mùi sống sít của làn da và những tiếng cười điên dại như anh. Ngọn đèn le lói trong căn phòng nhỏ bé chỉ soi tỏ trang giấy, mà Nguyễn Văn Học viết từng con chữ nóng bỏng vừa bật ra. Nhiều lúc Học muốn thoát khỏi cái kiếp nạn này, nhưng cuộc mưu sinh cùng với những khao khát khám phá một hiện thực, mà lâu nay văn chương đã bỏ quên hay cố tình né tránh. Phải nói đó là một sự quả cảm của tuổi trẻ.

Sống với nó mà không bị cám dỗ. Gần kề với những thân phận đau khổ để cảm thông, chia sẻ và tìm ra ánh sáng trong con đường hầm không dễ gì với một bản lĩnh còn non nớt tuổi đời. Những hiện thực tăm tối ấy đã tràn lên những trang tiểu thuyết đầu tiên của anh. Nguyễn Văn Học có một sự kiếm tìm hiện thực của riêng mình.

Đó là sự dấn thân đầy cam go và phải chống chọi với những cám dỗ chết người. Sau này khi học Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, anh viết được hai tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn, truyện ký về thân phận “kiếp hoa”, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Gái điếm” (NXB Văn học-2008) đã gây dư luận ban đầu đối với một cây bút trẻ như Nguyễn Văn Học. Bởi trước đó hàng chục năm và sau này chưa có ai viết trực diện với một hiện thực sinh động như anh. Đến nay, khi nhắc đến tiểu thuyết “Gái điếm”, anh tự nhận đó là cuốn sách viết theo bản năng chứ không mấy kỳ vọng. Nhưng đó là dấu ấn sâu sắc về một thể loại mà Nguyễn Văn Học theo đuổi - tiểu thuyết xã hội.

Và cũng từ đây Nguyễn Văn Học kết hợp vừa sáng tác, vừa viết báo để kiếm sống. Hiện anh là phóng viên Báo Nhân Dân. Qua nhiều chuyến đi thực tế ở mọi miền đất nước, anh được tiếp cận những hiện thực sôi động của cuộc sống mới. Có nhiều dịp đi cùng nhau khắp nơi, tôi mới hay sự năng động và niềm say mê sáng tác trong anh chưa bao giờ vơi cạn. Mải miết đi, ghi chép và lăn lộn với những khó khăn trước mắt để đến với những số phận long đong.

Liên tục hàng năm, anh cho ra đời những cuốn sách, khi là tập truyện ngắn, khi lại liên tiếp in một loạt tiểu thuyết. Nào là “Đường dài hạnh phúc” (2008); “Bão người” (2009); “Cao chạy xa bay” (2010); “Hỗn danh” (2011)…và mới nhất là “Vết thương hoa hồng” (2016)... có tới 9 cuốn tiểu thuyết trong vòng 10 năm. Ấy là chưa kể cùng với thời gian này, Nguyễn Văn Học còn cho ra đời 10 tập sách khác, gồm truyện ngắn và ký sự báo chí. Có thời anh sụt cân, sức khỏe giảm sút vì sự lao động khổ sai trên cánh đồng chữ nghĩa. Năm 2015, Nguyễn Văn Học được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội, với sự hiện diện là một tác giả trẻ chuyên viết tiểu thuyết đầy tiềm năng.

Nở rộ trên con đường văn chương

Trong những cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học, tôi và nhiều bạn đọc dành sự quan tâm đặc biệt đến tác phẩm “Hỗn danh”. Có nhà phê bình nhận định, từ “Hỗn danh” đã xuất hiện một tác giả tiểu thuyết với đúng nghĩa nhất. Nhân vật rõ nét và điển hình cho những con người khát danh vọng bằng mọi giá. Họ có thể đạp đổ mọi đối tác, quan hệ và sẵn sàng gây tội lỗi để đoạt lấy danh lợi. Sự xảo trá của con người đáng lên án và tác giả đã bóc trần sự thật đen tối đằng sau những vinh quang hào nhoáng.

Với 20 năm làm nghề, Văn Học đã in được tới hơn hai mươi đầu sách và hàng trăm bài báo, một con số thật đáng nể. Nói nhiều thì cũng đúng, bởi mấy ai đã xốc vác “cày bừa”, trên cánh đồng văn chương hết mình như anh. Tuy vậy, khi nhìn lại chặng đường đã qua, nhà văn Nguyễn Văn Học vẫn có nhiều điều áy náy, lo toan. Bởi anh luôn muốn mình khác đi, gây ấn tượng với bạn đọc bằng những tác phẩm chất lượng. “Tôi ghi nhận và biết ơn những người đã chê tôi, đã giúp tôi tỉnh ngộ và cảnh giác với chính bản thân mình. Để không tự mãn với những gì mình đã có”, anh chia sẻ.

Thông qua nhân vật họa sĩ Bình, tác giả đã dẫn dắt người đọc bằng những câu chuyện sinh động, để lên án những thói háo danh, kệch cỡm. Cùng với đó là những nhân vật ca sĩ, người mẫu, nhà văn, giáo sư…Nhiều người trong số họ bị tha hóa và biến chất trong sự nghiệp của mình. Đó là sự nhiễu loạn của một thị trường ngầm trong thế giới văn hóa văn nghệ, nơi mà biết bao người khao khát danh vọng hão huyền. Tác giả đặt cho cái tên “Hỗn danh” là vì vậy.

Sự phản biện của tác giả khá sắc sảo với bút pháp huyền ảo thông qua những giả định, cách điệu của nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật. Chủ đề chồng lớp, đan xen đã làm nên sức nặng của tác phẩm. Đáng chú ý, hình tượng năm cô gái trong tranh, như một sự hiện diện của tác giả với những cảm xúc hồn nhiên và tràn đầy nỗi khát khao muốn làm người tốt nhưng không được. Những cô gái ảo mà thực bày tỏ thái độ về thế giới con người, cùng những sắc mầu “Hỗn danh” khốc liệt và cay đắng…Nhiều bạn đọc nói cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Nguyễn Văn Học có sức thu hút bởi bố cục mới lạ và nghệ thuật kể chuyện sinh động, cùng những chi tiết hấp dẫn.

Văn Học quan niệm nghiệp viết văn là kể những câu chuyện đánh thức lương tri con người, truyền cho họ những khát vọng, sáng tạo và tình yêu cuộc sống. “Hỗn danh” là một sự kiếm tìm thỉnh lên tiếng chuông báo động về sự tha hóa đạo đức của con người. Nhà văn Nguyễn Văn Học đã có độ ngân vang của tiếng chuông đó qua sự sống sinh động của những cuộc đời trong hàng trăm trang sách.

Với Văn học văn chương là con đường không có điểm dừng chân. Trong chuyến đi Trường Sa đầu năm 2016, nhà văn Nguyễn Văn Học lại được tiếp cận một hiện thực khác. Sôi động và đầy nhiệt huyết của những người chiến sĩ nơi biên cương hải đảo xa xôi. Anh xúc động khi được sống cùng các chiến sĩ trẻ trên những trạm gác quanh năm sóng gió. Những cánh sóng cồn cào nỗi nhớ quê hương trong trái tim chiến sĩ đã làm xao xuyến tâm hồn anh.

Hình ảnh anh hùng hiên ngang nơi địa đầu Tổ quốc đã truyền cho anh ngọn lửa sống, mạch nguồn muôn đời bất khuất của ông cha. Đúng như nhà văn đã từng tâm sự, mỗi chặng đường đi thực tế luôn là những bài học mới và những ý tưởng sẽ nảy sinh. Công việc làm báo đã giúp nhà văn có điều kiện dấn thân với sự nghiệp của mình. Và tôi biết ngọn lửa đam mê trong trái tim anh đã bừng lên với những ý tưởng mới, với hình tượng người lính ngày đêm tuần tra trên biển đảo quê hương.

Với 20 năm làm nghề, Văn Học đã in được tới hơn hai mươi đầu sách và hàng trăm bài báo, một con số thật đáng nể. Nói nhiều thì cũng đúng, bởi mấy ai đã xốc vác “cày bừa”, trên cánh đồng văn chương hết mình như anh. Tuy vậy, khi nhìn lại chặng đường đã qua, nhà văn Nguyễn Văn Học vẫn có nhiều điều áy náy, lo toan. Bởi anh luôn muốn mình khác đi, gây ấn tượng với bạn đọc bằng những tác phẩm chất lượng. “Tôi ghi nhận và biết ơn những người đã chê tôi, đã giúp tôi tỉnh ngộ và cảnh giác với chính bản thân mình. Để không tự mãn với những gì mình đã có”, anh chia sẻ.

Nguyễn Văn Học là thế. Đam mê và nồng nhiệt. Tôi tin những mùa vàng trên cánh đồng văn chương của anh ngày thêm nở rộ và thơm hương.

Mộc Lâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này