Làm bất cứ nghề nào cũng cần có chữ tâm, nghề điều dưỡng lại càng cần giữ cái tâm trong sáng, luôn coi người bệnh như người thân. Với quan điểm đó, 16 năm làm công tác điều dưỡng, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tận tâm giúp đỡ nhiều người bệnh vượt qua sự tuyệt vọng, những đớn đau về thể xác và tinh thần để giành lại sự sống. |
Làm việc tại Bệnh viện Thanh Nhàn từ năm 2008, điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trải qua nhiều vị trí công tác tại các khoa của Bệnh viện. Hiện, chị đang đảm nhiệm vị trí Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại tổng hợp 2. Dù ở bất kỳ cương vị nào, chị cũng luôn đặt trọn tình cảm, tâm huyết vào việc chăm sóc người bệnh, dốc hết sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với đặc thù làm việc tại Khoa Ngoại tổng hợp 2 của Bệnh viện nên công việc của chị Ngọc rất áp lực. Hằng ngày, Khoa tiếp nhận điều trị và chăm sóc cho hơn 50 bệnh nhân, cao điểm lên đến 70 bệnh nhân sau phẫu thuật. Trong khi, nhắc đến ngoại khoa là nói đến vô khuẩn, phòng ngừa nhiễm trùng chéo, cùng với đó là các yêu cầu riêng biệt về chăm sóc, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. |
Theo chị Ngọc, trong công tác điều trị người bệnh, ngoài nỗ lực của các bác sĩ còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ điều dưỡng. Dẫu được ví là những người “làm dâu trăm họ”, nhưng với lòng yêu nghề, ngày ngày các điều dưỡng vẫn lặng lẽ vượt qua áp lực của công việc để mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân. “Mỗi một người bệnh đều có những tính cách khác nhau, cách cư xử cũng như trình độ văn hóa khác nhau, chính vì thế để hiểu và đáp ứng được những mong muốn của người bệnh thì điều dưỡng phải tận tâm, yêu nghề mới hoàn thành tốt được công việc “làm dâu trăm họ”- chị Ngọc bộc bạch. Theo đó, công việc của điều dưỡng chủ yếu là chăm sóc những người bệnh được đưa vào viện trong tình trạng nặng, nguy kịch… phải nằm bất động và sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nên việc chăm sóc người bệnh gặp nhiều khó khăn. Không những thế, thời gian làm việc của điều dưỡng phân trực theo ca nên hầu như họ không có khái niệm nghỉ lễ, lúc nào cũng tất bật, luôn chân luôn tay như “con thoi” từ lúc nhận ca trực đến khi giao ca. |
“Do đặc thù công việc, nên thời gian chúng tôi ở bệnh viện còn nhiều hơn ở với gia đình, đôi khi con cái, người thân bị ốm đau, nhưng những người điều dưỡng như chúng tôi cũng khó chu toàn được. Những lúc như vậy, trong thâm tâm của những người điều dưỡng vẫn đau đáu lo lắng cho gia đình, nhưng với vai trò và trách nhiệm của mình, chúng tôi tạm gác lại những âu lo để giữ vững sự tận tâm chăm sóc cho sức khỏe mỗi người bệnh”- chị Ngọc chia sẻ. |
Công việc nhiều áp lực nên rất nhiều đồng nghiệp của chị Ngọc đã chuyển nghề, nhưng chị và nhiều nhân viên y tế khác vẫn kiên trì, bám trụ trên con đường chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Tính đến nay, chị Ngọc đã có 16 năm gắn bó với nghề điều dưỡng. Từng đó thời gian cống hiến chị đã tiếp xúc với nhiều ca bệnh đặc biệt, nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí có cả trường hợp bệnh nhân bệnh tật, cô độc không người thân chăm sóc… từ lúc nhập viện tới khi mất. Chia sẻ với phóng viên, chị Ngọc cho biết ca bệnh đặc biệt này vào viện năm 2022, khi mà cả nước đang “gồng mình” chống dịch Covid-19. “Hôm đó là vào một buổi chiều, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân nam, trung tuổi được bàn giao từ Khoa Cấp cứu. Nam bệnh nhân được chuyển lên Khoa Ngoại tổng hợp 2 sau khi được mổ cấp cứu với chẩn đoán vỡ giả phồng động mạch đùi do tiêm chích nhiều năm. Trong suốt thời gian nằm viện, bệnh nhân không có người nhà đến thăm mà chỉ có nhân viên y tế chăm sóc từ điều trị tới mọi sinh hoạt hằng ngày” - chị Ngọc nhớ lại. Thấy hoàn cảnh đáng thương của bệnh nhân, chị Ngọc và Khoa đã làm đơn xin hỗ trợ viện phí, xin từ thiện, đồng thời báo cơ quan chức năng. Sau gần 2 tháng được chăm sóc, điều trị tận tình nhưng tình trạng bệnh diễn biến nặng, lại kèm theo thể trạng suy kiệt ngay từ khi vào viện, nên bệnh nhân đã mất tại Khoa. Nhớ lại ca bệnh, chị Ngọc không khỏi xúc động: “Chúng tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của những người điều dưỡng đến phút giây cuối cùng cho bệnh nhân và thay bộ quần áo mới cho người bệnh trước khi báo bên đại thể. Hình ảnh mà tôi nhớ mãi là khi bệnh nhân được đưa từ buồng bệnh ra, không ai bảo ai, những điều dưỡng có mặt lúc đó đều dành một phút cúi đầu chào tiễn đưa bệnh nhân lần cuối…”. Mặc dù không phải trường hợp hiếm, nhưng những ca bệnh như vậy vẫn khiến chị Ngọc phải suy nghĩ, trăn trở nhiều. Nữ điều dưỡng này cũng chia sẻ, trong quá trình làm việc chị cũng gặp nhiều trường hợp người bệnh tuyệt vọng vì vô phương cứu chữa, họ rất cần người hỗ trợ, chăm sóc trực tiếp. “Trong những trường hợp đó, chúng tôi xác định cần trở thành chỗ dựa tinh thần để bệnh nhân trải qua những ngày cuối cùng một cách nhẹ nhàng hơn…” - chị Ngọc cho biết. |
Có thể nói, điều dưỡng là một nghề vất vả và gian nan nhưng cũng đầy tự hào. Phần thưởng lớn nhất của người điều dưỡng chính là những nụ cười hạnh phúc, những ánh mắt đầy sự cảm thông, tin tưởng, những cái nắm tay đầy xúc động, đầy sự biết ơn của người bệnh khi chiến thắng bệnh tật và được về bên gia đình. Với việc chăm lo cho các bệnh nhân tận tình, nên điều dưỡng Ngọc cùng đồng nghiệp luôn được các bệnh nhân cùng người nhà bệnh nhân yêu quý. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Cao Thị Sơn (66 tuổi) mổ u đại tràng và điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp 2. “Tôi bị u đại tràng. Khối u mới chớm nhưng mổ xong đau, tôi được các cháu điều dưỡng trực bên giường bệnh liên tục hỗ trợ, chăm sóc, hướng dẫn ăn uống, tập luyện. Nhìn các cháu vất vả tôi thương lắm, cũng cảm ơn nhiều lắm vì đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”- bà Sơn chia sẻ. Nhờ sự tận tình của các điều dưỡng, bệnh nhân Sơn tinh thần vui vẻ, phối hợp điều trị tốt, phục hồi sức khỏe nhanh. Theo chị Ngọc, với công việc đặc thù, nên để hoàn thành được khối lượng công việc lớn mỗi ngày, tập thể Khoa Ngoại tổng hợp 2 luôn đoàn kết, chia sẻ, yêu thương nhau như những người thân trong gia đình. Đặc biệt, phát huy sức mạnh tập thể, nhiều kỹ thuật mới, nhiều quy trình đảm bảo an toàn người bệnh áp dụng thành công tại Khoa được người bệnh hài lòng và đánh giá cao, đây cũng là mục tiêu nghề nghiệp để mỗi cán bộ, nhân viên y tế hướng tới. Bên cạnh đó, với vai trò là Điều dưỡng trưởng Khoa, chị Ngọc thường xuyên nắm bắt tình hình bệnh nhân, giám sát điều dưỡng về công tác chuyên môn, giao tiếp ứng xử để kịp thời khắc phục thiếu sót, tồn tại. Chị cũng tích cực tham mưu cho lãnh đạo Khoa và lãnh đạo Bệnh viện trong việc tổ chức các cuộc thi kiểm tra đánh giá tay nghề, các lớp đào tạo kỹ năng thực hành cho điều dưỡng. Đến nay, 100% điều dưỡng Khoa Ngoại tổng hợp 2 đã đạt trình độ cử nhân điều dưỡng trở lên. Bản thân chị Ngọc cũng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp trường,… |
Như vậy, với nhiều năm công tác tại bệnh viện, điều dưỡng Ngọc đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu rèn luyện vươn lên, có nhiều cống hiến, góp phần vào sự phát triển chung của bệnh viện, cũng như dìu dắt các điều dưỡng mới vào nghề hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác, nhiều năm liền điều dưỡng Ngọc được các cấp biểu dương, khen thưởng… Nhưng phần thưởng lớn nhất của điều dưỡng Ngọc chính là sự tin yêu, sự quý trọng của đồng nghiệp cũng như của người bệnh, người nhà người bệnh dành cho chị. |
Nội dung: Minh Khuê | Đồ họa: Đức Hà |
|