Multimedia
05/05/2023 17:30
Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

05/05/2023 17:30

Một sáng tháng tư, tôi cùng các thành viên đoàn công tác của thành phố Hà Nội có mặt tại cầu tàu cảng Cam Ranh. Đây là lần đầu được ra thăm Trường Sa nên tôi rất háo hức. Ngay trước mắt là tàu KN-490. Tôi đứng lặng nhìn con tàu, cảm xúc dâng trào trong sâu thẳm của người sắp vượt trùng khơi để đến với biển đảo quê hương yêu dấu và thiêng liêng. Phía trước có bao điều tuyệt diệu đang chờ đợi…
Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Có được nghe, được chứng kiến những câu chuyện cảm động ở một nơi thiêng liêng của Tổ quốc mới cảm nhận sâu sắc về nghĩa đồng bào, tình quân dân; có đi qua các vùng biển đảo quê hương mới cảm nhận rõ hơn bản hùng ca bất tử của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc!

Một sáng tháng tư, tôi cùng các thành viên đoàn công tác của thành phố Hà Nội có mặt tại cầu tàu cảng Cam Ranh. Đây là lần đầu được ra thăm Trường Sa nên tôi rất háo hức. Ngay trước mắt là tàu KN-490, con tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã từng đưa rất nhiều bà con từ đất liền đến với Trường Sa. Tôi đứng lặng nhìn con tàu, cảm xúc dâng trào trong sâu thẳm của người sắp vượt trùng khơi để đến với biển đảo quê hương yêu dấu và thiêng liêng. Phía trước có bao điều tuyệt diệu đang chờ đợi…

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Sau hơn một ngày rời đất liền, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là đảo Song Tử Tây, hòn đảo nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa, cách Cảng Cam Ranh 308 hải lý. Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; diện tích chỉ vỏn vẹn 1,3km2, nhưng là một hòn đảo nổi cao nhất trong quần đảo Trường Sa (từ 4-6m so với mặt nước biển) và là một hòn đảo đẹp. Nhìn từ tàu, đảo như một khu vườn xanh mát giữa đại dương…

Lối vào đảo đi qua một âu tàu rộng, đã được cải tạo đê bao kín gió, có khả năng chứa được hàng trăm tàu cá neo đậu. Đón đoàn công tác ở cầu tàu, Trung tá Mai Huy Dũng, bộ đội phòng không trên đảo, chia sẻ: Song Tử Tây bây giờ đã thay da đổi thịt rất nhiều, sau trận bão lớn cuối năm 2021, quân và dân trên đảo đã trồng mới được nhiều cây xanh, chỉnh trang lại các dãy nhà ở và xây dựng thêm nhiều công trình dân sinh. Giao thông trên đảo được bê tông hóa rất thuận lợi.

Sau những cái ôm, cái bắt tay chào hỏi ở bến tàu, chúng tôi tiến vào đảo trên con đường mới làm còn vương những mảnh san hô trắng, hai bên là những gốc dừa bé xíu đang nhú lên. Nhưng chỉ qua một đoạn ngắn, con đường đầy nắng chói chang đã đưa chúng tôi vào một “ốc đảo xanh” rợp bóng cây hoa lá. Các lối đi được bê tông hóa, như những mạch máu chạy khắp đảo. Đúng như lời Trung tá Huy Dũng: “Đảo trông nhỏ vậy, mà đi hết cũng mỏi chân lắm”.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Ở Song Tử Tây, cùng với các đơn vị quân đội còn có các gia đình đang sinh sống. Bằng những nỗ lực gây dựng, đến nay đảo đã có trường học, bệnh xá, nhà văn hóa khang trang; có sân bóng đá rất rộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Trên đảo còn có một ngôi chùa đẹp chẳng khác gì ở đất liền, phục vụ đời sống văn hóa cho bà con và chiến sĩ.

Ngoài các thiết chế văn hóa thì ở Song Tử Tây còn có trạm hải đăng, trạm khí tượng thủy văn, trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dầu và nước ngọt cho tàu cá của ngư dân; có trạm thu phát sóng FM, và tín hiệu vệ tinh để xem tivi, nghe đài... Trải qua bao khó khăn, quân và dân đảo Song Tử Tây phát huy lợi thế sẵn có, cùng với những trợ giúp thường xuyên, liên tục từ đất liền, họ đã cùng nhau xây dựng được môi trường sống mới.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…
Những con đường trên đảo Song Tử Tây rợp bóng cây, hoa lá

Chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng anh Sầm Văn Thắng và chị Bùi Thị Mai. Anh chị cho biết, ra đảo được gần 5 năm, ban đầu còn có chút e ngại về điều kiện sống, nhưng rồi cũng rất nhanh đã bắt nhịp, hòa cùng với cuộc sống trên đảo. Những thứ trước đây là nỗi ám ảnh như thiếu nước ngọt, thiếu điện thì nay không còn phải lo nữa. Đảo có nguồn năng lượng từ điện gió và pin mặt trời, nguồn nước tích trữ đủ dùng không chỉ sinh hoạt mà còn phục vụ tăng gia sản xuất. Thời tiết khắc nghiệt, nhưng quân dân trên đảo tự trồng rau xanh, chăn nuôi. Chị Mai còn hồ hởi mời khách những trái dưa tự trồng như để minh chứng cho lời giới thiệu của mình.

Ngoài ra, theo Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, quân và dân xã đảo còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển quản lý; hỗ trợ tàu cá tránh trú bão an toàn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm; khám bệnh, cấp thuốc, cấp cứu, hiến máu cho ngư dân...

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Đại tá Đào Văn Nhận, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, từng là Chỉ huy phó đảo Đá Lớn D và Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây B những năm 1995-1998, chia sẻ: “28 năm trước, tôi lần đầu ra Trường Sa, thấy cuộc sống của người lính đảo khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng thiếu vật chất đã đành rồi. Cái lớn hơn là sự khao khát những âm thanh, hơi thở từ đất liền. Ngày đó, chưa có sóng điện thoại, cũng chẳng có ti vi, người lính đảo mong chờ những bức thư, những tiếng nói cười, lời ca tiếng hát. Mỗi lần biết tin có đoàn đất liền ra thăm là trông ngóng từng cái chấm đen trên biển, để rồi vỡ òa cảm xúc khi thấy con tàu hiện ra trước mắt. Bây giờ trở lại Trường Sa, thấy xúc động trước sự đổi thay của cuộc sống nơi đây. Mọi thứ từ ăn ở, sinh hoạt, không gian đều đã khác. Đó là kết quả sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với biển đảo Tổ quốc. Sự quan tâm ấy sẽ làm cho các chiến sỹ vững tâm hơn, chắc tay súng hơn…”.

Nhịp sống mới, bình yên ở Song Tử Tây hôm nay như khẳng định, dẫu cách muôn trùng hải lý, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia của nhân dân cả nước thì Trường Sa luôn không xa, ở nơi ấy sức sống vẫn tuôn trào mãnh liệt, đảo tiền tiêu vẫn luôn kiên trung, vững vàng, góp phần gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…
Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Trong hành trình của đoàn công tác thành phố Hà Nội lần này có 2 điểm là những đảo chìm, gồm Đá Thị và Đá Đông B, cùng một nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Nếu như đặt chân lên các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn… cho ta cảm xúc tự hào, yêu thương, thì đến các đảo chìm và nhà giàn sẽ khiến ta cuộn dâng lòng yêu nước mãnh liệt, sự cảm phục đến tột độ trước lòng dũng cảm, ý chí sắt đá kiên cường của những con người ngày đêm bám biển; giữa phong ba, bão tố, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc…

Ở Trường Sa, có những đảo hoặc điểm đảo được hình thành từ những bãi san hô hoặc bãi đá bồi đắp, khi nước triều lên, toàn bộ mặt đảo sẽ bị chìm trong nước, vì thế mà được gọi là đảo chìm. Ai đã từng đi qua các đảo chìm sẽ cảm nhận đầy đủ những khó khăn, gian nan đến nhường nào, và cả sự kiên cường của những người chiến sĩ công tác trên đảo.

Sáng sớm, khi mặt trời vừa nhô khỏi biển, chúng tôi rời tàu KN-490 để đi xuồng vào đảo Đá Thị. Đây là một trong những đảo xa nhất trong số các đảo tại huyện Trường Sa, chỉ sau đảo Tiên Nữ. Chính bởi thế, Đá Thị có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ một đảo chìm, Đá Thị hiện nay đang là một điểm đảo bao gồm một khu nhà ở lâu bền và một nhà văn hóa đa năng do thành phố Hà Nội xây tặng.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Trong nắng sớm, những cơn sóng dập dềnh vỗ bờ đảo ì oạp dường như làm cho không gian cuộc hội ngộ quân, dân thêm sâu lắng. Chúng tôi gặp trên đảo là những gương mặt chiến sĩ còn rất trẻ, hầu hết đều mới ra đảo được vài tháng, nhưng có lẽ nắng gió Trường Sa đã làm cho họ thêm rắn rỏi hơn. Dù vậy, trên gương mặt họ vẫn còn đâu đó một nỗi nhớ nhung quê hương phảng phất trong ánh mắt, nụ cười... Người tôi gặp đầu tiên trước cuộc làm việc của lãnh đạo đoàn là chiến sĩ Nguyễn Anh Tú, quê ở Phú Yên. Anh Tú còn bẽn lẽn khi nhận những lá thư, những tờ báo do đoàn công tác mang từ đất liền ra. Tú cho biết, sống giữa mênh mông biển nước thì nỗi nhớ nhà thường trực là điều hiển nhiên. Nhưng cũng như các đồng đội khác trên đảo, trên hết, các anh vẫn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, phải luôn vững vàng, kiên trung bám biển, bám chốt, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống.

Tinh thần ấy chúng tôi cũng thấy được với các chiến sĩ trên đảo Đá Đông B, cũng là một hòn đảo chìm tiền tiêu, nơi đoàn công tác ra thăm và khởi công xây dựng một nhà văn hóa đa năng. Chẳng bao lâu nữa, sẽ có thêm một địa điểm sinh hoạt văn hóa giữa biển khơi Tổ quốc; các chiến sĩ cũng như ngư dân có thêm điều kiện cải thiện đời sống tinh thần, thêm nơi tránh trú bão gió. Song sau những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới cũng như khu vực biển Đông gần đây thì ở nơi đầu sóng ngọn gió này, những chiến sĩ Trường Sa chưa thể cho mình những giây phút thảnh thơi trọn vẹn. Các anh vẫn phải cảnh giác cao độ, sẵn sàng hơn bao giờ hết.

Đại úy Nguyễn Thái Mạnh, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Đông B cho biết, các anh phải luôn đặt mình trong tâm thế chủ động; bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ điểm đảo còn phối hợp với các điểm đảo còn lại bảo đảm an toàn cho toàn tuyến hàng hải thuộc phạm vi đảo; thực hiện cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ hậu cần cho ngư dân...

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Ai đó đã nói vui “chiến sĩ đảo chìm, nhà giàn khổ quen rồi, chịu sóng gió quen rồi, có khi sướng không chịu được”. Thật vậy, có được tận mắt thấy mới thấu hiểu, mới đủ cảm thông chia sẻ.

Sáng sớm 26/4, đoàn chúng tôi dừng tàu cách nhà giàn DK1/8 Quế Đường chừng vài trăm mét. Những chiếc xuồng nhỏ được hạ xuống để đưa các đại biểu vào thăm các chiến sĩ. Nhưng gió to, sóng lớn đã không cho đoàn tiếp cận được với nhà giàn. Đích thân Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tiếp cận gần nhất với chân nhà giàn để thị sát, và ông đã phải ra quyết định quay về tàu, giao lưu với cán bộ chiến sĩ qua hệ thống bộ đàm.

Vậy là dù khoảng cách rất gần mà ngỡ đâu lại rất xa. Dù đã vất vả vượt qua hàng trăm hải lý để mang tình yêu thương từ đất liền ra với các anh mà lại chẳng thể nhìn nhau, chẳng thể trao cho nhau những ánh mắt, những cái ôm nồng thắm. Hàng trăm con người đã lặng đi, đã khóc; những giọt nước mắt xúc động và những tiếng nấc nghẹn ngào, day dứt… khi nghe Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8, thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn nói qua điện đàm: “Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nguyện luôn sẵn sàng chiến đấu, không để bất ngờ trước mọi tình huống; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nhà báo Văn Ngọc Thủy, Báo Hànộimới, xúc động gửi tới các chiến sĩ nhà giàn DK1/8 bài thơ chị vừa mới viết trong khoảnh khắc chứng kiến cuộc giao lưu xúc động. Qua lời thơ, gửi gắm tình cảm đến những chiến sĩ đang ngày đêm vượt qua gian nan, anh dũng kiên cường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thân mình vì sự bình yên của Tổ quốc.

Đó cũng là lời hứa và mệnh lệnh trái tim mà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn gửi về đất liền. Lời hứa ấy cũng đã làm thắt lại những trái tim từ đất liền. Như lời nghệ sỹ nhiếp ảnh Xuân Chính chia sẻ sau giây phút chia tay nghẹn lòng ấy: Thương các anh, càng trân trọng những gian nan và sự hy sinh cao cả của các anh cho bình yên của Tổ quốc.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…
Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Hôm tàu hành trình ra đảo Đá Đông B, trên boong tàu tôi gặp anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Anh Thành đã 11 lần ra với biển đảo Trường Sa. Qua câu chuyện với anh, tôi tình cờ được biết, ngay trên con tàu KN-490 chúng tôi đang đi, cũng có những người con của các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988…

Buổi tối, trong bữa cơm cùng đoàn trên boong tàu, may mắn tôi lại được gặp cùng lúc cả hai người mà anh Thành nhắc đến. Đó là Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, con trai của Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong; và anh Nguyễn Hồ Hải, người con rể của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương. Cha các anh là những người đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân hiện là Trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân. Chính niềm tự hào về người cha, về những thế hệ cha anh khiến Xuân theo học tại Học viện Hải quân và gắn bó với biển đảo, với Trường Sa. Còn anh Hải hiện đang làm nhiệm vụ trên tàu Kiểm ngư KN-467.

Qua câu chuyện ngắn với các anh trong bữa ăn, tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, tình yêu biển đảo mà các anh tiếp nhận từ thế hệ đi trước, để rồi sẽ tiếp tục chuyển tiếp và lan tỏa. Khi biết được thông tin về sự có mặt của các thân nhân liệt sỹ trên tàu, đồng chí Nguyễn Quang Đức, Trưởng đoàn công tác đã thăm hỏi, gửi quà đến gia đình các liệt sỹ, thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến các anh hùng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Và cũng như những con tàu khác khi đi qua vùng biển Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin, tàu KN-490 cũng đã dừng lại làm nghi thức tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi đây.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Trước đó, chiều hôm đoàn ghé thăm đảo Sinh Tồn Đông, cũng đã được chứng kiến một câu chuyện cảm động, chất chứa trọn vẹn tình quân dân, nghĩa đồng bào, cũng như tinh thần hy sinh của người chiến sĩ. Đó câu chuyện của gia đình Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông. Trung tá Hợp quê ở Hà Tĩnh, có hai con bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng đó cũng chưa phải là niềm đau lớn duy nhất của anh, bởi cũng chỉ vài ngày trước, vợ anh ở nhà vừa trải qua ca phẫu thuật tim. Vậy nhưng, anh vẫn tình nguyện xin ra đảo công tác, đến nay đã được một năm.

Khi biết được thông tin về hoàn cảnh của Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu (nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sáng lập) đã lập tức tổ chức vận động, quyên góp nhằm hỗ trợ anh Hợp về kinh phí ca mổ cho vợ. Trong chuyến thăm Trường Sa lần này, chính những người thực hiện quyên góp cũng không thể ngờ rằng họ lại được gặp trực tiếp Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, một cuộc gặp không hẹn trước, đầy xúc động giữa biển khơi mênh mông.

Chứng kiến những giây phút gặp gỡ đầy xúc động ấy, cảm phục trước tinh thần vì Tổ quốc của người chiến sĩ hải quân, đồng chí Nguyễn Quang Đức, Trưởng đoàn công tác cũng đã trao quà và động viên Trung tá Hợp vững tâm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cái ôm thật chặt của đồng chí Trưởng đoàn công tác lên bờ vai người lính đảo như lời nhắn nhủ, gửi gắm tình cảm sâu nặng, niềm tin yêu của nhân dân Thủ đô vào các chiến sĩ nơi đầu sóng.

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Có được nghe, được chứng kiến những câu chuyện cảm động ở một nơi thiêng liêng của Tổ quốc mới cảm nhận sâu sắc về nghĩa đồng bào, tình quân dân; có đi qua các vùng biển đảo quê hương mới cảm nhận rõ hơn bản hùng ca bất tử của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Buổi trưa cuối cùng của chuyến công tác, trước khi về tới đất liền, trên con tàu KN-490, bất chợt tôi nghe như vẳng lại tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa Lớn, nhìn qua ô cửa là một màu trời xanh biếc, màu của bình yên và hy vọng…

Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến

Ta lại về phố thị thân thương

Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp

Và riêng, chung bao chuyện vui buồn...

(thơ “Thao thức Trường Sa” , tác giả Nguyễn Thế kỷ)

Tản mạn Trường Sa - Đi qua đảo nổi, đảo chìm…

Nội dung: Nữ Quỳnh
Thiết kế: Đức Hà