Huyện Mê Linh - Hà Nội

Nông dân trắng tay vì dưa không ra quả

14:42 | 06/08/2015
Rất nhiều hộ nông dân ở xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ trắng tay bởi trót trao “niềm tin” vào một giống dưa leo mới.
Khổ là khổ chỗ đó ?!
Xót của, người nông dân "mót" lại từng hạt thóc cháy

Trồng dưa thu trái đắng

Đứng bần thần trước ruộng dưa đang xanh mướt lá, chị Trương Thị Thắm, thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, đầu năm 2015, chị được người quen giới thiệu là nhiều hộ dân đang trồng hạt giống dưa leo lai F1 HMT356 của Công ty EAST- West Seed (Hai Mũi Tên Đỏ). Theo như lời quảng cáo, đây là giống dưa leo cho năng suất cao, kháng bệnh tốt, chị quyết định mua giống của một đại lý tại xã về trồng trên diện tích 2 sào (540m2). Thời gian đầu, cây dưa phát triển tốt, cành lá xanh um, chị Thắm khấp khởi hy vọng sẽ có một mùa bội thu.

Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch, ruộng dưa của nhà chị Thắm và nhiều hộ xung quanh vẫn chỉ thấy toàn lá và nhánh. Theo chị Thắm, những năm trước, gia đình chị trồng giống dưa của Công ty Hoa Sen, sau hai tháng thì được thu hoạch, mỗi sào dưa tối thiểu thu được 10 tạ. Với giá dưa khoảng 8 nghìn đồng/kg, người dân sẽ thu từ 15-16 triệu đồng/sào.

Nông dân trắng tay vì  dưa không ra quả
Nông dân xã Văn Khê (Mê Linh) bên ruộng dưa xanh lá, không quả!

Đối diện với một vụ mùa trắng tay, chị Thắm chỉ còn biết thờ dài ngao ngán: “Mỗi sào, gia đình tôi phải bỏ ra 3 triệu đồng mua giống, phân, thuốc, điện bơm nước. Đó là chưa kể công sức chăm sóc ruộng trong 2 tháng trời. Nếu tôi trồng giống khác, mỗi sào tôi đã có thể thu về khoảng 15 triệu đồng. Mấy ngày nay, tôi phải ra đồng mua dưa của các hộ khác mang về chợ xã bán lại để kiếm tiền cho con ăn học”.

Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Thành, một nông dân cùng mua giống dưa của đại lý nông nghiệp trên địa bàn xã, cho biết, ban đầu cây phát triển tốt, gốc to, lá rộng, sum suê nhưng sau hai tháng vẫn chưa ra quả, chỉ ra hoa, đồng thời tiếp tục đâm nhánh, mọc lá, phát triển chiều cao. Kiểm tra kỹ thì phát hiện có đến 90% là hoa đực. “Chúng tôi được nhân viên công ty giống hướng dẫn cắt tỉa ngọn, phun thuốc kích thích ra quả, hạ thấp cây xuống gần mặt đất nhưng dưa vẫn không cho quả…”, chị Thành bức xúc cho biết.

Ở thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê cũng có hàng chục hộ dân rơi vào hoàn cảnh trồng dưa leo không ra quả. Theo bà Đinh Thị Thơm (chủ đại lý nông nghiệp), vào khoảng tháng 2/2015, một nhân viên Công ty Hai Mũi Tên Đỏ đến đại lý của bà tiếp thị về giống dưa leo HMT356 với lời quảng cáo đây là loại giống mới cho quả to, đẹp, ăn thơm ngọt lại có năng suất cao mà giá cả lại tương đồng như các loại giống khác. Tin tưởng, bà Thơm đã mua giống cây và bán lại cho các hộ nông dân trong vùng.

Cần làm rõ nguyên nhân

Thống kê sơ bộ, tại thôn Văn Quán, người dân gieo trồng khoảng 2 mẫu giống dưa HMT356 nhưng đều bị thất thu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì giống dưa do Cty Hai Mũi Tên Đỏ cung cấp.

Bà Thơm cho biết, ngay sau khi phát hiện việc dưa không cho trái, bà đã nhiều lần liên hệ với nhân viên phát triển thị trường của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ. Lúc đầu họ hứa sẽ xuống tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục nhưng đợi mãi không thấy. Sau đó nhân viên công ty trả lời bà Thơm, rằng lãnh đạo công ty đang đi nước ngoài nên họ không giải quyết được.

Để tìm hiểu vụ việc này, PV đã liên hệ với nhân viên Cty TNHH East - Westseed theo số điện thoại của bà Thơm cung cấp, tuy nhiên số máy này hiện không liên lạc được. Theo quảng cáo trên các bao bì sản phẩm về giống dưa leo F1 HMT356 thì trụ sở của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ ở số 1 VSIP II-A đường 14, KCN Việt Nam-Singapore II-A, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Liên lạc với số điện thoại 06502220233 -112 của Cty Hai Mũi Tên Đỏ tại Bình Dương, người nghe máy, tự giới thiệu tên Diêu Thị Thanh Vinh, nhân viên công ty. Sau khi PV đặt vấn đề muốn liên hệ với lãnh đạo công ty để nắm thông tin về giống dưa leo F1 HMT356, nhân viên này nói lãnh đạo công ty đang đi công tác và sẽ trả lời với PV sau.

Ông Lưu Xuân Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Khê, cho biết, xã có trách nhiệm quy hoạch vùng trồng cây hoa màu còn người dân trồng giống gì, mua ở đại lý nào thì xã không thể quản lý được. Theo quy định, công ty sản xuất giống cây muốn đến xã tiếp thị với nông dân thì phải báo cáo chính quyền xã để phối hợp thực hiện. “Công ty Hai Mũi Tên Đỏ tiếp thị “chui” giống dưa leo qua đại lý mà không thông qua xã để triển khai giống cây mới là sai nguyên tắc. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần làm rõ sự việc trên”, ông Quân đề nghị.

Được biết, năm 2014, nhiều nông dân ở Hải Dương, Hải Phòng sử dụng giống cà chua của một công ty liên doanh với Pháp cung cấp cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khi nhận được phản ánh, Cục Trồng trọt - Bộ NN và PTNT đã phối hợp với Sở NN và PTNT Hải Dương, Hải Phòng xuống tận nơi để kiểm tra. Về sau, công ty cung cấp giống cam kết đền bù một phần thiệt hại cho người dân. Hiện tại, Cục Trồng trọt đã yêu cầu Sở NN và PTNT TP Hà Nội kiểm tra và sớm kết luận những biểu hiện bất thường của giống dưa leo F1 HMT356 do Công ty Hai Mũi Tên Đỏ cung ứng để có phương hướng khắc phục hậu quả cho người dân.

Phước Long

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này