Multimedia
19/11/2024 23:01
Quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên

19/11/2024 23:01

Cùng với việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vị thành niên, Công an thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh. Những hoạt động này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về thượng tôn pháp luật mà còn góp phần “ngăn ngừa” từ sớm, từ xa nhận thức sai lệnh do bị lôi kéo hoặc ảnh hưởng mạng xã hội dẫn đến sai phạm ngay từ nhà trường.
Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Cùng với việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vị thành niên, Công an thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em học sinh. Những hoạt động này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về thượng tôn pháp luật mà còn góp phần “ngăn ngừa” từ sớm, từ xa nhận thức sai lệnh do bị lôi kéo hoặc ảnh hưởng mạng xã hội dẫn đến sai phạm ngay từ nhà trường.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên
Quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên

Theo Ban Pháp chế (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội), trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn.

Số liệu thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, trong 6 năm (từ 2018 đến hết 2023) đã phát hiện 858 vụ, 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chiếm 3,4% tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra.

Theo đánh giá của Công an thành phố Hà Nội, thực trạng tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên tăng lên cả về số vụ và số lượng đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội; thể hiện qua con số năm 2018 phát hiện 100 vụ, 204 đối tượng đến năm 2023 phát hiện 231 vụ, 1309 đối tượng (tăng 642% so với năm 2018).

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Bên cạnh đó, sự gia tăng về mức độ phức tạp, liên quan đến quy mô, hình thức của các tội danh. Các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Trong số 858 vụ, 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật thì các loại tội phạm chủ yếu là: Giết người (19 vụ, 55 đối tượng), cướp tài sản (107 vụ, 302 đối tượng), cưỡng đoạt tài sản (8 vụ, 17 đối tượng), cướp giật tài sản (41 vụ, 87 đối tượng)…

Qua đánh giá, phân loại cho thấy tình hình gia tăng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong số 3.150 đối tượng vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi thì đã bỏ học là 1.278 đối tượng (40,6%); còn lại là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường (59,6%).

Đáng chú ý thời gian gần đây tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm (gồm cả học sinh) thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích..., thậm chí còn mang theo hung khí (dao kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu...) để giải quyết mâu thuẫn (gọi là tội phạm đường phố) diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây racác vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích... gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ cô gái 27 tuổi bị nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy đi với tốc độ cao tông tử vong, xảy ra vào rạng sáng 3/11. Theo đó, khoảng 0h15 ngày 3/11, chị Q. (27 tuổi, trú tại Hà Nội) điều khiển xe máy dừng tại nút giao đèn tín hiệu Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Lúc này đoàn xe máy do nhóm thanh thiếu niên (khoảng 20-30 xe) di chuyển với tốc độ cao, bấm còi inh ỏi theo chiều ngược lại. Bất ngờ, chị Q. bị Nguyễn Hồng N. (sinh năm 2005, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe máy chở theo Nguyễn Phương A. (sinh năm 2005, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) tông trúng.

Chưa dừng lại đó, chị Q. tiếp tục bị xe của Nguyễn Tá Minh K. (sinh năm 2008, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) đi phía sau N. tông vào. Hậu quả, chị Q. văng ra xa, tử vong tại chỗ, còn nhóm thanh thiếu niên rời khỏi hiện trường. Sau khi gây tai nạn, Phương A. điều khiển xe máy chở N. và K. đi 2 xe máy rời khỏi hiện trường.

Trước đó, trong tháng 8/2024, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã bắt giữ một nhóm thanh thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ chỉ từ 14 - 18 tuổi, nhưng có hành vi manh động là chặn đánh và chặt biển số xe máy của người đi đường. Đến khi bị bắt giữ, nhóm thanh niên này đã gây ra gần 10 vụ việc tại khu vực ngoại thành Hà Nội.

Theo điều tra ban đầu, các đối tượng này đã bàn bạc, lập thành nhóm đi xe máy, cầm hung khí, đi trên các tuyến đường thuộc các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Khi thấy ai đi đường “không vừa mắt”, nhóm này sẽ chặn đánh và sau đó chặt biển số xe của nạn nhân để thị uy.

Từ ngày 15 - 17/8, nhóm này đã thực hiện 6 vụ việc tương tự. Qua quá trình xác minh, lực lượng chức năng đã tạm giữ hình sự 8 đối tượng độ tuổi từ 14 - 18 để làm rõ hành vi cướp tài sản, một đối tượng về hành vi che giấu tội phạm. Thu giữ tang vật là nhiều vũ khí như dao, kiếm, tuýp sắt và gần 20 biển số xe máy bị nhóm này cướp được.

Quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Trung - Phó Đội trưởng, Đội Điều tra về trật tự xã hội, Công an huyện Hoài Đức, chia sẻ: “Chúng tôi cảnh báo người dân có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên, không giao phương tiện cho các cháu khi chưa đủ tuổi tham gia giao thông. Thứ hai là quản lý về thời gian, giờ giấc, tuyên truyền giáo dục các cháu tuân thủ pháp luật”.

Theo Công an Thành phố, ngoài những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm hình sự nói chung, còn có những đặc điểm riêng như: Lứa tuổi, đặc trưng về tâm sinh lý... và những nguyên nhân xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Về nguyên nhân xuất phát từ nhà trường và xã hội, Công an thành phố Hà Nội nhận định, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên liên tục; công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất hợp lý (ví dụ như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, dẫn đến các em bị thất học, không có việc làm, bị bọn xấu lôi kéo).

Ngoài ra do môi trường xã hội; sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là các trang mạng Facebook, Zalo, Instagram..., nhiều trò chơi game, phim, ảnh không lành mạnh, có tính chất đồi trụy, bạo lực, kích động… phát triển bùng nổ, thiếu kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em vị thành niên.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có tới 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Các tội danh chủ yếu là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; trộm cắp tài sản và gây rối trật tự công cộng.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên
Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội đã được các cấp, các ngành quan tâm; chỉ đạo xây dựng, tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch, và bước đầu có những kết quả tích cực, góp phần ngăn chặn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Các ban, ngành, đoàn thể các địa phương đã phối hợp đẩy mạnh thực hiện, xây dựng, nhân rộng các phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm như: “Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo”, “Thôn tự quản chống lây lan ma túy”, “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, “Mái trường thân thiện, không có ma túy”, “Tổ phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội”..., qua đó góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố.

Các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đã tích cực phối hợp với các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, cung cấp sân chơi bổ ích cho trẻ em; qua đó lồng ghép giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật cho trẻ em. Công an các địa phương đã phối hợp với ngành giáo dục, các nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự đến các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trong đó, nổi bật là Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện 8 mô hình về quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật tại các địa phương. Điển hình, tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) với mô hình “Phát động toàn dân tham gia giúp đỡ, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng”; phường Quang Trung (quận Hà Đông) với mô hình “An ninh học đường”; xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai với mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật”; thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức với mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật”…

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Ngay tại các khu dân cư, việc tuyên truyền, giáo dục đến thanh, thiếu niên cũng được triển khai hiệu quả. Ông Trần Văn Triệu - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư số 6 (phường Phương Mai, quận Đống Đa) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn khu dân cư, việc thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gần như không có. Để đạt được hiệu quả đó, khu dân cư đã phối hợp với tổ dân phố, chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện địa bàn, đặc điểm từng nhóm đối tượng…

“Từ đó, đã kịp thời, nhanh chóng truyền tải nhiều kiến thức, quy định, những điều luật đến từng gia đình, từng thanh thiếu niên. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn trong việc chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, ông Triệu cho biết.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, để chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo chuyên đề cho cán bộ, nhân dân với các hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực để chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ em vị thành niên; chú trọng hơn nữa tới việc quản lý, giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình và nhà trường; tạo môi trường thuận lợi cho trẻ vị thành niên phát triển lành mạnh, hoàn thiện nhân cách.

Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý xã hội, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em; tăng cường quản lý trên không gian mạng; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các luồng văn hóa phẩm, sách báo, các loại băng hình có nội dung không lành mạnh; kiểm soát, tiến tới nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em tại các khu vực gần trường học, khu vui chơi giải trí của trẻ em.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Cần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Tổ dân phố... để có khả năng giải quyết các tình huống ngay từ cơ sở; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại đến quyền; làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm trong từng hộ gia đình.

Các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong.

Công an Thành phố và quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Thành phố xuống cơ sở để phát huy hiệu quả cao trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật ở trẻ em vị thành niên. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em... để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả các mô hình quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó lấy phòng ngừa xã hội là cơ bản. Tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ công khai để tiến hành phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em vị thành niên phạm tội.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, về quản lý nhà nước, chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến trẻ vị thành niên khá đầy đủ và đồng bộ, nhưng một số điều khoản còn thiếu tính răn đe, nội dung có phần còn chồng chéo, dẫn đến việc áp dụng chưa thật sự hiệu quả.

Theo bà An, việc ngăn chặn nguy cơ và hạn chế sự gia tăng của tội phạm vị thành niên là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể, cũng như là trách nhiệm của toàn xã hội. “Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tránh chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan; tăng cường quản lý với các nền tảng số nhằm cảnh báo, gỡ bỏ các nội dung bạo lực, phản văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Cần tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, từng bước đẩy mạnh sự đa dạng và chất lượng của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt nền tảng gia đình vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu”, bà An nhấn mạnh.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên
Chủ động ngăn ngừa tội phạm vị thành niên
Nội dung: Kim Tiến | Đồ họa: Đức Hà | Ảnh: Minh Phương