Multimedia
06/11/2023 20:12
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

06/11/2023 20:12

Trước xu thế đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo thì tâm huyết gắn với sáng tạo là những giá trị cốt lõi của người giáo viên, là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công yêu cầu xây dựng một nền giáo dục nhân văn, phát triển bền vững. Điều này đang được khẳng định qua ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được công nhận, vinh danh ở Hà Nội và đang lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Trước xu thế đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo thì tâm huyết gắn với sáng tạo là những giá trị cốt lõi của người giáo viên, là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công yêu cầu xây dựng một nền giáo dục nhân văn, phát triển bền vững. Điều này đang được khẳng định qua ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được công nhận, vinh danh ở Hà Nội và đang lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Những cái tên liên tục được xướng lên trong 7 năm diễn ra Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy cô giáo trong từng giờ giảng với mong muốn đem đến những bài học thiết thực, sinh động, hiệu quả, lôi cuốn học sinh hơn ở mọi cấp học. Tiêu biểu như thầy giáo Đỗ Đức Mạnh (giáo viên tiếng Anh kiêm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm).

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ những ngày đầu tiên bước chân vào nghề, thầy giáo Đỗ Đức Mạnh đã luôn nỗ lực học hỏi, tích lũy thêm kiến thức ngoại ngữ để bản thân ngày càng tiến bộ. Trong công tác giảng dạy, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện tốt quy chế chuyên môn, thầy giáo Đỗ Đức Mạnh luôn chú trọng hướng dẫn học sinh tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, đảm bảo các em có được nền tảng kiến thức ngoại ngữ bài bản, vững vàng, áp dụng linh hoạt vào các môn học và lĩnh vực khác nhau. Theo thầy Mạnh, học ngoại ngữ quan trọng nhất là giao tiếp. Chính vì thế, trong quá trình dạy và các hoạt động ngoại khóa, thầy luôn tạo môi trường thuận lợi cho học sinh sử dụng tiếng Anh, đồng thời hướng dẫn các em hoàn thiện các kỹ năng khác.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

“Với vai trò giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, tôi luôn tâm niệm “lấy học sinh làm trung tâm trong mỗi giờ dạy”, từ đó giúp các em tiếp cận bài học theo nhóm, theo chủ đề với nhiều phương pháp khác nhau, phát huy tính sáng tạo, áp dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, đặc biệt là năng lực thực hành được sử dụng trong các tình huống thực tế của cuộc sống. Chẳng hạn như chủ động, tự tin giao tiếp, giới thiệu về bản thân, trường lớp, chương trình học khi có đoàn khách quốc tế đến thăm trường. Ngoài ra, tôi cũng luôn khuyến khích, động viên học sinh tham gia Ngày hội Tiếng Anh, các cuộc thi Olympic tiếng Anh, thi thuyết trình, hùng biện, thi hát bằng tiếng Anh do các cấp phát động để các em có thể trau dồi về ngôn ngữ nhiều hơn”, thầy Mạnh chia sẻ.

Không chỉ là một giáo viên giỏi, tâm huyết trong giảng dạy, thầy giáo Đỗ Đức Mạnh còn là Tổng phụ trách Đội đầy nhiệt huyết. Thầy cùng nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình hay, hấp dẫn như: Ngày hội ngôn ngữ, Ngày hội STEM, Hội thi Chỉ huy Đội giỏi, Trưng Vương - Tự tin bừng sức trẻ…; đồng thời phối hợp với giáo viên dạy Giáo dục thể chất tổ chức Giải bóng rổ mini. Qua việc tham gia hoạt động thể thao đã giúp học sinh rèn luyện thể chất, sự khéo léo, từ đó trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết. Khoảng thời gian vui chơi thoải mái, lành mạnh cũng giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn, tránh xa các tệ nạn quanh mình…

Hay như cô giáo Lê Thị Na Sa (giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình) luôn cố gắng tìm đáp án cho câu hỏi cần làm gì cho học sinh, cho ngôi trường mà mình gắn bó. Là giáo viên Tiểu học, điều cô Na Sa mong muốn là được nhìn thấy nụ cười của học sinh mỗi ngày đến lớp. Mỗi ngày cô luôn cố gắng dạy học trò biết thêm những điều hay, lẽ phải. Với cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết này, nhận được sự tin yêu mà phụ huynh trao gửi con, các trò đi học yêu cô, yêu lớp, thích đi học chính là niềm hạnh phúc nhất. Đây cũng là động lực để cô luôn cố gắng học hỏi và phấn đấu.

“Tôi nhận thức được, khi có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, người giáo viên sẽ dễ dàng truyền đạt được đến học sinh những nhận thức”, cô giáo Lê Thị Na Sa chia sẻ.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Theo ghi nhận, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay, với lợi thế về công nghệ thông tin, cô Na Sa luôn lồng ghép các phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy để học sinh được chủ động nắm bắt, khám phá kiến thức. Trong mỗi tiết học, cô Na Sa đứng lớp bằng những lời giảng dí dỏm, câu chuyện hài hước, độc đáo để bầu không khí lớp học luôn vui vẻ; kịp thời khen ngợi, động viên khuyến khích học sinh qua lời nói, hành động, thưởng sticker... Cuối tuần, với số sticker học sinh tích lũy sẽ là những phần quà được quy đổi. Đồng thời, cô Na Sa chú trọng vào việc phát triển nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho trẻ. Với cô, chỉ khi có tâm trạng, tình cảm và cảm xúc tốt, học sinh mới có thể phát huy được năng lực của mình.

“Cô Sa là một người giáo viên tận tâm và vô cùng tình cảm với các con. Với phụ huynh, cô luôn tận tình trao đổi để kết hợp chặt chẽ về tình hình học tập, kỷ luật của các con. Nhiều khi con hơi sa sút mà cô còn lo lắng cho con hơn cả phụ huynh. Cô nhắn tin thúc giục phụ huynh bám sát và động viên con để học lực con được ổn định trở lại”, chị Đoàn Thanh (phụ huynh học sinh lớp cô giáo Lê Thị Na Sa làm chủ nhiệm) bày tỏ.

Còn với cô giáo Cao Thị Phương Mai (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), tính đến nay, cô đã có 30 năm gắn bó với nghề giáo. Năm 2018, cô được bổ nhiệm là Hiệu trường Trường Tiểu học Đường Lâm. Nhà trường lúc đó có một điểm trường lẻ. Tới thăm cô trò của 2 lớp học thuộc điểm trường này, thấy khung cảnh lớp sơ sài, thiếu thốn, cô chạnh lòng thương học trò. Ngay từ lúc đó, cô hạ quyết tâm tuyên truyền, thuyết phục phụ huynh đưa học sinh về điểm trường chính để các con có môi trường giáo dục tốt nhất.

Trước khi thực hiện kế hoạch, cô tiến hành cải tạo cơ sở vật chất điểm trường chính, những mong khi đón học sinh về, các con sẽ hứng thú, thích học tại đây. Cô Mai không kể nhiều về hành trình xóa điểm trường lẻ, chỉ biết rằng, đó là quãng thời gian thực sự khó khăn và phải rất kiên trì mới có thể thực hiện được. “Khi giáo viên của điểm trường lẻ thi Giáo viên dạy giỏi, tôi đã trao đổi với phụ huynh có con học ở đây đưa con đến điểm trường chính học tạm 2 tuần để hỗ trợ các cô. Hết 2 tuần, tôi lại nhờ phụ huynh gắng cho con học ở đây thêm 4 tuần nữa… Dần dần, sau 2 tháng học tại điểm trường chính, học sinh yêu thích địa điểm mới, cha mẹ cũng có thói quen đưa đón con, không làm đảo lộn sinh hoạt của phụ huynh và học sinh. Nhận thấy đó là thời điểm tốt nhất để đưa toàn bộ học sinh ở 2 lớp tại điểm trường lẻ về học ở điểm trường chính, cô đã mạnh dạn trao đổi, đề xuất với phụ huynh. Niềm vui đến với tôi khi 100% phụ huynh đồng ý”, cô giáo Cao Thị Phương Mai chia sẻ.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Ngoài ra, với tâm niệm “thay đổi để tốt hơn”, cô giáo Cao Thị Phương Mai còn chú trọng nâng cao hoạt động chuyên môn, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi nên cô Mai luôn động viên giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài việc lấy bồi dưỡng tại chỗ làm nền tảng phát huy hết thế mạnh của giáo viên, cô còn tích cực mời chuyên gia bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích cực. Cô và cán bộ, giáo viên nhà trường hưởng ứng phong trào Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm để không giáo viên nào bị bỏ lại phía sau về chuyên môn.

Công tác xây dựng khuôn viên nhà trường xanh - sạch - đẹp được quan tâm, chú trọng. Để trang trí cảnh quan trường lớp nếu từ nguồn ngân sách sẵn có rất đơn giản, tuy nhiên kinh phí thì hạn hẹp, xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên cô Mai đã tìm cách kết nối với nhóm sinh viên Trường Đại học Xây dựng và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Seoul, Hàn Quốc. Các nhóm sinh viên đến giao lưu, vẽ tặng nhà trường những bức tranh tường... Bằng cách đó, toàn bộ tranh chân tường của các lớp học, các bức tường bao trong và ngoài cổng trường đã được hoàn thiện, tiết kiệm được tiền ngân sách…

Cùng với đó, cô Mai phát động cuộc thi trang trí lớp học. Được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên và phụ huynh, các lớp dần được trang trí đẹp mắt. Cô lại chủ trương tạo các góc thư viện mở để phát triển văn hóa đọc và thiết kế góc sân chơi vận động cho học sinh, vừa tạo cảnh quan vừa là điểm đến yêu thích của các con mỗi giờ ra chơi và sinh hoạt tập thể.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Câu chuyện của thầy giáo Đỗ Đức Mạnh, cô giáo Lê Thị Na Sa hay cô giáo Cao Thị Phương Mai chỉ là ba trong rất nhiều những nhà giáo lọt vào vào chung khảo Giải thường “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7. Đánh giá về chất lượng các nhà giáo tham gia xét Giải năm nay, theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam, Hà Nội là tỉnh đầu tiên tổ chức Giải thưởng và đến năm nay là năm thứ 7. Qua mỗi năm tổ chức, Giải thưởng đều có những đổi mới để lan tỏa đến nhiều địa phương, cũng như nhiều đơn vị trực thuộc để các nhà giáo biết đến và phấn đấu. Với năm thứ 7 này, Giải thưởng thực sự gây ấn tượng về sự tâm huyết của tất cả các nhà giáo, đặc biệt là sức sáng tạo của các nhà giáo trẻ. Họ đang nỗ lực thay đổi hàng ngày để bắt nhịp với các xu hướng giáo dục hiện đại bằng các hành động thiết thực, cụ thể...

Cũng theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” là giải thưởng cao quý với mục đích tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; động viên, khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng những đổi mới, sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở tạo ra những hiệu quả mới, những biến chuyển mới ở mỗi đơn vị, nhà trường. Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng…; góp phần xây dựng đơn vị và ngành giáo dục Thủ đô ngày càng vững mạnh.

Thời gian qua, Giải thưởng đã được các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các nhà trường triển khai sâu rộng đến đội ngũ nhà giáo. Nhiều ý tưởng, giải pháp đổi mới trong quản lý, chỉ đạo dạy học, đổi mới phương pháp, xây dựng trường học hạnh phúc, bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác giáo viên chủ nhiệm, ứng dụng công nghệ thông tin, làm đồ dùng dạy học… đã được các nhà giáo khai thác, triển khai hiệu quả. Một số Phòng GD&ĐT đã tổ chức Giải thưởng cấp quận, huyện, thị xã tốt như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Gia Lâm, Ba Vì, Sơn Tây…

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” là một giải thưởng khó. Khi các thầy cô giáo nhận Giải thưởng là vinh dự nhưng cũng là nhận trách nhiệm vừa tiếp tục phát triển bản thân, vừa lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo, vừa tự nâng bậc, vừa giúp được học sinh và đồng nghiệm cùng sáng trí, ấm lòng.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện, toàn Thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội với 2.222.246 học sinh và 124.493 giáo viên. Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành Giáo dục Hà Nội phát triển bền vững.

Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả này, ngành Giáo dục Thủ đô còn muốn tạo dựng một đội ngũ nhà giáo tâm huyết có vai trò truyền cảm hứng cho đồng nghiệp cũng như học trò để từ đó mỗi giờ dạy, giờ học đều chất lượng và hiệu quả hơn. Đây chính là mục tiêu của giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” được thực hiện chính thức từ năm học 2016 - 2017. Hà Nội từng là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đã thành thương hiệu như: “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo”, “Cô giáo - Người mẹ hiền”…

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Việc đổi mới với Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” trong 7 năm đã lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ toàn ngành. Những nhà giáo được tôn vinh từ Giải thưởng này thực sự trở thành những nhân tố truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập bằng những dự án, sản phẩm vừa mang tính khoa học, vừa có tính ứng dụng cao, góp thêm vào kho học liệu của ngành những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.

Thông qua Giải thưởng, nhiều gương mặt nhà giáo, nhà quản lý sáng tạo đã được các trường học biết tới và mời về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Các quận, huyện, thị xã không chỉ lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến của địa phương mình mà còn mời các giáo viên đạt giải cao ở các quận, huyện khác về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và giảng dạy. Từ đó, những đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo đã được ứng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Nội dung: Phạm Thảo | Đồ họa: Đức Hà
Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo