|
Gắn bó với tổ chức Công đoàn từ tháng 10/2016 đến nay, quãng thời gian không quá dài nhưng đủ để Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy đem đến một “luồng gió mới” trong hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của địa phương. Với những đóng góp của mình, chị Thủy vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III năm 2022 - giải thưởng cao quý dành cho cán bộ Công đoàn xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”. ******************* |
|
Cách đây tròn 1 năm, khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Thủ đô Hà Nội, toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, đó cũng là lúc những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của tổ chức Công đoàn Thủ đô lăn bánh trên khắp các nẻo đường, mang theo nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong những khu cách ly, phong tỏa trên toàn Thành phố. Theo chân một chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” mang nhu yếu phẩm đến với công nhân lao động tại huyện Đan Phượng, chúng tôi bắt gặp và ấn tượng với hình ảnh của người “thủ lĩnh” Công đoàn huyện, dáng người nhỏ nhắn, nhanh thoăn thoắt vận chuyển từng “Túi An sinh Công đoàn” đến khu vực tập kết và trao cho người lao động. Đến bây giờ, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với chị Thủy, khi được hỏi: “Ở thời điểm đó, đâu là động lực để chị vượt qua nỗi sợ về nguy cơ nhiễm Covid-19, sẵn sàng gác lại những việc riêng tư để toàn tâm, toàn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động?”. Chị Thủy nở nụ cười rạng rỡ và nói: “Có những điều át đi nỗi sợ, đó là trách nhiệm, tình cảm của bản thân tôi - một người cán bộ Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động của mình”. |
Theo chị Thủy, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, LĐLĐ huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để kịp thời chăm lo cho đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Cụ thể, LĐLĐ huyện đã hướng dẫn các Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp triển khai thành lập 213 “Tổ An toàn Covid-19" trong doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” trong thời điểm toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội; triển khai thực hiện hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. LĐLĐ huyện đã tổ chức 15 “Chuyến xe siêu thị 0 đồng”, trao hàng ngàn “Túi An sinh Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động thuê trọ bị mắc kẹt trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rau xanh cho 15 bếp ăn tại doanh nghiệp; hỗ trợ đoàn viên thuộc diện F0, F1 cách ly y tế; hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch các nhu yếu phẩm cần thiết... Cùng với hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ huyện đã chủ động đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện, trực tiếp phối hợp tổ tiêm vắc xin bố trí 3 điểm tiêm lưu động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động tạo miễn dịch cộng đồng, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Do vậy, 100% đoàn viên Công đoàn và gần 10.000 người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động trong các làng nghề được bố trí tiêm đủ 2 liều vắc xin và liều nhắc lại ngay đợt đầu triển khai. Công nhân lao động và chủ sử dụng lao động đều rất phấn khởi. Qua đó cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. “Thông qua các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã càng tô thắm thêm màu áo xanh Công đoàn, hình ảnh người cán bộ Công đoàn và vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn được người lao động, doanh nghiệp và xã hội nghi nhận”, chị Thủy nhấn mạnh. “Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động không còn giống thời điểm dịch bùng phát mạnh và giãn cách xã hội. Vậy, chị đã chỉ đạo triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động như thế nào?”, chúng tôi tiếp lời chị Thủy. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, chị Thủy cho biết, xác định chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức Công đoàn, nên ngoài việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động thường niên như Tết sum vầy, Tháng Công nhân, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…, lãnh đạo LĐLĐ huyện đã trực tiếp đàm phán, thương lượng và phối hợp với 7 công ty, đơn vị có sản phẩm thiết yếu (sữa, nước giặt, xà phòng, gạch, y tế, khám chữa bệnh, dịch vụ du lịch...) ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên, hỗ trợ giảm giá từ 10-40% các sản phẩm của công ty khi bán cho đoàn viên Công đoàn, đã có gần 4.000 lượt đoàn viên được hưởng lợi với giá trị gần 1,2 tỷ đồng. |
Ngoài chăm lo đời sống vật chất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch LĐLĐ huyện, các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động cũng được Công đoàn huyện triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, người lao động và sự ủng hộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp. |
Trong đó, phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường niên với những hoạt động đa dạng, phong phú, tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên, CNVCLĐ tham gia giao lưu học hỏi, chia sẻ, gắn kết. Nổi bật là LĐLĐ huyện đã tổ chức Hội thi “Nữ CNVCLĐ duyên dáng sáng tạo”, với 24 đội thi thu hút gần 1.000 đoàn viên, cổ động viên tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, gắn bó trong CNVCLĐ; tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao với các nội dung nhảy dân vũ, kéo co, nhảy bao bố… đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ tham gia, làm phong phú nội dung hoạt động, tạo sân chơi, khí thế thi đua trong các cơ sở. Các phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” được quan tâm triển khai và phát động sâu rộng đến các doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở, số lượng công nhân giỏi được tuyên dương năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, LĐLĐ huyện đã tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi huyện Đan Phượng với 4 nội dung thi: Hàn Tig, hàn CO2, may công nghiệp, điện công nghiệp, thu hút 60 công nhân lao động tham gia. Qua đó, người lao động, đặc biệt là những lao động trực tiếp có điều kiện để giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề và góp sức mình vào sự phát triển của doanh nghiệp. “Chăm lo được cho đoàn viên, người lao động là hạnh phúc của người cán bộ Công đoàn. Hạnh phúc đó giản đơn lắm! chỉ cần nhìn thấy ánh mắt tươi vui, nụ cười rạng rỡ của đoàn viên khi đón nhận phần quà hỗ trợ, khi tham gia các sân chơi do Công đoàn tổ chức... là tôi lại có thêm động lực, nhiệt huyết để làm việc”, chị Thủy tâm sự khi điểm lại các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động của mình. |
Không chỉ chăm lo mà còn phải làm tốt công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đây là nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn, chính vì thế, với vai trò là Chủ tịch LĐLĐ huyện, chị Thủy đã trực tiếp chỉ đạo triển khai việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị người lao động. Hằng năm, tỷ lệ đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đều đạt 100%; tỷ lệ đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động đạt trên 86%; tỷ lệ đơn vị thực hiện đối thoại tại nơi làm việc đạt trên 83%... Qua đó, đã góp phần giải quyết kịp thời những vướng mắc, những kiến nghị phát sinh ngay tại cơ sở. Chủ tịch LĐLĐ huyện cũng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). “Tôi tập trung hướng dẫn Công đoàn cơ sở quan tâm thương lượng, đàm phán những nội dung thiết thực như: Tiền lương tháng tăng 5-7% so với mức lương tối thiểu vùng; thời gian làm việc giảm 4 giờ trong tháng; tăng bữa ăn ca ít nhất đạt 25.000 đồng/bữa đối với đơn vị tự nấu; 30.000 đồng/bữa đối với đơn vị hợp đồng cung cấp suất ăn; thưởng đột xuất từ 500.000 - 1.000.000 đồng/sáng kiến khi người lao động có sáng kiến… Do vậy, TƯLĐTT đạt loại A, B ở các doanh nghiệp được tăng lên; tỷ lệ doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở của huyện ký kết được TƯLĐTT đạt trên 86%”, chị Thủy cho biết. |
Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của người “thủ lĩnh” Công đoàn, 5 năm liền, LĐLĐ huyện đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền huyện với CNVCLĐ. Qua tiếp xúc đối thoại, cấp ủy, chính quyền huyện, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã trả lời những băn khoăn, thắc mắc của CNVCLĐ. Nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực được chỉ đạo giải quyết ngay tại hội nghị đối thoại. Đơn cử như trường hợp một công nhân thuê trọ trên địa bàn huyện có con nhỏ đến tuổi đi học, băn khoăn việc con học trái tuyến sẽ tốn kém, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Công an địa phương hỗ trợ gia đình công nhân này đăng ký tạm trú, tạm vắng, giúp con họ được đi học đúng tuyến. Một số ý kiến, đề xuất của CNVCLĐ thuộc thẩm quyền cấp trên, sau các hội nghị đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Là một trong số ít LĐLĐ cấp quận, huyện tổ chức hội nghị đối thoại với người đứng đầu chính quyền huyện hàng năm, chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp, chị Thủy cho biết, điều quan trọng là phải lựa chọn nội dung đối thoại liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, việc làm của người lao động… Từ đó, tập hợp và đề xuất người đứng đầu chính quyền huyện đối thoại, trao đổi, trả lời trực tiếp. Ngoài ra, trong hội nghị đối thoại phải tạo ra được bầu không khí thoải mái, để người lao động có thể sẵn sàng hỏi, kiến nghị, đề xuất những vấn đề mà họ quan tâm. Bên cạnh việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền huyện với CNVCLĐ, hàng năm, LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong thực hiện, chấp hành pháp luật lao động. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, “thủ lĩnh” Công đoàn huyện Đan Phượng đã trực tiếp phối hợp tư vấn cho một chủ sử dụng lao động không được lôi kéo 205 người lao động dự định tổ chức tụ tập đông người khiếu kiện; đồng thời phối hợp hỗ trợ tư vấn để đơn vị giải quyết vướng mắc trong thanh toán các khoản công nợ. Nhờ đó, quyền lợi của người lao động được đảm bảo, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ ổn định. |
Là “thủ lĩnh” Công đoàn, chị Thủy luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức. Từ những trăn trở đó, chị Thủy đã có sáng kiến “Đổi mới việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn, nâng chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn huyện”. Trong đó, mấu chốt là phải tạo được sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, chuyên môn, các cấp, các ngành. Chị Thủy đã trực tiếp tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn huyện; thành lập đội ngũ cộng tác viên gồm những người có chức vụ, uy tín tại các xã, thị trấn và cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động để làm công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Cạnh đó, LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội các cấp để cập nhật, nắm chắc tình hình công nhân lao động và số lượng doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở để có kế hoạch vận động phát triển. Nhờ vậy, năm 2021, LĐLĐ huyện thành lập được 9/7 Công đoàn cơ sở, đạt 128,5% so với chỉ tiêu Thành phố giao; kết nạp mới được 338/250 đạt 135,2% so với chỉ tiêu được giao. 5 tháng đầu năm 2022, LĐLĐ huyện kết nạp 265 đoàn viên mới đạt 75,7% chỉ tiêu được giao, thành lập 11 Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đạt 84,6% chỉ tiêu được giao. “Điều tôi quan tâm không chỉ là số lượng Công đoàn cơ sở được thành lập, mà sau khi thành lập phải hoạt động có chất lượng. Do đó, với các Công đoàn cơ sở mới thành lập, LĐLĐ huyện đều cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ kịp thời để Công đoàn cơ sở đi vào hoạt động bài bản, hiệu quả”, chị Thủy chia sẻ. |
Từ thực tiễn hoạt động, chị Thủy đã có sáng kiến “Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2020-2025”, góp phần đưa hoạt động của Công đoàn cơ sở đi vào thực chất hơn, làm cho đoàn viên, người lao động thấy rõ và đầy đủ vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn để gắn bó với tổ chức Công đoàn; cao hơn là cán bộ Công đoàn cơ sở say mê, nhiệt huyết hoạt động vì quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động. Các sáng kiến của chị Thủy đã được Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng công nhận; được LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá cao và được chia sẻ để LĐLĐ các quận, huyện học hỏi, áp dụng tại đơn vị. Với những cố gắng nỗ lực và trách nhiệm của bản thân, chị Thủy nhiều năm liền được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen; Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục tiêu biểu; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen và danh hiệu “Người tốt - việc tốt”; Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ; Đảng bộ cơ quan Dân Đảng huyện đánh giá đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liên tục. Dưới sự điều hành trực tiếp của chị Thủy cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể LĐLĐ huyện Đan Phượng, từ năm 2016 đến năm 2021, LĐLĐ huyện luôn được Huyện ủy Đan Phượng đánh giá tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 5 năm liền được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc; năm 2019 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì. |
Nội dung: Mai Quý
Trình bày: P. Thắng