Multimedia
22/10/2023 21:18
“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

22/10/2023 21:18

Đồng hành với các cấp Công đoàn Thủ đô trong việc triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (gọi tắt là Quỹ Trợ vốn) với chức năng, nhiệm vụ của mình đã chủ động, tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở triển khai các sản phẩm vay vốn đến đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố.
“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Đồng hành với các cấp Công đoàn Thủ đô trong việc triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (gọi tắt là Quỹ Trợ vốn) với chức năng, nhiệm vụ của mình đã chủ động, tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở triển khai các sản phẩm vay vốn đến đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Với nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn, nhiều gia đình đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Công Phúc - đoàn viên Công đoàn xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Đầu năm 2018, thông qua Công đoàn xã Đức Giang, anh Phúc được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn. Với số vốn vay là 20 triệu đồng, anh Phúc đã đầu tư vào mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Hai năm sau, mô hình của anh dần đi vào ổn định và mang lại thu nhập.

Trên đà phát triển, sau khi tất toán khoản vay, với mục đích mở rộng thêm quy mô trồng trọt, chăn nuôi, anh Phúc tiếp tục vay vốn từ Quỹ Trợ vốn với số tiền vay là 30 triệu đồng. Từ số tiền vay mới cùng với tiền lãi những năm trước đó, anh Phúc đầu tư xây thêm chuồng, thả thêm cá, nuôi hàng trăm con gà, ngan, tạo việc làm thêm cho các thành viên trong gia đình. Đến nay, sau hơn 5 năm mở rộng quy mô, diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Phúc rộng gần 3.000 mét vuông, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả.

Chia sẻ về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, anh Phúc cho biết: “Từ khi nhận tiền của Quỹ Trợ vốn, tôi đã hoạch định số tiền rõ ràng, chia thành các khoản nhỏ để đầu tư vào mua con giống. Trong quá trình chăn nuôi, tôi chú trọng chăm sóc cẩn thận để vật nuôi ít bệnh, đến khi xuất chuồng số tiền lãi sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất. Như vậy từ số tiền vốn nhỏ ban đầu nếu biết tính toán sẽ sinh ra được khoản tiền lớn. Bình quân thu nhập thêm của gia đình tôi đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm, thậm chí có năm đạt 60 - 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí”.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Với thành quả gặt hái được, hiện nay, anh Phúc là một đoàn viên tiêu biểu của Công đoàn xã Đức Giang tạo cảm hứng cho nhiều đoàn viên khác vươn lên làm giàu. Nói về ý nghĩa là chỗ dựa cho đoàn viên làm giàu của nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn, anh Phúc xúc động cho biết: “Quỹ Trợ vốn thực sự là điểm tựa giúp những đoàn viên, công nhân lao động còn khó khăn về kinh tế như chúng tôi vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Nếu nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn, đoàn viên cũng tránh tiếp xúc với nguồn vốn không chính thống hay tín dụng đen”.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Chị Vũ Thị Làn - giáo viên Trường Mầm non Đại Thắng (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) cũng là một trong những trường hợp tiêu biểu đã “đổi đời” nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn. Theo chia sẻ của chị Làn, trước đây, hoàn cảnh gia đình chị khá khó khăn, chồng chị đi làm thuê với mức lương dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, còn mức lương của chị là hơn 4 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng nhiều khi không đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Công đoàn Trường Mầm non Đại Thắng và Liên đoàn Lao động huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ để chị được tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi từ Quỹ Trợ vốn. Năm 2022, chị Làn được vay vốn với mức vay là 30 triệu đồng. Số tiền này chính là “đòn bẩy” để vợ chồng chị quyết định vay mượn thêm mở xưởng đồ gỗ tại nhà. Từ đó đến nay, chồng chị không phải đi làm thuê, công việc cũng chủ động hơn và nguồn thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Tháng nào nhiều việc, thu nhập của chồng chị được khoảng 9 - 10 triệu đồng. Cuộc sống gia đình nhờ đó cũng bớt khó khăn hơn.

“Nếu không có nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn thì chắc gia đình tôi đã không mở xưởng đồ gỗ và chúng tôi cũng không có cơ hội để bước sang một trang mới trong cuộc đời. Tôi thực sự biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của Quỹ Trợ vốn các cấp Công đoàn”, chị Vũ Thị Làn xúc động bày tỏ.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Từ nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn, nhiều đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều lao động khác. Tiêu biểu như trường hợp của cô giáo Phan Thị Tú Mai - đoàn viên Công đoàn Trường Mầm non Hoa Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhận thấy nhu cầu sử dụng áo chần bông trên thị trường ngày càng lớn lại sẵn có nghề gia truyền, cô giáo Tú Mai đã quyết định mở xưởng áo chần bông với mong muốn cung cấp cho thị trường những chiếc áo chần bông chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đồng thời tạo thêm việc làm để phát triển kinh tế gia đình.

Cô giáo Tú Mai chia sẻ: “Qua Công đoàn cơ sở và Liên đoàn Lao động quận quận Hoàng Mai, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn với số tiền là 30 triệu đồng, các thủ tục vay và công tác giải ngân được thực hiện rất nhanh gọn. Nhờ nguồn vốn vay này, tôi có điều kiện để duy trì, phát triển xưởng áo chần bông của mình. Đến nay, xưởng đã đi vào hoạt động ổn định, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, xưởng đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho 13 giáo viên trong và ngoài trường, với thu nhập thêm từ 6 - 7 triệu đồng/tháng”.

Những trường hợp trên là minh chứng sống động cho thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn. Nguồn vốn vay này không chỉ góp phần tạo kế sinh nhai bền vững cho đoàn viên, CNVCLĐ mà còn hạn chế tình trạng tín dụng đen và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Chia sẻ về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn của Quỹ trợ vốn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Quỹ Trợ vốn cho biết, Quỹ Trợ vốn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, Quỹ Trợ vốn đã triển khai hiệu quả công tác quản lý nguồn vốn và giải ngân vốn cho đoàn viên, CNVCLĐ nghèo Thủ đô vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện nhà ở, phương tiện đi lại, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn…

Để quản lý tốt nguồn vốn được giao và sử dụng nguồn vốn đúng theo mục đích, tôn chỉ hoạt động, Quỹ trợ vốn đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định và kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đoàn viên, CNVCLĐ bảo đảm an toàn, chính xác, luân chuyển nguồn vốn hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay và thu hồi vốn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Theo thống kê, trong giai đoạn 2018 - 2023, Quỹ Trợ vốn đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định, giải ngân 313,7 tỷ đồng cho hơn 12.500 lượt đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm mới cho hơn 12.700 người. Đặc biệt đã có hơn 3.350 đoàn viên, CNVCLĐ tại 198 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 87 tỷ 730 triệu đồng.

Song song với việc triển khai các sản phẩm vay vốn, Quỹ Trợ vốn còn triển khai hoạt động đầy tính nhân văn, hướng về cộng đồng là thực hiện tiết kiệm bắt buộc, qua đó giúp người vay nâng cao ý thức tiết kiệm cho bản thân và có trách nhiệm với đồng vốn được vay. Hơn thế, còn giúp đoàn viên, người lao động cùng góp sức để có thêm nhiều trường hợp khó khăn như mình được vay vốn.

Ngoài ra, hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân và các dịp sơ kết, tổng kết, Quỹ Trợ vốn đều phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rà soát lựa chọn từ 200 - 250 đoàn viên đang tham gia vay vốn và lựa chọn từ 1 - 2 tập thể Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đang có bảo lãnh tín chấp cho đoàn viên vay vốn để trao sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng với tổng số tiền từ 110 - 250 triệu đồng/năm.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Hoạt động thiết thực, hiệu quả của Quỹ Trợ vốn trong những năm qua đã được lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của cũng như phương pháp làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, thời gian qua, Quỹ Trợ vốn đã làm tốt việc luân chuyển nguồn vốn, triển khai đa dạng các sản phẩm cho vay vốn, kịp thời quan tâm hỗ trợ, đồng hành chia sẻ khó khăn với CNVCLĐ. Hoạt động của Quỹ Trợ vốn đã góp phần cùng tổ chức Công đoàn Thủ đô thực hiện hiệu quả hơn chức năng đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp Công đoàn Thủ đô và sự đồng lòng, đoàn kết, năng động, sáng tạo của tập thể đơn vị, Quỹ Trợ vốn sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả để cùng các cấp Công đoàn thực hiện tốt công tác đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn Thủ đô.

“Tiếp sức” giúp đoàn viên thoát nghèo

Nội dung: Mai Quý - Thiết kế: PT