Multimedia
22/10/2020 16:46
Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

22/10/2020 16:46

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, làm thay đổi sâu sắc thế giới. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng máy móc tự động hoá và rô-bốt vào các công việc truyền thống, có tính chu kỳ sẽ dẫn tới việc cắt giảm lao động. Để có thể cạnh tranh và phát triển, người lao động phải trau dồi kỹ năng và thích ứng với sự thay đổi.
Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0
Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vốn là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động.

Đây cũng chính là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Đồng thời nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Theo như nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế, dự kiến sẽ có khoảng 800 triệu nhân công trên toàn thế giới mất việc làm vì robot và tự động hóa vào năm 2030, tương đương 1/5 lực lượng lao động toàn cầu hiện nay. Bản chất của cuộc cách mạng này là đưa trí tuệ nhân tạo – những cỗ máy thông minh vào các dây chuyền sản xuất để thay thế cho con người. Và khi điều đó xảy ra, nhiều công nhân lao động đang trực tiếp đứng máy sẽ bị thay thế bởi các cỗ máy dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Đối với Việt Nam, từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn lạc hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất khi đối diện với cuộc cạnh mạng 4.0.

Nói về những cơ hội và thách thức của người lao động trước cuộc cách mạng 4.0 mang lại, ông Đào Ngọc Phượng – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ để nước ta đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

“Việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của người lao động cho việc ứng dụng cuộc cách mạng 4.0 là rất quan trọng giúp tăng cường năng lực hội nhập quốc tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đối với doanh nghiệp”, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội chia sẻ.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0
Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Cũng theo ông Đào Ngọc Phượng, việc tạo ra nhiều cơ hội trong nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh chuỗi sản phẩm; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, Internet...là những thuận lợi căn bản và là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, do sự lạc hậu về công nghệ, sự suy giảm giá trị sản xuất kinh doanh, tình trạng dư thừa lao động phổ thông, lao động thiếu kĩ năng, trình độ thấp, thị trường lao động công nghệ cũ có thể bị phá vỡ, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp hoặc ít sẽ bị đào thải và cơ cấu của nền kinh tế có nguy cơ thay đổi theo hướng tiêu cực.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào áp dụng tốt đúng nhịp sẽ có cơ hội phát triển và bắt nhịp được nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp nào không đổi mới, qui mô hẹp, bị tụt hậu khả năng cao bị loại khỏi thị trường”, ông Phượng chia sẻ.

Bên cạnh đó, để biến những thách thức thành cơ hội, theo ông Phượng, người lao động sẽ cần những kỹ năng mới để có thể tìm được cơ hội việc làm. Những kỹ năng cần thiết cho người lao động để sẵn sàng tham gia cuộc Cách mạng 4.0 sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Theo ông Đào Ngọc Phượng, để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, người lao động cần xác định rõ năng lực sở trường của mình và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Người lao động cần có được các kỹ năng phù hợp với những công việc mới và luôn thay đổi; linh hoạt hơn, chuẩn bị cho các tình huống việc làm “phi tiêu chuẩn”. Đặc biệt, để chiến thắng trong cuộc chạy đua với quá trình tự động hóa và vi tính hóa, người lao động cần làm chủ được các “kỹ năng sáng tạo và kỹ năng xã hội”.

Lấy ví dụ thực tế, ngành da giầy Việt Nam có vị trí cao trên thị trường thế giới, đứng thứ ba thế giới về sản xuất và thứ hai thế giới về xuất khẩu. Năm 2019, ngành da giầy cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động. Sản xuất da giầy là một trong các ngành công nghiệp chiếm nhiều lao động phổ thông nhưng chủ yếu áp dụng công nghệ thấp, máy móc có công nghệ đã lạc hậu, cũ kỹ năng suất lao động thấp.

Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội chuyên sản xuất về giầy dép nội địa và xuất khẩu do vậy lực lượng lao động phổ thông là chủ yếu, số lượng lao động đông. Đặc biệt, người lao động không quen môi trường công việc công nghiệp, quen tự do; sự chấp hành, nhận thức tuân thủ kỷ luật lao động còn hạn chế; việc tiếp cận với máy móc thiết bị công nghiệp kém…

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Để người lao động thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công ty đã chủ động áp dụng máy móc thiết bị đơn giản, dễ học, dễ vận hành, phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ nhân viên hiểu về công nghiệp 4.0 là gì; mở các khóa đào tạo công nhân nhận thức cách nhìn nhận về xu thế phát triển công nghiệp; đưa máy móc thiết bị một số công đoạn vào sản xuất; bố trí sản xuất hợp lý, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kĩ sư sáng chế, biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm 4.0 thực tế...

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, bà Trương Hải Yến – Chủ tịch Công đoàn công ty cho rằng, trong xu thế khi đất nước ngày càng tham gia sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ thì đó cũng tạo ra nhiều cơ hội để công ty phát triển lên một tầm cao mới. Công ty tập trung phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tin học, cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả công tác sản xuất.

Trong đó, ứng dụng khoa học – công nghệ vào điều hành và sản xuất được đặc biệt chú trọng. Công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển Trung tâm điều hành giám sát Hệ thống thoát nước thành Trung tâm điều hành phòng, chống ngập úng.

Trong thời gian qua, Trung tâm điều hành phòng, chống ngập úng đã phục vụ đắc lực trong điều hành giải quyết thoát nước mùa mưa bão, chia sẻ dữ liệu cảnh báo tới người dân khi ngập úng; việc số hóa và xây dựng phần mềm đo mực nước sông, hồ theo thời gian thực; tiếp tục thực hiện kiểm tra trong lòng cống các tuyến phố bằng camera.

Công ty cũng đã đăng ký thực hiện Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Thành phố để xử lý mỡ thải từ thiết bị tách dầu mỡ với Sở Khoa học & Công nghệ; các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá bản đồ mạng lưới hệ thống thoát nước; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, tăng năng suất, giảm lao động thủ công và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trên 10 tỷ đồng...

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Bà Trương Hải Yến chia sẻ, để giữ vững sự ổn định, phát triển trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0, công ty sẽ tích cực xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030 phù hợp với sự thay đổi mô hình hoạt động và xu thế biến động của nền kinh tế thị trường. Không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường.

Tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa sản xuất, từng bước giảm dần tỷ lệ lao động thủ công. Xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc được hình thành bởi 3 giá trị cốt lõi: “Con người – Năng động - Sáng tạo – Đoàn kết, Chuyên nghiệp - Hiệu quả”.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Như đã nói ở trên, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các nhóm lao động đều bị tác động, đặc biệt là các nhóm lao động yếu thế như tuổi cao, trình độ kỹ năng thấp… Điều này dẫn tới việc làm có thể mất đi nhưng cũng có thể mở ra cơ hội khi nhiều lĩnh vực mới được mở ra. Do vậy, rất nhiều chuyên gia đã khuyến cao, ngay từ bây giờ, lực lượng trẻ chuẩn bị tham gia thị trường lao động, ngoài kiến thức trên nhà trường, cần trang bị những kỹ năng cần thiết để đón đầu xu thế và cơ hội việc làm tốt nhất trong tương lai.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Bên cạnh đó, mới đây, Việt Nam đã xác định mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để thực hiện mục tiêu này, cũng như nhanh chóng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì một trong những nhiệm vụ then chốt là “xây dựng và phát huy nguồn lực con người”.

Trên thực tế, từ trước đến nay, việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực luôn được Việt Nam quan tâm. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”. Gần đây, trong các văn bản quy phạm của Đảng, Nhà nước cũng như các bộ, ban, ngành… chủ trương về nguồn nhân lực đã được cụ thể hóa. Có thể thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo và tư duy đột phá của Đảng ta.

Tuy nhiên, việc phát huy nhiệm vụ này đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ trên nhiều phương diện như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, chính sách phát triển thị trường lao động, điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư...

Theo các chuyên gia, việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người thì khâu đầu tiên và quan trọng nằm ở giáo dục. Do vậy, các cơ sở giáo dục và đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy, đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0, liên kết đào tạo những lĩnh vực mà xã hội, doanh nghiệp cần, nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi.

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Nội dung: Kim Tiến – Minh Phương

Trình bày: P.Thắng