Multimedia
27/10/2023 21:14
Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

27/10/2023 21:14

Có lẽ gần đây mỗi người dân Hà Nội đã không còn xa lạ gì với cụm từ “kiểu mẫu”. Để chung tay xây dựng một đô thị văn minh, văn hóa, rất nhiều mô hình “kiểu mẫu” được hình thành. Hà Nội có “Nông thôn mới kiểu mẫu”, có “Tuyến đường hoa hiểu mẫu”, “Tuyến đê kiểu mẫu”, “Danh lam thắng cảnh kiểu mẫu”. Và giờ đây còn có “Di tích lịch sử kiểu mẫu”.
Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Có lẽ gần đây mỗi người dân Hà Nội đã không còn xa lạ gì với cụm từ “kiểu mẫu”. Để chung tay xây dựng một đô thị văn minh, văn hóa, rất nhiều mô hình “kiểu mẫu” được hình thành. Hà Nội có “Nông thôn mới kiểu mẫu”, có “Tuyến đường hoa hiểu mẫu”, “Tuyến đê kiểu mẫu”, “Danh lam thắng cảnh kiểu mẫu”. Và giờ đây còn có “Di tích lịch sử kiểu mẫu”.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục quan trọng của cả nước, Hà Nội còn là trung tâm văn hóa lớn được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di tích lịch sử đa dạng, phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, tại nhiều di tích ở Hà Nội, tình trạng di tích xuống cấp hay không được chăm sóc thường xuyên là điều thường thấy. Với một thành phố mà ở bất cứ nơi đâu, người ta cũng có thể chạm vào quá khứ, thì việc bảo tồn hài hòa với sự phát triển đang trở thành bài toán của việc giữ gìn di sản. Mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” chính là một trong những giải pháp hỗ trợ để bảo tồn và gìn giữ, đồng thời “chỉnh trang” lại bộ mặt của di sản.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Đền Măng Sơn được coi là Nam Cung điện, trong số “ngũ cung” ở quanh khu vực Sơn Tây - Ba Vì thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đền Măng Sơn là nơi tổ chức nghi lễ trang trọng của người dân 5 xã trong toàn tổng Tường Phiêu, xứ Đoài khi xưa, nay là 5 thôn, Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ của thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Hai ngôi đình Sơn Đông và đình Sơn Trung có lẽ cũng được xây dựng cùng thời với đền Măng Sơn để tạo nên một cụm công trình tín ngưỡng chung của địa phương. Kiến trúc hiện nay của 2 ngôi đình mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Cả 2 ngôi đình này cũng đã được tu bổ vào các năm 2006, 2009, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, nhân dân địa phương với công trình văn hóa tâm linh quan trọng của làng xã. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa cụm di tích Đền Măng Sơn, Đình Sơn Đông và Đình Sơn Trung vào danh mục di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Cũng như nhiều di tích lịch sử đình, đền, chùa khác, đã có một thời cụm di tích Măng Sơn để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến mùa lễ hội. Người dân tứ xứ đổ về, cảnh bán hàng hay vứt rác quanh khu vực di tích không phải là hiếm thấy. Nhưng đó là câu chuyện của “một thời đã xa”. Ngày nay đến với Măng Sơn, du khách đã cảm thấy thư thái hơn bởi phong cảnh đẹp đẽ, thoáng đãng và cách ứng xử văn minh với đền, chùa.

Bà Trần Thị Hồng, một người dân sống ở xã Sơn Đông vui mừng cho biết, thời gian qua, bà con liên tục nghe tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thôn, xã về việc ứng xử đẹp nơi công cộng tại các di tích đình, đền, chùa. Cán bộ phụ nữ thôn, xã còn đến từng nhà vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh ký cam kết ứng xử văn minh với di tích.

“Đến bây giờ đã không còn hiện tượng bán hàng vứt rác bừa bãi, không còn hiện tượng chèo kéo khách tại khi vực di tích. Chị em phụ nữ chúng tôi còn tham gia dọn rác tại các con đường tự quan quanh khu vực di tích cho nên bây giờ rất văn minh, sạch sẽ”, bà Hồng chia sẻ.

Ngay sau khi nhận được kế hoạch của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội và của thị xã Sơn Tây về triển khai mô hình di tích lịch sử kiểu mẫu, Hội LHPN xã Sơn Đông đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến các chi/tổ hội để thực hiện. Qua thời gian triển khai đã được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bà con nhân dân.

Vừa qua, Hội LHPN thị xã Sơn Tây đã gắn biển “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại di tích. Để gìn giữ thành quả này, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, du khách thập phương về thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; tổ chức các hoạt động truyền thông, ký cam kết các hộ kinh doanh, các hộ gia đình tại khu di tích; duy trì ra quân vệ sinh môi trường, chăm sóc đoạn đường cây xanh và đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống rác thải nhựa và phân loại rác thải tái chế tại khu di tích đền Măng Sơn. Hội LHPN thị xã Sơn Tây tiếp tục nhân rộng mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại các điểm khu di tích lịch sử trên địa bàn.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Cụm di tích đình An Hòa - chùa Báo Ân nằm trên địa bàn làng An Hòa xưa - một trong hai làng cổ của phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Cụm di tích gồm chùa Báo Ân, đình An Hòa và miếu Dưới. Trong đó, chùa Báo Ân và đình An Hòa là 2 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994. Còn di tích miếu Dưới được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích năm 2018.

Ngày 27/9, Hội LHPN quận Cầu Giấy phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Yên Hòa đã tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại Cụm di tích Đình An Hòa - chùa Báo Ân. Di tích nay đã có bảng mã QR giới thiệu, có trích bản Quy tắc ứng xử nơi công cộng theo bộ nhận diện của Trung ương Hội LHPN Việt Nan; có ghế đá trong khu di tích và bộ sản phẩm phân loại rác thải…

Chủ tịch Hội LHPN quận Cầu Giấy Nguyễn Kim Lê cho biết, thời gian qua, 100% phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử đã xếp hạng trên địa bàn được tuyên truyền, thay đổi hành vi và trở thành hạt nhân tích cực để vận động khách tham quan thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; xây dựng, nhân rộng những mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực phù hợp địa bàn thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của phụ nữ trong việc truyền thông quảng bá hình ảnh nét đẹp của các di tích lịch sử, văn hóa cũng như nét đẹp người phụ nữ Thủ đô “Thanh lịch - Văn minh”.

Đặc biệt, để chăm sóc công trình, phần việc tại di tích lịch sử “kiểu mẫu”, Hội LHPN quận Cầu Giấy còn thành lập mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” và "Nhóm nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự".

Nhóm nòng cốt có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn quận, phật tử, khách thập phương đến cơ sở thờ tự trên địa bàn thực hiện đúng các nội dung, yêu cầu của Quy tắc ứng xử do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành như: Mặc trang phục phù hợp với nơi thờ tự, không nói tục, chửi bậy; không mang vàng mã vào chùa, không xả rác bừa bãi...

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

"Chúng tôi xác định công trình nhỏ mang ý nghĩa lớn, vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích cũng như người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng.

Với ý nghĩa quan trọng và thiết thực đó, các cấp hội phụ nữ toàn quận xác định vai trò trách nhiệm và sứ mệnh của mình, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ vận động những người thân trong gia đình, từ đó lan tỏa ra mỗi người dân trong cộng đồng dân cư, thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử nơi di tích, danh lam thắng cảnh", Chủ tịch Hội LHPN quận Cầu Giấy Nguyễn Kim Lê nhấn mạnh.

Vừa qua, nhằm góp phần làm tăng giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng, Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Thụy Phương đã khảo sát thực tế, triển khai mô hình điểm "Di tích lịch sử kiểu mẫu" tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đây là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên, huyện Từ Liêm - nay là quận Bắc Từ Liêm. Đình Chèm là nơi thờ Đức Thánh Chèm. Với những giá trị tiêu biểu, Đình Chèm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính Phủ quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.

Bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN phường Thụy Phương cho biết, thời gian qua, Hội đã tích cực phối hợp với đài phát thanh phường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tại các cuộc họp, sinh hoạt hội viên để đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu, thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích đình, chùa, các điểm di tích trên địa bàn phường. Nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan tại khu di tích; tuyên truyền, hướng dẫn các du khách khi đến tham quan chiêm bái đình trang phục phải lịch sự, ứng xử văn minh, không vứt rác bữa bãi nơi công cộng, không đốt vàng mã trong khu di tích...

Hội LHPN phường Thụy Phương cũng đã phối hợp với các hội đoàn thể và Ban quản lý di tích tổ chức tổng vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác… quanh khu vực Đình Chèm và đoạn đường vào khu di tích trong các dịp lễ, tết; đặc biệt là trong dịp diễn ra lễ hội truyền thống Đình Chèm tháng 5 âm lịch. Cán bộ hội viên phụ nữ cùng tổ lễ tân nhà đình thường xuyên chăm sóc các bồn, chậu hoa cây cảnh cũng như quét dọn vệ sinh trong khuôn viên nội tự… tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, tôn lên vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của Đình Chèm.

Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Thụy Phương, để mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Đình Chèm hoạt động hiệu quả, Hội LHPN phường đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt chú trọng các nội dung thuộc Điều 11 của Quy tắc nhằm từng bước xây dựng và hình thành chuẩn mực văn hóa của mỗi cá nhân khi đến thăm quan tại khu di tích.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Để giữ gìn những thành của của công trình di tích lịch sử kiểu mẫu, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ phường sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của “Tổ Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, đồng thời tiếp tục phân công các thành viên trong Tổ phụ nữ nòng cốt hỗ trợ trang phục cho nhân dân và du khách khi tới thăm quan tại Di tích. Tiếp tục vận động nguồn xã hội hóa xây dựng các thùng rác công cộng trên đoạn đường vào khu di tích nhằm nâng cao ý thức của du khách trong việc phân loại rác thải; duy trì việc tổng dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc, trồng thêm hoa vào

Các công trình, phần việc thực hiện mô hình di tích lịch sử kiểu mẫu vẫn đang tiếp tục “nở rộ” trên khắp Thủ đô. Có lẽ còn rất nhiều những tấm biển “Di tích lịch sử kiểu mẫu” nữa đang tiếp tục được gắn lên những di tích - di sản quý giá của Hà Nội. Những tấm biển này không chỉ thể hiện tấm lòng của nhân dân đối với di sản của cha ông mà còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội.

Việc triển khai các mô hình này giúp các di tích, danh lam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn; đồng thời hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử khi tham quan di tích.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Hà Nội có 5.922 di tích và việc xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự cũng là nội dung quan trọng của thực hiện Quy tắc ứng xử. Ngoài yêu cầu xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” trong Kế hoạch 306/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về “Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”, tại Kế hoạch số 210/KH-UBND về tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, thành phố đề xuất Hội LHPN Hà Nội xây dựng mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”, với ít nhất 40 mô hình trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Cuối năm 2022, Hội LHPN Thành phố đã xây dựng năm mô hình điểm tại huyện Sóc Sơn và huyện Gia Lâm. Ngay sau đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai những mô hình trên địa bàn. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, sau giai đoạn đầu, đã có 12 mô hình cấp thành phố, cấp huyện được triển khai tại nhiều địa phương. Tại các di tích, chị em phụ nữ đã lắp đặt hệ thống bảng quy tắc ứng xử; trồng thêm cây xanh, cây hoa trong các khu di tích; bổ sung ghế đá, thùng đựng rác tại các điểm danh lam, di tích…

Từ tháng 7/2023, các cấp Hội đã tiếp tục nhân rộng mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” đến 35 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đoàn thể tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Điều này sẽ góp phần tạo nền nếp ứng xử văn minh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho các di tích.

Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, tại Thủ đô Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhằm nâng cao hơn nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ Thủ đô trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Hội LHPN Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 5/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và cụ thể hóa kế hoạch bằng Hướng dẫn triển khai mô hình Điểm “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả”, mô hình điểm Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu và mô hình điểm Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu.

“Với sự chung tay của các cấp Hội Thủ đô, sự đồng thuận của các cấp chính quyền cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, các cán bộ, hội viên, người dân thực sự xây dựng được thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, lịch sự tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Thủ đô nói riêng và người dân Hà Nội nói chung ngày càng thanh lịch, văn minh”, bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Những năm gần đây, vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử tại các di tích ở Thủ đô đang được chú trọng, nhằm góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm ngưỡng cùng với đó là thể hiện sự trân trọng với di sản. Sự chuyển biến này là thành quả của quá trình tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, các địa phương cũng như những người quản lý di tích.

Điều đó cũng góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản bền vững với thời gian. Di sản văn hóa là tài sản quý của quốc gia, một hành vi thiếu văn hóa hay việc làm mang mục đích trục lợi cũng đồng nghĩa, giá trị cốt lõi của tài sản quốc gia đứng trước nguy cơ biến mất. Chính vì thế, bảo vệ di sản trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”
Nhân rộng những “Di tích lịch sử kiểu mẫu”

Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Đức Hà