Multimedia
29/06/2021 13:03
Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

29/06/2021 13:03

(LĐTĐ) Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng liên tiếp xảy ra cháy tại các nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Để đảm bảo an toàn cháy nổ đối với loại hình này, Công an thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm huy động lực lượng tổng kiểm tra, rà soát về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với tất cả các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở trên địa bàn Thành phố.
Emagazine: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng liên tiếp xảy ra cháy tại các nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Để đảm bảo an toàn cháy nổ đối với loại hình này, Công an thành phố Hà Nội đã mở đợt cao điểm huy động lực lượng tổng kiểm tra, rà soát về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với tất cả các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở trên địa bàn Thành phố.

Emagazine: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn Thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào.

Emagazine: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Qua tìm hiểu, tại nhiều nơi trên địa bàn Thành phố, do tính chất dân cư đông đúc nên phải xây dựng lối duy nhất là lối ra vào, đồng thời cũng là lối thoát nạn. Song cũng có nhiều hộ dân do muốn tăng không gian sống rộng rãi hơn, nên việc tận dụng từng phân đất cho căn phòng của mình là không hiếm gặp, nhưng ít ai nghĩ tới và đặt ra tình huống xấu nhất là khi xảy cháy, nổ sẽ thoát đi đâu. Đáng lo ngại, nhiều gia đình ở nhà dạng ống mới chỉ nghĩ đến việc làm thế nào an toàn phòng chống trộm đột nhập, nhưng chưa nghĩ đến làm cách nào để thoát nạn.

Chính vì thế, những ngôi nhà có mặt tiền và đây thường là điểm cứu nạn, thoát nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất khi có cháy thì đã bị lồng sắt chống trộm cản trở. Còn những hộ gia đình có nhà ở kết hợp nơi kinh doanh đều tiềm ẩn cháy nổ cao, bởi cách sắp xếp hàng hóa kém khoa học và lơ là trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng đóng cửa, tạm dừng kinh doanh thế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy do không được chủ nhà, nhân viên kiểm tra thường xuyên. Cùng với đó, thời gian gần đây, thời tiết mùa hè nắng nóng, tăng nguy cơ hỏa hoạn...

Thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố, Ban Chỉ huy Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ phối hợp Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy 21 phường trên địa bàn, tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở kinh doanh.

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Thành - Phó Trưởng Công an quận Đống Đa: “Trên địa bàn quận có hơn 3.000 cơ sở kinh doanh. Trong đó, nhiều hộ kinh doanh kết hợp nhà ở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng. Mùa nắng nóng, các hộ gia đình thường có nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn, do vậy cũng tăng nguy cơ chập, cháy các thiết bị điện. Trước tình huống như vậy, Ban Chỉ huy Công an quận yêu cầu Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cử cán bộ phối hợp, hướng dẫn Công an các phường tham mưu Ủy ban nhân dân phường kiểm tra toàn bộ loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh địa bàn, kịp thời phát hiện chỉ ra những tồn tại, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ ở nhà dân để khắc phục, xử lý, không để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Trong quá trình kiểm tra, các cán bộ chiến sĩ Công an quận Đống Đa đã kết hợp tuyên truyền về an toàn phòng cháy chữa cháy cho các hộ dân, cùng với đó, lập biên bản xử lý đối với các cơ sở không đáp ứng yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời yêu cầu chủ cơ sở đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường theo quy định trong suốt quá trình hoạt động. Cụ thể, đoàn kiểm tra đã yêu cầu nhiều chủ cơ sở mở lối thoát nạn thứ 2; mua bổ sung các thiết bị như bình chữa cháy xách tay, bố trí tại các tầng, phòng trong nhà, thay thế các bình chữa cháy cũ; không sắp xếp vật dụng, hàng hóa ở cầu thang, hành lang cửa ra vào làm cản trở lối thoát nạn; bố trí nơi thờ cúng, khu vực đun nấu phải ngăn cách bằng vật liệu chống cháy và phải cách xa vật liệu dễ cháy....

Ngoài ra, đối với loại hình cho thuê mặt bằng tầng 1, sinh hoạt gia đình từ tầng 2 trở lên, các tổ công tác hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn đối với người thuê cửa hàng và người dân sinh sống ở phía các tầng trên. Bởi lẽ, rất nhiều trường hợp xảy ra cháy tại tầng cho thuê mà chủ nhà không phát hiện kịp thời. Trong quá trình kiểm tra, tuyên truyền, Công an quận Đống Đa yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết chấp hành an toàn phòng cháy chữa cháy.

Còn tại quận Ba Đình, ngày 22/6, Ủy ban nhân dân quận đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND về việc thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Nội dung kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy sâu rộng và trực tiếp đến chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh; kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo quy định; đề ra các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế…

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Ủy ban nhân dân quận sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan cùng với Ủy ban nhân dân 14 phường thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo việc tổ chức thực hiện kế hoạch được đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng.

Đặc biệt, các phường phải huy động hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Ủy ban nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý về trật tự xây dựng; có biện pháp xử lý cương quyết, triệt để theo quy định của pháp luật; thành lập các Đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Quá trình kiểm tra kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an Thành phố kêu gọi, mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa.

Bên cạnh đó, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m; nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà.

Mỗi gia đình có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sửa chữa, thi công, hàn, cắt phải có người trông coi; vị trí đặt bình gas phải thông thoáng, không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, thiết bị sinh nhiệt, các vật chất dễ cháy; không thắp đèn hương, nến, đèn cầy khi đi ngủ hoặc khi không có người ở nhà.

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Đồng thời, các gia đình lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ-le, aptomat…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà.

Công an Thành phố cũng khuyến cáo mỗi gia đình lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói; chuẩn bị sẵn các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như búa, kìm cộng lực, xà beng…

Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy bình tĩnh, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn; đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ theo số máy 114…

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Theo Công an thành phố Hà Nội: Trong 5 năm (2016-2020), toàn Thành phố xảy ra 3.438 vụ cháy, nổ; làm 79 người chết, 129 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1.753 tỷ đồng. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn Thành phố xảy ra 165 vụ cháy, nổ khiến 11 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 21 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy tăng 14 vụ; tăng 5 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 18 tỷ đồng...

Địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành chiếm 65%. Chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (chiếm từ 75% đến 80%). Nguyên nhân xảy cháy được phân tích chủ yếu do sự cố chập điện chiếm tỷ lệ cao (65%). Đáng chú ý, trong thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản tại nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ.

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, trong 5 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy 18.491 lượt cơ sở; phát hiện và kiến nghị cơ sở khắc phục 2.914 tồn tại, thiếu sót; ra quyết định xử phạt 1.328 trường hợp với số tiền phạt 6,4 tỷ đồng; tạm đình chỉ 198 lượt cơ sở, đình chỉ 130 lượt cơ sở…

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Trước diễn biến phức tạp tình hình cháy, nổ đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã tham mưu Ủy ban nhân Thành phố ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị để chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các kho hàng hóa, xưởng sản xuất trong khu dân cư trên địa bàn.

Trong đó triển khai thực hiện kế hoạch công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy theo quy định đối với 30/30 quận, huyện, thị xã và tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và danh sách cơ sở thuộc diện quản lý cho 579 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, Công an Thành phố xác định phải nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng và đảm bảo cơ chế chính sách cho lực lượng này.

Công an Thành phố đang tích cực, gấp rút phối hợp các sở, ngành Thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là Nghị quyết quan trọng, có vai trò, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng cháy chữa cháy tại địa phương, dự kiến sẽ được trình Hội đồng nhân dân Thành phố vào kỳ họp cuối năm 2021…

Trước đó, ngày 2/6/2021, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 383/KH-CAHN thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy sâu rộng và trực tiếp đến chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh.

Kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Thời gian tổ chức thực hiện từ ngày 7/6/2021 đến hết ngày 15/10/2021 và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ ngày 7/6/2021 đến hết ngày 15/7/2021 và giai đoạn 2, từ ngày 15/7/2021 đến hết ngày 15/10/2021. Đối tượng là chủ hộ gia đình và những người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư; hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Công an Thành phố phấn đấu kết thúc giai đoạn 1, 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố được rà soát, lập danh sách thống kê số liệu, tình hình chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy. Kết thúc đợt cao điểm, 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải được hướng dẫn và ký cam kết bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh qua công tác kiểm tra phát hiện tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, ký cam kết khắc phục.

Công an Thành phố sẽ thành lập các Đoàn liên ngành (thành phần gồm: Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát khu vực, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý trật tư xây dựng đô thị, điện lực) tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đối với nhà ở hộ gia đình sẽ kiểm tra trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân và các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020, của Chính phủ…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Công an Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố.

Longform: Nhà ở kết hợp kinh doanh và nỗi lo… “bà hỏa”

Nội dung: Hoàng Duy

Trình bày: Phạm Thắng