|
Trước tác động và diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, nhất là từ ngày đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, để kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh tại các doanh nghiệp, đơn vị và triển khai công tác chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố đã khẩn trương kiện toàn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Chủ tịch làm Phó ban, thành viên là các Trưởng, phó Ban Liên đoàn Lao động Thành phố. Đồng thời, Liên đoàn Lao động Thành phố đã kiện toàn, kích hoạt 5 Tổ công tác đảm bảo tình hình an ninh trật tự và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Tổ công tác) do các đồng chí Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố làm Tổ trưởng, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, cán bộ, lãnh đạo các ban là thành viên, để trực tiếp chỉ đạo các Liên đoàn Lao động quận, huyện và Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên tiếp cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh. |
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết: Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố đã bàn và quyết định kiện toàn, bổ sung thêm thành viên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực tiếp vào Tổ công tác thể hiện sự nâng lên hơn nữa về tầm quan trọng, tính cấp thiết cũng như yêu cầu nhiệm vụ của các Tổ công tác. Theo đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các Công đoàn cơ sở trực thuộc chịu trách nhiệm trước Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố và Tổ công tác về việc chỉ đạo, điều hành, nắm bắt tình hình tại cơ sở. Về nhiệm vụ, các Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn thuộc đơn vị, địa phương quản lý để đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường tuyên truyền, vận động để đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối, chính sách và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước. |
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Liên đoàn Lao động Thành phố và 5 Tổ công tác, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, nóng vội; đồng thời huy động mọi nguồn lực để kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn Thành phố, tập trung công tác phòng, chống dịch trong các Khu công nghiệp tập trung và các doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Từ chỉ đạo xuyên suốt của 5 Tổ công tác, các cấp Công đoàn trên địa bàn Thủ đô đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch; chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động vận động, chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; vận động, tổ chức tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. |
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Đặng Thị Phương Hoa - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 cho biết, ngay sau khi được kiện toàn và tái khởi động, các Tổ công tác đã căng mình hoạt động hết công suất, trong trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp. Các Tổ nhanh chóng phân công lãnh đạo, cán bộ ứng trực, nắm bắt tình hình tại cơ sở; chủ động xây dựng phương án để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Trong điều kiện phải thực hiện giãn cách, hạn chế hội họp, tiếp xúc, các Tổ tăng cường hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động. Thông qua điện thoại, Zalo, Email, hằng ngày các thành viên Tổ công tác bám sát cơ sở, một mặt triển khai kịp thời những chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, mặt khác, đôn đốc đơn vị báo cáo, cập nhật tình hình thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố nói riêng, công tác phòng, chống dịch nói chung của đơn vị. Từ thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, việc cập nhật, báo cáo được thực hiện hàng ngày. Việc cập nhật công tác phòng, chống dịch theo từng ngày đã giúp các thành viên trong từng Tổ, đặc biệt là Chủ tịch Liên đoàn Lao động các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm. Cùng đó, thông qua công tác báo cáo, cập nhật thông tin hàng ngày đã giúp lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố kịp thời nắm bắt và xử lý nhanh các tình huống phát sinh, góp phần khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 cho biết, không chỉ nắm bắt kịp thời thông tin từ cơ sở, các Tổ công tác còn có nhiều sáng kiến, tham mưu đắc lực cho Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Liên đoàn Lao động Thành phố những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Điển hình, Tổ Công tác số 4 đã để xuất với lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Liên đoàn Lao động Thành phố về việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp, hỗ trợ, hướng dẫn phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp. |
“Đây thật sự là chủ trương đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Liên đoàn Lao động Thành phố trong bối cảnh công tác phòng, chống dịch có những yêu cầu cấp bách. Với thành viên là những người trực tiếp làm việc tại Tổ sản xuất, hằng ngày sát sao, gần gũi người lao động nên các “Tổ An toàn Covid-19” đã trở thành mắt xích quan trọng, là “lá chắn thép” phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt hữu ích ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và đã lây lan tại một số khu công nghiệp, chế xuất trên cả nước. Mô hình này đã được Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh, thành bạn học tập, triển khai”, đồng chí Lê Đình Hùng cho biết. Đồng chí Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác, nhất là trong việc kịp thời nắm bắt thông tin tại cơ sở để xử lý nhanh chóng các tình huống phát sinh đồng thời tham mưu được với Liên đoàn Lao động Thành phố những sáng kiến trong chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Việc thành lập các “Tổ An toàn Covid-19" thật sự là một biện pháp sáng tạo, đúng đắn của Liên đoàn Lao động Thành phố, không chỉ tạo cánh tay nối dài trong công tác phòng dịch của tổ chức Công đoàn Thủ đô tới tận cơ sở, mà còn mở đường để tổ chức Công đoàn tiếp cận với khu vực doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở, tạo tiền đề cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”, đồng chí Phạm Bá Vĩnh đánh giá. |
Cùng với cập nhật thông tin hàng ngày từ cơ sở qua trao đổi trực tiếp, qua ứng dụng công nghệ thông tin, quá trình triển khai hoạt động, các Tổ công tác của Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các Công đoàn cấp trên cơ sở. Tại các buổi kiểm tra, các Tổ công tác đã lắng nghe, nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở, đồng thời ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cơ sở để tham mưu giải pháp giải quyết với Liên đoàn Lao động Thành phố. Mới đây, Tổ công tác số 5 Liên đoàn Lao động Thành phố đã tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ và Liên đoàn Lao động quận Hà Đông. Báo cáo với Tổ công tác, lãnh đạo hai đơn vị đều dẫn ra những số liệu và các thức triển khai cho thấy sự chủ động của các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của tổ chức Công đoàn về việc thành lập, kiện toàn hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, của đoàn viên, người lao động trong việc chung tay cùng doanh nghiệp, các cấp chính quyền, Thành phố và cả nước trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng thời, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa việc chăm lo, bảo vệ người lao động, giúp người lao động ổn định cuộc sống, ổn định việc làm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ Nguyễn Hợp Tiến đề nghị: Thành phố cần có hỗ trợ thêm cho các nhân viên “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp, tăng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh. |
Tại quận Hà Đông, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Phùng Thị Khanh kiến nghị, Thành phố quan tâm và đẩy nhanh hơn nữa việc hỗ trợ công nhân, viên chức, lao động trong việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19; cần có cơ chế hỗ trợ các “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn; kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để công nhân, viên chức, lao động ổn định việc làm, thu nhập và bảo đảm cuộc sống, sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp… Cũng tại buổi làm việc, đại diện các Công đoàn cơ sở tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông cũng bày tỏ mong muốn Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục có ý kiến, đề xuất kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… |
Với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Liên đoàn Lao động Thành phố và 5 Tổ công tác với nhiều biện pháp chủ động, sáng tạo, đặc biệt là chủ trương thành lập các “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp, Công đoàn các cấp trên địa bàn Thủ đô tích cực vào cuộc, đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo thành lập được 11.068 “Tổ An toàn Covid-19” với 49.171 người tại 4.109 doanh nghiệp tham gia (bao gồm cả doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn) để góp phần cùng doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19. Song song với đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi hỗ trợ từ ngân sách Công đoàn và nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và ủng hộ Quỹ vắc xin với tổng số tiền 45 tỷ 681,950 triệu đồng. Qua hơn một tháng triển khai thành lập và đi vào hoạt động các “Tổ An toàn Covid-19”, có thể khẳng định rằng, hiệu quả của mô hình “Tổ An toàn Covid-19” đã thực sự là cánh tay nối dài giúp doanh nghiệp quản lý nhân sự một cách an toàn, bài bản tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp đánh giá rất cao mô hình hoạt động “Tổ An toàn Covid-19” với kịch bản chi tiết, quyết liệt; cách thức triển khai khẩn trương, nghiêm túc, mang sắc thái riêng của tổ chức Công đoàn. Với sự nhạy bén của Liên đoàn Lao động Thành phố, hoạt động “Tổ An toàn Covid-19” đã có sức lan tỏa rộng rãi trong các doanh nghiệp. Qua đó, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế. |
Tại buổi làm việc, nắm bắt tình hình công nhân, viên chức, lao động và công tác phòng, chống dịch tại Liên đoàn Lao động các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, đồng chí Ngô Văn Tuyến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 ghi nhận và biểu dương kết quả các đơn vị đã thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Qua nắm bắt tâm tư, cũng như kiến nghị từ cơ sở, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; nắm bắt tình hình thực tế các doanh nghiệp và công nhân lao động trên địa bàn để thường xuyên cập nhật, báo cáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, cấp ủy và chính quyền, chuyên môn đồng cấp để có giải pháp nhằm tháo gỡ. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người lao động sớm được ổn định việc làm, sản xuất, bảo đảm cuộc sống và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở cần tiếp tục rà soát đối tượng, kịp thời đề xuất mức hỗ trợ, thăm hỏi đối với công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn. |
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, làm việc với Công đoàn Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động quận Đống Đa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Chính Hữu, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động không lo lắng, hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Bên cạnh đó, Công đoàn cần khẳng định vị thế của mình trong việc đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị đẩy mạnh phòng, chống dịch, động viên đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực thi đua, lao động sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, các đơn vị cần rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lựa chọn hoạt động trọng tâm, trọng điểm, sát với chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ tốt cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, cần tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người lao động, kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tham gia đề xuất với chuyên môn trong việc xem xét dành kinh phí mua vắc xin tiêm phòng dịch Covid-19 cho người lao động. “Liên đoàn Lao động Thành phố chia sẻ với các Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động các quận, huyện; Công đoàn cấp trên tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Công đoàn cơ sở, qua đó chung tay cùng doanh nghiệp, đơn vị chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, đồng chí Nguyễn Chính Hữu đề nghị. |
Nội dung: Ngọc - Diệp Trình bày: Quốc Đại |