Multimedia
24/11/2023 14:09
Phát huy vai trò giám sát để "tăng tốc" các dự án giao thông

24/11/2023 14:09

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”, thời gian qua Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, qua đó bám sát các vấn đề được dư luận quan tâm. Riêng ở lĩnh vực giao thông, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố lại càng cấp thiết và quan trọng khi Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng Thủ đô. Việc phát huy vai trò giám sát, thúc đẩy xử lý các “điểm nóng” trong lĩnh vực giao thông vận tải trực tiếp góp phần giúp giao thông Thủ đô đồng bộ và tăng tính kết nối.
Phát huy vai trò giám sát để "tăng tốc" các dự án giao thông

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”, thời gian qua Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, qua đó bám sát các vấn đề được dư luận quan tâm. Riêng ở lĩnh vực giao thông, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố lại càng cấp thiết và quan trọng khi Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng Thủ đô. Việc phát huy vai trò giám sát, thúc đẩy xử lý các “điểm nóng” trong lĩnh vực giao thông vận tải trực tiếp góp phần giúp giao thông Thủ đô đồng bộ và tăng tính kết nối.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và mục tiêu xây dựng Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị là thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; đến năm 2030, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; đến năm 2045, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…

Trước những mục tiêu và yêu câu bức thiết đặt ra, bộ mặt giao thông Hà Nội đã có sự “chuyển mình” đáng kể. Giao thông vận tải Thủ đô ngày càng đồng bộ, hiện đại và khang trang.

Nhận định về sự phát triển giao thông Thủ đô thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Phạm Quí Tiên cho biết: Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng, có quá trình phát triển hàng ngàn năm, tính từ hòa bình lập lại (1954). Đến nay, qua 4 lần điều chỉnh địa giới với biến động về dân số, 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng, trong đó, định hướng về giao thông vận tải, luôn là những thách thức với phát triển, với quản lý nói chung và giao thông nói riêng.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Đáng chú ý, xác định rõ tầm quan trọng của giao thông đối với việc phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại”. Trong đó có mục tiêu rất rõ ràng, quyết liệt đối với lĩnh vực giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Kế thừa nội dung về phát triển đô thị của Chương trình số 06-CTr/TU, tại Kỳ họp khóa XVII, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Với công tác này, về phía HĐND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày một phát triển. Cụ thể, đó là Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố cũng ban hành nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo, đôn đốc để triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền. Trên cơ sở các Chương trình công tác của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND, Quyết định và chỉ đạo của UBND Thành phố nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông khung đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Hạ tầng giao thông khung với các trục hướng tâm, vành đai, khai thác không gian trên cao, không gian ngầm cho phát triển hệ thống giao thông đô thị đã được đầu tư xây dựng mới và cải tạo nhiều nút giao thông trọng điểm từ giao bằng, 2 tầng lên 3 - 4 tầng; Hà Nội cũng đã xây dựng đường trên cao toàn tuyến đường Vành đai 3 phía bờ Nam sông Hồng, đường trên cao dọc theo đường Vành đai 2 từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.

Đặc biệt, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội cũng đang tích cực triển khai các dự án xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 3.5, cải tạo mở rộng theo quy hoạch các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, xây dựng đường gom đô thị dọc theo các tuyến cao tốc, quốc lộ.

Theo tìm hiểu, tính riêng trong năm 2023, Ban Đô thị HĐND Thành phố cũng đã thẩm tra, trình HĐND Thành phố chấp thuận và điều chỉnh chủ trương 54 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dự án đường sắt đô thị, dự kiến kỳ họp thứ 13 HĐND Thành phố vào cuối tháng 9 này là 18 dự án.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Ngoài ra, ở góc nhìn rộng hơn có thể thấy, một trong những điểm nhấn quan trọng của Chương trình số 03-CTr/TU, đó là: Hà Nội bước đầu đã triển khai hiệu quả một số dự án, công trình trọng điểm, nhất là những dự án chậm nhiều năm, như: hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đường Vành đai 2 trên cao; khởi công và triển khai các dự án: Cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai…

“Có thể thấy Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các sở, ngành, các cấp chính quyền cũng đã rất quyết tâm, dành nhiều nỗ lực cho việc phát triển hệ thống giao thông đô thị, công tác tổ chức giao thông, công tác quản lý giao thông trên địa bàn Thành phố, từng bước giải quyết những tồn tại, bức xúc về giao thông trên địa bàn Thành phố”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên nhận định.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Mặc dù được sự quan tâm của Trung ương, Thành phố, của các cấp, các ngành nhưng hệ thống giao thông, công tác quản lý giao thông đô thị của thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, việc ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ…

Đặc biệt, theo HĐND thành phố Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết và chưa đạt hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến về ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được chú trọng và thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị trong việc đầu tư và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả nên trong công tác thi công còn gặp nhiều khó khăn, chồng chéo.

Qua các buổi kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, HĐND Thành phố cũng ghi nhận một thực trạng là hiện nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, sự gia tăng dân số cơ học và tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông; pháp luật và cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến chưa huy động tối đa các nguồn vốn, khó khăn trong quản lý và tổ chức thực hiện.

Đối với các công trình ngầm hiện còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế. Pháp luật hiện hành về đất đai, đầu tư cũng thiếu các quy định cụ thể về việc giao đất, cho thuê đất, giá tiền sử dụng đất của không gian ngầm để đầu tư xây dựng công trình ngầm…

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Việc triển khai hai Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải còn chậm, kết quả chưa rõ nét.

Chỉ ra những hạn chế của giao thông Thủ đô, ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm III, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận định, hạ tầng giao thông Hà Nội đang quá tải trầm trọng, nhất là các tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, vành đai, các cầu vượt sông Hồng.

Minh chứng dễ thấy, hiện cầu Thanh Trì đang gánh 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Cầu Vĩnh Tuy là 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần lưu lượng thiết kế. Ngoài ra, một số tuyến giao thông hướng tâm như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 - 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.

Chưa hết, tại nút Ngã Tư Sở, khi thông xe Vành đai 2 trên cao, phương tiện cả trên cao và dưới thấp cùng tập trung tại Ngã Tư Sở rồi đi ra đường Láng. Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều; lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Ông Đỗ Xuân Trường cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà giao thông Thủ đô đnag phải đối mặt đó là những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng cầu qua sông Hồng, đường giao thông nói chung và các nút giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn lực. Đặc biệt, hiện một số đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Việc phát triển hệ thống giao thông công cộng kém xa so với mục tiêu trong quy hoạch.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng giao thông Hà Nội hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, hiện mạng lưới giao thông chưa phát triển tương ứng với phát triển đô thị. Với gia tăng dân số, với vai trò thủ đô, động lực phát triển vùng, tỷ lệ đất dành cho giao thông (với hệ thống đường bộ với giao thông tĩnh) còn thấp. Để thực hiện định hướng với tỷ lệ 20 - 25% đất tự nhiên vẫn là thách thức lớn.

Ngoài ra, vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, để đạt được chỉ tiêu thí dụ 30 - 35% nhu cầu đi lại (2020) trong đô thị trung tâm và 50 - 55% vào 2030 đòi hỏi phải có nhiều mô hình đa dạng, liên kết đồng bộ và cơ chế chính sách thuận lợi.

Cơ cấu phương tiện giao thông cùng với gia tăng dân số vượt dự báo đang là áp lực lớn vào giao thông, do vậy Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần phải có nghiên cứu lựa chọn cơ cấu phương tiện giao thông hợp lý, hạn chế phương tiện cá nhân. Từ đó xác định giải pháp quản lý hợp lý, khoa học để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, đến đời sống nhân dân và không gây áp lực cho đô thị.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Ở góc nhìn cơ quan giám sát tại địa phương, ông Hoàng Ngọc Sáu - Phó Chủ tịch HĐND quận Ba Đình chia sẻ, Ba Đình là địa bàn trung tâm chính trị, hành chính của Thủ đô Hà Nội và cả nước, nơi tập trung nhiều cơ quan trung ương, nhiều mục tiêu trọng điểm, cơ quan ngoại giao, các di tích lịch sử, văn hóa, nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, ngoại giao, thể thao quan trọng.

Với diện tích 9,29km2, tuy nhiên Ba Đình có 93 tuyến phố với diện tích khoảng 333.663m2 hè, 685 ngõ; có 228 cơ quan, 28 đại sứ quán, 230 tòa chung cư, 64 trường học, 21 bệnh viện, trung tâm y tế, 7 chợ.

Phó Chủ tịch HĐND quận Ba Đình cũng nêu ra thực trạng, hiện một trong những vấn đề nan giải mà quận đang phải đối mặt đó là vấn đề thiếu diện tích trông giữ phương tiện. Ngoài ra, hiện người dân vẫn có tâm lý sử dụng phương tiện giao thông cá nhân nên tình trạng ùn tắc vẫn là vấn đề nan giải.

Cũng là một trong những “quận lõi” của Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà cho biết, quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, các khu đô thị mới, chung cư cao tầng liên tục được xây dựng và đưa vào hoạt động. Qua thống kê, toàn quận có 108 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng bao gồm 83 tòa nhà chung cư thương mại; 24 tòa nhà chung cư tái định cư, 1 tòa nhà ở xã hội (không bao gồm 219 tòa nhà chung cư cũ).

Dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại đang dần hiện hữu với sự hình thành của khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, các toà nhà cao tầng và hàng loạt các khu chung cư cao cấp như: Hapulico, Imperia garden, Golden Land, Starcity Lê Văn Lương, Golden West, Artemis… và đặc biệt là Tổ hợp Royal City tại số 72A Nguyễn Trãi, được ví như một “thành phố châu Âu” thu nhỏ…

Ngoài ra, trên địa bàn quận có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, 8 trường đại học, cao đẳng, 5 trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề và nhiều nhà máy, xí nghiệp...

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng có 68 tuyến phố có tên, hơn 900 tuyến ngõ, ngách đường giao thông đã cơ bản được nhựa hoá và bê tông hoá; các tuyến đường trục chính xuyên tâm, như: Nguyễn Trãi (có tuyến đường sắt đô thị trên cao); Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, Trường Chinh (có đường cầu vượt trên cao), Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn (tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thành phố), Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Vũ Trọng Phụng; 2 hầm chui Nguyễn Trãi và Tố Hữu - Lê Văn Lương; các tuyến đường hai bên dọc Sông Tô Lịch, sông Lừ, Sông Sét; 4 cây cầu bắc qua sông Tô Lịch…

Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân nêu thực trạng mà quận Thanh Xuân đang phải đối mặt là tốc độ đô thị hóa nhanh, tốc độ tăng trưởng số lượng phương tiện giao thông hàng năm tăng cao; kết cấu hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ khép kín theo quy hoạch, chưa đáp ứng được nhu cầu; mật độ dân cư cao; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp gia tăng xe cá nhân; tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng thấp, chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố nói chung và địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng.

“Tại quận Thanh Xuân, đa phần các tuyến phố vỉa hè còn nhỏ hẹp dưới 3m và đặc biệt 17 tuyến phố hầu như không có vỉa hè nên khó khăn cho việc sắp xếp nơi để phương tiện. Các công trình dự án giao thông (dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…) thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường; các tuyến đường chính có nhiều giao cắt với các tuyến phố, ngõ gây xung đột giao thông dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông… nhất là ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm tại các tuyến đường, phố chính như: Tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, đường Lê Văn Lương. Cử tri Thanh Xuân mong muốn các ngành khi triển khai dự án thì nên lựa chọn thời điểm phù hợp. Có thể làm trong dịp hè để lượng học sinh sinh viên giảm tải. Việc thực hiện dự án cũng vì thế ít ảnh hưởng tới lưu lượng giao thông”, bà Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô
Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Bàn về những giải pháp nhằm đảm bảo cho sự phát triển giao thông Thủ đô được đồng bộ, ông Hoàng Ngọc Sáu - Phó Chủ tịch HĐND quận Ba Đình cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chọn một trong hai khâu đột phá đó là: Thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, trật tự văn minh đô thị, xây dựng quận Ba Đình “Sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại”.

Quận ủy Ba Đình đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt quận; chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn quận nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Thường trực HĐND, các Ban của HĐND quận, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề, chất vấn, Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề công tác duy trì bền vững các tuyến phố theo tiêu chí “Văn minh đô thị” trên địa bàn quận; tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND quận về công tác quản lý trật tự đô thị.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

UBND quận, Ban Chỉ đạo 197 quận Ba Đình thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo 197 từ quận tới phường, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ đến từng thành viên. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an từ quận tới phường chịu trách nhiệm chính về kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý.

Tại quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà cho biết, với quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về: “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”; các Nghị quyết của HĐND, kế hoạch triển khai thực hiện của UBND Thành phố; thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2020 - 2025; quận Thanh Xuân đã tập trung tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; khắc phục một số tồn tại, hạn chế về công tác quản lý trật tự đô thị, chú trọng giải quyết các vướng mắc về giao thông đô thị trên địa bàn quận.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

Ông Nguyễn Minh Đức - thành viên Ban Đô thị HĐND Thành phố, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, vì thế thành phố cần sớm hoàn thành các đường vành đai đang triển khai nhưng chậm. HĐND Thành phố cần giám sát các đường vành đai, phát hiện vướng mắc, đề xuất chính sách tháo gỡ, để sớm hoàn thành.

Trên góc nhìn quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhận định, giao thông Hà Nội đang tiếp cận xu thế hiện đại của thế giới. Hà Nội cũng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển giao thông hiện đại. Qua đó, để phát triển giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội cần phân bổ thực hiện quy hoạch rõ ràng, cụ thể từng năm và đưa ra chỉ tiêu cụ thể.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, hiện Đại hội Đảng bộ thành phố XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ đô thị hóa 60 - 62%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30 - 35%... với 3 khâu đột phá trong đó có: Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý.

Với những định hướng như trên, sự vào cuộc của chuyên ngành nhất là của cả hệ thống chính trị, quyết liệt của HĐND sẽ tạo đột phá mới cho giao thông đô thị để thực hiện mục tiêu phát triển Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực như Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.

Phát huy vai trò giám sát để tạo đột phá cho giao thông Thủ đô

-------------------------------------

Nội dung: Đinh Luyện - Thiết kế: P.T