Thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng đang mở ra các cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với hoạt động Công đoàn. Trong bối cảnh đó, vai trò của cán bộ Công đoàn càng trở nên quan trọng bởi cán bộ là gốc rễ của mọi phong trào. Người cán bộ Công đoàn thời kỳ mới có tri thức, hiểu biết, vận dụng được tri thức để phụng sự giai cấp công nhân sẽ thực sự là thủ lĩnh tin cậy của người lao động. |
Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với 609.274 đoàn viên và tổng số cán bộ Công đoàn các cấp là 66.995 người. Trong những năm qua, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ bản vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với hoạt động Công đoàn. Thông qua phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn, nhiều cán bộ Công đoàn trưởng thành và được bổ nhiệm, quy hoạch ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo chuyên môn trong các cơ quan, đơn vị... Do đó, vai trò của tổ chức Công đoàn trong nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được khẳng định, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động được nâng lên, đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ Công đoàn của Thủ đô cũng còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý, năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn còn chưa đồng đều, thiếu kỹ năng nghiệp vụ công tác Công đoàn. Trong đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô có 51,90% cán bộ Công đoàn có trình độ từ Đại học trở lên, nhưng số cán bộ Công đoàn được đào tạo chính quy hoặc bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ công tác Công đoàn chiếm tỷ lệ rất thấp. Chính sách đối với cán bộ Công đoàn chưa thực sự thỏa đáng, nên không tạo động lực để họ nhiệt tình trong công tác. Tính hành chính trong công tác Công đoàn còn nặng nề. Một số cán bộ Công đoàn cơ sở vai trò còn mờ nhạt, chưa chủ động, ngại va chạm trong giải quyết công việc. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường nhận định, trong giai đoạn hiện nay tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức Công đoàn Thủ đô nói riêng đang đứng trước những cơ hội, thách thức có tác động sâu sắc đến hoạt động, đó là: Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EV FTA) và những cam kết quốc tế. |
Trong đó, 2 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có tác động mạnh mẽ đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam: Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể đã được Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết phê chuẩn; Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, đang được Việt Nam xem xét tham gia. “Từ thực tế phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn đã chứng minh, muốn xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì phải xây dựng được đội ngũ cán bộ Công đoàn chất lượng, có bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, để có cơ sở khoa học về cả lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội (khóa XVI) về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ Công đoàn trong tình hình mới” với mong muốn nhận được các ý kiến, kinh nghiệm quý báu, những đánh giá khách quan, toàn điện, đề xuất những giải pháp có chất lượng về tình hình tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ Công đoàn của các đồng chí Lãnh đạo, các chuyên gia, các vị đại biểu khách quý tham dự hội thảo”- Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh. |
Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội |
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn gồm 3 tiêu chí cơ bản: Thể lực, trí lực và tâm lực. Trong đó, nâng cao trí lực là tiêu chí rất quan trọng trong biểu hiện chất lượng nguồn nhân lực.
Nhấn mạnh cán bộ Công đoàn phải là người biết lắng nghe, biết chia sẻ chân thành với tất cả công nhân và những người lao động, ông Vũ Quang Thọ bày tỏ: “Công nhân lao động là số đông, cán bộ Công đoàn là số ít. Vì vậy, người cán bộ Công đoàn phải chủ động lắng nghe để thấu hiểu; lắng nghe chăm chú, thấu hiều chân thành... Cán bộ Công đoàn gần gũi công nhân lao động để bàn bạc, tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn một cách đúng đắn hợp pháp. Trong những trường hợp như vậy, rất cần đến sự “dấn thân” hành động của người cán bộ Công đoàn”. |
Về vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ Công đoàn, ông Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra quá trình đổi mới tổ chức bộ máy của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội vẫn đang gặp phải những khó khăn vướng mắc.
Để xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Công đoàn Thủ đô thời gian tới, ông Vũ Anh Đức cho rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Thủ đô. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy Cơ quan Liên đoàn Lao động Thành phố; Cơ quan Công đoàn cấp quận, huyện và các đơn vị trực thuộc đảm bảo linh hoạt, hiệu quả... |
Từ thực tế hoạt động tại cơ sở, ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử ASTI Hà Nội (doanh nghiệp nước ngoài 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Quang Minh) đề xuất: Cán bộ Công đoàn cơ sở cần được quan tâm, cần được đào tạo, và hỗ trợ sát sao để họ nâng cao bản lĩnh, có tố chất và dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Ông Nhân cũng cho rằng, khi được phép xây dựng các tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp thì Công đoàn phải có những hoạt động cụ thể hơn, mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động hơn để đáp ứng thời kỳ mới. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhắc lại Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Theo đó: “Cán bộ là nhân tố Quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”.
“Hà Nội có nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất, có đông công nhân lao động, đoàn viên công đoàn, hoạt động Công đoàn Thủ đô có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và thành tích chung của tổ chức Công đoàn cả nước. Do vậy, công tác quy hoạch cán bộ Công đoàn Thủ đô rất cần mở rộng phát hiện nguồn cán bộ từ thực tiễn cấp dưới, chú ý cán bộ trưởng thành từ cơ sở, cán bộ xuất thân từ công nhân”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh. |
Đồng thời, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện đồng bộ các nội dung trên với một số yêu cầu cụ thể. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với yêu cầu của từng chức danh, từng vị trí công tác và trình độ của cán bộ Công đoàn các cấp; đội ngũ cán bộ quản lý mới được điều động về công tác Công đoàn cần đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ Công đoàn các cấp với bồi dưỡng theo vị trí việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu của tổ chức Công đoàn; quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện liên tục, song song với quá trình công tác của đội ngũ cán bộ; đổi mới căn bản công tác quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học viên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng; phân công bộ phận theo dõi, đánh giá về hiệu quả sử dụng, trưởng thành của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp sau khi được học tập, đào tạo, bồi dưỡng... |
Chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định, công tác Công đoàn hiện nay đang đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn. Cán bộ Công đoàn thường xuyên thay đổi, công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ công đoàn còn nhiều bất cập nên chưa thu hút được những thủ lĩnh thực sự của phong trào công nhân vào các vị trí nòng cốt theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Để làm tốt công tác cán bộ Công đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội bám sát các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa ký ban hành ngày 31/5/2021. Từ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cán bộ Công đoàn, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chí riêng về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nhân tài vào vị trí cán bộ Công đoàn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng bày tỏ mong muốn, cùng với việc quan tâm tới công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm xem xét ban hành định hướng cụ thể về việc tuyển dụng cán bộ Công đoàn, trong đó chú trọng việc bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc về lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Công đoàn trong giai đoạn mới. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng nhấn mạnh, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức, mỗi cán bộ Công đoàn cũng cần không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, và nỗ lực, vận dụng các mối quan hệ để nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn. |
Nội dung: Phạm Diệp, Phương Ngân Ảnh: Mai Quý Thiết kế: Đức Hà |
|