Làng rối nước Ðào Thục: Tự “làm mới” để bảo tồn nghệ thuật

09:44 | 29/11/2019
(LĐTĐ) Với lịch sử trải dài 300 năm, làng Đào Thục (huyện Đông Anh) là nơi sản sinh ra những nghệ nhân múa rối tài ba, lưu giữ bề dày văn hóa truyền thống của đất nước. Để phường rối nước đến gần hơn với công chúng, vài năm trở lại đây, người dân Đào Thục đã tận dụng tối đa những tiến bộ của công nghệ để quảng bá, để làm du lịch.   
lang roi nuoc ao thuc tu lam moi de bao ton nghe thuat Đưa nghệ thuật múa rối nước lên tầm cao mới
lang roi nuoc ao thuc tu lam moi de bao ton nghe thuat Không gian văn hóa, du lịch mới của Thủ đô

Theo lịch sử ghi lại, nghề múa rối nước xuất hiện tại làng Đào Thục vào thời vua Lê Dụ Tông (1706 – 1729), là sự kết tinh từ quá trình sáng tạo, lao động của người nông dân gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ.

Rối nước Đào Thục vốn nổi tiếng với hơn 20 tích trò thay vì dàn dựng thành các vở rối như ở các phường múa rối khác. Là nghề truyền thống của ông cha, cộng với sự đam mê của các thành viên nên phường rối Đào Thục đã để lại những ấn tượng độc đáo trong lòng người xem.

Thế nhưng từ ngày ra đời đến nay, rối nước làng Đào Thục cũng đã trải qua nhiều biến cố, có lúc hưng lúc thịnh, có thời điểm phải dừng hẳn. Thậm chí bộ môn nghệ thuật này cũng đã từng phải đối mặt với nguy cơ bị mai mai một, không có người xem và mỗi năm chỉ biểu diễn vài bận khi có hội làng.

Tuy nhiên những năm gần đây, rối nước Đào Thục đã có sự bứt phá, là địa điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích.

lang roi nuoc ao thuc tu lam moi de bao ton nghe thuat
Múa rối nước Đào Thục đã có lịch sử khoảng 300 năm.

Chia sẻ về sự phát triển của rối nước Đào Thục, anh Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường rối nước Đào Thục cho biết: “Sự đột phá phường rối nước Đào Thục bắt đầu từ năm 2007. Khi nhận thấy múa rối nước quê hương mình có nguy cơ mai một, chúng tôi đã cố gắng tìm hướng đi mới cho nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Để duy trì được những buổi biểu diễn và tăng thu nhập cho nghệ nhân chỉ có cách giới thiệu hình ảnh của làng. Tôi cùng một số anh em trẻ trong làng nghĩ cách in tờ rơi, rồi tìm các công ty du lịch chào hàng. Lúc đó chỉ nghĩ rằng thay vì chờ người ta biết đến chi bằng mình tự tìm hướng đi cho riêng mình”.

Đến thời điểm này, Đào Thục là phường rối dân gian hiếm hoi trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ khách một cách khá chuyên nghiệp. Không chỉ chuyên nghiệp hơn trong biểu diễn mà còn chuyên nghiệp trong cách khai thác du lịch.

Phường rối Đào Thục đã mở rộng liên kết với trên 10 công ty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa, mạng xã hội bằng 2 thứ tiếng là Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Phường múa rối cũng chủ động liên kết các công ty đưa du khách về làng xem biểu diễn rối nước, mở lớp cho học sinh tham gia trải nghiệm. Bất kỳ khi nào có khách yêu cầu, phường rối Đào Thục sẽ phục vụ biểu diễn.

Thêm một nét mới nữa, phường rối Ðào Thục còn đặt văn phòng đại diện tại nội thành Hà Nội khiến việc liên lạc với phường rối càng trở nên thuận tiện. Từ khi có website, kênh truyền thông riêng, rối nước Đào thục đã có sự “hồi sinh”.

lang roi nuoc ao thuc tu lam moi de bao ton nghe thuat
Đào Thục đã tự đổi mới để phát triển.

Lối đi đúng hướng đó khiến rối nước Đào Thục được biết đến rộng rãi, vươn mạnh ra thế giới. Theo anh Nguyễn Thế Nghị, năm 2018 vừa qua, phường múa rối nước Đào Thục đã đón hơn 5000 lượt khách đến xem biểu diễn, dự kiến trong năm 2019 là 6000 người. Trong đó, khách nước ngoài đến với Đào Thục chiếm khoảng 60% tổng lượng khách.

Đặc biệt trong năm 2018, phường múa rối nước Đào Thục đã đón khoảng 400 đại biểu Việt Nam và quốc tế là các Đại sứ, phu nhân, phu quân, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đến xem các tiết mục múa rối nước truyền thống ngay tại thủy đình của làng.

Đến đây, khách du lịch được tham quan buồng trò, tập điều khiển quân rối, trải nghiệm hoạt động làm quân rối, mua đồ lưu niệm là những quân rối gỗ, gốc tre được điêu khắc nghệ thuật.

Bên cạnh công việc đồng áng, việc biểu diễn phục vụ du khách cũng góp phần ổn định cuộc sống của các nghệ nhân của làng. Đối với mỗi nhóm khách từ 3 đến 4 người, một nghệ nhân nhận được thù lao là 90 ngàn đồng. Còn đối với những đoàn khách đông, một nghệ nhân nhận được thù lao từ 200-300 ngàn đồng.

Nhờ sự phát triển của du lịch, nghệ nhân múa rối nước cũng bắt đầu chú trọng vào đổi mới nội dung, tạo ra những tiết mục mới lạ, làm cho nó trở nên thú vị, và sáng tạo con rối đẹp mắt hơn để phù hợp với thị hiếu. Bên cạnh đó, lịch diễn dày đặc phục vụ bà con, du khách gần xa lại chính là một động lực để phường thu hút được nhiều thanh niên trẻ trong làng theo nghề.

Cùng với 35 nghệ nhân biểu diễn múa rối nước thường xuyên, trong 3 năm trở lại đây, làng có đến 20 thanh niên, các bạn trẻ tham gia khóa bồi dưỡng về du lịch cho cộng đồng dân cư đặc biệt là học về múa rối nước.

Hoạt động này hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tới tham quan, thưởng thức các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô.

P.N

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này