Multimedia
01/02/2022 01:26
Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

01/02/2022 01:26

Hà Nội của chúng ta - “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” - trong sâu thẳm từ thuở Thăng Long, đã luôn là trung tâm văn hóa của cả nước, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Đó là những giá trị trường tồn, là nguồn lực nội sinh to lớn mà trên hành trình xây dựng và phát triển, Hà Nội phải bằng mọi cách khơi dậy để chinh phục những tầm cao mới.
Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới
Hà Nội của chúng ta - “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” - trong sâu thẳm từ thuở Thăng Long, đã luôn là trung tâm văn hóa của cả nước, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Đó là những giá trị trường tồn, là nguồn lực nội sinh to lớn mà trên hành trình xây dựng và phát triển, Hà Nội phải bằng mọi cách khơi dậy để chinh phục những tầm cao mới.

Có nhiều định nghĩa về khái niệm văn hóa và cách hiểu, cách lý giải khác nhau, song tất cả đều thừa nhận vai trò quan trọng của văn hóa đối với lịch sử, hiện tại và tương lai; đối với mỗi con người, gia đình, cộng đồng và quốc gia, dân tộc. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho rằng: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”.

Đối với Việt Nam, từ hàng nghìn năm trước, cha ông ta đã dày công bồi đắp những giá trị văn hóa sống động; để lại cho thế hệ hôm nay hệ thống công trình văn hóa từ Bắc chí Nam và những di sản tinh thần phong phú, đáng tự hào.

Với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng to lớn. Kể từ khi đức Vua Lý Thái Tổ đặt nền móng định đô ở Thăng Long đến nay, trải qua hơn 1010 năm, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc. Hà Nội cũng khéo léo tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại để làm giàu có thêm sức sống văn hóa của mình. Thành phố ngàn năm không chỉ xứng đáng là trái tim của cả nước mà còn được bạn bè thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... “Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị” từ lâu đã trở thành những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nội.

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Năm 2008, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Cuộc kiến tạo đặc biệt này vừa định hình một tầm vóc mới cho Thủ đô, vừa làm dày thêm nền văn hóa Hà Nội, đặc biệt là sự bổ sung của văn hóa xứ Đoài.

Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.

Tất cả đã cho thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận văn hóa như ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Nhờ sức mạnh văn hóa mà nước ta đã vượt qua bao gian nan, thử thách; “sáng chắn bão dông chiều ngăn nắng lửa”, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, lập bao chiến công tạc vào sử sách. Từ chiến thắng thực dân, đế quốc đến thành công của 35 năm thực hiện đổi mới, đất nước đã không ngừng phát triển vươn lên; xác lập tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có như ngày nay.

Là kinh đô, nhờ sức mạnh của trung tâm văn hóa đất nước, Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng của ý chí tự lực tự cường dân tộc với những dấu son trong nghìn năm lịch sử. Từ “hào khí Đông A” đến tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã thấm sâu trong huyết quản con người Hà Nội.

Ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng hằng năm, Hà Nội đóng góp từ trên 16% Tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thủ đô ngày càng xứng đáng với vai trò là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Nhờ sức mạnh văn hóa biểu hiện từ lòng yêu nước, tình đoàn kết, tính nhân văn, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trong 2 năm 2020-2021, Hà Nội vẫn là điểm sáng, vừa gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu như phối hợp với Trung ương bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Đặc biệt, năm 2021, là địa bàn có nguy cơ cao về dịch Covid-19, nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã chủ động có biện pháp trước, linh hoạt điều chỉnh để vừa không để dịch lây lan diện rộng, bảo vệ tốt sức khỏe và an toàn tính mạng cho người dân, vừa giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Từ khi mở lại các hoạt động đến nay, mặc dù số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Thành phố tích cực thiết lập trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Do phải thực hiện giãn cách xã hội 4 đợt trong 60 ngày, kinh tế Hà Nội giảm hơn 7% trong quý III, nhưng ngay khi thực hiện “bình thường mới”, tăng trưởng đã hồi phục mạnh (quý IV tăng 6,69%). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của thành phố vẫn tăng 2,92% so với năm trước, cao hơn bình quân chung cả nước (2,58%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vượt 12,3% so với dự toán Trung ương giao, vượt 5,3% toán HĐND thành phố giao; bảo đảm nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi phòng, chống dịch Covid-19, chi an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi khác của thành phố. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 tăng 1,77% (năm 2020 là 2,67%)…

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Mặc dù đạt kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng lãnh đạo thành phố nhận thức sâu sắc rằng, phải phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo; cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, trọng tâm là khai thác tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Trong đó, một trong những tiềm năng thế mạnh cần được tập trung khai thác chính là nguồn lực văn hóa.

Theo tính toán, năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào GRDP thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7%. Đây là con số còn nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của văn hóa Hà Nội cũng như mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước như Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ đã đề ra. Trong khi đó, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam...”.

Như vậy, khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Để làm được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở, trước tiên là cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố. Đó là chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững.
Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Phát triển văn hóa phải đặt trong tổng thể phát triển chung, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Trước mắt, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, cùng chung sức với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra, nhất là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7 đến 7,5%.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển, vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, bảo đảm “đúng vai, thuộc bài” đối với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Muốn làm tốt, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố cần chỉ đạo hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; bảo đảm bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trong quá trình đó, chúng ta phải đặt Hà Nội trong dòng chảy của thời đại và đất nước, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; chủ động dự báo, tranh thủ các nhân tố quốc tế thuận lợi để phát triển nhanh, sẵn sàng chuẩn bị đối phó, khắc phục sự tác động của các nhân tố tiêu cực, rủi ro như dịch Covid-19 vừa qua. Chúng ta phải phân tích, đánh giá tiềm lực và trình độ phát triển của Hà Nội trong tương quan so sánh với Thủ đô các nước; từ đó xác định đúng và phát huy tốt lợi thế so sánh để khẳng định vị thế trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; kết hợp và giải quyết hài hòa giữa kiên định, kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn phù hợp tầm nhìn chiến lược với việc tập trung huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu ngắn hạn, trung hạn. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”.

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Vừa qua, thành phố đã tháo gỡ vướng mắc để khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đền Hạ. Đây là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc quần thể di tích Tản Viên Sơn Thánh, thuộc xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Công trình không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân mà còn có khả năng tạo sức hút về du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Dự án này sẽ mở đầu cho chuỗi các dự án phục dựng các di tích quan trọng tạo sức bật mới cho du lịch văn hóa, lịch sử Thủ đô như điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long), đền thờ Ngô Quyền (Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh), chùa Trầm (huyện Chương Mỹ)...

Từng quận, huyện, thị xã, từng phường, xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố cũng phải có kế hoạch phát triển văn hóa cụ thể; tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào một số điểm nhấn về di sản, tạo sức bật mới về văn hóa du lịch và thu nhập của người dân.

Toàn thành phố tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Mấu chốt là thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII). Các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 quy tắc ứng xử của thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; nhân rộng các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, lễ hội...

Chúng ta phải kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; lấy gia đình và cộng đồng dân cư là điểm tựa chủ yếu để thực hiện; kết hợp hiệu quả giữa các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục và sức mạnh của hệ thống luật pháp, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ sửa đổi Luật Thủ đô.

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, các cấp, các ngành phải quán triệt nhận thức phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và lấy văn hóa, con người làm nền tảng, là nguồn lực, là động lực để phát triển bền vững Thủ đô. Mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5%; đến năm 2030 đóng góp 8% và đến năm 2045 đóng góp 10% vào GRDP thành phố.

Để phát huy sức mạnh văn hóa, chúng ta phải tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế. Trước mắt, cần triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng trong nước và ngoài nước.

Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

*

* *

Một mùa xuân mới đang về. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tự hào về những thành quả đạt được sau một năm đầy khó khăn, thử thách và tự tin hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm Nhân Dần 2022 với quyết tâm khơi dậy sức mạnh văn hóa đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Đây là mục tiêu không dễ, nhưng bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, còn có sự đồng hành, chia sẻ bằng tình yêu và trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân Hà Nội thì tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Xin gửi tới toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Thủ đô lời chúc mừng năm mới sức khỏe, hạnh phúc, năm mới thắng lợi mới!

Theo hanoimoi.com.vn

https://hanoimoi.com.vn/mega-story/chinh-tri/1022755/khoi-day-suc-manh-van-hoa-dua-ha-noi-phat-trien-len-tam-cao-moi