Để mô hình trạm Y tế phát triển

15:15 | 03/12/2019
(LĐTĐ) Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đang tích cực triển khai, nhân rộng mô hình Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn toàn Thành phố. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình này bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, khẳng định vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả vẫn còn nhiều “nút thắt” cần phải tháo gỡ.
de mo hinh tram y te phat trien Sẽ ứng dụng nguyên lý y học gia đình tại 10 trạm y tế
de mo hinh tram y te phat trien Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình trạm y tế điểm
de mo hinh tram y te phat trien Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Giảm tải cho tuyến trên

Nâng cao tỷ lệ người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới

Từ 4 trạm y tế thí điểm mô hình nguyên lý y học gia đình trong năm 2018, bước sang năm 2019, Hà Nội phấn đấu đạt tối thiểu 45% số trạm y tế trên địa bàn Thành phố triển khai mô hình này. Trong quá trình triển khai, đến nay các quận, huyện đã tích cực tham gia, 100% quận huyện xây dựng kế hoạch, các trạm y tế được giao đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

de mo hinh tram y te phat trien
Người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.

Theo Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng, sau hơn một năm triển khai đại trà, nhiều trạm y tế khi có bác sĩ tuyến trên về tăng cường và triển khai mô hình hoạt động nguyên lý y học gia đình đã thu hút người dân tới khám chữa bệnh.

Chất lượng khám chữa bệnh tại trạm có hiệu quả, qua đó, nâng cao tỷ lệ người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Chỉ riêng 9 tháng vừa qua, đã có 1 triệu người dân thăm khám tại các trạm y tế. Ngoài ra, các trạm y tế cũng thực hiện tốt các chương trình y tế khác như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc bà mẹ trẻ em..

Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là mô hình dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng.

Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương…

Cụ thể, ông Trần Trọng Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn cho biết: Trạm Y tế xã Mai Đình triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình từ năm 2014. Trạm đã được nhiều bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Tim Hà Nội về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn.

Năng lực, trình độ của cán bộ y tế được cải thiện tăng lên rõ rệt. Nhờ triển khai tốt mô hình, đến nay, Trạm y tế xã tiếp trung bình từ 60 - 70 bệnh nhân/ngày tới khám, chữa bệnh; thậm chí có ngày hơn 100 bệnh nhân. Đặc biệt, việc người dân được quản lý và điều trị nhiều bệnh hiệu quả ngay tại trạm y tế đã giúp người dân giảm chuyển tuyến đáng kể. Tỷ lệ chuyển tuyến hiện nay chỉ từ 5 - 9%.

Tương tự, tại Trạm Y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng luôn nhận được sự quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của huyện, từ khi triển khai Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình. “Đến nay, Trạm y tế xã có 140/249 loại thuốc theo quy định. Tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã đạt 97%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%. Hiện trạm đang quản lý 433 bệnh nhân tăng huyết áp và quản lý sức khỏe 124 bệnh nhân tiểu đường” - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội Trần Thị Mai Hương cho hay.

Đảm bảo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở

Được biết, đến nay, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng đã xây dựng 10 trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình và phấn đấu xây dựng 16/16 trạm y tế vào năm 2020. Nhờ triển khai mô hình tốt cùng với sự hỗ trợ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện E nên các Trạm y tế được nhân dân tin tưởng, hưởng ứng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Gia Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng thì, các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn bởi nhân lực y, bác sĩ còn thiếu, trong khi trạm y tế có rất nhiều chương trình, hoạt động, không thể làm nhiều việc song song và lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

Một số trạm Y tế đã triển khai theo mô hình này nhưng lượng bệnh nhân chưa tăng như kỳ vọng. Thanh toán bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn khi các dịch vụ chuyên sâu chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các Trạm y tế còn gặp khó trong công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin...”.

Để trạm Y tế xã trở thành "cánh tay nối dài" của bệnh viện tuyến quận/huyện trong khám chữa bệnh ban đầu, các chuyên gia y tế cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ nhân lực trạm y tế, đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất để người dân yên tâm khám chữa bệnh. Đồng thời gia tăng nguồn nhân lực cho các cơ sở, đặc biệt cần ưu tiên chế độ đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến cơ sở…

Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Duy Hưng cho hay, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục củng cố đào tạo cung cấp nguồn nhân lực, đồng thời, kiến nghị với Bộ Y tế về một số khúc mắc còn tồn tại trong quá trình thanh toán bảo hiểm y tế; đề xuất việc đảm bảo tài chính tại trạm y tế.

Đặc biệt, về vấn đề công nghệ thông tin ngành Y tế cũng sẽ báo cáo Thành phố cho phép được đấu thầu rộng rãi đối với các đơn vị có đủ khả năng xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe và phần mềm quản lý nói chung với các trạm y tế, phần mềm bệnh án điện tử với các bệnh viện.

Cũng theo ông Hưng, hiện không chỉ trạm Y tế “trải thảm đỏ” mời gọi bác sĩ nhưng rất khó tuyển, mà cả bệnh viện tuyến Thành phố hay Trung ương cũng phải đối mặt với tình trạng này. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, ngành Y tế tiếp tục đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ tại các trạm y tế cơ sở.

Mặt khác, tiếp tục cử bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới… khi đó mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, để “giữ chân” bệnh nhân. Đồng thời, cũng cần đảm bảo các trạm có đủ số lượng thuốc theo Thông tư 39 của Bộ Y tế, đảm bảo khi có bác sĩ tuyến trên xuống thì các trạm có đủ thuốc chữa trị cho người bệnh.

Bên cạnh đó, mảng truyền thông rất quan trọng, cần được các trạm y tế ưu tiên hàng đầu. Bởi muốn người dân hiểu rõ hơn về mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình, cũng như yên tâm khám chữa bệnh, trước tiên phải có các chiến dịch truyền thông để thu hút người bệnh.

Ngoài ra, để người dân tin tưởng vào chất lượng y tế ở tuyến dưới, các trung tâm y tế tuyến huyện, xã cần xây dựng thương hiệu cho mình, bằng cách nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và chất lượng chuyên môn. Đặc biệt, để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, rất cần cơ chế chính sách, đãi ngộ phù hợp để bác sĩ tuyến dưới yên tâm công tác.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này