Multimedia
02/12/2023 08:36
Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

02/12/2023 08:36

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã chính thức khép lại sau 12 ngày sôi động diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và một số địa điểm khác. Không đơn thuần là một hoạt động văn hóa sáng tạo, Lễ hội mang lại thành công khi đã khơi nguồn, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong giới hoạt động sáng tạo và trong cộng đồng, góp phần định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội.
Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã chính thức khép lại sau 12 ngày sôi động diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và một số địa điểm khác. Không đơn thuần là một hoạt động văn hóa sáng tạo, Lễ hội mang lại thành công khi đã khơi nguồn, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong giới hoạt động sáng tạo và trong cộng đồng, góp phần định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Các sự kiện, hoạt động đều mang đậm dấu ấn văn hóa Thủ đô dưới một góc nhìn sáng tạo.

Đây là Lễ hội có quy mô lớn nhất sau 3 mùa tổ chức, với 64 hoạt động văn hóa sáng tạo gồm: 4 công trình kiến trúc; 18 trưng bày và triển lãm; 15 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 9 hoạt động nghệ thuật; 18 hoạt động sáng tạo cộng đồng, được tổ chức tại tuyến điểm chính của Lễ hội là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Với riêng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, di sản công nghiệp này đến nay đã gần 120 năm tuổi, các kho xưởng với những khối máy móc cũ kỹ, hoen rỉ phủ bụi nằm im lìm được các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ “đánh thức”, trở thành một phần trong các không gian sáng tạo kết nối giữa lịch sử và hiện tại. Hệ thống đường ray, tháp nước, đầu máy, toa tàu, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất hồi sinh, khơi dậy sức sáng tạo cho các hoạt động nghệ thuật, được sắp đặt trở thành không gian trưng bày triển lãm, thiết kế ánh sáng, biểu diễn âm nhạc, trình diễn thời trang, hội chợ thủ công,...

Là người đã gắn bó cả một thời thanh xuân với ngành giao thông vận tải, bà Đặng Thị Tuệ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Phân xưởng Gia công nóng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Tại đây, những hiện vật, máy móc được phủ bởi lớp thời gian, mang đến cho bà nhiều cảm xúc về một thời bom đạn. Bà Tuệ bồi hồi nhớ lại: “Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi cũng không được đi sơ tán mà cùng đồng đội bám sát lấy địa trận để nếu ô tô hỏng là phải sửa chữa ngay lập tức”.

Có lẽ, chính bởi sự gắn bó sâu sắc ấy với phân xưởng mà giờ phút này, khi được nhìn lại cỗ máy tiện ngày xưa bà từng ngồi làm việc, đôi tay thoăn thoắt từng công đoạn, bà mới có thể đứng đó và kể về cách thức hoạt động của máy khiến ai cũng phải trầm trồ.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Chia sẻ bằng tất cả niềm xúc động khi được thăm lại cỗ máy gắn liền với công việc ngày xưa, bà Tuệ hào hứng kể cho mọi người về công việc của mình và vui mừng khi được ngắm nhìn máy tiện ngày ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn. Bà mong muốn công chúng tới xem thấu hiểu được sự vất vả ngày xưa và cố gắng nhiều hơn cho hiện tại.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Cũng có mặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ông Đào Duy Hưng cùng vợ hồi tưởng về nhà máy xe lửa đặc biệt này. Ông Hưng không giấu nổi sự thán phục khi từ một vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang qua Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 lại được tái sinh thành một không gian thấm đẫm nghệ thuật như vậy.

“Đây là một ý tưởng tuyệt vời của Ban tổ chức”, ông Hưng trầm trồ. Ông cũng mong muốn sau Lễ hội, Thành phố sẽ “hô biến” Nhà máy xe lửa cũ kỹ này thành một nơi công cộng để phục vụ cộng đồng. “Nếu bỏ hoang thì thực sự quá phí, tôi nghĩ Thành phố hãy tái thiết những di sản công nghiệp như thế này”, ông Hưng bày tỏ.

Mang trong mình tâm hồn của một người nghệ sĩ, ông Đặng Phan Long mặc dù khá bận bịu nhưng vẫn sắp xếp ghé qua triển lãm ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để chụp lại những tác phẩm đặc sắc của các tác giả trẻ. “Tôi rất ấn tượng với triển lãm nghệ thuật đương đại trong một không gian rộng lớn như thế này. Đây là một điều rất tốt và rất phù hợp với đời sống công nghiệp”, ông Long cho hay.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là sự kết hợp sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại. Trong đó, Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân, bên cạnh đó còn các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống tham gia mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho mọi người. Đặc biệt, tuyến tàu “Hành trình di sản” kết nối hai bờ sông Hồng đã tạo ra điểm nhấn cho Lễ hội, thu thú sự trải nghiệm của đông đảo người dân, du khách.

Thông qua các hoạt động của Lễ hội, khách tham quan phần nào đã được trải nghiệm mô hình các tổ hợp văn hóa, sáng tạo, khu phức hợp vui chơi giải trí được chuyển đổi từ các cơ sở công nghiệp, tạo thành không gian gắn kết cộng đồng trong lòng đô thị. Đây có thể coi là mô hình thí điểm cho việc tái thiết, chuyển đổi thích ứng song song với bảo tồn di sản công nghiệp.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Nhạc sĩ Trí Minh chia sẻ, Hà Nội có rất nhiều không gian văn hóa, thiên nhiên để tạo dựng không gian sáng tạo hấp dẫn và cuốn hút. Những di sản công nghiệp như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, bốt Hàng Đậu… là những ví dụ điển hình. Rất may, hiện nay vẫn còn có những khu vực còn giữ được không gian này, chưa bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng.

“Tôi hy vọng, Hà Nội sẽ có cơ chế để những không gian này tồn tại và phát triển theo cách riêng, tạo dựng không gian mới cho Thủ đô. Hiện nay, những nghệ sĩ độc lập cũng đã tự tìm cho mình không gian sáng tạo riêng nhưng vẫn ở quy mô nhỏ và không nhiều. Chúng tôi mong muốn, với thương hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian sáng tạo hấp dẫn, có sức thu hút lớn du khách, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, nhạc sĩ bày tỏ.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động thường niên của thành phố Hà Nội nhằm triển khai kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Lễ hội cũng là hoạt động hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững.

Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội đã thực sự tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Dù Lễ hội diễn ra ở xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện của Lễ hội đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng mới trong việc chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô. Đây là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Là nơi hội tụ nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình phục vụ sản xuất hàng đầu của cả nước, theo các chuyên gia, nếu loại bỏ các di sản công nghiệp, Hà Nội sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh đô thị và rất khó để tạo ra những giá trị về mặt thời gian hay lịch sử. Hà Nội cần nhận diện, phân loại, đánh giá các công trình công nghiệp cũ, từ đó đề xuất cơ chế gìn giữ, tái thiết, tái sử dụng các nhà máy, công xưởng có giá trị về văn hóa.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Hạng mục nào là những công trình lưu giữ ký ức đô thị Hà Nội, cần giữ nguyên trạng hoặc một phần để bảo tồn, cải tạo thích ứng. Kiến trúc sư Vương Hoàng Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhìn nhận: Di sản công nghiệp là thể loại công trình cần có cách ứng xử chuyên nghiệp và văn hóa. Nếu chúng ta phá bỏ như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3 thì dần dần sẽ xóa sổ sạch sẽ các di sản công nghiệp. Trong quá trình phát triển, cần cân nhắc, lựa chọn vì các công trình công nghiệp tạo ra dòng chảy lịch sử xuyên suốt theo thời gian, bảo đảm cho đô thị có chiều dài mà không phải là một đô thị non trẻ với những công trình xây mới, không có ký ức.

Họa sĩ Nguyễn Đức Phương, tác giả của không gian “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” chia sẻ: “Thông qua dự án lần này, tôi mong công chúng sẽ có ý thức và đóng góp đối với di sản. Đời sống tuy thay đổi theo thời kỳ, những di sản vẫn luôn mang lại giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng người trẻ có cái nhìn, cách tiếp cận khác về nghệ thuật, từng bước tạo nên giá trị cho cộng đồng. Tôi mong nhiều không gian nghệ thuật hơn nữa được kiến tạo từ di sản như thế này”.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Nhìn nhận về tiềm năng của di sản công nghiệp, kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại. Việc chuyển đổi các công trình công nghiệp cũ thích ứng với sự phát triển đô thị là một nhu cầu tất yếu, cần có những khảo sát, đánh giá và nhận diện giá trị di sản của các công trình công nghiệp để có những biện pháp quản lý, ứng xử phù hợp với sự phát triển của đô thị hiện đại.

Với một diện tích rộng lớn, trong khuôn khổ một lễ hội diễn ra trong 12 ngày, Hà Nội chưa thể đánh thức hết tiềm năng hay chuyển đổi, biến hình Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành một tổ hợp sáng tạo hoành tráng, cũng như chưa thể thỏa mãn nhu cầu của du khách về trải nghiệm sáng tạo. Mặc dù vậy, những bước đi đầu tiên này đang dần góp phần hồi sinh di sản, khai phá tiềm năng của các cơ sở công nghiệp trong lòng thành phố, cụ thể hơn là định hình và định danh di sản công nghiệp, trở thành yếu tố phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

Thành phố đang hướng tới xây dựng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, tạo điểm nhấn trong năm, thu hút đông đảo nhà thiết kế, doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế tham dự. Hi vọng, từ hiệu quả tổ chức của Lễ hội, Thành phố sẽ đánh giá lại những giá trị của các di sản công nghiệp để từ đó “thổi hồn” vào những di sản này, tạo ra những giá trị mới, xứng tầm.

Để làm được như vậy, rất cần một cơ chế chính sách phù hợp để những địa chỉ đó thay vì biến thành những tòa nhà cao tầng mà trở thành các không gian sáng tạo độc đáo, giúp các nghệ sĩ thực hành sáng tạo và công chúng Thủ đô được kết nối với thế giới bằng chính các hoạt động sáng tạo đó. Đó cũng là cơ hội để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững, lâu dài, chứ không chỉ là câu chuyện thời vụ. Phát triển trên nền di sản, kết nối với quá khứ bằng những câu chuyện hôm nay là một xu thế bền vững và đi đường dài trên con đường phát triển của một thành phố. Đó là điều cần bàn sau những sự kiện, những tuần lễ sáng tạo được tổ chức liên tục tại Hà Nội hiện nay.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo

----------------------

Nội dung: Hà Phong - Thiết kế: P.Thắng