Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:20 | 10/12/2019
(LĐTĐ) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng, nếu không có chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì tiêu chí về tỷ lệ lao động và tiêu chí tăng thu nhập cho người nông thôn rất khó có thể đạt được.
Thêm cơ hội, tăng thu nhập nhờ được đào tạo nghề
Ổn định cuộc sống nhờ có nghề
Kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Phúc Thọ
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người).

Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Các địa phương đã thống kê có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Trên địa bàn Hà Nội, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai sâu rộng, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, thu nhập cho một bộ phận người lao động. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy cơ cấu lao động, việc làm của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực. Tại thị xã Sơn Tây, nhiều hộ chính sách được tham gia đào tạo, phát huy được nghề học ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm tại doanh nghiệp.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của thị xã Sơn Tây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn thị xã được nâng lên qua từng năm (trước khi thực hiện Đề án năm 2010 là 22% và đến năm 2018 tăng lên 60,3%).

Từ các lớp dạy nghề đã tạo thêm nhiều việc mới, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người lao động. Ngoài ra, các quy mô lớp học cũng được thị xã mở rộng, ngành nghề đào tạo gắn với nghề truyền thống và nhu cầu của bà con. Năm 2018, thị xã Sơn Tây đã tổ chức 57 lớp dạy nghề cho 1.984 học viên; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp thu hút 1.494 học viên, tổ chức thành 43 lớp; nhóm nghề phi nông nghiệp cũng thu hút 490 học viên, tổ chức thành 14 lớp. Tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề đạt tỷ lệ 83,2%.

Huyện Chương Mỹ cũng là một trong số những huyện đi đầu và áp dụng thành công mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến: “Thực hiện mục tiêu 80% số lao động sau học nghề gắn với việc làm hoặc có việc làm mới, trước khi tổ chức lớp, huyện đã rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch trên địa bàn các xã, thị trấn.

Để việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã đẩy mạnh xây dựng nội dung, chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp ở địa phương vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Huyện đã lựa chọn những cơ sở dạy nghề có đủ năng lực, uy tín để tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt chất lượng”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2019, toàn thành phố hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 16.000 lao động nông thôn, nâng tổng số người được hỗ trợ đào tạo nghề lên khoảng 200.000 người trong giai đoạn 2009-2019. Sau học nghề, hơn 80% người lao động có việc làm, thu nhập cao hơn. Kết quả này cũng góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố từ 8,43% vào cuối năm 2009, xuống còn dưới 0,5% vào cuối năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 31,4% cuối năm 2009, lên 67,5% vào cuối năm nay.

So với những mục tiêu đề ra tại Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/ 2009, có thể khẳng định, chính sách này được thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn có chỗ, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn. Dễ nhận thấy là lượng lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao.

Ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì cho biết, năm 2018, toàn huyện có 1.710/1.779 lao động nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp, đạt 96%. Thế nhưng, đại đa số lao động có việc làm do họ tự tạo tại gia đình, nên rất hiếm trường hợp có thu nhập vượt trội so với nghề cũ. Thậm chí, không ít trường hợp theo học nghề này, nhưng lại đi làm nghề khác, gây lãng phí. Năm 2019, kết quả cũng không khả quan hơn.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đỗ Mạnh Hưng đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu giảm thời gian đào tạo đối với một số nghề nông nghiệp, tăng thời gian đào tạo đối với một số nghề phi nông nghiệp, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, để người học có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho họ được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi.

Nhiều năm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) Phan Văn Hùng cho rằng, đối với những địa phương có làng nghề, đa số người lao động có nhu cầu học nghề truyền thống của quê hương. Do đó, việc đào tạo nghề cho người lao động tại làng nghề cần thực hiện theo hình thức truyền nghề trực tiếp, thay vì mở lớp tập trung để bảo đảm hiệu quả thực chất.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg sẽ hết hạn vào năm 2020. Bởi vậy, hiện nay, các sở, ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu học nghề của từng đối tượng, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với cung – cầu lao động.

Thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách nhân văn này nhằm nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo. Trong trường hợp Quyết định số 1956/QĐ-TTg dừng lại, Sở sẽ tham mưu, đề nghị thành phố ban hành chính sách phù hợp, bảo đảm cho người lao động nông thôn có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.

H. Phong – C. Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này