Với phương châm “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì đời sống, việc làm của người lao động”, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, cống hiến của người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động để đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động, giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất. |
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất” và với mục tiêu đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, cải thiện đời sống người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, nổi bật là phong trào thi đua đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”. Ông Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động năm 1996, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa bằng phong trào thi đua đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”. Gần 3 thập kỷ qua, phong trào thi đua này đã khẳng định hiệu quả thiết thực và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp và được đông đảo CNVCLĐ tham gia hưởng ứng. Phong trào ngày càng có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước. |
Nhiều sáng chế, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị và phương pháp công nghệ của CNVCLĐ được triển khai thực hiện, giúp doanh nghiệp, đơn vị khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh; cải thiện điều kiện môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người lao động, an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đáng chú ý, nội dung, tiêu chí của phong trào được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù của từng khu vực, từ đó có sức lôi cuốn, thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, đạt những hiệu quả thiết thực. Đối với khối hành chính sự nghiệp, phong trào tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân thông qua việc đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. |
Nhiều sáng chế, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị và phương pháp công nghệ của CNVCLĐ được triển khai thực hiện, giúp doanh nghiệp, đơn vị khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh; cải thiện điều kiện môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người lao động, an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đáng chú ý, nội dung, tiêu chí của phong trào được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù của từng khu vực, từ đó có sức lôi cuốn, thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, đạt những hiệu quả thiết thực. Đối với khối hành chính sự nghiệp, phong trào tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân thông qua việc đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực y tế, phong trào hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, “Nâng cao y đức”, “Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ người bệnh” và đẩy mạnh công tác y tế dự phòng. Từ phong trào thi đua, nhiều đơn vị trong ngành đã tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong khám và chữa bệnh tạo được niềm tin với người dân. |
Các đơn vị khối giáo dục tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” gắn với phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với nhiều hình thức thi đua tạo khí thế sôi nổi trong đội ngũ các thầy cô giáo và các em học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô. Điểm nhấn của phong trào thi đua đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” là đã chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng hướng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và công nhân lao động trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. |
Năm 2024, toàn Thành phố đã có 95.523 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận ở cấp cơ sở, 2.086 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 801 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ Công đoàn cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 công nhân lao động đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2024 và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2024. Trong tổng số 801 sáng kiến gửi về LĐLĐ thành phố Hà Nội có 736 sáng kiến tính được giá trị làm lợi hơn 563 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến còn có ý nghĩa tích cực về mặt an sinh xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô. |
Gắn bó với Công ty Cổ phần FECON đến nay đã 11 năm, chứng kiến sự phát triển cũng như hiệu quả thiết thực của phong trào “Sáng kiến cải tiến” tại Công ty, anh Lưu Hoàng Phương (Ban Hạ tầng 1) luôn nỗ lực trong công việc, chủ động tìm tòi, học hỏi để đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc và góp phần vào sự phát triển chung của Công ty. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm anh Phương có 2 sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi cho Công ty. Mới đây nhất, anh Phương cùng đồng nghiệp đã đưa ra sáng kiến cải tiến “Giải pháp trượt máy TBM qua ga S10 và S11 tận dụng một phần hệ trượt giai đoạn lắp máy” và chuẩn bị áp dụng vào quá trình thi công dự án Metro Line 3 - một trong những dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội. Sáng kiến này mang lại giá trị làm lợi cho Công ty hơn 22 tỷ đồng và được LĐLĐ thành phố Hà Nội công nhận là “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2024”. |
Theo anh Phương, mỗi sáng kiến đều bắt nguồn từ thực tiễn triển khai các dự án của Công ty. Trong quá trình thi công, anh cùng các đồng nghiệp luôn chủ động tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tối ưu nhất để có thể đảm bảo công tác thi công đạt tiến độ theo yêu cầu. Một trong những động lực để bản thân anh luôn tích cực đưa ra các sáng kiến cải tiến đó là Công đoàn, Ban Kỹ thuật và Nghiên cứu Phát triển và Ban Lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, động viên cán bộ, công nhân viên phát huy sáng kiến cải tiến thông qua phong trào “Sáng kiến cải tiến”. “Khi cán bộ, công nhân viên có ý tưởng thì Công đoàn và các phòng ban chuyên môn của Công ty đều có sự hỗ trợ rất thiết thực để hiện thực hóa ý tưởng đó thành sáng kiến cải tiến. Đặc biệt, mỗi sáng kiến cải tiến dù lớn hay nhỏ đều được Công đoàn và Ban Lãnh đạo Công ty động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng. Đây là nguồn động viên rất lớn để cán bộ, công nhân viên tiếp tục phát huy sức sáng tạo, góp phần vào sự phát triển chung của Công ty”, anh Phương chia sẻ. |
Hưởng ứng phong trào thi đua đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do Công đoàn phát động, chị Nguyễn Ngọc Hà - nhân viên Công ty TNHH Canon Việt Nam, cùng các đồng nghiệp đã đưa ra những cải tiến về chi phí sản xuất nhằm đưa đến tay khách hàng tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng cao nhất có chi phí thấp nhất, nâng cao thị phần máy in Canon Việt Nam trên thị trường thế giới. Từ thực tiễn sáng kiến sáng tạo của mình, chị Hà đúc rút: “Tôi tin rằng, mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều mang trong mình tiềm năng sáng tạo và khả năng đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung. Điều quan trọng nhất chính là việc chúng ta có được một môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích và tạo điều kiện cho những ý tưởng đổi mới được phát huy. Tôi hi vọng rằng Công đoàn các cấp sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, triển khai nhiều hơn nữa những phong trào thi đua thiết thực, mang tính đổi mới, giúp chúng tôi có thêm nhiều cơ hội để cống hiến, phát triển bản thân và góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước”. |
Trong quá trình làm việc, bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Xuân Vinh - Trưởng Khoa Đẻ thường A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, và đồng nghiệp còn có sáng kiến “Sử dụng xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ”, hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn tại đơn vị. Sáng kiến khi được ứng dụng vào thực tế, giúp tăng hiệu quả cấp cứu chảy máu sau đẻ, giảm tình trạng mất máu và tăng khả năng hồi phục cho sản phụ. Sáng kiến này đã góp phần tạo nên thương hiệu của Khoa nói riêng và xây dựng nền y học của Thủ đô và cả nước ngày càng phát triển hiện đại, chuyên sâu, nâng tầm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, sáng kiến này đã được LĐLĐ thành phố Hà Nội công nhận là “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2024. Vinh dự và tự hào khi sáng kiến của mình và đồng nghiệp được công nhận là “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”, bác sĩ Vinh chia sẻ: “Bản thân tôi đánh giá rất cao các phong trào thi đua do Công đoàn phát động và đặc biệt là sự ghi nhận, khen thưởng kịp thời những gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Đây chính là động lực cho cán bộ, viên chức, người lao động hăng say tìm tòi, phát huy khả năng, vận dụng kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được để cải tiến trong làm việc, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc”. |
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thế giới, vai trò của doanh nghiệp càng trở nên quan trọng. Doanh nghiệp không chỉ là đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn là nơi đảm bảo đời sống, việc làm và phát huy tài năng của người lao động. Nhận thức rõ điều đó, tổ chức Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động yên tâm công tác, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện động cơ máy bay Gas turbine công nghiệp, nghiên cứu và đào tạo hoạt động công nghệ cao, từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines luôn thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và các chính sách nghĩa vụ thuế, tài chính đối với Nhà nước theo quy định. Đặc biệt, Ban lãnh đạo Công ty đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn để triển khai các hoạt động chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi, chế độ phúc lợi cho người lao động. |
Ông Kim Yu Won - Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH Hanwha Aero Engines cho biết, Công ty luôn chú trọng đảm bảo quyền lợi, chế độ phúc lợi cho người lao động thông qua hợp tác với Công đoàn. Cụ thể, Công ty đã thiết lập kênh trao đổi định kỳ với Công đoàn để lắng nghe ý kiến của người lao động và cùng nhau giải quyết vấn đề. Ngoài ra, thông qua việc bàn bạc, thảo luận với Công đoàn, Công ty đã không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn với chế độ phúc lợi xã hội tốt. Bên cạnh việc đảm bảo 100% người lao động được ký hợp đồng lao động; được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; được hưởng phép năm, thưởng quý, thưởng năm, thưởng Tết, đảm bảo các chế độ phúc lợi theo quy định, quy chế... Công ty cũng chủ động xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động. Hiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong Công ty đạt từ 14 - 16 triệu đồng/người/ tháng. Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của An toàn, vệ sinh lao động nên ngoài việc đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ, Công ty đã xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho người lao động nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhờ đó, trong quá trình hoạt động sản xuất không có trường hợp tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng xảy ra, người lao động yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. |
Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội là một trong những doanh nghiệp có lịch sử lâu đời và uy tín trong lĩnh vực công ích, nhận thức rõ người lao động có vai trò quyết định đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Công ty luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn để triển khai các hoạt động chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong Công ty. Từ đó, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của Công ty. Nổi bật như, ngoài việc đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 100% lao động theo quy định của pháp luật, Công ty còn mua bảo hiểm thân thể 24/24h cho công nhân lao động. Hằng năm, 100% lao động được khám sức khỏe định kỳ, công nhân lao động làm công việc nặng nhọc được khám sức khỏe 6 tháng/lần, khám bệnh nghề nghiệp; hằng năm, ngoài chương trình nghỉ mát, Công ty tổ chức cho công nhân lao động có thành tích trong lao động sản xuất đi tham quan học tập trong nước và tại nước ngoài… |
Ban lãnh đạo Công ty luôn tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động và phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong đơn vị, như: Thăm hỏi, trợ cấp các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tham quan, nghỉ mát; duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động xã hội từ thiện. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Công ty đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 27 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; thăm hỏi trợ cấp cho hơn 2.000 lượt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, con công nhân lao động bị khuyết tật vào các dịp lễ, Tết, Tháng Công nhân hàng năm. Thấu hiểu điều kiện làm việc của người lao động vất vả, phân tán, chủ yếu tại hiện trường trong thời tiết khắc nghiệt, Công ty đã triển khai lắp đặt 3 nhà nghỉ lưu động cho công nhân tại các địa bàn quận Ba Đình, quận Nam Từ Liêm, huyện Mỹ Đức với đầy đủ các trang thiết bị như giường, điều hòa, nhà vệ sinh khép kín… tạo điều kiện cho người lao động có chỗ nghỉ an toàn, đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động. Công ty cũng luôn quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, từ năm 2021 đến nay, Công ty đã đầu tư 60 xe cuốn ép vận chuyển rác; 5 xe rửa đường áp lực cao và 1 xe tải 1,5 tấn có bàn nâng để phục vụ thu rác tại hầm các chung cư, cao tầng, nhằm cơ giới hóa, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, Công ty đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động trong quá trình chuyển đổi công việc theo hướng cơ giới hóa. Có thể khẳng định, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang triển khai hiệu quả các giải pháp để khích lệ, động viên đoàn viên, CNVCLĐ phát huy sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, cùng với doanh nghiệp đảm bảo đời sống, việc làm, nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động. Từ đó, giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với tổ chức Công đoàn, làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn./. |
--------------------------------- Nội dung: Mai Quý - Thiết kế: P.Thắng |