Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết đã đánh dấu sự thất bại của Pháp ở chiến trường Việt Nam. Qua nhiều ngày đấu tranh, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết. Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10/1954, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản Thành phố. Ngày Giải phóng Thủ đô đã diễn ra như ngày hội, đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hi sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ để "Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng". |
|
70 năm đã trôi qua những dấu tích của chiến tranh, của một Hà Nội xưa cũ, giờ đây phần lớn đã được thay thế bằng hình ảnh một Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng ký ức về ngày tiếp quản rực rỡ cờ hoa, về một Hà Nội hoàn toàn giải phóng thì vẫn còn mãi trong tâm trí của những người chứng kiến thời khắc lịch sử năm ấy. Trò chuyện cùng những người lính thuộc Trung đoàn Thủ đô năm xưa, dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn linh hoạt kể lại chuyện xưa và vẫn vẹn nguyên một niềm tự hào, một tình yêu Hà Nội. Ngày 10/10/1954 đối với nhân dân cả nước là Ngày Giải phóng Thủ đô, còn đối với các chiến sĩ, đó là “Ngày về lịch sử”, “Ngày về” mà bao thanh niên hằng mơ ước suốt chặng đường vạn dặm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Và cuối cùng, “Ngày về” ấy cũng đã đến. Ông Phùng Đệ, Nghệ sĩ ưu tú, người Vệ út năm xưa nhớ lại khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng: “Khi được lệnh rút quân khỏi Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, chúng tôi ai nấy đều buồn, nhớ Hà Nội lắm, chỉ mong chờ đến ngày được trở lại. Trước khi đi, nhiều chiến sĩ đã không cầm được nước mắt, viết lên bức tường dòng chữ “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về”. Cuối cùng ngày mong chờ đó đã đến, ngày 10/10/1954 chúng tôi trở về Hà Nội, được đón tiếp trong rừng cờ hoa rực rỡ với những tiếng reo hò hoan hô của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương, giải phóng Hà Nội. Đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội đi qua các phố để về sân Cột Cờ trong Hoàng Thành Thăng Long. Đoàn người đi tới đâu là rừng cờ hoa vẫy chào, với những tiếng hát xen lẫn tiếng hò reo “Hoan hô các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô”; “Hồ Chủ tịch muôn năm”… Không khí ngày đó thật hào hùng và náo nức. |
Trong sân Cột Cờ các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới, quân y đội ngũ trang nghiêm thẳng tắp, các chiến sĩ trang phục mới tinh. Nhân dân Hà Nội ăn mặc chỉnh tề, trang phục của các cô gái và các em thiếu nhi nhiều màu sắc, tay cầm cờ hoa đứng bao kín phía sau các khối quân đội, trông rực rỡ, đẹp như một vườn hoa khổng lồ của một mùa xuân”. Ký ức ngày trở về tiếp quản Thủ đô năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Dương Niết. 70 năm trước, ông là 1 trong 214 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên về tiếp quản Thủ đô. Theo lời kể của Đại tá Dương Niết, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 28/8/1949, đã trải qua hầu hết các chiến dịch và các trận chiến đấu, giành thắng lợi oanh liệt, được Bác tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Đây là một nhiệm vụ mới đối với Đại đoàn nên Bác căn dặn rất kỹ, những việc cần làm và những việc cần tránh, để hoàn thành tốt nhiêm vụ. Những điều Bác dạy sau này là bài học cho cán bộ, chiến sĩ trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Hành quân về Phù Lỗ, tại đây, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Vì chúng ta với Pháp trao đổi với nhau tại Hội nghị Trung Giã, trước khi Pháp rút, ta phải vào tiếp quản, nhưng Pháp yêu cầu ta không cho bộ đội chủ lực vào, không mang súng trường, không đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên vì 2 tiếng Điện Biên lúc đó là ác mộng đối với sĩ quan và binh lính của Pháp. Đêm 7/10, Đại đoàn 308 về ngay làng Vân ở đầu cầu Đuống, nhân dân vui mừng, phấn khởi ra đón các chiến sĩ. |
|
Sáng 8/10, Đại đoàn 308 ra đến cầu Đuống. Theo thỏa thuận ở Hội nghị Trung Giã, Pháp sẽ đón đoàn ở cầu Đuống. Sau đó, chúng dẫn đoàn lên xe về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3 - 5 người di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai... Nhớ lại ký ức của Ngày Giải phóng Thủ đô cách đây 70 năm, Đại tá Dương Niết xúc động chia sẻ: “5 giờ sáng ngày 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. Rất nhiều khẩu hiệu vải đỏ chữ vàng tràn ngập trên các phố: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về”... 15 giờ chiều ngày 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau nhiều năm xa cách Thủ đô, các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca được trở về, hòa cùng với nhân dân đón mừng ngày chiến thắng, dưới bầu trời tự do, rực rỡ cờ hoa”. |
|
Ở tuổi 93, Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) còn khá khỏe mạnh, tinh anh. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông không giấu được cảm xúc bồi hồi khi nhớ lại những ký ức hào hùng năm xưa, đặc biệt là niềm tự hào khi là một trong những chiến sĩ đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô. Kể về ký ức hào hùng trong ngày tiếp quản Thủ đô, ông Tuệ không giấu được cảm xúc bồi hồi, bởi đó là phút giây thực sự hạnh phúc, thực sự khó quên khi được trở về với Thủ đô thân yêu, trong tâm thế của người chiến thắng. Theo lời kể của ông Tuệ, ngày trở về đặc biệt năm đó, xe của ông là xe thứ ba, đi sau xe của Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng. Xe đi từ Hà Đông vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ và quay về Thành cổ Hoàng Diệu để chào cờ. Ông Tuệ ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động lắm. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy chúc mừng, khiến các chiến sĩ trào dâng cảm xúc…. |
Nhìn lại một chặng đường lịch sử 70 năm qua, kể từ ngày Thủ đô giải phóng, Hà Nội hôm nay đã mang một diện mạo năng động, tươi mới, hiện đại. TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết, Hà Nội ngày nay đạt được những thành tựu, mang tầm vóc vô cùng to lớn, không chỉ về diện tích, mà còn bởi Hà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người. Chính bề dày văn hóa và việc phát triển con người trong hơn 1.000 năm lịch sử là cốt lõi để Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Con người Hà Nội qua các thời kỳ chính là nguồn văn hóa vô tận để xây dựng Thủ đô, chứng minh rằng văn hóa Hà Nội không bao giờ đứt đoạn. Hiện nay, Hà Nội phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố mở rộng hơn, xuất hiện nhiều đường phố mới, khu đô thị mới... Sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ. |
Cùng chung đánh giá ở góc độ văn hóa, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của xã hội, mỗi vùng đất vừa có văn hóa chung của đất nước lại có những nét văn hóa riêng. Hà Nội của chúng ta có vị trí rất đặt biệt, là Thủ đô, là đầu não chính trị, là bộ mặt của một quốc gia, nơi các tổ chức quốc tế đặt trụ sở nơi đây. Hà Nội là một nơi hội tụ nhiều người đến sinh sống, làm việc. Văn hóa không phải là cái gì bất biến, mà nó biến đổi theo thời gian. Nhiều người nói văn hóa ứng xử của Hà Nội xuống cấp, điều đó không thể tránh khỏi, nhưng những cái khác biệt chỉ là một cái nhỏ cá biệt, không đại diện cho văn hóa Hà Nội. “Tôi nghĩ còn rất nhiều điều tốt đẹp. Văn hóa di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, biểu hiện qua cách ứng xử, lối sống, cung cách ứng xử của Hà Nội như một dòng mạch ngầm chảy mãi. Tôi tin mọi sự thay đổi, ngoài thay đổi hướng tiêu cực, phần lớn là tích cực trong ngày hôm nay. Đối với những người từ nơi khác đến Hà Nội làm việc, cần tôn trọng và học hỏi lối sống, cung cách ứng xử của người Hà Nội. Điều này không chỉ giúp họ hòa nhập tốt hơn mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô nhằm viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định. |
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội nhận định, Hà Nội sau 70 năm thực sự đã có sự thay đổi ngoạn mục và được vinh danh với nhiều danh xưng như: Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người… Hà Nội không chỉ có những bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, mà đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Hà Nội thực sự là nơi kết tinh, tỏa sáng giá trị văn hóa của con người Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. “Chúng ta đang tiến tới xây dựng thành phố đáng sống, thành phố hạnh phúc bằng hành động cụ thể với nhiều hoạt động sáng tạo nở rộ trong thời gian qua như: Tuần lễ thời trang quốc tế, lễ hội, phố đi bộ, không gian bích họa.., tạo điều kiện để người dân tham gia sinh hoạt, thể hiện tài năng sáng tạo. Có được như ngày hôm nay là nhờ sự hi sinh của bao thế hệ. Đó là niềm tự hào, là hành trang đáng quý để các bạn trẻ có thêm tình yêu, niềm tin với Hà Nội, để phát huy hơn nữa giá trị của Thủ đô trong thời gian tới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tập trung phát triển Hà Nội trong thời gian tới, với sự tiếp sức của Luật Thủ đô (sửa đổi), là nguyện vọng chung của cả nước, là mong mỏi của người dân cả nước, vì Hà Nội là trái tim, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của đất nước. Luật Thủ đô đã tạo cơ chế vượt trội để Hà Nội chủ động nhiều hơn, có nguồn lực, điều kiện và cơ hội tốt hơn để phát triển. Khi Thủ đô phát triển với cơ chế đặc thù, lúc đó sẽ tạo sức bật mới. Hà Nội có sức bật mới sẽ dẫn dắt các địa phương xung quanh và cả nước phát triển. Hà Nội sẽ tận dụng những cơ hội có được từ Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát huy hết tiềm năng của người dân Thủ đô, từ đó tạo sự bứt phá, là đầu tàu, ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển của cả nước. |
Những câu chuyện, ký ức của các chiến sĩ năm xưa, của thế hệ ông cha đi trước đã giúp thế hệ trẻ càng hiểu hơn về những hi sinh, đóng góp to lớn của cha ông cho nền độc lập nước nhà. Đặc biệt, càng hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty TNHH Canon Việt Nam và là 1 trong 100 Công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân lao động Thủ đô năm 2024”, xúc động chia sẻ: “Tôi tự hào, biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ ông cha đã chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội suốt 70 năm qua. Là một người công nhân lao động tôi cũng rất tự hào về tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân của mình. Trong thời chiến dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng giai cấp công nhân cùng với sự sát cánh của tổ chức Công đoàn đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước văn minh - giàu mạnh với đủ công - nông - tri thức. |
Không chỉ trong chiến tranh, trong giai đoạn sau giải phóng còn bộn bề khó khăn, giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn cũng có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước. Dù ở giai đoạn nào, trong khó khăn nào, các ông, các bác cũng có những sáng kiến, sáng tạo để khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc và tự nhắc mình không bao giờ được lãng quên những hi sinh, những cống hiến của các thế hệ đi trước”. Theo chị Hà, được sống trong thời bình, thế hệ trẻ có điều kiện được học hỏi, làm việc trong môi trường tiên tiến. Tuy nhiên, để Thủ đô và đất nước phát triển hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, thì cá nhân mỗi người càng phải nỗ lực học tập, trau dồi hơn nữa, nhất là phải làm chủ được công nghệ tiên tiến. Trước cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, thời đại công nghệ số, trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải tiếp tục cố gắng phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tay nghề, hoàn thiện bản thân hơn để đáp ứng được những yêu cầu mới về nguồn lực lao động không chỉ về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, sự đa dạng hóa nhằm đáp ứng được kịp thời và lâu dài cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; góp sức xây dựng, phát triển Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hi sinh của các thế hệ ông cha. “Tự hào là thế hệ trẻ, là đoàn viên Công đoàn, là một công nhân lao động, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện nâng cao kiến thức và tay nghề, góp phần xây dựng Thủ đô. Chúng tôi cũng tự hào khẳng định thế hệ trẻ hôm nay nói chung và những người công nhân lao động nói riêng vẫn đang và sẽ tiếp tục hăng say lao động sản xuất; không ngừng học tập, lao động sáng tạo với năng suất chất lượng sản phẩm cao nhất. Điều này đã được minh chứng khi các năm qua, rất nhiều công nhân lao động được nhận các giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế, nhiều công nhân lao động được trao danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô. Những thành quả đó là minh chứng cho thấy, truyền thống, thành quả cách mạng của thế hệ cha ông đã và đang được các thế hệ sau giữ gìn, gây dựng và phát triển xứng đáng”, chị Hà khẳng định. |
Cùng chung niềm tự hào, nhận thấy trách nhiệm to lớn của bản thân cũng như của thế hệ trẻ, chị Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Thanh Trì xúc động bày tỏ: “Là một công dân trẻ sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội anh hùng, mảnh đất văn hiến - văn minh - hiện đại, tôi tràn đầy sự tự hào, biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ ông cha đã chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội suốt 70 năm qua. Giờ đây, Thủ đô Hà Nội đã phát triển mạnh cả về quy mô, tầm vóc, vị trí địa chính trị và kinh tế - xã hội để sánh vai với nhiều thủ đô lớn trên thế giới.
Thế hệ trẻ hôm nay không phải cầm súng ra trận như thế hệ ông cha, nhưng trong mọi chặng đường phát triển mới, trong các phong trào dựng xây đất nước, đều có sự chung tay gánh vác của thanh niên, mà gần đây nhất là đại dịch Covid-19 và phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Điều này là minh chứng cho thấy, truyền thống, thành quả cách mạng của thế hệ ông cha đang được các thế hệ sau giữ gìn, gây dựng và phát triển xứng đáng. Tôi sẽ lan tỏa nhiều thông điệp tốt đẹp hơn tới không chỉ thế hệ trẻ mà với nhiều người trong và ngoài nước để tiếp tục chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô”. |
Nội dung: Nguyễn Hoa | Đồ họa: Quốc Nam |