Multimedia
28/11/2023 09:05
Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

28/11/2023 09:05

LTS: Xác định văn hóa là động lực phát triển; phát triển phai đi liền với thụ hưởng văn hóa, nên những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội quan tâm. Đặc biệt, Thường trực HĐND các cấp Thành phố đã tổ chức các phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hoá trên địa bàn, đưa ra các giải pháp thiết thực. Nhờ đó, hệ thống các thiết chế văn hoá đã có sự phát triển toàn diện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thu hẹp khoảng cách về mức độ hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người dân.
Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền Thành phố, thời gian qua, tại khu vực nội thành Hà Nội, các thiết chế văn hoá cơ sở, đặc biệt là nhà sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng, đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở ngoại thành, các nhà sinh hoạt cộng đồng được chú trọng, phát huy tối đa công năng sử dụng.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Những ngày này, tới khu dân cư số 4 phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), chúng tôi khá ngạc nhiên vì những con ngõ nơi đây tuy nhỏ, chạy sâu hun hút nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp. Mỗi buổi tối, tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nằm sâu trong một con ngõ nhỏ (số 4, ngách 53, ngõ Thông Phong), các tốp văn nghệ, dân vũ cùng nhau tập luyện, lan toả không khí vui tươi, phấn khởi khắp khu dân cư vốn yên ắng, tĩnh mịch. Ít ai biết, trước đây nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, sạch đẹp này từng là nhà vệ sinh công cộng tối tăm, xuống cấp, là tụ điểm của các ổ dịch phức tạp và những đối tượng nghiện hút.

Ông Hoàng Đức Độ - Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho hay: Cuối năm 2016, đầu năm 2017 sau nhiều lần kiến nghị, chúng tôi được quận, Thành phố hỗ trợ đầu tư, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng trên nền đất cũ vốn là nhà vệ sinh công cộng đã có từ lâu đời. Đến năm 2018, nhà sinh hoạt cộng đồng hoàn thành với diện tích hơn 50m2 và được trang bị đầy đủ bàn ghế, loa đài, khánh tiết…

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

“Trước đây, khi chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi không có địa điểm để sinh hoạt dân cư, mỗi lần họp hành đều phải tổ chức ở ngoài đường, nhiều hôm mưa gió, bà con phải mặc áo mưa, đội nón ngồi họp rất vất vả.

Sau khi có nhà văn hoá, chúng tôi rất vui mừng vì các tổ chức đoàn thể có nơi sinh hoạt, tập trung nhân dân, tuyên truyền các chủ trương chính sách, góp phần thực hiện tốt các phong trào ở địa phương”, ông Độ phấn khởi chia sẻ.

Cũng được xây dựng trên đất vốn là nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, không còn giá trị sử dụng, hiện nay, nhà sinh hoạt cộng động khu dân cư số 3 (ngách 41, ngõ Thông Phong) đang phát huy tối đa công năng của mình khi trở thành nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của người dân.

Bà Nguyễn Thị Vẻ, nguyên Tổ trưởng Tổ dân số 3 cho biết, trên địa bàn dân cư trước đây tồn tại 1 nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ khoảng năm 1965, mọi thứ đã xuống cấp, không còn công năng sử dụng. Không những vậy, nhà vệ sinh công cộng này còn gây ra một số hệ lụy như làm ô nhiễm môi trường khu dân cư, trở thành địa điểm để các đối tượng nghiện hút lợi dụng, gây ám ảnh cho người dân mỗi lần đi qua.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

“Trước đây khu phố tối tăm, ô nhiễm, nói đến nhà vệ sinh công cộng là nỗi ám ảnh của nhiều người dân nơi đây. Từ ngày có nhà sinh hoạt cộng đồng, bà con khu dân cư rất phấn khởi, thứ nhất là người dân có nơi để họp hành, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thêm nữa là giải quyết được vấn đề môi trường, dân sinh gây bức xúc, đảm bảo an ninh trật tự cho khu dân cư”, bà Vẻ khẳng định.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Được biết, tại quận Đống Đa việc xây dựng, sử dụng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở, luôn là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Điều này được thể hiện rõ qua việc, từ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, quận đã đưa ra nhiều giải pháp giúp tăng số lượng nhà sinh hoạt công đồng trên địa bàn. Trong đó nổi bật là việc quận xin lại của Thành phố 25 nhà vệ sinh công cộng để chuyển đổi công năng, mục đích, xây dựng thành điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân. Việc làm này đã được sự đồng thuận, tin tưởng lớn từ nhân dân.

Là địa bàn có số lượng nhà vệ sinh công cộng được chuyển đổi thành nhà sinh hoạt cộng đồng lớn nhất quận Đống Đa, ông Mai Văn Lâm - Bí thư Đảng ủy phường Trung Phụng cho biết, các nhà vệ sinh công cộng sau thời gian không được sử dụng đã trở thành tụ điểm hoạt động của các đối tượng nghiện ngập. Qua những lần tiếp xúc cử tri, nắm được nhu cầu bức thiết của người dân, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc phường đã đề xuất lên quận, cho phép kiến nghị lên Thành phố chuyển đổi mục đích, công năng của các nhà vệ sinh này để xây dựng thành nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

“Hiện trên địa bàn phường có 8 nhà vệ sinh công cộng chuyển đổi thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là việc làm hết sức thiết thực đối với địa bàn đông dân như Trung Phụng, qua đó giúp người dân có nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, giải trí, đồng thời xoá được các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, đến tháng 4/2023, phường Trung Phụng đã được ban chỉ đạo 138 Thành phố, Công an Thành phố đưa ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm về ma tuý”, ông Lâm chia sẻ.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Cũng theo ông Lâm các quận nội thành diện tích đất chật hẹp nên xây dựng được một điểm sinh hoạt cộng đồng cho bà con dân cư là rất quý. Chính quyền các phường tận dụng từng chút đất để làm nơi sinh hoạt chung cho bà con. Có những điểm bên dưới là trạm y tế, tầng trên là nơi để bà con hội họp sinh hoạt chung. Tuy nhiên nhiều khi đơn vị này cầm chìa khoá, bộ phận kia không, rất bất tiện.

Không chỉ riêng quận Đống Đa, hiện nay, tại nhiều quận nội thành như Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm… các thiết chế văn hoá cơ sở đều được quan tâm, đầu tư, khai thác sử dụng tối đa mục đích, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu văn hoá, giải trí cho người dân.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Khác với nội thành eo hẹp về quỹ đất, hiện nay, diện tích dành cho các thiết chế văn hoá tại khu vực ngoại thành còn khá nhiều. Các nhà văn hoá ở đây cũng được xây dựng rộng rãi, phát huy hiệu quả công năng, qua đó góp phần lan toả văn hoá cộng đồng.

Đông Anh là một trong số ít địa phương thuộc thành phố Hà Nội đã có nhà văn hóa tại các thôn, tổ dân phố. Song, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng. Theo ghi nhận, hầu hết các nhà văn hóa đều tổ chức các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho các lứa tuổi và hoạt động sôi nổi.

Tại huyện Đông Anh, nhà văn hóa thôn Đại Độ (xã Võng La) được xây dựng từ năm 2018. Đây là một công trình lớn trên địa bàn với tổng diện tích hơn 3.000m2, gồm nhà văn hóa và khuôn viên xung quanh. Nhưng điều người dân thôn Đại Độ tự hào không phải quy mô của nhà văn hóa, mà bởi không khí của nhà văn hóa thôn luôn sôi động. Nếu ngày thường mọi người đi làm thì vào buổi sáng, buổi tối hay ngày cuối tuần, các CLB phải xếp lịch để hoạt động.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Bởi hiện nay, nhà văn hóa thôn Đại Độ có tới 9 CLB khác nhau thường xuyên sinh hoạt, gồm: Văn nghệ, Bóng đá, Bóng cửa, Yoga, Khiêu vũ, Bóng chuyền hơi, Trống hội…

Người dân thôn Đại Độ đã bầu ra Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa gồm những người nòng cốt của phong trào. Vào các buổi tối mùa hè, nhà văn hóa còn tổ chức các hoạt động hè cho thanh, thiếu nhi. Nhà văn hóa hiện có một tủ sách để tuyên truyền pháp luật, có hệ thống bàn ghế, loa đài để phục vụ các cuộc họp, các hoạt động văn nghệ.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Cũng như thôn Đại Độ, nhà văn hóa Tổ dân phố số 9 thị trấn Đông Anh luôn sáng đèn mỗi tối. Bà Hoàng Thị Mai, đại diện Tổ dân phố số 9 cho biết: Từ năm 2020, sau khi được UBND thị trấn đầu tư xây nhà văn hóa mới, nhân dân trong tổ đồng lòng góp công, góp của đầu tư thêm các trang, thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ, thể thao.

“Nhà văn hóa được trang trí trang trọng, đẹp mắt, tạo không gian tươi vui đầm ấm và được nhân dân khai thác hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm CLB Thơ, CLB Hát chèo và một số CLB thể thao khác, đổi mới hình thức hoạt động như giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng để nhà văn hóa là nơi gắn kết mọi người”, bà Mai cho biết.

Tương tự, ở thôn Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên), nhờ có nhà văn hóa, CLB Hát chèo có địa điểm sinh hoạt thường xuyên. Hiện, CLB có tới gần 40 thành viên. Những dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn bởi các “nghệ sĩ nông dân” đến tập luyện.

Còn tại thị xã Sơn Tây, hệ thống thiết chế văn hóa từ thị xã đến cơ sở đã được đầu tư khá đồng bộ và từng bước phát huy hiệu quả. Các xã, phường trên địa bàn thường xuyên quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên quy hoạch diện tích đất xây dựng nhà văn hóa, sân chơi; huy động mọi nguồn lực cùng tham gia với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa.

Theo Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, hiện toàn thị xã có 114/118 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt 96,6%; có 4 trung tâm văn hóa xã gồm Trung tâm văn hóa xã Đường Lâm; Trung tâm văn hóa xã Sơn Đông; Trung tâm văn hóa xã Thanh Mỹ và Trung tâm văn hóa xã Kim Sơn.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở

Điểm nhấn đáng chú ý, các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như bàn, ghế, loa đài, âm thanh phục vụ. Hệ thống nhà văn hoá ở các thôn, tổ dân phố đã và đang thực sự phát huy hiệu quả, là địa điểm sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân; nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thị xã đã tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ dụng cụ thể thao tại nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường sống, giảm tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống đạo đức và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Có thể thấy, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các thiết chế văn hóa, không chỉ khu vực nội thành, các làng quê khang trang, đổi mới, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa.

Kỳ 1: Những điểm sáng trong xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở
Nội dung: Lê Thắm - Thiết kế: P.T