Multimedia
10/02/2024 00:49
Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

10/02/2024 00:49

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu. Dự án Luật được các đại biểu đánh giá cao, thống nhất cần thiết ban hành Luật cũng như quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu.
Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu. Dự án Luật được các đại biểu đánh giá cao, thống nhất cần thiết ban hành Luật cũng như quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu.
Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

Có thể nói, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Nói về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, xây dựng Luật Thủ đô không phải là cho riêng Hà Nội mà thực chất là cho cả nước, theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước và cả nước vì Hà Nội, cùng Hà Nội”. Thực chất, đây là một đạo luật về cơ chế đặc thù, một đạo luật về phân quyền, giao quyền, phân cấp.

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27/11.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhìn nhận, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đầu tư rất nhiều công sức cho dự án Luật, khởi động từ khi xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố. Cơ quan trình là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra đã làm việc với nhau từ rất sớm và đầu tư rất nhiều công sức.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, xác định Thủ đô là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ bởi vì quy mô kinh tế của Thành phố ngày càng lớn, tính chất kinh tế của Thủ đô cũng khác trước. Hà Nội cũng được xác định là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt, là trái tim của cả nước, là tất cả những gì tinh túy nhất: Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố vì hòa bình, thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO…

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

Luật Thủ đô hiện hành có nhiều quy định mang tính chất khung nên tác động mang tính đột phá đối với sự phát triển của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, dự thảo Luật lần này tăng thêm 3 Chương, 27 Điều so với Luật hiện hành, vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt nhưng đồng thời lại vừa có tính đặc thù, riêng có của Thủ đô.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Chính vì thế, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Nhiều nội dung trong Luật Thủ đô năm 2012 còn bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tiễn, một số nội dung nếu thực hiện thì không đúng quy định vì chưa có cơ chế. Trong đó, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội. Do đó, những quy định mang tính đặc thù như trong dự thảo Luật là hợp lý…

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

Qua hai phiên thảo luận tại tổ và hội trường, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được hàng trăm ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, góp ý. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc trên cơ sở đánh giá các kết quả thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua và đã xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới, cũng như đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW.

Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhìn nhận, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là hình ảnh đại diện vị thế quốc gia, là hình mẫu dẫn dắt và lan tỏa phát triển đất nước. Vì vậy, Luật Thủ đô phải đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài. Phải quy định được vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của cả nước. Ba yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể, mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển.

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười sáu.

Tranh luận với các ý kiến không đồng thuận về một số nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết, từ thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh, ông thấy những nội dung trong dự thảo Luật rất phù hợp. Theo đại biểu, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não, chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, là trái tim cả nước; là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các đoàn quốc tế, các nguyên thủ quốc gia.

Do đó, việc phân cấp ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa rất là cần thiết. Tuy nhiên, với tình yêu Hà Nội, Thủ đô mến yêu của ta, ông mong lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế, tập trung bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống người Hà Nội, đặc biệt là các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ…

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

Nói về tầm quan trọng của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội tại huyện Sóc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Việc sửa đổi Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho hay, Luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu, “khai sinh” ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô hiện hành sẽ là cơ sở giúp bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các bộ, ngành
thăm quan sa bàn Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Cho rằng yếu tố con người có vai trò vô cùng quan trọng, mang tính quyết định, nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng cơ chế, chính sách để “hút” nhân tài cống hiến cho Thủ đô. Dành toàn bộ nội dung góp ý của mình cho vấn đề trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là nội dung đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra. Thực tế cho thấy, các nước đã vượt qua các bẫy thu nhập trung bình thành công và trở thành các nước phát triển, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... và gần đây là Trung Quốc, họ rất ít khi dựa vào tài nguyên và chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá và phát triển.

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi và chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm khi họ còn đang là học sinh, sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường. Vì vậy, nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.

Bên cạnh đó, xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở như mua, thuê, thuê mua, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ, con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc. Cân nhắc chính sách thử nghiệm cho phép chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm của mình tại các nước phát triển, các cơ sở nghiên cứu uy tín cao, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới có thể được phép nắm giữ các vị trí lãnh đạo điều hành tại các tổ chức, đơn vị dự án, đề án nghiên cứu thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công…

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”

Thủ đô Hà Nội được xem là trái tim của cả nước, Hà Nội phát triển vững mạnh sẽ tạo sự lan tỏa, dẫn dắt, thúc đẩy với các vùng kinh tế khác. Để có được hành lang pháp lý thật sự đặc thù, vượt trội, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc hiện tại nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại…dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được chung tay xây dựng với tinh thần “cả nước cùng Hà Nội, vì Hà Nội”.

Một mùa xuân mới lại về, mùa của cây cối đâm chồi, sinh sôi kết trái mang theo biết bao hy vọng vào năm mới tốt lành. Hòa vào thắng lợi chung của cả nước, phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2023, bước sang năm mới 2024, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), hy vọng sẽ tạo ra trang mới để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, cụ thể: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng ngang GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Tạo cơ chế mở để Thủ đô “hóa rồng”
Nội dung: Phương Thảo | Đồ họa: Đức Hà