Thực tế cho thấy, dù được quan tâm, phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá, tuy nhiên hiện hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được tháo gỡ. |
Theo thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.249 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao, trong đó có 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt thôn, tổ dân phố; 125 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 84 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 27 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao và 6 thiết chế văn hóa do Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố trực tiếp quản lý… Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện thiết chế văn hóa, Thành phố còn có các công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu cả nước và khu vực, như: Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao… Trong đó, nhiều quận, huyện, như: Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Đan Phượng, Thanh Xuân... đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao, thu hút được sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Là một trong 5 huyện tích cực hoàn thiện các tiêu chí để đưa huyện thành quận, huyện Đông Anh đã và đang nỗ lực triển khai đề án về nâng cao chất lượng nhà văn hóa, khu thể thao. |
Huyện Đông Anh đã đầu tư nhà văn hóa cấp huyện được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại trên khu đất rộng gần 7 ha, là tổ hợp công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa lịch sử truyền thống huyện Đông Anh, 1 nhà thi đấu đa năng, 9 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã và 180 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng tiêu chí 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Tại huyện Gia Lâm, theo chia sẻ của bà Đào Thị Thanh Huyền - Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Gia Lâm: Huyện có 162/164 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đủ tiêu chuẩn theo Thông tư của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Toàn huyện đã đầu tư lắp đặt 1.945 bộ thiết bị thể dục thể thao ngoài trời; bình quân mỗi thôn, tổ dân phố được lắp đặt 12 bộ phục vụ luyện tập nâng cao sức khỏe cho nhân dân (tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao của Thành phố quy định 5 bộ/thôn, tổ dân phố). Bên cạnh đó nhân dân, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt gần 500 bộ thiết bị thể dục thể thao, thiết bị vui chơi vận động ngoài trời tại các Khu đô thị Vinhome Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá, sân chơi công cộng của thôn, tổ dân phố. Toàn huyện có 1 khu liên hợp thể thao, 30 sân vận động, 67 sân bóng đá mini, 240 sân bóng chuyền, 190 sân cầu lông, 21 sân bóng rổ, 20 bể bơi, 2 sân quần vợt, 3 sới vật; có 289 đoạn đường nở hoa, 54 đoạn đường vẽ tranh bích họa đã đáp ứng tốt nhu cầu luyện tập, tạo môi trường văn hóa thể thao lành mạnh cho nhân dân. |
Còn tại quận Thanh Xuân, theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn quận được quan tâm. Giai đoạn 2021-2025, UBND quận đã ưu tiên, bố trí nguồn vốn đầu tư cho 42 dự án (lĩnh vực văn hóa, thông tin) với tổng mức đầu tư hơn 206 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 23 dự án (Nhà văn hóa phường Thanh Xuân Bắc; cải tạo chống xuống cấp Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao Thanh Xuân (giai đoạn 2); Đầu tư hệ thống loa truyền thanh không dây ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn phường Kim Giang và Thanh Xuân Bắc…) với tổng mức đầu tư là 99,7 tỷ đồng; 3 dự án (Cải tạo nhà văn hóa phường Nhân Chính; Cải tạo nhà hội họp tổ 1 khu dân cư Giáp Nhất, phường Nhân Chính; Cải tạo, nâng tầng nhà hội họp khu dân cư số 2, phường Hạ Đình) đang triển khai thi công với tổng mức đầu tư 7,8 tỷ đồng và 16 công trình đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng mức đầu tư 63,6 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, các cấp, ngành thuộc quận đã huy động nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng để bổ sung các trang thiết bị luyện tập thể dục thể thao (xà đơn, xà kép, máy tập đa năng, cầu trượt, thú nhún, đu quay, xích đu, ghế đá,…) tại các sân chơi trên địa bàn các phường. |
Mặc dù được quan tâm, đầu tư nhưng theo thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 40% công trình đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích, trang thiết bị... Đáng nói, trong số công trình chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản (khoảng 60%), thì có tới hơn 1,3 nghìn nhà văn hóa thiếu cả 3 tiêu chí về quy mô, diện tích, trang thiết bị; 315 công trình xuống cấp nghiêm trọng; 73 công trình là mượn địa điểm để sử dụng. Công tác tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế, từ thiếu kinh phí duy tu, duy trì, khai thác không hiệu quả… đến thiếu sáng tạo trong tổ chức chương trình, sự kiện hấp dẫn, phong phú, thu hút người dân. |
Đơn cử như, nhà văn hoá tổ dân phố số 1, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) là nơi tổ chức các sự kiện hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao cũng như hoạt động vui chơi giải trí khác cho nhân dân địa phương. Sau thời gian sử dụng, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, các thiết bị không được duy tu, sửa chữa; các chi phí điện, nước, vệ sinh môi trường, chế độ cho người quản lý… cũng rất khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Thái, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cho biết: “Hiện nay, chưa có cơ chế cho việc khai thác thiết chế văn hóa tạo nguồn thu nên dù công trình nhà văn hóa còn nhiều thời gian trống, người dân có nhu cầu thuê, mượn để làm một số dịch vụ cũng không thể thực hiện, rất lãng phí”. Cũng có chung những điểm bất cập, tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về quản lý, khai thác Trung tâm văn hóa thể thao phường, điểm sinh hoạt văn hóa động đồng các tổ dân phố trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Đức Tuấn ở tổ dân phố 6, phường Tây Mỗ cho biết: Tổ dân phố 6 có 3 tòa nhà chung cư CT1, CT2, CT3 nhưng hiện không có nhà văn hóa mà phải sinh hoạt “nhờ” tại phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa CT1. Đây là “tài sản riêng” của cư dân CT1 nên họ yêu cầu tổ dân phố phải đóng góp cơ sở vật chất để cùng sử dụng. “Tôi đề nghị HĐND quận có cơ chế hỗ trợ kinh phí mua sắm loa đài, bàn ghế cho những tổ dân phố ở khu chung cư; có cơ chế hỗ trợ hàng năm bằng hiện vật hoặc bằng tiền cho mô hình nhà văn hóa ở khu chung cư”, ông Tuấn đề xuất. Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận hiện có 8 trung tâm văn hóa phường, trong đó đã được bàn giao và đang sử dụng 7 công trình ở các phường Phú Đô, Trung Văn, Tây Mỗ, Phương Canh, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Cầu Diễn. Hiện, hai phường Xuân Phương và Mễ Trì chưa được đầu tư xây dựng do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, quận cũng có 72 nhà văn hóa của 85 tổ dân phố; 30 điểm sinh hoạt cộng đồng của 30 tổ dân phố. Hiện tại, quận còn 24 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, nhiều khu dân cư phải sinh hoạt ghép với tổ dân phố lân cận. |
Tình trạng trên không chỉ tồn tại ở quận Nam Từ Liêm mà còn là vấn đề khó giải quyết tại quận, huyện khác như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm… khi nhiều tổ dân phố, khu dân cư đông dân nhưng chưa có nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng cộng đồng mà phải sinh hoạt “nhờ” tại nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng tại tổ dân phố khác. Ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Bí thư chi bộ tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Hiện nay do vướng quy hoạch, tổ dân phố số 7 chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng khiến cho các hoạt động hội họp, văn hoá, văn nghệ của người dân đều phải mượn hoặc sinh hoạt chung với tổ dân phố. Điều này gây khó khăn bất tiện cho người dân, đồng thời khiến việc triển khai các hoạt động chung ở địa phương không đạt hiệu quả như mong đợi. “Tôi đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên HĐND, UBND qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, mong rằng, HĐND sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thành phố để giải quyết tình trạng trên”, ông Nguyễn Mạnh Hoạt cho biết. |
-------------------------------- Nội dung: Lê Thắm - Thiết kế: P.T |