Multimedia
03/03/2022 09:00
Khẳng định vai trò của ngành Tuyên giáo Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thành phố

03/03/2022 09:00

Thực hiện một khối lượng lớn công việc với những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Ngành Tuyên giáo Thủ đô đã có những đóng góp, cống hiến quan trọng vào thành tích chung của thành phố Hà Nội. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2022), đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ với báo Lao động Thủ đô về những đóng góp ấy và mục tiêu, định hướng trong thời gian tới để hệ thống tuyên giáo Thủ đô ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình.
Khẳng định vai trò của ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Thực hiện một khối lượng lớn công việc với những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã có những đóng góp, cống hiến quan trọng vào thành tích chung của thành phố Hà Nội. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2022), đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ với báo Lao động Thủ đô về những đóng góp ấy và mục tiêu, định hướng trong thời gian tới để hệ thống tuyên giáo Thủ đô ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Phóng viên: Thủ đô Hà Nội đã vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 và gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Trong thành quả chung, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đã có đóng góp, cống hiến như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm, trong bối cảnh năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, bởi là năm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, chính trị lớn của đất nước và Thủ đô. Tình hình đó mang lại cả hai chiều hướng thuận lợi và khó khăn cho công tác tuyên giáo.

Xác định nhiệm vụ hết sức nặng nề nên ngay từ đầu năm, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy và cấp ủy Đảng các cấp để xây dựng kế hoạch thực hiện từng phần việc cụ thể. Từ đó phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo Thủ đô đã giúp ngành Tuyên giáo thành phố Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Thủ đô Hà Nội.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Trong năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu, ban hành 981 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; biên soạn và phát hành 3 ấn phẩm tuyên truyền; triển khai 2 đề tài, 3 chuyên đề trên lĩnh vực công tác tuyên giáo.

Đặc biệt, ngay sau Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Đại hội XIII của Đảng, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện học tập, quán triệt Nghị quyết đến 100% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với nhiều hình thức, linh hoạt theo tình hình dịch Covid-19. Điển hình là việc phối hợp tổ chức tốt Hội nghị trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình - Hà Nội học tập, quán triệt và triển khai thực hiện 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy tới 473 điểm cầu tại quận, huyện, thị ủy đến xã, phường thị trấn, đảng ủy trực thuộc với 60.319 đại biểu dự họp và hàng triệu nhân dân Thủ đô theo dõi trực tiếp trên truyền hình...

Trong vai trò là cơ quan Thường trực Tiểu ban thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động triển khai bài bản, hiệu quả công việc, nắm chắc tình hình, tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả những thông tin xấu độc trên không gian mạng... đóng góp quan trọng vào việc tổ chức thành công cuộc bầu cử trên địa bàn Thủ đô.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hệ thống tuyên giáo từ Thành phố đến cơ sở đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Các hình thức tuyên truyền được triển khai sáng tạo, đồng bộ, từ hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động, cổng thông tin điện tử, zalo, fanpage, tọa đàm… đến các cơ quan báo chí Thành phố đã tăng cường số lượng, chất lượng tin bài để giúp người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nâng cao ý thức phòng, chống. Nhờ vậy Thủ đô đã từng bước kiểm soát, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để bắt đầu trạng thái bình thường mới; góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, ngành Tuyên giáo Thành phố đã triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", bảo đảm tiến độ, bài bản, trang trọng, tiết kiệm, có chất lượng, làm nổi bật các kết quả đạt được; đồng thời khen thưởng nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, góp phần lan tỏa rộng rãi nhiều mô hình đẹp, cách làm hay. Những kết quả đạt được tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cũng trong năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu tổ chức tốt Hội thảo khoa học cấp Thành phố với chủ đề: "Vận dụng sáng tạo "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, được dư luận đánh giá cao. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý giá của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Phóng viên: Được biết, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với nhiều mô hình hay, cách làm mới, được thể hiện rõ qua kết quả triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội... Đóng góp vào thành tích ấy có vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Tuyên giáo Thành phố, xin đồng chí chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện và một số mô hình tiêu biểu?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Hà Nội luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quán triệt thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, sáng tạo.

Bám sát nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những điểm mới, nội dung cơ bản của Chỉ thị. Tiêu biểu là triển khai các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Hàng ngàn bài viết, ấn phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về học tập và làm theo gương Bác được các cơ quan báo chí, truyền thông, các văn nghệ sĩ của Hà Nội sáng tác, đã phản ánh một cách chân thực, sống động, nhiều gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, hoạt động thiện nguyện... tuy bình dị mà cao quý ở cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tổ dân phố, từ đó tạo sức lan tỏa rộng lớn. Trong đó, 5 tập sách "Hà Nội - Ngàn hoa dâng Bác" do Ban Tuyên giáo Thành ủy biên tập, phát hành là một trong những dấu ấn nổi bật, từ đó đã động viên cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô tiếp tục hăng hái học tập và làm theo Bác với kết quả ngày càng tốt hơn.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí của Thành phố… về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về kết quả học tập và làm theo tấm gương Bác cũng được đẩy mạnh, tăng thời lượng và chất lượng, đã tạo thống nhất cao về tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng đã chủ động triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực và sinh động, nhờ vậy những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư tiếp tục được kế thừa, phát huy mạnh mẽ. Hàng ngàn tấm gương tiêu biểu, gương "Người tốt việc tốt", "Công dân Thủ đô ưu tú" được phát hiện, biểu dương kịp thời và tạo được sự lan tỏa rộng khắp.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" của người dân Hà Nội lại càng phát huy mạnh mẽ. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tấm lòng thơm thảo, nhân ái, nhiều hoạt động, việc làm chan chứa nghĩa tình, yêu thương với tinh thần "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", "Bầu ơi thương lấy bí cùng" được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân... cùng chung tay ủng hộ bằng cả vật chất, tinh thần, tiền bạc, trí tuệ, giúp người yếu thế, dân nghèo, người cơ nhỡ vượt qua "cơn bão" dịch, cùng đất nước tích cực phòng, chống đẩy lùi dịch Covid-19.

Trên khắp các địa bàn dân cư từ nông thôn, tới thành thị, từ trẻ em đến người già đều lan tỏa những tình cảm yêu thương, ấm áp giúp đỡ lẫn nhau. Đã có hàng ngàn cán bộ y tế, các chiến sĩ công an, quân đội, các "tổ Covid" ngày đêm tham gia chống dịch, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đó là nét đẹp vô cùng cao quý đầy tình nghĩa của người dân Thủ đô, những tấm lòng nhân ái, thảo thơm ấy là vô cùng trân quý, lan tỏa những việc làm tử tế ra khắp cộng đồng.

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo đã trở thành điểm sáng, được nhân rộng tiêu biểu như: Thực hiện "Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm", "Nụ cười công sở", gửi "Thư xin lỗi" đối với các tổ chức, cá nhân khi giải quyết không đúng hẹn, không giải quyết kịp thời công việc hành chính của nhân dân, tổ chức và cá nhân đến liên hệ; thực hiện gửi "Thư cảm ơn", "Thư chúc mừng", "Thư chia buồn" thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan đối với tổ chức, cá nhân khi giải quyết các công việc có liên quan; mô hình cưới tập thể tại Ứng Hòa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Ba Đình; mô hình "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên" góp phần chỉnh trang bộ mặt nông thôn mới văn minh ở Đan Phượng; xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Thanh Oai... đã thực sự phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Phóng viên: Từ những kết quả đạt được, hệ thống Tuyên giáoThủ đô sẽ làm gì để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong học tập, làm theo Bác, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Có thể thấy sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05, việc học tập và làm theo Bác đã từng bước đi vào nề nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong học tập, làm theo Bác, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô xác định sẽ tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện tốt những nội dung trong Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII); Kế hoạch số 39 của Thành ủy (khóa XVII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, triển khai thực hiện 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII; Quy định của Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; thực hiện "nói đi đôi với làm", thống nhất tư tưởng và hành động.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, thích ứng với mô hình tổ chức mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô. Kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Gắn thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Kế hoạch về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức thành phố Hà Nội.

Thành phố tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Tạo sức lan tỏa, tác động, làm cho việc "học tập" có bước chuyển hóa tích cực sang "làm theo"; đưa việc “làm theo” Bác mỗi ngày của cán bộ, đảng viên từ những việc làm nhỏ, gắn với trách nhiệm, đạo đức công vụ ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Phóng viên: Thời gian tới, dự báo bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ làm gì để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Ban Tuyên giáo Thành ủy xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII... Trong bối cảnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thực tế khó khăn, thách thức nhiều hơn bởi đại dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, với những biến chủng mới nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, là những hệ lụy của tình hình kinh tế - xã hội do tác động tiêu cực dịch Covid-19; những khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu,... sẽ ảnh hưởng đến đời sống và tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Trên cơ sở dự báo và nắm chắc tình hình thực tiễn, ngay từ đầu năm, ngành Tuyên giáo Thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với phương trâm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ", quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong đó, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền triển khai các đề án, nghị quyết, chuyên đề xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, cụ thể hoá nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị…

Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tăng cường chỉ đạo, định hướng công tác báo chí - xuất bản Thành phố; nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong phát hiện, dự báo và giải quyết các vấn đề truyền thông, đấu tranh chống quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên các phương tiện truyền thông, trong lĩnh vực báo chí - xuất bản; lãnh đạo, quản lý báo chí - xuất bản. Đặc biệt quan tâm nắm tình hình, tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chủ động tham mưu, định hướng, nắm bắt, dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Phát huy truyền thống 73 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy (3/3/1949 - 3/3/2022), ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô
Nội dung: NGUYỄN CÔNG
Thiết kế: ĐỨC HÀ
Khẳng định vai trò của Ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển Thủ đô

.