Đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào một sáng tháng Năm, khi mùa hè gọi tiếng ve kêu râm ran trên tầng cây cao trong khuôn viên bảo tàng, chúng tôi sững sờ khi “lạc” vào không gian của gốm. Mỗi một hiện vật, mỗi một “mảnh vỡ” từ gốm đều lặng thầm kể câu chuyện của chúng trong quá khứ. Nếu không tận mắt ngắm nhìn, ít ai có thể hình dung được Bát Tràng từ nhiều thế kỷ trước đã có sự phát triển rực rỡ đến vậy, với những tạo tác cầu kỳ, công phu, tuyệt đẹp. Một phần trong số những hiện vật gốm sứ Bát Tràng khai quật được ở nhiều địa điểm đều quy tụ về đây. Theo sử liệu thành văn, vùng đất Bát Tràng có tên là xã Bát, lần đầu tiên được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1352. Thế kỷ 15, tên xã Bát Tràng xuất hiện và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng, sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) chép: “Làng Bát Tràng làm đồ bát chén”. Quanh khu vực Bát Tràng hiện nay, tại các địa điểm Lê Xá và Đào Xuyên thuộc xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) đã phát hiện, thu thập được một số đồ gốm Bát Tràng có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 như chậu hoa nâu, đĩa hoa lam, nhiều hiện vật là phế phẩm của lò gốm. |
Kết quả khai quật khảo cổ học các năm 2001 - 2003 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu tại di tích Kim Lan - một xã liền kề phía Nam xã Bát Tràng đã phát hiện di tích, di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19 - 20, đặc biệt là các tầng văn hoá có niên đại thế kỷ 9 - 10 và thế kỷ 13 - 14, trong đó, số lượng lớn các di vật là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần giống sưu tập gốm men đã biết ở Đa Tốn. Bên cạnh đó, còn có các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn. Đến những năm 1958, khu vực này mới được chia tách làm hai bởi công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ngày nay, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp xã Kim Lan và Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Vào thế kỷ 14, Bát Tràng chủ yếu sản xuất đồ gốm với các loại hình: bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm “men tiền lam”. Nửa sau thế kỷ 14, xuất hiện một dòng sản phẩm gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng, hoa văn chủ yếu là đường chỉ, hoa lá được vẽ hết sức thô phác, mờ nhạt. Đây là loại gốm được các nhà nghiên cứu gọi là “tiền men lam” đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men này và nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời. Ảnh hưởng của kỹ thuật trang trí gốm hoa lam, dòng gốm hoa nâu cũng có sự chuyển biến về kỹ thuật: vẽ bằng bút lông dưới men. Bát Tràng là một trong những trung tâm sản xuất gốm sớm thành thạo và sử dụng những kỹ thuật này trong sản xuất ở quy mô lớn. hế kỷ 15 -18 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam nói chung và Bát Tràng nói riêng phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hoá với nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Bát Tràng với các sản phẩm nổi tiếng: gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn... phục vụ rộng rãi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. |
Thế kỷ 18, những biến động lịch sử của quốc tế và trong nước khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam dần bị lụi tàn. Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và đồ kiến trúc rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội. Từ thế kỷ 18, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến động, quan hệ ngoại thương của Việt Nam giảm sút, việc xuất khẩu đồ gốm suy giảm khiến cho các trung tâm gốm xuất khẩu đã từng rất phát đạt trong các thế kỷ trước dần tàn lụi. Bát Tràng - một làng gốm truyền thống có từ thế kỷ 14 cũng bị ảnh hưởng, thị trường gốm xuất khẩu không còn, nhưng vẫn duy trì nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp nhu cầu. Thị hiếu của giới thượng lưu chuyển sang đồ gốm sứ Trung Quốc. Do vậy, đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này bên cạnh các đề tài truyền thống còn thấy xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như: “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Tam quốc chí”, “Bát tiên quá hải”, “Long Mã - Hà Đồ, Thần Quy - Lạc Thư”… Tuy nhiên, việc thể hiện các đề tài theo các thủ pháp truyền thống, bằng sự sáng tạo của mình những người thợ gốm Bát Tràng đã đạt được hiệu quả riêng biệt. Bát Tràng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm những giá trị đặc sắc văn hoá dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bát Tràng từng sản xuất nhiều vật phẩm gốm quý mang sắc thái riêng, qua nhiều thế kỷ được ưa chuộng từ làng xã đến cung đình, từ đồ thờ cúng dân gian đến cống phẩm ngoại giao. Từ thế kỳ 14, gốm Bát Tràng trở nên phát đạt nhờ chính sách cởi mở đối với công thương nghiệp. Thế kỷ 15-16, Bát Tràng trở thành trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hóa với nhiều sản phẩm gốm đạt đến trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, những biến động lịch sử khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam dần bị lụi tàn, gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, vật liệu kiến trúc rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội. Kế thừa truyền thống và mang nét riêng biệt, gốm Bát Tràng đã tồn tại qua những giai đoạn lịch sử khó khăn và phát triển cho đến ngày nay, trở thành “Bảo tàng sống” về lịch sử gốm sứ Việt Nam. |
Nằm tĩnh lặng trong không gian của bảo tàng, các hiện vật được khai quật dường như đang tự hào “khoe mình” trước con mắt kinh ngạc của người chiêm ngưỡng nó. Gốm men trắng ngà và xanh rêu là một trong những đặc trưng nổi trội, tạo nên nét riêng biệt của đồ gốm Bát Tràng. Men trắng ngà thường được sử dụng để phủ lên các đồ thờ như chân đèn, lư hương, tượng nghê, bình,… kết hợp với các thủ pháp kỹ thuật trang trí nổi để mộc chạm trổ, dán ghép tạo nên hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt. Men xanh rêu cũng thường được sử dụng kết hợp với men trắng ngà, tô lên các bông sen nổi, băng hoa tròn, hình rồng, đường diềm… Phổ biến có niên dại thế kỷ 16, 17, sắc men xanh rêu này là một trong những đặc trưng riêng biệt để nhận diện gốm Bát Tràng. Trào lưu cung tiến tiền của hưng công xây dựng, tu bổ các chùa chiền, đền miếu trong các thế kỳ 16, 17 của tầng lớp quý tộc khiến các sản phẩm gốm này của Bát Tràng được ưa chuộng và được đặt hàng rộng rãi Gốm Bát Tràng còn có các dòng chữ Hán - Nôm khắc, viết đắp nổi trên đồ gốm, đó là minh văn. Minh văn trên gốm Bát Tràng có niên đại phổ biến trong khoảng thế kỷ 16, 17. Phần lớn các đồ gốm có minh văn là đồ gốm thờ được đặt hàng làm để cung tiến vào các đình, đền, chùa, quán. Minh văn trên đò gốm không chỉ cung cấp tài liệu cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế hàng hóa thủ công nghiệp mà còn soi sáng nhiều vấn đề lịch sử xã hội. Đây là những thông tin quan trọng cho biết niên đại tuyệt đối của hiện vật, họ tên, quê quán của tác giá chế tạo cùng họ tên, chức tước của người đặt hàng. Nên đại ghi trên đồ gốm là than thuẩn để đối chiếu, so sánh các đồ gốm khác không ghi niên đại. |
Những chiếc lư hương hoa lam, được đắp nổi cầu kỳ hình rồng tỉ mỉ đến từng chi tiết: mắt, mũi, móng, vẩy, vây, thậm chí cả hình hoa sen, mây cũng được trổ nổi cực kỳ công phu. Chân đèn vẽ hoa lam, đắp nổi rồng và hoa cúc. Phần dưới của lư hương hình hoa lam, đắp nổi cánh sen trang trí hình rồng, phượng trong ô trổ thủng. Đôi nghê đội chân đèn được trang trí công phu với những đường chạm nổi tỉ mỉ, mặc dù kích thước đôi nghê không hề lớn, nhưng tất cả những chi tiết trang trí trên nghê, từ miệng, răng, móng vuốt, mắt, bờm… đều được thể hiện tinh vi và sống động. Thậm chí, một mô hình nhà nhưng được tạo tác hết sức tỉ mỉ, từng chi tiết từ rồng, mây, trăng, hoa cúc cho đến mái nhà, vì kèo, chạm trổ đầu rồng, ngói, các chi tiết trang trí mái đều được làm rất kỹ và rất thật. Giai đoạn từ thế kỷ 19, 20, các hiện vật cho thấy đã có sự tiếp nhận, thừa kế những kỹ thuật của giai đoạn trước, nhưng đã được nâng cao hơn. Những sản phẩm men rạn được tạo ra từ sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Có loại rạn do thời gian, nhưng cũng có loại rạn do sai sót kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Gốm men rạn Bát Tràng là một loại men độc đáo được chủ động tạo ra và khống chế độ rạn, hình dáng vết rạn thích hợp theo ý đồ, tạo cho sản phẩm vẻ đẹp cổ kính, độc đáo. Nhiều sản phẩm gốm cổ còn cho thấy, kỹ thuật đắp nổi, điêu khắc vẫn được giữ nguyên, nhưng các nghệ nhân đã tự do sáng tạo trên nền các loại men mới như men rạn, men nhiều màu… Đề tài cũng đã phong phú hơn với nhiều điển tích. Tuy nhiên người thợ gốm Bát Tràng đã có cách thể hiện riêng biệt, tạo nét đặc trưng. Thí dụ như ở chiếc lọ men rạn “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” có viết những câu thơ, dịch nghĩa như sau: “Trên sông hồ mênh mông một ông chài/ Con cò và con trai cặp giữ nhau, cuối cùng đều không được gì/ Chớ ngạc nhiên thấy người già coi nhẹ món lợi/ Đến nay còn giáo mác đánh nhau để tranh hùng”. Làng gốm Bát Tràng lâu nay vẫn nổi tiếng không chỉ với sản phẩm gốm mà còn với sự sáng tạo không ngừng trong kỹ thuật sản xuất gốm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có cơ hội để tìm hiểu ngọn nguồn những câu chuyện thú vị về lịch sử của làng gốm, quá trình hình thành và phát triển rực rỡ của những sản phẩm gốm qua nhiều giai đoạn. |
Là người con của làng gốm Bát Tràng, làm quen với đất sét, bàn xoay từ rất sớm nhưng để tạo sự khác biệt, anh Nguyễn Tuấn Minh đã chọn cho mình một lối đi riêng. Các sản phẩm gốm của anh đều được làm thủ công, mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Với lòng yêu nghề, sự tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề gốm sứ khi mới 25 tuổi. Trò chuyện với Minh, giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, chứa đựng tình yêu nghề của anh cuốn hút chúng tôi bằng những câu chuyện về nghề ngay từ những phút đầu gặp mặt. Sinh ra ở làng nghề, trong gia đình nhiều đời gắn bó với nghề sản xuất đồ gốm, anh đã “bén duyên” với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ của anh là những ngày làm bạn với đất. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai trẻ quyết định theo nghề truyền thống của gia đình. Sau hai năm làm việc, anh nhận thấy các sản phẩm làm ra giống những sản phẩm đại trà của làng nghề nên không tạo được dấu ấn riêng, khó thu hút khách hàng. Trăn trở gắn bó, phát triển nghề của gia đình, của làng, anh quyết định theo học tại khoa gốm, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm làm nghề. Vừa học tại trường, anh vừa tìm tòi, học hỏi nghề từ những người thầy đi trước. Dần dần thế giới quan của chàng trai trẻ được thay đổi, những tác phẩm tạo ra mang tính nghệ thuật cao hơn. |
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề, anh cho biết: “Sự trang trí phong phú, đa dạng trong cách tạo hình của bố đã truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi nghề. Để tạo ra một tác phẩm gốm thủ công mất rất nhiều thời gian. Công việc làm gốm thật sự không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Thêm vào đó người thợ muốn giỏi nghề cần phải có tố chất nghệ thuật, biết cảm nhận cái đẹp, có vậy các sản phẩm làm ra mới có hồn”. Trong hành trình theo nghề, anh Minh đã chọn hướng đi cho riêng mình. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng toàn bộ sản phẩm của anh đều được làm thủ công, vuốt bằng tay. Đó là nét riêng khi Bát Tràng đã có rất nhiều sản phẩm được sản xuất từ hệ thống máy công nghiệp. Việc kết hợp các đường nét của nghệ thuật điêu khắc, anh đã cho ra những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Cứ vậy với lòng yêu nghề, những miếng đất vốn vô tri, vô giác qua bàn tay anh đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có sức hút. Anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhận được sự đánh giá cao của các nghệ nhân gốm cũng như của khách hàng. Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm “Đôi bình vuốt tay men rạn cổ”; “Đôi chóe men rạn đắp rồng” hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Kim Trúc Tự (làng Bát Tràng). Năm 2021, từ sự tích “Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng”, anh cho ra sản phẩm “Khát vọng”. Hiện nay, sản phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Các tác phẩm: “Đôi chân đèn màu lam sẫm”; “Đôi lộc bình đắp tứ linh”, “Đôi choé men rạn vẽ rồng màu chàm cổ” hiện đang lưu giữ và trưng bày tại chùa Tiêu Dao. Sau cuộc trò chuyện về cơ duyên gắn bó với nghề gốm, chúng tôi được tham quan xưởng sản xuất của anh. Lấy đất tự tay nhào nặn, đặt lên bàn xoay, tỉ mỉ chuốt khối đất thành chiếc ấm, vừa thao tác anh vừa giải thích, thông thường để làm ra một sản phẩm gốm, người thợ phải thiết kế, lên khung về kỹ thuật. Sau khi có thiết kế cơ bản, người thợ sẽ hình dung và chuốt theo đúng kỹ thuật. Sản phẩm làm ra sau khi phơi khô sẽ được mang ra chuốt nguội trước khi nung. Theo nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh, sản phẩm gốm có đẹp, có hồn hay không phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay của người thợ. Các sản phẩm của anh đều được làm thủ công nên tất cả các khâu sản xuất đòi hỏi độ chính xác cao. Do đó, thợ gốm không những cần sự tỉ mỉ, chính xác mà phải luôn có sự nhạy cảm, nhất là trong khâu nung lò. “Một sản phẩm gốm được cho là đẹp phải là sản phẩm chuẩn kích thước, tinh tế trong từng đường nét khi chuốt, sắc sảo trong từng chi tiết hoa văn. Ngoài ra, kỹ thuật nung gốm phải đạt chuẩn, gốm sau nung phải mịn, đẹp”, anh Minh chia sẻ. Nói tới đây anh nhớ lại quãng thời gian mới vào nghề, phải trải qua nhiều khó khăn, trong số đó là khó khăn về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là kỹ năng đốt lò do chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, khi đó sản phẩm làm ra đều chưa đạt yêu cầu. Chủ động học hỏi kinh nghiệm từ người thầy, từ các nghệ nhân đi trước, dần dà anh đã khắc phục được những khó khăn, các sản phẩm anh tạo ra được đánh giá cao. |
Đến nay anh Minh đã xây dựng được xưởng sản xuất cho riêng mình, tạo việc làm cho nhiều người dân trong vùng, qua đó anh truyền dạy nghề cho các bạn trẻ trong làng. Sản xuất theo phương pháp thủ công nên số lượng không nhiều, mỗi tháng xưởng gốm của anhh cung cấp ra thị trường hơn 300 sản phẩm. Các sản phẩm đều được đầu tư về chất lượng, tạo điểm nhấn trong mỗi khách hàng. Cũng như nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh, ở làng gốm Bát Tràng ngày nay vẫn còn nhiều gia đình tiếp nối lịch sử của gốm, “vẽ” lên gốm những câu chuyện của hiện tại, để dòng mạch ngầm ấy cứ âm thầm chảy mãi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chia sẻ khi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đứng trước những hiện vật gốm cổ quý giá: Gốm Bát Tràng đã đạt được đến đỉnh cao, nó tầm ngầm, không bung xung nổi bật, nhưng rõ ràng nó như mạch sóng ngầm. Các lư, đỉnh ghi rất rõ tên của người thợ, người đặt hàng, những đồ cúng tiến,… và đầu tư vào đó là tư duy cũng như bàn tay nghệ nhân sắc sảo mà bây giờ chúng ta vẫn còn lưu giữ được. Gốm cổ Bát Tràng chính là nền tảng để tạo ra gốm Bát Tràng ngày nay - Bát Tràng trong xã hội công nghiệp. Và Bát Tràng với truyền thống lâu đời vẫn sống và là niềm tự hào của người dân Hà Nội, người dân Việt Nam ngày hôm nay”. Mặc dù Bát Tràng không có đất chuẩn làm gốm, cũng không phải là nơi có nguồn than củi, nhưng dựa vào đường sông cùng với kỹ thuật tạo hình, kỹ thuật men có từ nhiều thế kỷ, Bát Tràng hiện vẫn là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống, vẫn tồn tại và phát triển bền vững. |
Nội dung, thiết kế: Bảo Thoa |