Multimedia
15/09/2022 18:00
Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

15/09/2022 18:00

Những huyện ven đô Hà Nội là nơi có nhiều công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Từ đó, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đa số các sáng kiến, sáng tạo đều đi vào thực tế, mang lợi ích cho cơ quan, đơn vị. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp công đoàn, phong trào sáng kiến, sáng tạo ngày càng được người lao động (NLĐ) hưởng ứng, nâng cao trình độ, tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Những huyện ven đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Ở đó, người lao động (NLĐ) đã được tạo điều kiện, phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động sản xuất. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp Công đoàn, phong trào sáng kiến, sáng tạo ngày càng được NLĐ hưởng ứng, nâng cao trình độ, tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Hơn 11 năm gắn bó với Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam (Mê Linh, Hà Nội), anh Nguyễn Xuân Long, công nhân bộ phận dây chuyền thành hình lốp xe máy vẫn không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Anh Long đã vinh dự được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội biểu dương, khen thưởng “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2022.

Anh Long chia sẻ, mỗi ngày vào xưởng sản xuất, anh đều đặt ra mục tiêu sản xuất phải an toàn, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Chính mục tiêu đó đã thôi thúc anh có những sáng kiến cải tiến khi bắt gặp các lỗi trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, thời gian được Ban lãnh đạo Công ty tạo điều kiện tập huấn tại Nhật Bản cũng đã giúp anh rất nhiều trong quá trình sản xuất.

Một trong những sáng kiến của anh Long được Ban lãnh đạo Công ty đánh giá cao là cải tiến rút bớt thời gian dán lốp xe. Theo anh Long, trước đây lốp xe có 3 lớp vải mành. Lớp vải thứ 3 phải xé bằng tay rất thủ công. Khi vào mùa hè, công đoạn này càng trở nên khó khăn vì tấm vải mành lớp 3 bị dính. Công nhân mất rất nhiều thời gian để gỡ vải mành.

Do thời gian làm tại khâu này khá lâu nên sản lượng tụt, không đạt năng suất. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Long đã nghĩ ra cách bóc vải mành bằng máy, không bị dính khi xé. Từ khi dùng máy bóc tấm mành thứ 3, năng suất đạt từ 118 chiếc lốp xe lên 138 chiếc, mang lại nhiều lợi nhuận cho Công ty.

Mặc dù là Công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhưng các phong trào thi đua của Công ty luôn nhận được sự quan tâm của Ban Giám đốc. Đặc biệt là vai trò của tổ chức Công đoàn đã khích lệ NLĐ có thêm các sáng kiến, sáng tạo. Cũng nhờ sự ủng hộ của lãnh đạo và sự phối hợp có hiệu quả của Công đoàn mà các phong trào thi đua của Công ty luôn dẫn đầu trong hoạt động công đoàn của huyện Mê Linh.

Chia sẻ cảm xúc sau khi đón nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, anh Long nói: “Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào vì là một trong những công nhân giỏi của Thủ đô. Tôi rất cảm ơn Công ty, các cấp Công đoàn đã tạo điều kiện để tôi đạt được danh hiệu này. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng trao đổi, học hỏi nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô”".

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Hơn 16 năm làm việc tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), với sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty, anh Phạm Văn Tư đã luôn nỗ lực khẳng định giá trị của bản thân bằng những sáng kiến cải tiến để nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của Công ty.

Anh Tư đã có sáng kiến cải tiến chống gá nhầm cho các Jig gia công, được ứng dụng vào quá trình sản xuất, đưa tỷ lệ % lỗi do gá nhầm về 0. Chia sẻ về quá trình thai nghén và thực hiện sáng kiến cải tiến của mình, anh Tư cho biết: “Xuất phát từ thực tế sản xuất phát sinh tỷ lệ hàng lỗi do thao tác gá nhầm cao và mong muốn đưa tỷ lệ % gá nhầm về 0 để giảm tổn thất cho Công ty, tôi đã đưa ra ý tưởng cải tiến chống gá nhầm cho các Jig gia công”.

Ngay sau khi ý tưởng được hình thành, anh đã lập tức bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng đó. Tuy nhiên, thời gian đầu anh đã gặp phải không ít khó khăn, thất bại. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra cùng với sự quan tâm, khích lệ, động viên của Ban lãnh đạo và Công đoàn công ty, sau 3 tháng, anh đã hiện thực hóa được ý tưởng cải tiến của mình. Sau khi sáng kiến cải tiến của anh được công nhận và đưa vào ứng dụng thực tế, chỉ mất 5 phút đào tạo thực tế trên dây chuyền là công nhân có thể thực hành thao tác, qua đó đã đưa tỷ lệ % gá nhầm trong quá trình sản xuất về 0.

Được biết, ngoài sáng kiến cải tiến trên, trong quá trình lao động sản xuất, anh Tư cũng đã đóng góp cho Công ty nhiều sáng kiến cải tiến khác, giúp nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc. Anh Tư cho biết, bản thân anh cũng như các đồng nghiệp luôn được Ban lãnh đạo và Công đoàn công ty quan tâm, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để phát huy sáng kiến cải tiến, nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, hàng tháng, hàng quý Công ty đều phát động các cuộc thi nhằm chọn ra các đề án cải tiến ưu tú, kèm theo đó là các phần thưởng tương xứng với các sáng kiến đó để khích lệ, tạo động lực cho NLĐ đưa ra nhiều ý tưởng sáng kiến hơn trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày.

Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam cho biết, nhận thức được việc phát động các phong trào thi đua, nhất là phong trào sáng kiến, sáng tạo, phong trào cải tiến trong CNLĐ sẽ đem lại hiệu suất làm việc cao và lợi nhuận lớn, từ nhiều năm qua, Công ty đã thành lập Ủy ban sáng kiến để triển khai phong trào thi đua trong CNLĐ.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Gia nhập đội ngũ của công ty ở vị trí hành chính nhân sự, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với những sáng kiến, sáng tạo giúp đơn vị hoạt động hiệu quả, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, đoàn viên Công đoàn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Omizu (Thanh Trì, Hà Nội) đã trở thành trợ lý Tổng Giám đốc, là tấm gương phấn đấu vươn lên khiến nhiều đồng nghiệp nể phục.

Gặp chị Nguyễn Thị Thu Hiền trong thời điểm mà các đơn vị doanh nghiệp đã sẵn sàng trở lại sản xuất kinh doanh sau thời kỳ “đóng băng” vì dịch bệnh, với dáng vẻ chuyên nghiệp nhưng không kém phần gần gũi, chân chất, chị Hiền chia sẻ về những trăn trở của bản thân, về sự phục hồi và phát triển của Công ty trong thời gian tới.

“Sau dịch, một số hoạt động của Công ty cũng có sự thay đổi, là trợ lý của Tổng Giám đốc, tôi muốn tìm ra những giải pháp tốt nhất để tham mưu với lãnh đạo, ổn định và phát triển nhân sự, làm cho bộ máy hoạt động trơn tru hơn, từ đó tăng năng suất lao động, giúp đời sống của nhân viên, NLĐ trong công ty được nâng cao”, chị Hiền chia sẻ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty, các sáng kiến về nhân sự của chị đã được vận hành khoa học, góp phần tăng hiệu suất và quy trình làm việc. Điển hình, sáng kiến các bảng tổng kết đánh giá, bình xét nhân viên ưu tú xuất sắc hàng năm, làm động lực cho nhân viên phát huy điểm mạnh, phát triển năng lực. Sáng kiến còn hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo đơn vị trong việc sắp xếp phân loại nhân sự, từ đó phát huy tối đa hiệu quả, thế mạnh nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chị còn tìm tòi nghiên cứu các khóa đào tạo phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của Công ty để đề xuất cho nhân viên tham gia học tập, rèn luyện nâng cao kỹ năng kinh doanh.

Không chỉ có nhiều sáng, kiến sáng tạo trong quản trị hành chính, nhân sự, chị Hiền còn kết hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn trong việc chăm lo đời sống đoàn viên; tổ chức các sự kiện nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên và người lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhận xét về chị Nguyễn Thị Thu Hiền, ông Trần Ngọc Huy - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Omizu cho biết: “Chị Thu Hiền là một trợ lý tích cực, năng lượng cao, rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Hiện giờ chị đang kiêm nhiệm nhiều trách nhiệm, vai trò, nhiệm vụ phụ trợ cho Công ty trong việc điều hành doanh nghiệp. Công việc áp lực đòi hỏi sự sáng tạo cao để giải quyết các vấn đề và các mục tiêu của tổ chức. Tôi tin rằng, năng lượng tích cực của chị có thể lan tỏa tới toàn đội ngũ nhân viên Công ty, để tập thể cùng phát huy tinh thần sáng kiến, sáng tạo, giúp đơn vị phát triển. Trong đó, cá nhân mỗi người cùng phát triển và cùng gặt thành quả”.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Đến với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), bên cạnh không khí thi đua sản xuất, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” đã trở thành hoạt động sôi nổi đi sâu vào đời sống CNLĐ nhiều năm qua. Trong đó, không thể không kể đến sáng kiến nổi bật của công ty là “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner (máy trộn nguyên liệu với hơi nóng) máy cám viên số 4" của kỹ sư Trần Văn Hiến.

“Tôi làm việc tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cho động vật như gà, vịt, lợn, bò... Quá trình tạo ra viên cám là cả một hệ thống dây chuyền sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào qua hệ thống nghiền, trộn rồi đến giai đoạn ép thành viên cám. Với tình hình nguyên liệu hiện tại, ngô trong công thức cám có xu hướng tăng lên nhiều (50-55%), hạt mì giảm đi rõ rệt. Tinh bột ngô có nhiệt độ hồ hóa (70-75 độ) cao hơn hạt mì (52-55 độ), do đó quá trình ép viên cám cần nhiệt độ cao hơn để hồ hóa được hỗn hợp.

Không những thế, để chạy máy ép nhiệt đạt được điều kiện hồ hóa của hỗn hợp thì công suất chạy máy sẽ giảm xuống, chi phí điện tăng. Điều này cũng đồng thời ảnh hưởng đến tốc độ hao mòn của thiết bị, chi phí phụ tùng cũng tăng lên. Đó chính là động lực thúc đẩy chúng tôi đưa ra những sáng kiến để cải tiến những vấn đề bất cập”, anh Hiến cho biết.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Qua quá trình thực tế, anh Hiến tìm ra được phương pháp giải quyết được những hạn chế đó, cùng với sản xuất được viên cám có độ kết dính, cứng, ít bụi hơn là cần tăng thời gian ủ nguyên liệu trong máy conditioner để tăng độ hồ hóa cho nguyên liệu và cải tiến hệ thống PL4 để tăng công suất, giảm chi phí.

Ngay sau khi sáng kiến được áp dụng, các dòng cám đều có xu hướng tốt lên. Công suất tăng từ 0.5-2 tấn/giờ, nhiệt độ hot meal (nguyên liệu sau khi ủ với hơi nóng) tăng hơn khoảng 2-4 độ. Chất lượng cám cũng được nâng cao, giảm độ bụi, tăng độ cứng. Bên cạnh đó giảm được hao mòn phụ tùng và chi phí điện bởi hỗn hợp được hồ hóa tốt. Sáng kiến được bắt đầu thực hiện từ tháng 4 với chi phí đầu tư ban đầu là 60 triệu, tuy nhiên chi phí tiết kiệm được lên đến hàng trăm triệu/tháng.

Không chỉ riêng sáng kiến “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner máy cám viên số 4”, trong thời gian qua, anh Hiến còn có thêm rất nhiều sáng kiến khác như: Cải tiến tăng công suất, giảm chi phí điện máy cám viên số 5; cải tiến trục đỡ roller máy cám viên số 4; giảm thời gian thay khuôn ép máy cám viên số 7… đều có giá trị rất lớn cho hoạt động sản xuất.

Sáng kiến “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner máy cám viên số 4” của anh Hiến đến nay đã được áp dụng cho toàn bộ hệ thống nhà máy của công ty. Không chỉ vậy, trong năm 2021, sáng kiến này còn được đánh giá cao tại Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ thành phố Hà Nội phát động. Điều đó đã tiếp thêm động lực để anh Hiến tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến, sáng tạo đóng góp vào sự phát triển chung của công ty.

Có thể khẳng định, phong trào phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" do tổ chức Công đoàn phát động đã và đang tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp và đông đảo NLĐ hưởng ứng tích cực. Từ các phong trào đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn, có giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho NLĐ.

Đặc biệt, qua phong trào trên đã thể hiện sự đồng hành của tổ chức Công đoàn cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng đời sống, việc làm của NLĐ, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự sáng tạo của CNLĐ là động lực rất lớn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp. Sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, cải tiến công cụ, máy móc để tạo năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn đã trở thành một nét văn hóa trong các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là CNLĐ.

Phong trào thi đua phấn đấu giành danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” do LĐLĐ Thành phố Hà Nội phát động đã trở thành phong trào thi đua nổi bật của những người CNLĐ trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện được Ủy ban nhân dân, Hội đồng Thi đua khen thưởng các huyện ghi nhận, biểu dương khen thưởng theo quy chế phối hợp hoạt động giữa LĐLĐ và Ủy ban nhân dân huyện.

Ông Lương Anh Dũng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì cho biết, hàng năm, LĐLĐ huyện đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn và tổ chức phát động phong trào thi đua phấn đấu giành danh hiệu “Công nhân giỏi” đến CĐCS thuộc các thành phần kinh tế trong huyện; hướng dẫn các CĐCS về tiêu chuẩn người công nhân giỏi, về các biện pháp tổ chức hội thi thợ giỏi, thao diễn kĩ thuật, thi tay nghề để chọn danh hiệu công nhân giỏi; hướng dẫn những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ do đặc thù nghề nghiệp không tổ chức được các hội thao kĩ thuật, thi tay nghề thành lập hội đồng xét duyệt danh hiệu công nhân giỏi cấp cơ sở và bầu chọn danh hiệu công nhân giỏi cấp huyện.

Phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” do LĐLĐ huyện Thanh Trì phát động đã đạt kết quả thiết thực, góp phần tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong sản xuất của các doanh nghiệp, là động lực thúc đẩy CNLĐ thi đua phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của đơn vị hàng năm. Qua phong trào, đã có nhiều công nhân giỏi được CĐCS, LĐLĐ huyện, LĐLĐ Thành phố tôn vinh, khen thưởng. Do đó, phong trào ngày càng phát triển rộng và phát huy hiệu quả cao.

“Riêng năm 2022, từ 195 CĐCS các doanh nghiệp, Hợp tác xã đã bình xét được 1.340 “Công nhân giỏi” cấp cơ sở (chiếm 26,6%/ tổng số công nhân trực tiếp sản xuất), đề nghị biểu dương 58 “Công nhân giỏi” cấp huyện và đề nghị LĐLĐ Thành phố biểu dương 3 “Công nhân giỏi Thủ đô”. Những công nhân giỏi đã được lựa chọn từ các hội thi nâng bậc, thi thợ giỏi và thao diễn kỹ thuật, cùng với những sáng kiến, sáng tạo của công nhân đã được áp dụng trong quá trình sản xuất tại doanh nghiệp”, ông Lương Anh Dũng cho biết.

Phong trào “Lao động sáng tạo” phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” tại huyện Thanh Trì cũng khẳng định được những ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và CNVCLĐ mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng, từ sản xuất kinh doanh đến nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước.

Trong 5 năm qua đã có gần 50.000 lượt CNVCLĐ được các cấp khen tặng các danh hiệu thi đua: Lao động giỏi, Người tốt - việc tốt, Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, Công nhân giỏi. Trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, toàn huyện đã có trên 5.000 sáng kiến cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào thực tế làm lợi trên 227 tỷ đồng và được các cấp khen thưởng gần 2 tỷ đồng. 5 năm qua, các cấp Công đoàn huyện đã tổng kết các phong trào thi đua, khen thưởng 14.342 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mới làm lợi 132,686 tỷ đồng, có trên 115 công trình, trong đó có nhiều công trình tiêu biểu được Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố, ngành và huyện gắn biển và tặng Bằng khen.

Phong trào đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước góp phần giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện thời gian qua.

Kết quả thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, phát triển sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công tác, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao thu nhập cho NLĐ và cải thiện điều kiện làm việc. Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện các tập thể, những tấm gương NLĐ điển hình tiên tiến, tiêu biểu được các cấp khen thưởng.

Thực hiện lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc, chúng ta phải ra sức làm nó dồi dào và lan rộng mãi”, thời gian qua các cấp Công đoàn thị xã Sơn Tây đã tích cực duy trì phát động và triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, góp phần xây dựng đội ngũ lao động có tri thức, có tay nghề giỏi, chuyên môn vững, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây Phí Thị Vân Phương cho biết, với phương châm hoạt động Công đoàn hướng về cơ sở, hướng về NLĐ, thời gian qua các cấp Công đoàn toàn thị xã đã chủ động, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thường xuyên tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền, chủ sử dụng lao động, làm tốt công tác chăm lo đời sống CNVCLĐ. Đáng chú ý, phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” năm 2022 tại LĐLĐ thị xã đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Theo LĐLĐ thị xã Sơn Tây, để phong trào có hiệu quả, ngay từ đầu năm, LĐLĐ thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phát động các phong trào thi đua đến 100% CĐCS và toàn thể CNVCLĐ trong toàn thị xã. Bên cạnh việc hưởng ứng phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” do LĐLĐ Thành phố phát động, các cấp công đoàn thị xã đã khéo léo, cụ thể hóa thành các phong trào thi đua phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, từng lĩnh vực và thu hút hàng ngàn CNVCLĐ tham gia.

Tính riêng trong năm 2022, toàn thị xã có 1.527 công nhân giỏi cấp cơ sở, 672 sáng kiến cải tiến cấp cơ sở được áp dụng vào sản xuất và công tác. Trong đó, khối giáo dục có trên 500 sáng kiến, khối sản xuất kinh doanh có 143 sáng kiến làm lợi gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” của CNVCLĐ thị xã đã có 2 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp Thành phố, 37 đề tài sáng kiến đạt cấp Thành phố.

Thông qua các đợt tổng kết, việc bình chọn điển hình tiên tiến trong phong trào đã động viên, khích lệ CNVCLĐ, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng những kinh nghiệm, biện pháp để phong trào ngày càng đạt hiệu quả thiết thực.

“Nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của phong trào trong CNVCLĐ, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, LĐLĐ thị xã đã thường xuyên duy trì việc tổng kết và phát động phong trào thi đua; chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS trong thị xã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chuyên môn, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn kết với các phong trào hành động cách mạng do Đại hội Công đoàn các cấp phát động…

Nhờ sự chủ động này, các cấp công đoàn thị xã đã xây dựng chương trình, nội dung thi đua phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị, động viên CNVCLĐ phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cái tiến quản lý, tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây Phí Thị Vân Phương chia sẻ.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô

Để phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” được triển khai và thực hiện hiệu quả, đại diện LĐLĐ thị xã Sơn Tây cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và CNVCLĐ nâng cao nhận thức, vai trò to lớn của phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Kết quả của phong trào sẽ được thể hiện trong hiệu quả công tác và sản xuất kinh doanh, trong tinh thần và đời sống CNVCLĐ.

Ngoài ra, LĐLĐ thị xã cũng đề ra nội dung, mục tiêu thi đua sát với nhiệm vụ của từng đơn vị từng ngành; yêu cầu phải thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra đôn đốc phong trào; hướng dẫn, giúp đỡ việc thử nghiệm, áp dụng sao cho phù hợp, hiệu quả những ý tưởng sáng tạo. Đặc biệt, LĐLĐ cũng chú trọng tổ chức Hội thi, hội thao kỹ thuật, xem đây vừa là biện pháp để đánh giá chất lượng chuyên môn, tay nghề, đồng thời cũng thúc đẩy tính tích cực, sáng tạo của mỗi người trong hoạt động thực tiễn.

Tại huyện Thạch Thất, phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Lao động giỏi” trong đoàn viên, NLĐ thời gian qua đã đạt được những kết quả thiết thực, là động lực thúc đẩy NLĐ thi đua phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất cho biết, thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” đã được các cấp Công đoàn huyện Thạch Thất triển khai, được công nhân, NLĐ tích cực hưởng ứng. Qua các đợt thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác, gương công nhân giỏi, CNLĐ sáng tạo, đóng góp nhiều sáng kiến, sáng tạo làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị.

Đặc biệt, phong trào “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo”, “Lao động giỏi” và “Lao động sáng tạo” gắn với phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2022 được các cấp công đoàn huyện tích cực hưởng ứng. Cụ thể, các CĐCS trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp triển khai sâu rộng phong trào thi đua trong đoàn viên, NLĐ.

Theo đó, các phong trào thi đua đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm cụ thể theo các khối. Cụ thể, đối với khối doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn huyện đã triển khai phát động các phong trào thi đua như phong trào “Lao động giỏi”, “Công nhân giỏi”, “Người tốt, việc tốt”, “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đối với khối hành chính sự nghiệp, LĐLĐ huyện đã triển khai các phong trào như: “Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu”, “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”. Năm 2022, LĐLĐ huyện Thạch Thất đã biểu dương 71 “Công nhân giỏi", "Lao động giỏi".

Những năm qua, việc biểu dương công nhân giỏi được các cấp Công đoàn huyện Thạch Thất tổ chức thường niên. Các công nhân giỏi được tôn vinh hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi. Họ là những công nhân trực tiếp lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, là những tấm gương tiêu biểu, cần cù trong lao động, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, góp phần cùng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, xây dựng huyện Thạch Thất và Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi”, đưa phong trào đi vào chiều sâu, thường xuyên, liên tục, từ đó có thêm ngày càng nhiều những công nhân giỏi đóng góp cho sự phát triển của huyện, Thủ đô và đất nước.

Cũng như các huyện Thanh Trì, Mê Linh, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây, còn nhiều các huyện ven đô đang đóng góp vào nền văn hóa công nghiệp của Thủ đô những sáng kiến, phát minh có giá trị cho lao động sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, địa phương và cho các cá nhân NLĐ.

Các sáng kiến sáng tạo đã góp phần khắc phục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Đằng sau danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" NLĐ đạt được là những tháng ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, miệt mài, nhiệt huyết, nghiên cứu để có những sáng kiến sáng tạo thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả. Động lực thúc đẩy các công nhân làm việc, ngoài thu nhập cho gia đình còn là mong muốn cho công ty phát triển, là danh dự của đoàn viên công đoàn, mong muốn được đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Lan tỏa phong trào sáng kiến sáng tạo ở các huyện ven đô
Nội dung và thiết kế: Bảo Thoa