|
Chào đón Xuân Quý Mão 2023, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc trao đổi về những định hướng lớn trong hoạt động công đoàn năm 2023 và những kỳ vọng trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028). |
Phóng viên: Thưa Chủ tịch, Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong thời kỳ đổi mới được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành, khẳng định sự quan tâm của Đảng với tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động. Xin đồng chí cho biết những đánh giá bước đầu sau 1 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW? Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Nghị quyết số 02-NQ/TW là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành - khẳng định sự tin tưởng, trao gửi của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trên quan điểm “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nội dung của Nghị quyết là cơ sở chính trị để Công đoàn Việt Nam đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo cho tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam. |
|
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-BCH tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn sớm hoàn thành việc học tập, quán triệt Nghị quyết với nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết trong toàn hệ thống Công đoàn. Sau 1 năm rưỡi triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW và Chương trình số 02/CTr-BCH, có thể thấy rõ, tư duy, nhận thức về triển khai Nghị quyết đã có nhiều điểm mới. Đó là những nhiệm vụ đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, những nhiệm vụ chưa có tiền lệ thì mạnh dạn thí điểm. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn vừa có trọng tâm, trọng điểm, vừa có tính kế thừa. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được tập trung thực hiện. Trong đó, chú trọng tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để kiến tạo hành hành lang pháp lý bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa. Hoạt động của các cấp Công đoàn hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Quan tâm phát triển các loại hình phúc lợi để đoàn viên, người lao động được thụ hưởng nhiều giá trị của lợi ích từ tổ chức Công đoàn. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, phát triển đoàn viên. Công đoàn các cấp đã tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng cấp tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW. Đến nay, đã có 82/82 Công đoàn các tỉnh, ngành xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các Ban, đơn vị nghiệp vụ được giao chủ trì tiến hành xây dựng 21/35 đề án, chương trình, kế hoạch, trong đó có 6 đề án, chương trình đã hoàn thành, có 15 nội dung đang được xây dựng, hoàn thiện. Đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện, nhiều chỉ tiêu năm 2022 của Chương trình số 02/CTr-BCH đã hoàn thành, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. |
Phóng viên: Năm 2023 là năm về đích - thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ triển khai trong năm 2023? Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam định hướng các cấp Công đoàn cần tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, nỗ lực hoàn thành 11 chỉ tiêu. Trước hết, tập trung tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Hai là, nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); quan tâm tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; triển khai xây dựng các đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2022-2028. |
Ba là, quan tâm tham gia đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chủ động dự báo tình hình để đề ra các giải pháp hoạt động công đoàn phù hợp và đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm, thu nhập, đời sống, bữa ăn ca của người lao động. Bốn là, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện và hỗ trợ cơ sở thực hiện nhiệm vụ; tập trung phát triển đoàn viên, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong công nhân, viên chức, lao động; tuyên truyền để người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập tổ chức người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự. Năm là, tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động tích cực đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác. Phát động các phong trào thi đua, tổ chức thi đua trên các công trình trọng điểm, gắn biển các công trình, phần việc, sản phẩm chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. |
Phóng viên: Năm 2023 được xác định là năm “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”. Chủ tịch có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ này của các cấp Công đoàn? Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Năm 2023 là năm tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 179/KH-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Đây cũng là năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực đổi mới thực chất và hiệu quả mô hình tổ chức và hoạt động, mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động để người lao động tin yêu và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Triển khai chủ đề năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam giao nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể tới từng LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương nhằm phát triển tăng thêm 887.666 đoàn viên công đoàn; thành lập 1.262 Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu 12 triệu đoàn viên theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW. Để thực hiện thành công, các cấp Công đoàn cần dành nguồn lực tương xứng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Chú trọng tuyên truyền, vận động để tăng tỷ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân lao động ở doanh nghiệp đã có Công đoàn cơ sở. Tăng cường rà soát nắm tình hình người lao động ở các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn để có giải pháp tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, tăng tỷ lệ người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn ở khu vực này. Cùng với đó, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở; xác định những nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện nhằm giữ ổn định số đoàn viên đã kết nạp, hạn chế số lượng đoàn viên giảm. Công tác cán bộ là khâu then chốt. Cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ Công đoàn chủ chốt. Trong đó, chú trọng kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, kỹ năng đối thoại, thương lượng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phúc lợi cho người lao động từ đó thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn. |
Phóng viên: Xuân Quý Mão 2023 đã về, đồng chí có nhắn gửi gì tới cán bộ Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng? Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở lớn trong cả nước. Với sự gia tăng của lực lượng lao động trong các thành phần kinh tế, đây vừa là thời cơ, đồng thời cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi các cấp Công đoàn Thủ đô cần đổi mới tổ chức, hoạt động để hoàn thành tốt vai trò đại diện, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ đó thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn. Chương trình công tác năm 2023 vừa được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn quyết nghị với 11 chỉ tiêu và đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp cho các cấp Công đoàn. Cùng với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, công nhân, viên chức, lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô hãy ra sức phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, công tác góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm của tổ chức Công đoàn và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trước mắt, tập trung tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp, Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Trân trọng cảm ơn đồng chí. |
Nội dung: Lan Ngọc
Trình bày: P.T