|
******** Trên địa bàn Hà Nội, tại không ít công viên, không gian công cộng dành cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân đang phải “nhường chỗ” cho quán cà phê, ki ốt bán hàng và điểm trông giữ xe trái phép. Trên thực tế, thực trạng chiếm dụng, “xẻ thịt” đất công viên, vườn hoa không phải là mới, tuy nhiên, về mặt quản lý vẫn đang tồn tại hàng loạt bất cập, các vi phạm cũ có dấu hiệu bị “bỏ quên”, trong khi các vi phạm mới vẫn ngang nhiên diễn ra. ********l |
MUÔN KIỂU “XẺ THỊT” CÔNG VIÊN Công viên Thủ Lệ nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội từ lâu đã là địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô cũng như người dân khắp các tỉnh thành về tham quan. Với vai trò là một công trình phục vụ thiết thực cho đời sống của nhân dân Thủ đô, Công viên Thủ Lệ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân thì trong nhiều năm qua, tại khuôn viên của Công viên Thủ Lệ đoạn nằm trên đường Đào Tấn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) xuất hiện hàng loạt nhà hàng, quán cà phê,… chiếm dụng đất công viên. Theo ghi nhận, trong sáng 9/11, dọc phố Đào Tấn, dễ dàng quan sát thấy một nhà hàng hải sản hoành tráng kéo dài đến hàng chục mét. Mỗi ngày nhà hàng này thu hút đông đảo lượt khách ra vào. Để tận dụng cho các thượng khách tới dùng sản phẩm của mình, nhà hàng này còn tận dụng luôn phần vỉa hè trước mặt làm bãi đỗ xe ô tô cho khách, khiến nơi đây trở nên mất mỹ quan đô thị. Thực trạng này cũng làm ảnh hưởng tới cảnh quan xung quanh, không gian vui chơi bị thu hẹp cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý công viên. Bà Lê Thị Hương (phố Đào Tấn, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Tôi không biết các nhà hàng, quán ăn này được cấp phép hoạt động như thế nào, tuy nhiên nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy các hoạt động kinh doanh đều nằm trong khu đất của công viên Thủ Lệ. Hơn nữa, từ nhiều năm nay, các nhà hàng, bãi đỗ xe chiếm hết diện tích vỉa hè gây cản trở rất nhiều đối với người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị”. Còn tại công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), một quán cà phê cũng được xây dựng trên đất của công viên. Quán cà phê này nằm ở vị trí khá đắc địa, ngay gần cổng vào và có góc nhìn ra hồ giữa công viên. Vì có vị trí thuận lợi, nên quán cà phê này thu hút rất đông lượt khách ra, vào. Bày tỏ quan điểm về việc này, anh Lê Văn Bằng (người dân sống xung quanh) cho rằng: “Công viên là nơi vui chơi, hoạt động phục vụ cộng đồng, cớ sao một tổ chức hay cá nhân nào đó lại cho mình quyền được lấn chiếm kinh doanh kiếm lợi riêng. Cần làm rõ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”. Tương tự, nằm ngay ngã tư, giáp hai trục đường chính là phố Láng Hạ và phố Huỳnh Thúc Kháng, Công viên Indira - Gandhi (phường Thành Công - Ba Đình) có diện tích trên 8,6ha, trong đó có 5,9ha diện tích mặt nước. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, khu đất này thuộc khu vực hạn chế phát triển, được xác định chức năng là đất công cộng, hỗn hợp, đất hồ nước, cây xanh và công viên vui chơi giải trí. Quy hoạch là vậy, song theo phản ánh của cư dân, hiện nhiều diện tích xung quanh hồ, phía giáp đường Huỳnh Thúc Kháng đang được chia thành những khu vực khép kín, có tường rào bao quanh khiến diện tích hồ Thành Công vốn đã nhỏ nay càng bị thu hẹp. |
|
Tại địa phận quận Hai Bà Trưng, các hạng mục vui chơi giải trí của công viên Tuổi trẻ Thủ Đô cũng xuống cấp nghiêm trọng. Ghi nhận trong sáng 9/11, có thể thấy, hệ thống vòng đu quay gỉ sét, hệ thống bể bơi, máng trượt khổng lồ đều hỏng hóc và không đủ khả năng phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đối lập với tình cảnh hoang tàn, cũ kỹ đó là khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng Queen Bee II, phòng tập Blue Gym; chuỗi siêu thị, nhà hàng, tiệc cưới…hoạt động tấp nập trong khuôn viên của công viên. Giữa công viên, nhìn thẳng từ lối cổng chính vào là trung tâm tổ chức sự kiện, thường nhộn nhịp cảnh ăn uống, tiệc tùng. Từ nhiều năm nay, bên cạnh trung tâm này có một nhà hàng bán bia hơi Hà Nội, cà phê chim cảnh… Quán xá hoạt động suốt ngày đêm, người ta cũng thoải mái phi xe và đỗ xe bất kể chỗ nào để vào uống bia, cà phê. Theo tìm hiểu của người viết, công viên Tuổi trẻ Thủ đô trước đây từng là bãi đất hoang, “xóm liều” bởi sự quần cư của những đối tượng nghiện hút, bất hảo. Năm 1998, chính quyền thành phố Hà Nội đã quy hoạch thành khu công viên vui chơi với diện tích hơn 26ha. Tuy nhiên, nhiều năm sau, công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã bị “thương mại hóa”, “băm xẻ” thành nhiều điểm dịch vụ kiếm lời. Sai phạm tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã kéo dài trong nhiều năm, cơ quan chức năng cũng đã xử lý, tuy nhiên kết quả là vi phạm vẫn tràn lan. Thậm chí, mới đây, trong tháng 6/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã có Thông báo Kết luận việc thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Kết luận cũng đã chỉ rõ, đây là vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, cho đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân trước hết là do những tồn tại về tài chính doanh nghiệp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Đầu tư Tuổi trẻ Thủ đô (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước); hồ sơ, tài liệu, chứng từ không đầy đủ, không được xác lập đúng quy định, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc hình thành tài sản, đối chiếu công nợ... Bên cạnh đó, quá trình khai thác vận hành công viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều sai phạm về quản lý doanh nghiệp, hợp tác đầu tư, lập quy hoạch, cấp phép xây dựng, triển khai dự án có sử dụng đất; một số cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm, nội dung tham mưu thiếu khả thi, chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố, có dấu hiệu buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. |
CẦN QUYẾT LIỆT HƠN TRONG XỬ LÝ VI PHẠM Thực trạng trên chỉ là những ví dụ điển hình cho tình trạng chiếm dụng, xẻ thịt công viên, diện tích đất công đang diễn ra tại Hà Nội. Việc này không chỉ dẫn đến tình trạng quy hoạch hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ mà còn khiến không gian xanh ngày càng thiếu hụt, đi ngược lại với chủ trương phát triển xanh, bền vững mà thành phố Hà Nội đã đặt ra. Điều đáng nói là thực trạng trên cứ diễn ra hết năm này qua năm khác và việc xử lý vẫn chưa dứt điểm. Về việc này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội từng cho rằng, do thiếu giám sát khi triển khai các khu dịch vụ trong công viên nên nhiều nơi đã sử dụng sai mục đích, trong khi đó công tác quản lý chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết, theo quy hoạch, chỉ tiêu cây xanh, công viên đô thị cho khu vực nội đô Hà Nội đến năm 2030 dự kiến, khoảng 4,0 - 4,5m2/người, nhưng phải cần nguồn kinh phí rất lớn, không thể cân đối từ ngân sách nhà nước được và giải pháp hữu hiệu nhất là huy động nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là huy động như thế nào và chúng ta có quản lý, khai thác tốt để đáp ứng đúng mục tiêu đề ra không hay bị biến tướng. Cụ thể, tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nghiêm cho rằng đây là một trong những chủ trương rất mạnh dạn, quyết tâm của thành phố Hà Nội, từ năm 1998 thành phố đã duyệt quy hoạch. Ví dụ như một số công viên khác như công viên nước, công viên chuyên đề khác, chúng ta cũng đã giao cho từng chủ đầu tư một nhưng nói chung có những cái đạt được mục tiêu, có những cái cũng còn nhiều vấn đề. “Hiện nay, có lẽ phải xem xét lại các mô hình quản lý của các công viên, hiện nay thực chất, ở thành phố Hà Nội, trong tổng số công viên hiện hữu, có những công viên do Thành phố quản lý, nhưng không ít công viên giao cho quận, huyện quản lý, thậm chí, một số công viên là do chủ đầu tư triển khai, đang tiếp tục quản lý. Chính vai trò của chủ đầu tư quản lý ở đây chưa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để tập trung đầu mối, đó là cái tồn tại cần phải quan tâm”, ông Nghiêm nhấn mạnh. Đối với các công viên được giao cho chủ đầu tư quản lý, theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, phải xem xét từ trách nhiệm của 3 bên: Thứ nhất, trách nhiệm của chủ đầu tư, họ có xây dựng theo đúng mục tiêu không; thứ 2, là nhà nước đã quản lý chặt chẽ mục tiêu sử dụng này chưa, hay chỉ giao cho họ rồi để họ đầu tư khai thác; thứ 3 là trách nhiệm của cộng đồng dân cư, khi cộng đồng dân cư không được tham gia trong quá trình giao cho thực hiện này, đặc biệt khi họ phát hiện ra sai phạm này phải xử lý sai phạm, ai là người xử lý vi phạm. Khi cộng đồng phát hiện nhưng chính quyền các cấp quản lý thiếu xử lý chặt chẽ nên những vi phạm cứ lằng nhằng, kéo dài và ảnh hưởng đến cộng đồng. Đồng thời, theo ông Nghiêm, vai trò của người dân trong việc quản lý công viên, cây xanh được xác định rất rõ. Ngay trong năm 2010, với công viên, Bộ Xây dựng, các thành phố, cụ thể thành phố Hà Nội đã có quy định rất cụ thể về quản lý công viên, cây xanh. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương, vai trò của chủ đầu tư, đặc biệt xác định rất rõ vai trò của cộng đồng dân cư như thế nào. Muốn điều chỉnh, phải có ý kiến của cộng đồng, cộng đồng ở đây phải tham gia đồng bộ, từ giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư, đến giai đoạn xem xét nội dung điều chỉnh, giám sát việc điều chỉnh, phát hiện sai phạm để tham gia xử lý. “Như vậy về mặt thể chế, chúng ta đã có đầy đủ các quy định để phát huy vai trò của cộng đồng nhưng thực chất chưa thực hiện đúng quy trình như chúng ta mong muốn”, ông Nghiêm chia sẻ./. |
|
Kim Tiến – Hữu Minh