Multimedia
14/06/2023 20:36
Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

14/06/2023 20:36

Nhắc tới “bàn tay vàng” trong nghề điêu khắc khu vực miền Bắc, hẳn không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ Nhân Hiền (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Trúc là một trong 2 người được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực điêu khắc gỗ của cả nước.
Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Bằng tài năng và uy tín của mình, bên cạnh việc góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm điêu khắc gỗ Nhân Hiền, suốt nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Trúc đã thầm lặng đào tạo nghề miễn phí cho hơn 200 học trò - là những thanh niên trẻ trong vùng để họ có tay nghề thủ công vững vàng. Nhiều học trò của ông đã thành danh, có người được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú như Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Kế, cũng là người ở làng Nhân Hiền.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Tài hoa, cần cù, ham học hỏi là nét đặc trưng riêng có của những người thợ điêu khắc Nhân Hiền. Đến Nhân Hiền những ngày này, ngay từ đầu làng đã có thể nghe thấy những tiếng lách cách của người thợ mộc đang gõ đục trên những thớ gỗ. Với sức sáng tạo và đôi tay khéo léo, người dân làng nghề đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, giàu tính truyền thống.

Làng nghề Nhân Hiền thời hiện đại có nhiều nghệ nhân điêu khắc gỗ, nhưng một trong số những người được coi là “linh hồn” của làng chính là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc. Ông Trúc sinh năm 1962 trong gia đình có nhiều đời làm nghề mộc. Bởi thế, ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Văn Trúc đã quen mùi gỗ, có “gen” đam mê đục chạm.

Thế nhưng, ngoài năng khiếu thiên bẩm, muốn thành một người thợ giỏi nghề thì cần phải nỗ lực và không ngừng trau dồi, tìm học ở những nghệ nhân có tay nghề cao. Nghĩ là làm, thuở ấy, khắp trong làng, ngoài xóm người ta đều thấy mỗi sáng sớm, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trúc lại kỳ cụi đến xin theo học chạm khắc gỗ với những người thợ giỏi trong làng và vùng lân cận.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Chẳng hạn, khi vừa học hết lớp 7, Nguyễn Văn Trúc đã đến xin học nghề ở nhà cụ Nguyễn Văn Thềm (người làng Nhân Hiền); hơn một năm sau, lại sang làng Dư Dụ (xã Thanh Thùy, Thanh Oai) học nghề với cụ Nguyễn Đức Vinh; khi tay nghề đã vững, Nguyễn Văn Trúc mới vào làm tại Hợp tác xã thủ công Nhân Hiền. Đến năm 1980, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Văn Trúc lên đường nhập ngũ. Năm 1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, ông tham gia làm nghề tại Hợp tác xã thủ công Nhân Hiền; đồng thời, tiếp tục sang làng Dư Dụ học nghề tại xưởng của cụ Nguyễn Đức Vinh.

Trải qua những năm tháng tự rèn luyện không ngừng nghỉ, Nguyễn Văn Trúc đã trở thành một trong những thợ giỏi của Hợp tác xã và được giao thực hiện nhiều sản phẩm với yêu cầu tính mỹ nghệ cao.

Không tự bằng lòng với bản thân, bên cạnh thời gian vừa học vừa làm, Nguyễn Văn Trúc lúc đó còn tự đi khắp các chùa cổ ở Bắc bộ để nghiên cứu, tìm hiểu lối điêu khắc phong phú, đa dạng của người xưa. Ông Trúc bảo, ông đi để ngắm tượng, để nhiệm ra thần thái thần Phật ẩn trên mỗi nét tượng.

Với nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc “tượng không chỉ là tượng” mà trong tượng còn có một sức sống lôi cuốn đối với người chiêm ngưỡng. Những pho tượng Phật do ông và những người thợ thực hiện không chỉ tinh xảo trong từng đường nét mà còn đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật. Ông bảo, trong các loại tượng gỗ, thì điêu khắc tượng Phật là khó nhất, để tạo nên phần hồn cho từng bức tượng, ngoài bàn tay khéo léo và sự kiên trì, người thợ phải thật sự có phẩm hạnh và sự thành tâm.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Có lẽ, chính những quan niệm như vậy nên những khúc gỗ dù mộc mạc nhưng nếu được qua bàn tay gọt giũa của người thợ giỏi thì ngay lập tức, nó như được thổi hồn để tạo thành những sản phẩm điêu khắc tinh xảo và độc đáo. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc các pho tượng Phật đều sinh động, gần gũi với nhân thế và mang vẻ đẹp thánh thiện.

Đến cuối những năm 1980 của thế kỷ XX, sản phẩm điêu khắc của Hợp tác xã thủ công Nhân Hiền gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Việc ít, ông Trúc xin nghỉ để đi học nghề chạm ngà voi của một người làng mở xưởng ở xã Hà Hồi. Sau 15 tháng học nghề, đến năm 1989, ông Trúc về làng, làm nghề tại nhà, chính thức khởi nghiệp. Ông bảo, khi đứng ra sản xuất kinh doanh độc lập mới thấy, để làm nghề và sống được với nghề thì còn cần sự cố gắng không ngừng nghỉ. Chẳng thế mà, thời điểm đó người ta lại thấy ông mải miết nghiên cứu nhu cầu thị trường, học cách quản lý lao động, tài chính, khách hàng.

Thời gian đầu không tránh khỏi những khó khăn, nguyên liệu gỗ mít khá khó mua và đắt, phải nhập từ Lào về trong khi không phải cây gỗ nào cũng dùng được. Có những khối gỗ ông Trúc và học trò của mình đã tạc gần xong thì mới phát hiện trong thân có vết, không thể dùng được phải bỏ đi. Làm và dần vỡ vạc, dần dần cách chọn gỗ, cách bảo quản để cho những khúc gỗ thô kệch cũng trở thành những tác phẩm nghệ thuật lớn được ông Trúc thuộc nằm lòng, trở thành kỹ năng mà chẳng phải ai cũng thấy được.

Ông Trúc tâm sự, để đào tạo lớp kế cận cho nghề không phải dễ. Ở Nhân Hiền, dù làng có nghề nhưng với lớp thanh niên thì vẫn cần “cầm tay chỉ việc” vừa làm vừa đào tạo từng thợ một. Ban đầu chỉ có vài người, ai nấy cũng “lóng ngóng” nhưng ông tin tưởng nếu yêu nghề, khi vượt qua điểm xuất phát sẽ đi lên mạnh mẽ.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

“Ở nhà tôi có đặc thù là truyền nghề trực tiếp, không phải qua lý thuyết. Tức là đến học nghề là học luôn vào các sản phẩm gỗ. Các sản phẩm ấy là các gỗ thừa, vẽ ra để đục, hỏng thì vứt đi, như thế vừa không lãng phí nguyên vật liệu lại là thứ tốt để các học trò tập tành tay nghề. Học viên theo học tôi cũng không phải đóng bất cứ một loại phí nào trong thời gian học nghề. Qua tính toán, một học trò tinh ý, sau một năm có thể kiếm sống, nuôi bản thân mình được.

Nhưng nói về nghề này theo tôi vẫn là cần sự học suốt đời, không lúc nào dừng học. Lúc nào cũng phải tìm tòi những cái khó để hoàn thiện và bồi dưỡng cho nghề của mình thì mới phát triển được”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc chia sẻ.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Kinh tế đất nước mở cửa, đời sống người dân đầy đủ hơn, vì vậy tượng Phật để thờ cũng như tượng để cảnh nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc, điêu khắc tượng Phật khác hẳn đồ gia dụng, người thợ phải có cái tâm sáng, khi thanh tịnh người thợ mới có duyên truyền được nét thần thái vào bức tượng, đặc biệt ở đôi mắt, phải làm sao cho bức tượng như đang được chính nhân vật hóa thân vào.

Năm 2003, ông mang tác phẩm “tượng phật nghìn mắt nghìn tay” tham dự Hội chợ văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) và được giải Vàng. Nhờ vậy, năm 2004, ông được tham gia gặp mặt, giao lưu các nghệ nhân ASEAN tại Hà Nội. Từ đó, tài năng, tên tuổi của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc được nhiều người biết đến.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Năm 2006, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và có chút ít thành quả, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh; lập một xưởng lớn ở cuối làng. Từ đây, xưởng của ông bắt đầu nhận nhiều đơn hàng là những bức tượng Phật lớn.

Ông cho biết, thời điểm đó bức tượng gỗ lớn nhất ông làm, có lẽ cũng là một trong những tượng lớn nhất nước ta hiện nay, là pho tượng gỗ Đức Phật Thích Ca hiện đang được thờ tại chùa Đỏ, Hải Phòng. Với tác phẩm này, bản thân nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã phải dành nhiều tháng để hoàn thiện, khi mang đến chùa ghép thì vừa khít không cần dùng chất liệu để kết dính.

Những pho tượng Phật lớn do nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc tạo nên không chỉ tinh xảo từng đường nét mà còn đảm bảo giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, “tượng không chỉ là tượng” mà trong tượng còn có “sức sống” lôi cuốn đối với người chiêm ngưỡng. Vì thế, nhiều hệ thống tượng Phật ở các ngôi chùa nổi tiếng trong và ngoài nước đều đặt xưởng của ông làm, ví dụ như: Bộ tượng “Bát bộ kim cương” gồm 8 pho cao 1,97m và bộ tượng 40 pho thờ tại Chùa Phật Tích (Bắc Ninh); Tượng gỗ “Đức phật A di đà, Quan thế âm bồ tát, Đại thế chí bồ tát” cùng toàn bộ ngôi tam bảo tại Chùa Bồ Đề (Hà Nội)...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đúc rút ra rằng, như tượng Phật thời điểm hiện tại phải có những nét phúc hậu, phải tươi. Nét tượng tươi nhưng lại phải thể hiện được chất từ bi.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Điều này có đôi chút khác với thuở xưa khi các cụ làm tượng Phật. Theo lý giải của ông Trúc, xưa tượng Phật có nét trầm chứ không tươi như bây giờ. Nhắc chuyện này, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc kể, có một người nước ngoài qua quá trình sưu tập đã có được bức tượng Phật do ông Trúc chế tác. Bức tượng quá đẹp khiến người này đầu tư xây nhà rộng 180m2 chỉ để thờ. Người đó kể, khi ông bước chân vào đến cửa nhìn bức tượng thì lại thấy rất tươi, đẹp. Nhưng khi đến vị trí làm lễ thì nhìn bức tượng lại thấy nét rất nghiêm trang. Làm lễ xong đứng sang bên trái hay sang bên phải lại thấy tượng toát lên nét tươi đẹp, hoan hỉ. Và người ngoại quốc đó quyết tâm tìm ra người thợ làm nên tuyệt tác này.

“Người đó kể, để tìm được nghệ nhân chế tác là tôi họ mất thời gian ròng rã 5 năm trời. Họ đến chỉ để dành lời khen tặng và cảm ơn. Với người thợ như tôi, như vậy cũng là niềm động viên rất lớn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc chia sẻ.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng PhậtVới những gì đã cống hiến, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc được các cấp, ngành địa phương và Trung ương khen thưởng, biểu dương. Nổi bật là danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2013 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2016 do Chủ tịch nước trao tặng. Nhưng đối với ông, những phong tặng, khen thưởng đó càng có ý nghĩa khi bản thân góp sức vào việc giữ gìn, phát triển được nghề truyền thống của làng, của cha ông; tạo được công ăn việc làm cho anh em, con cháu, người dân trong làng. Ông Trúc cho biết: “tôi đã trực tiếp dạy nghề tại xưởng cho gần 200 người. Nhiều người thành nghề đã về phát triển xưởng riêng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung”.

Ông Trúc luôn quan niệm giản đơn rằng, nghệ điêu khắc của làng từ xa xưa các cụ đã truyền lại. Dạy nghề, truyền nghệ trực tiếp các cụ cũng truyền lại từ xa xưa. Các cháu đến học nên ông cũng đều cho học trực tiếp và miễn phí.

“Tôi nghĩ rằng, giúp được ai gì thì giúp. Trong cuộc sống người nọ giúp người kia. Mình giúp mình lấy tiền thì người khác giúp mình cũng lấy tiền của mình, mình miễn phí thì người ta cũng sẽ miễn phí, đơn giản thế thôi. Cuộc đời là vòng tròn, mình giúp người dưới thì người trên giúp mình. Mình giúp người, khi người ta phát triển, người ta biết ơn mình và mình lại biết ơn người bên trên mình. Cho nên cái truyền nghề này, ai học được mình dạy hết vì bản thân tôi nghĩ cuộc đời này rất rộng, bao la. Một mình mình không thể làm được hết, càng thêm được nhiều người làm đẹp thì càng tốt. Khi học trò ra nghề, được người ta khen thằng này học ông này mà giờ làm giỏi hơn cả thầy, đấy mới là cái tốt, đấy mới là sự hãnh diện học trò dành tặng cho tôi”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc tâm sự.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Được biết, hiện các học trò của ông Trúc, nhiều người đã đứng ra mở xưởng để phát triển rộng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ngay tại làng Nhân Hiền, có anh Hoàng Văn Kế (sinh năm 1980) là học trò ưu tú nhất của ông, hiện anh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2015. Nhắc đến người thầy của mình, anh Hoàng Văn Kế bộc bạch, trong những ngày tháng kiếm tìm đam mê của mình, anh được nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc dẫn dắt theo nghề. Nhờ thầy Trúc chỉ dẫn tận tình, đến nay anh đã mở xưởng chế tác tượng với 10 - 15 lao động.

“Nhờ thầy Trúc bây giờ tôi có nghề và có thể làm giàu bằng nghề. Thầy chỉ dạy tận tình cho tôi từng kỹ thuật nhỏ nhất, có nhiều đêm 2 thầy trò thức trắng đục tượng, mải mê với tác phẩm làm ra. Sau này nhất định tôi cũng sẽ truyền dạy lòng đam mê và lửa nghề cho lớp trẻ giống như thầy đã dạy cho tôi”, anh Hoàng Văn Kế chia sẻ.

Chia sẻ về những đóng góp của ông Trúc dành cho sự phát triển làng nghề, bà Nguyễn Thị Thi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Giang cho biết, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề địa phương. Suốt nhiều năm nay ông cũng truyền nghề cho thanh niên trong vùng, giúp cho “lửa nghề” điêu khắc của làng luôn được cháy và có lớp người kế tục.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc: “Ở đây người những người thợ làm nghề đều đặt chữ tín lên hàng đầu và truyền thống này từ lâu đã ngấm vào tính cách chung của cả làng nghề như một nét văn hóa đặc trưng".

Nói sâu về định hướng phát triển làng nghề, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Giang cho biết, làng nghề Nhân Hiền có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Để gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống, xã hiện đang đề nghị với huyện xây dựng và quy hoạch khu chuyên trưng bày, triển lãm các sản phẩm tinh túy của làng nghề.

Bên cạnh đó, xã Hiền Giang cũng khuyến khích người làm nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các hộ làm nghề tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người dân làng nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ…

Về lâu dài, địa phương cũng xác định việc di dời các hộ làm nghề ra xa khu dân cư là rất cần thiết. Bởi vậy, chính quyền xã, người làng nghề cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn để nghề điêu khắc ở Hiền Giang có điều kiện phát triển hơn nữa.

Trở lại với những nét tinh hoa của làng nghề điêu khắc gỗ Nhân Hiền, một điểm đáng quý của những người thợ Nhân Hiền đến nay vẫn giữ được gìn giữ đó là chữ “Tín” trong nghề. Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền cho biết, quan điểm kinh doanh của người thợ Nhân Hiền là khi đã nhận đặt hàng của khách sẽ hợp đồng chính xác đúng ngày, đúng giờ giao hàng, không bao giờ để lỡ thời gian hợp đồng giao hàng với khách. Hàng luôn đảm bảo chất lượng khi xuất xưởng là quy định bất thành văn của những người làm nghề.

Người thầm lặng trao truyền “lửa nghề” điêu khắc tượng Phật

Đinh Luyện