Năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm; luôn nhiệt huyết, hết mình vì hoạt động Công đoàn, vì đoàn viên, người lao động… đó là những ấn tượng về bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, 1 trong số 10 gương mặt tiêu biểu vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm 2024. |
Đối với vợ chồng anh Lê Đình Thắng và chị Nguyễn Thị Tuấn - công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Môi trường đô thị Hà Nội, tổ chức Công đoàn, cụ thể là Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội và cá nhân Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh đã để lại không ít ân tình. Từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm công nhân môi trường, cuộc sống của vợ chồng anh Thắng - chị Tuấn vô cùng khó khăn. Ngoài giờ làm việc chính thức, anh Thắng phải chạy xe ôm còn chị Tuấn đi làm giúp việc gia đình để có thêm nguồn thu nhập. Tằn tiện, chắt chiu cùng với vay mượn, cuối cùng vợ chồng chị Tuấn cũng mua được căn nhà 20m2. Thế nhưng không may, năm 2022, do chập điện, một trận hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi căn nhà - tài sản lớn nhất mà hai vợ chồng chị Tuấn có được. Trong lúc đang hoang mang, lo lắng không biết phải bắt đầu lại từ đâu, thì Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, trực tiếp là Chủ tịch Công đoàn ngành Nguyễn Thị Thanh đã kịp thời có mặt. “Đích thân Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh cùng đoàn công tác của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội và Công đoàn Công ty đã tới tận nơi thăm hỏi gia đình tôi. Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh ân cần chia sẻ với những rủi ro mà gia đình tôi gặp phải, động viên vợ chồng tôi bình tĩnh và nỗ lực vượt qua khó khăn. Chủ tịch Công đoàn ngành Nguyễn Thị Thanh cũng nhanh chóng đưa ra phương án hỗ trợ gia đình tôi khắc phục rủi ro”- chị Nguyễn Thị Tuấn nhớ lại. Theo đó, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã đề xuất và được LĐLĐ Thành phố quyết định hỗ trợ gia đình chị Tuấn 40 triệu đồng, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội hỗ trợ hơn 70 triệu đồng, lãnh đạo và Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội kêu gọi ủng hộ được 195 triệu đồng… giúp vợ chồng chị Tuấn xây dựng “Mái ấm Công đoàn”. Từ sự hỗ trợ của các cấp Công đoàn và doanh nghiệp, cùng sự giúp đỡ về nhân lực, vật lực của họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè… gia đình anh Thắng, chị Tuấn đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, đảm bảo chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật, giúp gia đình anh, chị khắc phục khó khăn về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống. |
|
Hôm khánh thành “Mái ấm Công đoàn”, chị Tuấn không kìm được xúc động, nước mắt cứ lăn dài. “Tôi vô cùng cảm ơn tình cảm của các cấp Công đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh. Nhờ có sự quan tâm, chung tay giúp đỡ của các cấp Công đoàn Thủ đô, của doanh nghiệp mà gia đình tôi đã vượt qua được khó khăn… Đây chính là động lực to lớn để vợ chồng tôi tiếp tục vươn lên, lao động, công tác tốt” - chị Tuấn bộc bạch. Chị Tuấn cũng chia sẻ thêm, những gì chị có được là nhờ sự quan tâm không nhỏ của cá nhân Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Nguyễn Thị Thanh. “Là người đứng đầu Công đoàn ngành, chị Nguyễn Thị Thanh vừa tình cảm, gần gũi, vừa nhanh nhẹn, quyết đoán. Chính chị là người đã nhanh chóng đưa ra phương án hỗ trợ gia đình tôi rất hợp lý, hợp tình”- chị Tuấn xúc động nói. |
Không riêng với vợ chồng anh Thắng, chị Tuấn; nhiều đoàn viên, người lao động (NLĐ) ngành Xây dựng Hà Nội cũng có chung những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp với sự năng nổ, hoạt bát mà hết sức gần gũi, chân tình của bà Nguyễn Thị Thanh khi chứng kiến bà “lăn xả” với những hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Đó là những chuyến “xe buýt siêu thị 0 đồng” bất chấp hiểm nguy kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho đoàn viên, NLĐ ở thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19; là những chuyến thăm hỏi, tặng quà động viên NLĐ làm việc giữa thời tiết oi bức của mùa hè hay rét buốt của mùa đông; là những chuyến đi khảo sát, trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn, thăm hỏi, trao hỗ trợ khó khăn hay gần đây nhất là những lần thăm hỏi, động viên NLĐ ngành Xây dựng Hà Nội vất vả với công việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.... Hầu như hoạt động nào, bà Nguyễn Thị Thanh cũng chỉ đạo và tham gia trực tiếp. Nói về công việc của mình, bà Nguyễn Thị Thanh bộc bạch: “Đời sống, việc làm của người lao động nói chung, nhất là lao động trực tiếp của ngành Xây dựng nói riêng còn nhiều khó khăn, vất vả. Do đó, quan tâm, chăm lo cho họ vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Chỉ khi những khó khăn, vất vả của đoàn viên, NLĐ được sẻ chia, vơi bớt, cán bộ Công đoàn chúng tôi mới được an tâm phần nào”- bà Nguyễn Thị Thanh bộc bạch. |
Tâm niệm như vậy, nên ở cương vị Chủ tịch Công đoàn ngành có hơn 17 ngàn NLĐ, bà Nguyễn Thị Thanh luôn ưu tiên chỉ đạo các hoạt động hướng về cơ sở, quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Thậm chí, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, bà Nguyễn Thị Thanh còn tâm huyết tìm tòi, phát huy sáng kiến “Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, NLĐ, hướng về Công đoàn cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” . Theo đó, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức linh hoạt, đa dạng các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, tập trung cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân hằng năm. Trong những dịp này, hàng loạt hoạt động thiết thực, hiệu quả, chạm tới trái tim NLĐ được Công đoàn ngành duy trì tổ chức như: Tết sum vầy, thăm hỏi, trao trợ cấp cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, khám sức khỏe miễn phí cho NLĐ; tổ chức chương trình Cảm ơn NLĐ; Xe siêu thị Công đoàn; Bữa cơm Công đoàn, ký kết hợp tác nâng cao phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn… Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng chú trọng triển khai chương trình Mái ấm Công đoàn, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ vay vốn phát triển kinh tế và quan tâm tổ chức đi thăm hỏi, động viên đoàn viên, NLĐ làm việc trực tiếp trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết vào những dịp cao điểm của mùa hè, mùa đông; làm việc xuyên Tết… theo tiêu chí đúng người, đúng việc, kịp thời, “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”. |
Chăm lo tốt đời sống của NLĐ, song theo Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh, nhiệm vụ căn cốt nhất của tổ chức Công đoàn chính là đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, trong đó, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có chất lượng là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh chú trọng chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đề án “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, giai đoạn 2021-2023” của LĐLĐ thành phố Hà Nội. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, mặc dù tổ Công đoàn rất quan tâm đến việc nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả của TƯLĐTT, nhưng “Thực tế, việc đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ” - bà Nguyễn Thị Thanh trăn trở. Do đó, bà tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ, thực hiện sáng kiến, giải pháp: “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT, giai đoạn 2021-2023”. Trong đó, bà Thanh đưa ra nhiều giải pháp căn cơ, hữu hiệu, nhiều ý tưởng sát thực, khả thi trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chẳng hạn như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ, người sử dụng lao động về sự cần thiết, tầm quan trọng của TƯLĐTT trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định trong doanh nghiệp về các quy định của pháp luật lao động về TƯLĐTT để chủ doanh nghiệp, NLĐ hiểu và thực hiện nghiêm túc; tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ cán bộ Công đoàn cơ sở về những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn; trong đó có việc triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa NLĐ và người sử dụng lao đống; tổ chức các hội nghị, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn cơ sở… |
Các giải pháp này đã được Công đoàn ngành Xây dựng áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Kết quả, đến nay, số doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng đã ký TƯLĐTT là 86/91 doanh nghiệp, đạt 94,5%, trong đó, 82% TƯLĐTT đạt loại B trở lên. Điều đáng nói là chất lượng các TƯLĐTT ngày được nâng lên, chất lượng bữa ăn ca được chú trọng. Nhiều bản TƯLĐTT đã đưa nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ về: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, ATVSLĐ, đảm bảo việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách lao động nữ... làm cơ sở để Công đoàn đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Từ hiệu quả trong thực tế của Công đoàn ngành Xây dựng, sáng kiến này của bà Thanh đã được nhiều LĐLĐ và Công đoàn cấp trên cơ sở học tập kinh nghiệm, áp dụng vào tình hình thực tế của đơn vị mình. Ngoài ký kết TƯLĐTT, để bảo vệ tốt quyền lợi của NLĐ, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cũng quan tâm thực hiện tốt Quy chế dân chủ, nhất là trong việc phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức; Hội nghị NLĐ. Hằng năm, đã có 100% cơ quan hành chính sự nghiệp Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 100% doanh nghiệp Nhà nước và trên 80% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức thành công Hội nghị NLĐ; 100% doanh nhiệp Nhà nước và trên 75% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất giữa Thủ trưởng cơ quan doanh nghiệp và NLĐ; 100% đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ. |
Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng quan tâm công tác tư vấn pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tham gia đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lao động; tham gia xây dựng định mức lao động, xây dựng và triển khai thực hiện thang lương, bảng lương... Đến nay, có trên 65% doanh nghiệp đã ban hành thang lương, bảng lương mới; số đơn vị còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng ưu tiên để trả lương và trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay tỷ lệ người tham gia các bảo hiểm nói trên đạt trên 90% so với tổng số lao động. |
Là điểm tựa vững chắc cho đoàn viên, NLĐ, song bà Nguyễn Thị Thanh cũng xác định: Lợi ích của NLĐ và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ. Khi doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh thì quyền lợi, đời sống của NLĐ mới được đảm bảo. Vì thế, bên cạnh việc chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tham gia đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, chủ động tham gia với chuyên môn tìm biện pháp, giải pháp tháo gỡ khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh; bà Thanh cho rằng, cách tốt nhất để Công đoàn đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt khó, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh chính là quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua lao động giỏi, sáng kiến sáng tạo; cổ vũ, động viên đoàn viên, NLĐ tích cực rèn luyện tay nghề, phát huy sáng tạo, hăng say lao động sản xuất. Theo đó, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua trong đoàn viên, NLĐ với những nội dung, tiêu chí cụ thể, sát với thực tế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, được đông đảo NLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, nổi bật phải kể đến các phong trào như: Công nhân giỏi, phát huy sáng kiến, sáng tạo, hưởng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động… Đáng chú ý, nhằm góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ công nhân, người lao động Công đoàn ngành Xây dựng tích cực hưởng ứng Chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh đã phát huy sáng kiến “Các giải pháp đồng bộ thực hiện vượt mức Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Các giải pháp nêu trong sáng kiến là các giải pháp căn cơ, hữu hiệu, sát với tình hình thực tế hoạt động của Công đoàn ngành Xây dựng, Công đoàn cơ sở và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, khuyến khích đoàn viên, NLĐ tham gia hưởng ứng Chương trình; đặc biệt là sáng kiến ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động tuyên truyền, vận động, triển khai Chương trình đến các Công đoàn cơ sở: thông qua các kênh thông tin tuyên truyền, các trang mạng nhóm Zalo, Facebook của các khối trực thuộc của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội; thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến”; thiết kế các video, hình ảnh hướng dẫn cách nộp, cách đăng ký sáng kiến; thành lập nhóm Zalo của chương trình để thông tin, đôn đốc, hướng dẫn, cập nhật, thống kê. |
Kết quả, tổng kết Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội có 7.793 sáng kiến tham gia đăng nhập phần mềm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đạt tỷ lệ 251,7% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến là 13.800 triệu đồng. Điều đáng nói là thông qua việc khích lệ cán bộ, công nhân viên, NLĐ tham gia đăng nhập các sáng kiến, Công đoàn ngành đã khơi dậy sức sáng tạo, niềm say mê lao động sản suất trong đội ngũ đoàn viên, NLĐ. Ngoài ra, các giải pháp được đề cập trong sáng kiến của Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh còn tạo hiệu ứng lan rộng đến các LĐLĐ và Công đoàn các cấp trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, để ngày càng có nhiều nhân tài, nhiều công nhân giỏi, kỹ sư, kỹ thuật viên ưu tú đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước. Có thể nói, dù đảm nhận cương vị Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội từ năm 2018 - khoảng thời gian chưa phải là dài, song Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh đã “thổi một luồng gió mới” cho phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, đó là luồng gió của sự năng động, sáng tạo, thực chất và hiệu quả. Những đóng góp, cống hiến của bà Thanh đã góp phần quan trọng cho những thành tích mà Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đạt được trong thời gian qua: Được tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam và đặc biệt là Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng cho tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022. |
Cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh cũng được đón nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Người tốt, việc tốt của Sở Xây dựng Hà Nội; Nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công Thủ đô tiêu biểu cùng nhiều Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, LĐLĐ thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội. Đặc biệt vinh dự trong tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh là 1 trong 10 gương mặt cán bộ Công đoàn tiêu biểu trong toàn quốc, được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh. “Đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm hạnh phúc lớn lao trong sự nghiệp công tác của tôi, nhưng đây cũng là động lực để tôi phải cố gắng hơn trên cương vị người cán bộ Công đoàn được các cấp Công đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ, được đoàn viên Công đoàn gửi gắm niềm tin yêu”- bà Nguyễn Thị Thanh bộc bạch. |
Nội dung: Phạm Diệp - Tuấn Dũng | Đồ họa: Quốc Nam |