Ứng xử thanh lịch, văn minh được coi là nét đẹp của người Hà Nội, là giá trị quý báu của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Xây dựng các di tích văn minh, giàu bản sắc văn hóa, là điểm đến hấp dẫn đang trở thành phong trào trên khắp các địa phương của Hà Nội. Hàng loạt “Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai, cho thấy việc ứng xử văn minh với di tích hình thành và phát huy từ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong cộng đồng. |
Việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích, danh lam đã và đang góp phần thể hiện sự trân trọng với các di sản, đồng thời mang đến diện mạo mới cho những công trình này. Ứng xử thanh lịch, văn minh vốn được coi là nét đẹp của người Hà Nội. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu ca không chỉ mang đến niềm tự hào, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người dân đang sinh sống, làm việc, học tập ở Thủ đô phải luôn có trách nhiệm giữ gìn, định hình văn hóa của người Hà Nội thông qua hành vi ứng xử hàng ngày. Từ năm 2022, thực hiện Kế hoạch số 210-KH/UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội đã chỉ đạo thí điểm mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại 5 di tích của 2 huyện trên địa bàn Thành phố. Cho đến nay, mô hình đã được lan tỏa và nhân rộng trên nhiều quận, huyện, thị xã của Thủ đô. |
Đình Hạ Yên Quyết thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thờ chính 2 vị Cao Sơn Đại vương và Lý Phật Tử. Đình hiện nay ở gần rìa làng Cót, không gian khá rộng rãi, nằm trên gò cao nhìn về hướng Nam. Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994. Xác định việc hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh trong di tích vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng; Hội LHPN quận Cầu Giấy đã xây dựng được mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại di tích đình Hạ Yên Quyết. Đến ngày 29/7/2024, mô hình chính thức hoàn thiện và ra mắt. Ông Quản Xuân Trường - Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đình Hạ Yên Quyết chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn là phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, luôn bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để thực hiện tốt việc quản lý di tích, tổ chức cho nhân dân trên địa bàn và khách thập phương đến thực hành tín ngưỡng đảm bảo các quy định về quản lý di sản văn hóa. Chung tay xây dựng hình ảnh di tích thực sự là di tích lịch sử - văn hóa kiểu mẫu, điểm đến an toàn, hấp dẫn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương”. Cùng với quận Cầu Giấy, quận Bắc Từ Liêm cũng phối hợp với Tiểu ban Quản lý di tích đình Đăm (phường Tây Tựu) thực hiện mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Đình Đăm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa năm 1993. Qua nhiều năm trùng tu, tôn tạo, đình Đăm ngày một khang trang. Đây là điểm di tích thu hút đông đảo du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan chiêm bái. |
Theo bà Lê Thị Yến - Chủ tịch Hội LHPN phường Tây Tựu, ngay từ khi chuẩn bị xây dựng mô hình, Hội đã tích cực phối hợp với Đài Phát thanh phường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tại các cuộc họp, sinh hoạt hội viên; thông qua các nhóm facebook, zalo của hội và chi hội để đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu và thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các đình, chùa và các điểm di tích trên địa bàn phường; chú trọng các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan tại khu di tích. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các du khách khi đến tham quan chiêm bái đình Đăm mặc trang phục phải lịch sự, không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, không đốt vàng mã trong khu di tích, thực hiện các quy định về đảm bảo phòng cháy chữa cháy… Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập Tổ Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử với 25 thành viên và bước đầu đi vào hoạt động. Phân công hội viên trực và hướng dẫn, hỗ trợ du khách tham quan chiêm bái đình Đăm ứng xử văn minh. Hội phụ nữ đã tặng nhà đình 4 thùng đựng rác dung tích 60 lít có bánh xe để đặt tại khuôn viên trong đình nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ phường phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ địa phương trong trang phục áo dài truyền thống khi đón tiếp khách du lịch; khi tham gia lễ hội, các ngày kỵ nhật… tại khu di tích; đồng thời tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ tại lễ hội Bơi Đăm nhằm giới thiệu, quảng bá về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích đình Đăm. |
Hội còn phối hợp với các hội đoàn thể và Tiểu ban Quản lý di tích đình Đăm tổ chức tổng vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác quanh khu vực di tích trong các dịp lễ, Tết; đặc biệt là trong dịp diễn ra lễ hội truyền thống vào tháng 3 âm lịch. Cán bộ hội viên phụ nữ, phật tử thường xuyên chăm sóc các bồn, chậu hoa cây cảnh cũng như quét dọn vệ sinh trong khuôn viên đình tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, tôn lên vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của di tích lịch sử. Để tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp của di tích, ông Đỗ Đắc Thiện - Phó Tiểu ban Quản lý di tích đình Đăm khẳng định sẽ tiếp tục vận động nhân dân thực hiện tốt một số nội dung như tuyên truyền, niêm yết các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng tại di tích, các tiêu chí mô hình tại khu vực trung tâm di tích; bảo vệ cảnh quan môi trường. Khu di tích đền Bà Chúa (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá năm 2002. Qua nhiều năm trùng tu, tôn tạo, ngôi chùa ngày một khang trang, tố hảo. Đây là điểm di tích thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài địa phương đến tham quan, chiêm bái. Góp phần xây dựng điểm di tích - văn hóa ngày một khang trang, kiểu mẫu, không thể không kể tới vai trò của các cán bộ, hội viên phụ nữ quận Bắc Từ Liêm. Bà Hoàng Thị Anh Thơ - Chủ tịch Hội LHPN phường Liên Mạc cho biết, từ khi thực hiện mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại di tích đền Bà Chúa, hội viên phụ nữ và phật tử nữ thuộc Hội LHPN phường được phân công đảm nhiệm công việc lễ tân, đón tiếp các đại biểu, du khách thập phương về chiêm bái và dâng lễ. Hội phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức tổng vệ sinh môi trường, dọn cỏ rác quanh khu vực di tích đền Bà Chúa và đoạn đường vào khu di tích; tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, tôn lên vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của ngôi đền. Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN phường Liên Mạc Hoàng Thị Anh Thơ, thời gian tới, để mô hình tiếp tục duy trì hiệu quả, Hội LHPN phường đề xuất Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho thành viên “Tổ phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” kỹ năng thuyết trình, giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hoá của di tích để phục vụ đón tiếp các đoàn tham quan; tiếp tục nhân rộng tại các điểm di tích trên địa bàn phường để góp phần thực hiện thành công hơn nữa Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Để khu di tích thêm sạch đẹp, các Hội tiếp tục kêu gọi, động viên nhân dân, chỉnh trang các khu vực quanh khu di tích, tạo cảnh quan khuôn viên môi trường xanh, sạch, đẹp, để di tích là điểm đến ấn tượng, du khách có thể check-in, chụp ảnh… Từ năm 2023 đến nay, khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm) mỗi năm đón tiếp hàng nghìn lượt khách tới tham quan, làm lễ, đặc biệt là các chuyến tham quan về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử của học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều đó đã khẳng định thêm những thay đổi trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ... Hội LHPN xã Dương Xá được Hội LHPN huyện Gia Lâm chọn là nơi thực hiện điểm mô hình “Danh lam thắng cảnh/ Di tích lịch sử kiểu mẫu” với không gian thực hiện là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan gồm chùa Linh Nhân Tư Phúc, đền thờ Bà Tấm, điện Sơn Trang và khu vực tượng đài Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình báo cáo lãnh đạo địa phương; sau đó triển khai chi tiết và cụ thể từng bước theo các tiêu chí để thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Bà Phùng Thị Yến - Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Xá cho biết: “Hội LHPN xã đã thực hiện rất tốt vai trò của mình trong việc giới thiệu, quảng bá những giá trị tốt đẹp của khu di tích và tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp. Hiện nay, Hội cũng đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm là cán bộ, hội viên phụ nữ, số lượng hiện tại là 5 người. Các chị sẽ thay nhau thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn viên cho các đoàn khách khi đến tham quan, chiêm bái khu di tích”. Để thực hiện tốt mô hình, bà Phùng Thị Yến chia sẻ kinh nghiệm: “Việc đầu tiên là xây dựng kế hoạch chi tiết, nêu rõ các hoạt động cụ thể sẽ thực hiện trong năm tại khu di tích, kế hoạch cần phải xác định rõ lộ trình thực hiện, cách thức thực hiện. Để làm được việc này thì quá trình khảo sát phải thực hiện rất nghiêm túc, phải đề xuất với Hội LHPN huyện để thực hiện việc xin ý kiến, trao đổi với các phòng, ban chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện, cơ quan chính là Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích. “Khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan là di tích cấp quốc gia nên tất cả những nội dung, hoạt động dự kiến làm đều phải được xin ý kiến, thống nhất rất chặt chẽ, nghiêm túc đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ vẽ tranh tường bao quanh khu di tích, vị trí trồng cây, trồng hoa đúng theo quy hoạch bảo tồn di tích, vị trí đặt thùng phân loại rác sao cho đảm bảo mỹ quan, việc xây dựng các sản phẩm truyền thông sao cho đúng với những tài liệu lịch sử chính thống... Khi xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm cũng cần bám sát Chương trình công tác hội và phong trào phụ nữ để lựa chọn những hoạt động phù hợp để tổ chức tại khu di tích. Ví dụ như các hoạt động tôn vinh nét đẹp áo dài, các chương trình triển lãm ảnh nghệ thuật; thời điểm tổ chức các hoạt động cũng phải phù hợp như nhân dịp tổ chức lễ hội hay nhân dịp các sự kiện chính trị, trọng đại của địa phương... Sau khi đã xây dựng được kế hoạch chi tiết thì thực hiện việc triển khai kế hoạch tới các tổ chức, cá nhân liên quan, phân công nhiệm vụ rõ ràng, rõ trách nhiệm và tiến độ thời gian. Kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh, cần thiết thì phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, của các phòng, ban, ngành liên quan. |
Quá trình tổ chức thực hiện cũng cần quan tâm đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung những hoạt động mới, phù hợp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tốt. Chú ý phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tổ chức thực hiện”, Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Xá chia sẻ. Bà Yến cũng nhấn mạnh, các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng nói chung và mô hình “Danh lam thắng cảnh/ Di tích lịch sử kiểu mẫu” nói riêng phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, có mô hình, phần việc cụ thể hướng đến các nhóm, đối tượng phụ nữ cần ưu tiên. |
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích với 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Nổi tiếng với nhiều di tích danh thắng. Tuy nhiên, cái đẹp đó chưa thể trọn vẹn khi ở đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại bởi những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khách tham quan như việc viết, vẽ, khắc bậy lên di tích; ăn mặc hở hang, không phù hợp khi đến các di tích có tính tôn nghiêm như đình, chùa; văng tục chửi bậy; sẵn sàng gây gổ đánh nhau; chen lấn, không xếp hàng; xả rác bừa bãi tại các điểm tham quan, du lịch… Các hành vi này không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của các di tích, cảnh đẹp, gây lãng phí tài sản văn hóa quý giá. Với di sản được kiến tạo tự nhiên, hành vi phá hoại của con người mang lại hậu quả vô cùng nặng nề, vì khả năng hồi phục nguyên trạng cho di sản là rất khó, hoặc không thể. Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở. |
Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” được Hội LHPN Hà Nội phát động từ năm 2018 và đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trong các cấp Hội Phụ nữ Thành phố. Thông qua việc thực hiện Cuộc vận động, phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, nhiều cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến đã được nhân rộng, có sức lan tỏa cao, tạo nên những chuyển biến tích cực của hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh; trong đó có mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được Hội LHPN Hà Nội triển khai thí điểm tại một số địa điểm như: Khu di tích đền - chùa Bà Tấm, đền Gióng, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm); khu di tích đền Sóc và tượng đài Thánh Gióng (Sóc Sơn); đền Cổ Loa (Đông Anh); đền Nội Bình Đà (Thanh Oai). Tuy nhiên, sự lan tỏa của mô hình đã tạo hiệu ứng tích cực tới các cấp hội phụ nữ. Nhiều đơn vị, các cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai, ra mắt mô hình tại địa bàn như chùa Hưng Long, chùa Linh Quang (Thanh Trì); chùa Hưng Phúc (Hoài Đức); đền thờ Tô Hiến Thành, chùa Đôi Hồi (Đan Phượng),… Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được trên 30 “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Một số các hội, chi hội còn thành lập các Câu lạc bộ tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa địa phương như Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch; các “Tổ phụ nữ nòng cốt tuyên truyền về Quy tắc ứng xử tại di tích lịch sử”; “Điểm hỗ trợ trang phục phù hợp cho khách tham quan di tích,… thu hút nhiều hội viên trẻ tham gia, góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa truyền thống, biến giá trị văn hóa thành động lực cho phát triển du lịch, văn hóa của địa phương... Để nâng cao ý thức của người dân, các hội, chi hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích đình, đền, chùa và các điểm di tích trên địa bàn xã; triển khai vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích. |
Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện tại di tích; trang phục phù hợp, không tạo dáng phản cảm để quay phim, chụp ảnh; giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định; tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Đặc biệt, không khắc, vẽ lên tường, tượng hay công trình kiến trúc; không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan; không chèo kéo, bám theo du khách… Nhờ đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn, du khách thập phương, học sinh về tham quan, trải nghiệm tại khu di tích, lan tỏa hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đồng thời làm thay đổi diện mạo của di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Chuyên gia văn hóa Phùng Hoàng Anh cho rằng, lịch sử là sự bất biến, những di tích chính là chứng tích một thời người xưa đã lưu kí. Vì vậy, cần tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ý thức văn hóa, lối sống văn minh, biết trân trọng gìn giữ bảo vệ các công trình văn hóa. Những hành vi xâm hại, kể cả viết, vẽ, chạm, khắc... lên di tích phải được xử lý nghiêm khắc. Việc đưa Quy tắc ứng xử vào triển khai trong các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố sẽ tạo thêm động lực xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nét đẹp văn hóa, thói quen tuân thủ những quy định về bảo vệ, gìn giữ, phát huy, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng. Đây cũng là giải pháp hiệu quả thu hút nhiều hơn nữa du khách thập phương đến với các điểm đến di tích. |
Bên cạnh việc làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân cũng như du khách trong văn hóa ứng xử, việc triển khai Quy tắc ứng xử trong các di tích cũng là cách trân trọng, giữ gìn di sản đến muôn đời sau. Có thể thấy, bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng đưa ra khuyến cáo ứng xử tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: Giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống; chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự; đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung… Sự chuyển biến này không tự nhiên có, mà nó là cả quá trình tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, các địa phương cũng như những người quản lý di tích. Điều đó cũng góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản cho bền vững với thời gian. Hà Nội là địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và là nơi đi đầu cả nước trong việc dành nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh việc quan tâm đến cảnh quan di tích, việc hình thành nếp văn hóa ứng xử văn minh sẽ góp phần tạo thêm môi trường văn hóa giàu bản sắc cho di tích trên địa bàn thành phố. Các di tích là một phần của lịch sử và văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Di tích kết tinh những giá trị từ quá khứ, là thông điệp của thế hệ cha ông về tinh thần dân tộc, văn hóa, tín ngưỡng. Ứng xử với di tích là ứng xử với truyền thống và với chính bản thân mình. Thông qua di tích, người hiện tại biết được phần nào đời sống văn hoá của tổ tiên, hiểu được tâm hồn, suy nghĩ, lối sống của cha ông, từ đó có trách nhiệm kế thừa, duy trì, bảo tồn, không chỉ làm giàu cho văn hóa đương đại mà còn trao truyền dành cho thế hệ mai sau. |
Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Đức Hà |