Multimedia
23/11/2023 21:06
Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

23/11/2023 21:06

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh chóng và bền vững, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao được hình thành, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân.
Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh chóng và bền vững, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao được hình thành, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Lấy vợ quê đất hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), năm 2000, nhận thấy nông dân trồng hoa ở đây có thu nhập cao, anh Bùi Văn Khá (Giám đốc hợp tác xã hoa Đồng Tháp, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng) bèn đưa cây hoa về trồng trên đất lúa ở xã Đồng Tháp. Anh quyết định tìm hiểu nghề trồng hoa, cải tạo mấy sào đất trồng lúa và mua một số giống hoa như: Hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền... về trồng.

Thời điểm đó cách đây hơn 20 năm, nhận thức của xã hội còn hạn chế, nhiều người nghĩ trồng hoa thì biết “bán cho ai”. Nhưng bằng sự quyết tâm học hỏi, ngay trong những vụ hoa đầu tiên, vườn hoa nhà anh Khá đã cho ra đời những bông hoa chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy cây hoa đồng tiền đặc biệt phù hợp với đồng đất xã Đồng Tháp, được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao, từ năm 2003, anh Khá chuyển sang chuyên canh giống hoa này.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Anh Khá cho biết, ban đầu chưa có vốn anh trồng hoa đồng tiền ngoài trời, năm được năm mất do chịu ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão, cây dễ bị hư hỏng. Mỗi khi trời mưa lụt dài ngày, thoát nước chậm, bất kể là đêm hay ngày, vợ chồng anh đều lao ra ruộng tát nước cứu hoa.

Sau 7 năm trồng hoa đồng tiền, tích lũy được chút vốn và kinh nghiệm, năm 2010, anh Khá cũng là người đầu tiên ở xã Đồng Tháp đầu tư hệ thống nhà màng phủ nilon để trồng loài hoa này. Nhờ đầu tư bài bản, mô hình hoa đồng tiền trong nhà màng của anh Khá cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Từ đó anh dần dần mở rộng mô hình.

Từ vài sào trồng hoa ban đầu đến nay anh Khá có 1,5ha hoa đồng tiền được trồng luân canh trong nhà màng. Nhờ đó, ngày nào anh Khá cũng có hoa để thu hoạch. Bình quân mỗi ngày vào mùa hè anh thu hái từ 3.000 - 4.000 bông hoa. Sang tiết trời thu mát mẻ, hoa đồng tiền nở rộ nhiều hơn, mỗi ngày anh thu hái từ 5.000 - 6.000 bông hoa. Giá bán hoa đồng tiền tuỳ từng thời điểm, dao động từ 500 - 1.500 đồng/bông.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Thấy anh Khá trồng hoa đồng tiền cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở xã Đồng Tháp cũng học tập, chuyển sang trồng hoa đồng tiền. Nhằm chuyên nghiệp trong sản xuất, năm 2020, anh Khá đã liên kết các hộ nông dân khác thành lập Hợp tác xã (HTX) hoa Đồng Tháp ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với diện tích canh tác hơn 20ha, hỗ trợ nhau cùng sản xuất, tiêu thụ.

Hiện nay, HTX hoa Đồng Tháp do anh Bùi Văn Khá làm Giám đốc là một trong những vùng chuyên canh hoa đồng tiền lớn nhất Thủ đô. “Đầu năm 2023, sản phẩm hoa đồng tiền của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hoa đồng tiền của HTX bước đầu xây dựng được thương hiệu nên toàn bộ sản phẩm hoa của HTX đều được thương lái bao tiêu, thu mua, các hộ dân không phải lo về đầu ra”- anh Khá phấn khởi cho biết.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Cũng trăn trở với việc ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm nông nghiệp giá trị, chất lượng cao, sau nghiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, đến nay, mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của anh Ngô Minh Trưởng, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) được coi là hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại.

Theo anh Ngô Minh Trưởng, mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao được anh triển khai từ năm 2019 với diện tích 1.500m2, quy mô 45.000 cây. Lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Năm 2019, vụ lan đầu tiên anh Trưởng trồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thu 3,6 tỷ đồng. Năm 2020, anh Trưởng tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng gần 80.000 cây lan hồ điệp. Hiện vườn lan sinh trưởng, phát triển rất tốt. Đặc biệt, mô hình trồng hoa lan của anh Ngô Minh Trưởng đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động thời vụ.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Chia sẻ về lý do đầu tư mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng cho hay: “Hoa lan Hồ Điệp du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm nay, hoa Tết thường nhập khẩu từ Trung Quốc về, sau này phát triển các mô hình tự trồng, tự kích hoa tại Việt Nam. Trước đây, người trồng thường mang lên huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để xử lý mầm hoa nhưng chi phí tăng cao, qua các khâu vận chuyển khiến chất lượng hoa bị ảnh hưởng, do đó tôi luôn trăn trở, muốn tìm lối đi khắc phục những khó khăn đó”.

Năm 2019, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp, anh Trưởng mạnh dạn thuê đất tại xã Mỹ Hưng để trồng thử nghiệm mô hình. Anh đầu tư hơn 7 tỷ đồng để cải tạo, san lấp và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng… trồng lan Hồ Điệp. Để phát triển mô hình lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng phải học hỏi công nghệ từ nước ngoài, trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm.

Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp anh Trưởng chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu còn đồng thời giúp giảm chi phí nhân công lao động, từ đó giảm được giá thành sản xuất.

Chia sẻ về sự khác biệt của mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Trưởng cho biết: “Lan Hồ Điệp thường nở tự nhiên vào mùa xuân, qua dịp Tết Nguyên đán, do đó muốn hoa nở đúng dịp Tết, phục vụ thị trường, người trồng phải nắm được kỹ thuật, cần xử lý cây, hoa sớm hơn. Mô hình trồng công nghệ cao mặc dù đòi hỏi trình độ kỹ thuật, vốn đầu tư lớn nhưng đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình trồng thông thường. Trên diện tích nhỏ nhưng trồng được số lượng lớn, nhờ khống chế được ánh sáng, nhiệt độ, chất lượng hoa đồng đều hơn”.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Không chỉ có mô hình trồng hoa công nghệ cao, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao trồng măng tây xanh hữu cơ, rau trong nhà lưới, nho Hạ Đen, lúa thảo dược... trong đó nhiều sản phẩm cho chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ lâu, thương hiệu gạo hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên sắp tới, người tiêu dùng sẽ biết thêm một sản phẩm hấp dẫn nữa của địa phương này, đó là gạo từ cây lúa “tím lịm”, còn được gọi là lúa thảo dược.

Bà Lê Thị Hoà - Trưởng thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ thông tin, vài vụ gần đây, người dân thôn Thượng Phúc bắt đầu làm quen và trồng thử nghiệm giống lúa thảo dược. Về quy trình canh tác, lúa thảo dược cũng không có gì khác biệt so với giống lúa thông thường, năng suất bình quân khoảng 140 - 150 kg/1 sào Bắc bộ. Theo bà Hoà, với các loại thóc khác, mọi năm đơn vị thu mua thóc tươi ngay tại bờ ruộng với giá 9.000 đồng/kg, nhưng với thóc thảo dược là 11.000 đồng/kg. Nếu phơi khô (độ ẩm dưới 20%), giá thóc thảo dược là 15.000 đồng/kg. Chính sự chênh lệch về giá đã tạo nên sức hấp dẫn của cây lúa thảo dược với người nông dân.

Theo tìm hiểu, hiện toàn xã Đồng Phú có 65ha thường xuyên canh tác lúa theo quy trình hữu cơ. Đến năm 2025, xã sẽ đưa diện tích lúa được canh tác theo hướng hữu cơ lên 100ha. Về dư địa, xã Đồng Phú vẫn còn khả năng mở rộng diện tích hơn nữa, tuy nhiên với cây lúa hữu cơ, không thể mở rộng một cách ồ ạt, vì liên quan đến thị trường đầu ra. Với lúa thảo dược, hiện xã mới trồng thí điểm khoảng 5 mẫu, tuy nhiên giống lúa này luôn được các đơn vị ký hợp đồng thu mua từ lúc gieo cấy. Ở ngoài thị trường, gạo từ cây lúa thảo dược được trồng theo hướng hữu cơ (dạng gạo lứt) hiện đang được những người ăn kiêng lựa chọn và không lo bị ế.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Tại Hà Nội, các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... với những mô hình hộ gia đình, số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Trong trồng trọt, công nghệ cao chủ yếu áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất như ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; công nghệ truy xuất nguồn gốc… Tuy nhiên thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Do đó, Hà Nội cần các chính sách đột phá hơn nữa để nông nghiệp công nghệ cao phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Tháp Bùi Lê Huy cho biết, xã Đồng Tháp có 4 HTX gồm: HTX Nông nghiệp, HTX Thủy sản, HTX hoa Đồng Tháp và HTX Cơ khí Đồng Tháp. Các hợp tác thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.

Đến nay, ngoài diện tích trồng hoa đồng tiền, xã còn có trên 5ha bưởi đào chín sớm và trên 3ha trồng hoa đào và các loại cây hoa có giá trị kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đạt 76,3 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo. Xã Đồng Tháp đặt mục tiêu tiếp tục giữ chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao với hoa đồng tiền, đồng thời tiếp tục nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao.

Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX hoa Đồng Tháp Bùi Văn Khá, để mở rộng mô hình trồng hoa đồng tiền hiện nay cũng gặp khó khăn không nhỏ. Trong đó dù hoa luôn được thương lái bao tiêu đầu ra, song giá cả phụ thuộc vào thị trường, không ổn định và chưa tiếp cận được các đầu mối lớn cũng như chưa tương xứng với tiềm năng sản phẩm OCOP 3 sao.

“Bên cạnh đó, HTX thành lập, thành viên chủ yếu là các hộ nông dân, trình độ quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, khâu marketing, quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội cũng còn yếu. Chúng tôi mong muốn nhận được những chính sách hỗ trợ tích cực hơn nữa để nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có”, anh Bùi Văn Khá nói.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

Cũng đánh giá nông nghiệp Hà Nội chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và cần được đầu tư có trọng tâm trọng điểm, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội cho rằng: Hà Nội cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, để tạo được bước đột phá, sự khác biệt và trở thành động lực phát triển nông nghiệp cho các tỉnh thành khác.

Theo bà Lan, Thành phố cần xem đầu tư công là khâu đột phá, tập trung chuyển đổi từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại trình độ, kỹ thuật nông nghiệp. Đây là nội dung vô cùng quan trọng để giữ vị thế của nông nghiệp Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng tôi đánh giá mức độ ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chưa có sự vượt trôi so với các tỉnh, thành khác. Chưa chú trọng vào việc nghiên cứu, ứng dụng các khâu để làm gia tăng và chế biến nông sản.

Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung cơ cấu các loại hình công nghệ theo hướng giảm các loại công nghệ truyền thống để tập trung ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp và hình thức sản xuất nông nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý.

Khẳng định vị thế nông nghiệp Thủ đô

----------------------------------------

Nội dung: Lê Thắm - Thiết kế: P.T