Phát huy giá trị Di tích Gò Đống Đa

14:46 | 12/12/2019
(LĐTĐ) “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa” là chủ đề của Hội thảo khoa học do Ủy ban Nhân dân Quận Đống Đa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức vừa qua, nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019). Đây không chỉ là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng mà đi liền với đó là trách nhiệm, nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tinh thần chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong thời đại mới.
phat huy gia tri di tich go dong da Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa
phat huy gia tri di tich go dong da Gò Đống Đa: Niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam
phat huy gia tri di tich go dong da Nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Trưng bày sơ sài, ít hoạt động

Hội thảo khoa học đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nội dung các bài tham luận tập trung đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa cũng như đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch Thủ đô.

phat huy gia tri di tich go dong da

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều khẳng định trong những năm qua với những giá trị đặc biệt, di tích Gò Đống Đa đã được Đảng, Nhà nước, Thành phố và quận Đống Đa rất quan tâm. Bên cạnh việc xếp hạng, di tích đã từng bước được đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng khang trang với nhiều hạng mục công trình như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của các nhà khoa học chỉ ra những tồn tại, hạn chế tập trung vào các vấn đề như: Đỉnh gò chỉ còn nền móng miếu Trung Liệt; tam quan miếu đã bị xuống cấp; thông tin giới thiệu, biển chỉ dẫn sơ sài; nhà trưng bày quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ, hiện vật - tài liệu sơ sài; hoạt động ít, đơn điệu, chỉ tập chung vào dịp lễ hội, tết là chính; cơ sở vật chất, công trình phụ trợ đáp ứng nhu cầu khách tham quan còn khiêm tốn; tổng thể cảnh quan xung quanh di tích chưa tương xứng với một khu di tích lớn của quốc gia…

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa, việc thiếu thông tin rất khó cho những người đến tham quan, tìm hiểu di tích, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả phát huy giá trị di tích. Đơn cử như ở khu vực trên đỉnh Gò Đống Đa, ngoài tấm bia ghi lời hịch của Hoàng đế Quang Trung và một vài phiến đá chỏng chơ, hầu như không có thông tin gì khác.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng ủng hộ việc không nên di dời vị trí Tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ hiện nay cũng như thay tượng hiện nay bằng tượng khác vì đây là vấn đề khó về nhiều mặt. Nên chăng đổi chất liệu tượng từ bê tông, cốt thép sang chất liệu đồng nhập ngoại ép thủy lực cho sang hơn, đẹp hơn và bền vững hơn. Bên cạnh đó, PGS. TS Đỗ Văn Trụ cũng góp ý hiện nhà trưng bày trong quần thể Công viên Văn hóa Đống Đa quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ.

Nên xây dựng Nhà trưng bày mới với nội dung và giải pháp mới, đưa các phương tiện, kỹ thuật nghe nhìn hiện đại để tăng tính hấp dẫn của trưng bày. “Đề nghị đổi tên Công viên Văn hóa Gò Đống Đa trở về đúng tên gọi là Di tích lịch sử Gò Đống Đa cho đúng với tên gọi trong các quyết định xếp hạng di tích và khẳng định giá trị của địa danh này. Hiện nay hoạt động của di tích và công viên khá đơn điệu, còn ít hoạt động đa dạng, hàng ngày chỉ thấy nhiều người vào tập thể dục”- PGS.TS Đỗ Văn Trụ nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa cũng cho rằng Công viên Văn hóa Gò Đống Đa đang rất thiếu các sự kiện có khả năng tạo nên các cơ hội cho sự trải nghiệm thực sự hấp dẫn. Phòng trưng bày chưa đáp ứng được tiêu chí bảo tàng hiện đại nên kém sức hấp dẫn. Trước đó, đã có ý tưởng xây dựng ở đây là một tổ hợp “Panorama” về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, tuy nhiên rất khó để hiện thực hóa ý tưởng này.

Mặc dù vậy ngày nay trên thế giới người ta bắt đầu xây dựng các tổ hợp trưng bày “hiện thực ảo” bằng sự trợ giúp căn bản của kỹ thuật số. Nếu có sự sáng tạo trong nghiên cứu xây dựng các tổ hợp kỹ thuật hiện đại như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng Trung tâm diễn giải lịch sử có sức thuyết phục cao ở Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Phát triển du lịch bền vững

Cũng tại Hội thảo, một trong những chủ đề mà các đại biểu thảo luận sôi nổi đó là việc phát triển Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch. Theo PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, trước mắt cần xây dựng lộ trình kết nối điểm đến nội đô thông qua việc mở các tour du lịch từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Gò Đống Đa – Chùa Bộc- lăng mộ Hoàng Cao Khải.

Di tích gò Đống Đa (còn gọi là Công viên văn hóa Đống Đa) có diện tích gần 22.000m2 và được xây dựng vào năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Hàng năm cứ vào ngày 5 Tết, tại Di tích gò Đống Đa diễn ra lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789). Đây là một chiến công vĩ đại và hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa tên tuổi, sự nghiệp của Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) trở thành tấm gương sáng ngời cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử gò Đống Đa là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đi kèm với đó là việc chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo khu Thái Hà ấp với khu lăng mộ Khâm sai kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải để có thể đón được du khách thăm quan kiến trúc điêu khắc đá trong khu lăng mộ đá lớn nhất Hà Nội… Đặc biệt, theo PGS.TS Dương Văn Sáu, để phát triển du lịch thì di tích Gò Đống Đa cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm cần có kế hoạch thường nhật tái hiện hoạt cảnh “Rồng lửa Thăng Long xung trận”, “Cuộc hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long” hay khơi dựng “Cuộc hôn nhân lịch sử giữa anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa”…

Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, để phát triển du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nên tiến hành lập và triển khai quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Trong đó, di tích Gò Đống Đa là di tích còn lại duy nhất trong số 12 gò Đống Đa mà chúng ta đã được biết, cần được bảo tồn, tôn tạo ngang tầm với giá trị của nó. Ngoài ra cần khôi phục Trung Liệt miếu – nơi thờ tự những anh hùng chống Pháp tiêu biểu như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng… tạo cho di tích có giá trị kép về giá trị lịch sử và giá trị tâm linh.

Di tích Gò Đống Đa là một di tích quốc gia đặc biệt nhưng chưa phải là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO đã từng khuyến cáo bảo tồn di sản văn hóa mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì bảo tồn sẽ không bền vững. Di sản văn hóa không chỉ đem lại nguồn lợi khi phát triển du lịch bền vững, mà còn đưa giá trị văn hóa, hình ảnh, đất nước, con người sở hữu di sản đến với bạn bè quốc tế.

Vì vậy, có thể thấy việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa qua con đường du lịch là một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đây là bước đi và biện pháp thích hợp trong quá trình “bảo tồn động” di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, đây còn là giải pháp chủ đạo trên con đường đưa “di sản thành tài sản”, xây dựng nền kinh tế tri thức thông qua hai quá trình “kinh tế hóa văn hóa” và “văn hóa hóa kinh tế” diễn ra đồng thời trong hoạt động du lịch.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này