Thật khó có thể tưởng tượng, những mâm oản nghệ thuật đẹp mắt, được thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết sống động ấy lại là sản phẩm do bàn tay của thanh thiếu niên tự kỷ, khuyết tật tạo nên. Đây cũng là sản phẩm truyền thống mang đậm hồn sắc Việt. |
Ngày mùng Một đầu tháng, chúng tôi đi tới một số đền, chùa của Hà Nội để ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi tiết trời vào thu. Nhưng đập vào mắt chúng tôi không phải là phong cảnh linh thiêng ở nơi này mà là những mâm lễ được làm cầu kỳ, đẹp mắt được người dân mang đến dâng cúng lễ. Hỏi thêm, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết một trong những sản phẩm nghệ thuật này lại được làm ra từ bàn tay thanh thiếu niên tự kỷ và người khuyết tật ở Hà Nội. Lần theo địa chỉ, chúng tôi đến xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc (thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân) tại quận Hà Đông, thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên các giá để có hàng chục sản phẩm oản nghệ thuật và đồ lễ lung linh màu sắc. Không gian nơi đây chẳng khác nào một phố Hàng Mã thu nhỏ, nhưng tinh tế hơn, ngăn nắp hơn và nghệ thuật hơn. Chỉ trùng hợp một điều là khiến người nhìn bị choáng ngợp, thích thú xen lẫn thán phục. Cẩn thận sắp những chiếc oản màu vàng tươi lên mâm oản, anh Đỗ Văn Đạt (người khuyết tật, cũng là một nhân viên của xưởng) đang chăm chú làm chậm rãi từng thao tác một cách chính xác, như thể làm công việc này cả nghìn lần. Anh Đỗ Văn Đạt đến với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân vào năm 2022. Thời gian đầu, anh được hướng dẫn làm các công đoạn đơn giản. Sau khi thành thạo, anh bắt đầu tập làm những công đoạn phức tạp hơn. Nhưng anh thích nhất là công đoạn sắp oản lên mâm lễ. Quá trình hình thành một mâm oản nghệ thuật khiến anh và hầu hết những người khuyết tật ở đây đều tự hào, cảm giác như bản thân là một người nghệ sĩ kiến tạo nên những sản phẩm tuyệt vời này. Ngừng tay để giới thiệu với chúng tôi, anh Đạt chỉ vào một tác phẩm nói: “Đây là sản phẩm oản nghệ thuật có tên là “Tháp Đại Giác”. Tác phẩm vẫn giữ đúng theo khuôn mẫu bao gồm một bảo tháp cao được bao bọc xung quanh bởi 4 tháp nhỏ với cấu trúc tương tự tháp nhọn, sản phẩm tượng trưng cho sự giác ngộ của Đức Phật đối với thế gian như bông hoa sen vươn lên trong bùn”. Anh Đạt cho biết, vì sản phẩm này được mang đến trưng bày tại diễn đàn “Giao lưu văn hoá và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ nên anh chỉ có một tuần chuẩn bị trước khi tuần lễ giao lưu văn hoá tại Ấn Độ diễn ra. Trong thời gian đó anh đã tìm hiểu rất kỹ về văn hoá Ấn Độ và kết hợp với các thành phẩm đang có tại xưởng, cũng như hướng dẫn các học viên tự kỷ, khuyết tật để cùng nhau tạo nên tác phẩm nghệ thuật này. Cuối cùng qua sự tìm hiểu, sự hỗ trợ của các học viên, bằng sự kiên trì và chính đôi bàn tay khéo léo của mình anh Đạt cùng các học viên tại xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc đã tạo nên được tác phẩm oản nghệ thuật với những nét riêng và độc đáo kịp thời lan tỏa giá trị quốc gia, nét đẹp văn hoá tại diễn đàn Ấn Độ. |
“Tháp Đại Giác hay còn được gọi là Chùa Mahabodhi, là một trong 4 Thánh tích liên quan tới Đức Phật, nổi tiếng tại tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Qua sự tìm hiểu, bằng khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của những người tự kỷ, khuyết tật đã tạo nên được sản phẩm Tháp Đại Giác với những nét riêng”, anh Đạt cho biết. Còn tác phẩm oản nghệ thuật “Đồng tâm” thì được tạo nên từ 5 chiếc oản 5 màu kết hợp cờ Việt Nam - Ấn Độ cùng 5 đồng xu được khắc lên mình những lời chúc may mắn tượng trưng cho sự kết nối 5 châu 4 biển và thể hiện nguyện ước về sự hòa bình, đoàn kết, hợp tác phát triển hùng cường tình giao hữu Việt Nam - Ấn độ và sự hội nhập văn hóa - kinh tế toàn cầu. Sản phẩm oản nghệ thuật “Đồng tâm” được chọn là món quà mang bản sắc dân tộc trao tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ngày 4/8/2023 vừa qua. |
Anh Đỗ Văn Đạt còn giới thiệu với chúng tôi rất nhiều “tác phẩm” nữa, tất cả đều là những sản phẩm nghệ thuật tinh tế, toát lên sự khéo léo từ những đôi bàn tay và khối óc sáng tạo. Chị Đào Thanh Hoàn, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân cho biết, học viên khuyết tật và tự kỷ lớn tuổi (trên 13 tuổi) đã thực nghiệm các công đoạn làm “Oản nghệ thuật” như: Cắt xốp, bọc xốp; cắt bìa, gói oản; sau đó làm chân ốc, làm quạt, cắt hoa, cắt lá, dán các phụ kiện… Tuy chưa thể sáng tạo ra các sản phẩm oản nghệ thuật, các em vẫn đang làm theo những mẫu thiết kế của Trung tâm dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô nhưng các em rất hứng thú tham gia vào hoạt động này; một số em đã thể hiện sự đam mê làm các phụ kiện để hoàn thành một sản phẩm oản nghệ thuật. Quan trọng hơn nữa, các em cảm thấy mình là người có ích khi tự tay làm được sản phẩm đẹp, có giá trị. |
Mô hình sản xuất sản phẩm thờ cúng tâm linh do các học viên khuyết tật và tự kỷ thực hiện, nguồn nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, làng nghề, thân thiện với môi trường. Quá trình phát triển bền vững ổn định dựa vào tính cách dập khuôn ở các học viên tự kỷ và khuyết tật để phát huy những điểm mạnh của, tận dụng khả năng để mang đến cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người khuyết tật, tự kỷ. “Chúng tôi quyết tâm nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thực tế để tạo ra sản phẩm hướng nghiệp của người khuyết tật và tự kỷ là một hệ sinh thái sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các cơ sở giáo dục đặc biệt tại các tỉnh lân cận nghiên cứu tận dụng tài nguyên thiên nhiên là nguồn nguyên liệu giấy để sản xuất nguyên, vật liệu cấu thành sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao là những bông hoa, vật dụng trang trí, chân đế, các phụ kiện… kết thành sản phẩm “Oản nghệ thuật” và “Lễ sắp thủ công”, chị Hoàn chia sẻ. |
Không chỉ là sản phẩm có tính thấm mỹ cao phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, mà “Oản nghệ thuật” và “Lễ sắp thủ công” do những đôi bàn tay khéo léo của người khuyết tật, tự kỷ làm ra còn tạo cảm hứng nhân văn hướng con người luôn yêu thương sẵn sàng giúp người khuyết tật và tự kỷ có việc làm, tạo thu nhập bằng chính sự lao động của họ - mang tính ổn định và lâu dài cho cuộc sống. Tháng 12/2022, Trung tâm Ngọc Ân đã chính thức trở thành một trong 15 thành viên của Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam. Đến nay, Trung tâm đã có 6 cơ sở hoạt động ở Hà Nội, Đắk Lắk, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm oản nghệ thuật, đồ lễ các loại và có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu… |
Chị Đào Thanh Hoàn hạnh phúc chia sẻ: “Sản phẩm của thanh thiếu niên tự kỷ, người khuyết tật làm ra được khách hàng đón nhận, hiện trung tâm chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng đã không đủ hết công suất nên không phải lo lắng về đầu ra. Hiện nay, trung tâm đang dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ tại Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, hàng tháng các học viên đã được nhận lương để trang trải cho bản thân và gia đình. Khát vọng hơn, chúng tôi mong muốn những sản phẩm này sẽ là “con thuyền” đưa người khuyết tật ra biển lớn”. Những sản phẩm do học viên khuyết tật và tự kỷ làm nên có giá trị nhân văn rất sâu sắc; bởi người bình thường, không khuyết tật có thể mất ít thời gian hơn để hoàn thành các sản phẩm so với những người khuyết tật nói chung và học viên là thanh thiếu niên khuyết tật và tự kỷ nói riêng. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm sẽ cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành. |
Qua thời gian thử nghiệm, các sản phẩm đã nhận được những ý kiến rất tích cực từ một số trụ trì các đền, chùa… và các khách hàng. Trong tương lai, trước sự đón nhận của xã hội, đây sẽ là một mô hình được phát triển để giải quyết một số lượng lớn việc làm cho thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật khi bản thân các em không thể tiếp tục học lên bậc học cao hơn. Tháng 1/2023, mô hình “Triển khai mô hình giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho người khuyết tật và tự kỉ với nghề thủ công sắp lễ và làm oản nghệ thuật” đã được Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Chị Đào Thanh Hoàn cho biết, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Ngọc Ân không ngừng học tập, nghiên cứu xây dựng ý tưởng đổi mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hướng nghiệp đảm bảo chất lượng và mang tính thẩm mỹ cao tạo cảm hứng cho người lao động yếu thế trong xã hội. Luôn phấn đấu là một trong những đơn vị dẫn đầu, làm mẫu nhân rộng và lan tỏa mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật tại các cơ sở giáo dục đặc biệt trên cả nước. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), phong tục thờ cúng là nét văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng đã có từ lâu đời gắn liền với đời sống người Việt. Do đó, cứ đến ngày rằm, mùng một, ngày lễ, người Việt Nam lại sắm đồ lễ bày biện, trang hoàng lên bàn thờ… trong đó, không thể thiếu các phẩm vật là oản và lễ. |
Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng là địa phương có rất nhiều đền, chùa nổi tiếng; khách hàng là những khách thập phương đến Hà Nội để du lịch tâm linh. Sản phẩm “Oản nghệ thuật” và “Lễ” ngày càng phát triển mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và du khách. |
Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Đức Hà |