Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp bắt buộc khi học sinh không thể đến trường. Thế nhưng, ở một số địa bàn của Hà Nội, vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị để học tập. Trước thực tế này, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có các cấp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã chung tay hỗ trợ hàng nghìn thiết bị học tập trực tuyến để các học sinh không bị “đứt gãy” kiến thức. |
Từ khi sinh ra, Đào Diệu Huyền (học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên) đã không được may mắn như các bạn đồng trang lứa. Bố em bị bại liệt phải ngồi xe lăn từ nhỏ, mọi sinh hoạt phải nhờ vào người thân, còn mẹ em bỏ nhà đi khi em chưa đầy 4 tuổi. Năm 2021, bố của em qua đời, em được bà nội nuôi nấng. Bà nội của Diệu Huyền hay ốm đau, thu nhập chỉ trông vào mảnh vườn trồng rau và bưởi. Trong thời gian dịch bệnh, Diệu Huyền phải học trực tuyến nhưng gia đình khó khăn không có điều kiện mua thiết bị để học tập. Nhận được chiếc máy tính từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội trao tặng, Diệu Huyền xúc động chia sẻ: “Trong quá trình học trực tuyến vừa qua, vì không có máy tính nên việc học của em chủ yếu do cô giáo và bạn bè giúp đỡ. Nay được tặng máy tính, em vô cùng hạnh phúc. Đây là món quà lớn lao, ý nghĩa mà em chưa bao giờ dám mơ ước đến. Kể từ hôm nay, em đã có máy tính để học tập trực tuyến như các bạn. Em sẽ giữ gìn, trân trọng món quà quý báu này và xin hứa sẽ học tập thật giỏi để không phụ lòng các thầy cô giáo và các bác lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội”. Theo chân các thầy cô Ban Giám hiệu và Công đoàn Trường Tiểu học Đại Áng đến nhà em Đặng Minh Cường (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Đại Áng, huyện Thanh Trì), chúng tôi không khỏi xúc động khi bước vào căn nhà đơn sơ nằm hẻo lánh ở khu ruộng rìa làng. Bà Nguyễn Thị Dung (bà nội Cường) cho biết, căn nhà này được bà thu vén, vay mượn và nhờ người dựng tạm trên mảnh đất ruộng gia đình để lại. Gọi là nhà nhưng chỉ là mấy bức tường thấp được quây lại bằng tôn, bên trong là những vật dụng cũ kỹ, đơn sơ. Thế nhưng, trong hoàn cảnh thế này, em Đặng Minh Cường vẫn được nhận Giấy khen của nhà trường mỗi dịp cuối năm học. Qua lời tâm sự của bà Dung, gia đình Cường có hoàn cảnh éo le. Bố mẹ ly hôn, em sống cùng bà nội từ khi mới 20 tháng tuổi. Năm nay, bà Dung đã 66 tuổi, cũng là gần 10 năm hai bà cháu sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả, lang thang đi ở thuê, ở nhờ hết nơi này đến nơi khác. Thu nhập của bà Dung mỗi ngày hơn 100.000 đồng, lại lo đủ thứ từ sinh hoạt hàng ngày đến việc học hành, sách vở cho Cường cho nên cứ ngừng làm thuê là hết tiền. Được Ban Giám hiệu và Công đoàn Trường Tiểu học Đại Áng tặng gạo, sữa, mỳ tôm và điện thoại để em học trực tuyến, hai bà cháu rất cảm động. Năm ngoái do không có thiết bị học trực tuyến nên Cường đã bỏ lỡ nhiều bài giảng. Cường cho biết bản thân rất bất ngờ và hạnh phúc khi nhận được điện thoại do nhà trường tặng để học trực tuyến. “Năm ngoái em không có thiết bị học trực tuyến nên chỉ có thể xin cô bài tập rồi tự học. Năm nay em rất vui vì có thể học trực tuyến, nghe bài giảng của cô qua mạng, được nhìn thấy các bạn trên Zoom. Em hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng các thầy cô” - Cường bày tỏ. Nhìn chiếc máy tính mới tinh, em Dương Hà Trang (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên) vẫn thấy như đang trong giấc mơ. Đó là món quà em vừa được nhận tại chương trình trao tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phú Xuyên do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức. Do điều kiện kinh tế khó khăn, vài sào ruộng không đủ để lo cho cuộc sống của cả gia đình 6 người nên bố mẹ Trang đã phải để lại hai con cho ông bà, vào thành phố Hồ Chí Minh bán hàng rong, kiếm tiền nuôi anh em Trang ăn học. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cả bố và mẹ em đều nhiễm bệnh. Vì sức khỏe yếu nên mẹ em đã qua đời nơi đất khách quê người mà không được ôm hai con lần cuối. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn nhiều hơn. Vì vậy, việc có một chiếc máy tính để học trực tuyến cùng thầy cô và các bạn vẫn luôn là một mơ ước có phần xa vời với Trang. “Với em, đây là một món quà rất ý nghĩa và lớn lao. Em sẽ luôn trân trọng và xin hứa với các thầy cô sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng quan tâm của các thầy cô và các nhà hảo tâm…” - Hà Trang nghẹn ngào nói. Còn nhiều nữa những hoàn cảnh khó khăn trên khắp các vùng quê, ngõ, xóm của Hà Nội mà dấu chân các thầy cô và tổ chức Công đoàn vẫn đang miệt mài đi tìm và trao cho các em cơ hội được nối liền kiến thức sang năm học mới. |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của thành phố Hà Nội “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, ngay sau Khai giảng năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm huy động sự chung tay của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ủng hộ thiết bị đã sử dụng hoặc chưa sử dụng (máy tính, laptop, điện thoại thông minh...) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện học trực tuyến. Thời gian qua, các đơn vị, trường học và nhiều nhà hảo tâm trên địa bàn Thành phố đã tích cực hưởng ứng chương trình và đã kịp thời trao tặng thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em duy trì tốt việc học trực tuyến trong điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp. |
Với mục đích gieo những hạt mầm yêu thương, giúp đỡ các em học sinh gặp khó khăn do dịch Covid-19, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường Trung học cơ sở Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng “Quỹ hỗ trợ các học sinh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19” nhằm hỗ trợ các em học sinh có cả bố và mẹ bị mất việc làm, có bố hoặc mẹ đang ở tuyến đầu chống dịch hoặc đang ở khu vực bị phong tỏa, các em học sinh không có điều kiện trang bị phương tiện học tập trực tuyến. Quỹ đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và phụ huynh, các thầy cô toàn trường trên tinh thần tự nguyện, lòng nhân ái và tương trợ lẫn nhau chung tay ủng hộ để hỗ trợ các em học sinh. Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đại diện Quỹ trao tặng 13 điện thoại trị gần 34 triệu đồng cho các em học sinh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến. Cô giáo Trần Mai Hương (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Liệt) cho biết: “Sự quan tâm, đồng hành của các thầy cô giáo, Công đoàn nhà trường, các mạnh thường quân, cha mẹ học sinh đã góp những phần quà hết sức ý nghĩa giúp các em học sinh khắc phục khó khăn, động viên kịp thời các em trong năm học mới, đặc biệt trong thời gian học trực tuyến hiện nay; củng cố niềm tin, khích lệ, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của các em, cùng các em vượt qua gian khó hướng về tương lai. Nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân đã góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn, tương thân tương ái sâu sắc tới các em học sinh, gia đình và cộng đồng”. Tại quận Ba Đình, Trưởng phòng GD&ĐT quận Lê Đức Thuân chia sẻ: “Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến nay đã hỗ trợ đủ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của quận; đồng thời ủng hộ học sinh Hà Nội qua Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội 6 bộ máy tính, học sinh huyện Ba Vì 10 bộ máy tính, học sinh huyện Phú Xuyên 12 thiết bị học tập trực tuyến cùng 200 phần quà (gồm bút viết, vở ghi, cặp sách) và 40 triệu đồng tiền mặt… Những món quà vừa tạo điều kiện vật chất để các em có thể học tập thuận lợi hơn, vừa có giá trị tinh thần để động viên, khích lệ các em nỗ lực vượt qua khó khăn của hoàn cảnh gia đình để vươn lên học tốt”. Tương tự, tại quận Hoàng Mai, với sự vào cuộc đồng bộ của quận và các nhà trường, đến nay, trên địa bàn không còn học sinh nào vì khó khăn mà không có thiết bị học tập trực tuyến, bước đầu hoàn thành mục tiêu “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
|
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, thời gian qua, Công đoàn ngành đã tích cực phối hợp với các đơn vị, trường học rà soát, trao tặng thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các đơn vị, nhà trường đã giúp nhiều học sinh có thiết bị cá nhân để học trực tuyến. “Chúng tôi rất vui khi được lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo để chương trình “Sóng và máy tính cho em” không chỉ ở ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai mà còn triển khai tới toàn bộ hệ thống chính trị để tất cả các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được cung cấp mạng, máy tính và các thiết bị học tập để giúp đỡ các em trong thời kỳ học trực tuyến cũng như khi hết giãn cách. Thời gian tới, bên cạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp với Sở triển khai những chương trình đồng hành cùng nhà giáo để chia sẻ những kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng giảm stress trong quá trình tổ chức dạy học…” - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ. Được biết, với mong muốn không để học sinh khó khăn bị bỏ lại phía sau, chiều 15/9, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức chương trình “Sóng và máy tính cho em”, trao hỗ trợ đợt 1 năm học 2021-2022 cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tại chương trình, gần 3.700 bộ máy tính và 10.000 sim data truy cập Internet miễn phí đã được các tổ chức trong và ngoài ngành trao tặng để gửi tới những học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến. Các Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân và Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa ủng hộ gần 100 bộ máy tính bàn và máy tính bảng mới. Cũng tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao tặng 62 bộ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc 5 huyện: Phúc Thọ, Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức và 2 Trường Trung học phổ thông Minh Quang, Bất Bạt (huyện Ba Vì). Tiếp đến, ngày 1/10, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục tổ chức quyên góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và trao hỗ trợ đợt 2 năm học 2021-2022 cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu thiết bị học trực tuyến. Tại chương trình, lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội đã kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương. Tổng số tiền ban đầu quyên góp được là 52,6 triệu đồng. Nhân dịp này, lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội cũng trao tặng thiết bị học trực tuyến cho 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 11 cơ sở giáo dục. Nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tổ chức trao trực tiếp cho 10 học sinh tại chương trình, số còn lại được trao cho đại diện Ban Giám hiệu các đơn vị để gửi tới các học sinh. Tính đến ngày 1/10, gần 4.600 học sinh thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được nhận thiết bị học trực tuyến từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” với tổng giá trị khoảng 14 tỷ đồng. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: “Năm học 2021-2022, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động dạy và học. Thực hiện sự chỉ đạo của Thành phố, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch song song với việc xây dựng kế hoạch, triển khai dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình nhằm bảo đảm mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Tuy nhiên, qua thống kê, vẫn còn nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Nhiều học sinh có thiết bị nhưng chất lượng kém, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc học chưa hiệu quả. Ngành GD&ĐT Hà Nội phát động và kêu gọi các đơn vị, các cá nhân trong và ngoài ngành hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu điều kiện học tập, đặc biệt là các em học sinh lớp 9, lớp 12”. |
Nội dung: Phạm Thảo - Bảo Thoa Thiết kế: Đức Hà |
|
.