Multimedia
14/11/2024 22:51
Hình thành thế hệ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm

14/11/2024 22:51

Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Hà Nội. Để đạt được mục tiêu này, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, tạo sức bật cho nông dân dám nghĩ, dám làm. Dù khó là vậy nhưng huyện Đan Phượng đã làm được bởi có những cách làm hay, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Hà Nội. Để đạt được mục tiêu này, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, tạo sức bật cho nông dân dám nghĩ, dám làm. Dù khó là vậy nhưng huyện Đan Phượng đã làm được bởi có những cách làm hay, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm
Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Đan Phượng là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội gần 20km, có diện tích đất canh tác 3.671ha, gồm 15 xã và 1 thị trấn. Bên cạnh sự năng động của người dân, huyện Đan Phượng đã hỗ trợ xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể cho nông sản các xã và hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đưa nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những huyện có sản phẩm nông nghiệp đi đầu của thành phố Hà Nội

Từ hàng chục năm nay, thế mạnh của nông dân Đan Phượng có thể kể đến như trồng cây ăn quả và trồng hoa; thương mại dịch vụ, mộc dân dụng; chế biến lâm sản, dịch vụ thủy sản, nuôi ong; chăn nuôi, thú y,…

Được xã giao cho khu đất vùng trũng ở xã Thọ An, anh Trần Văn Dũng đã đầu tư mô hình nông nghiệp vườn, ao, chuồng tại đây. Từ mảnh đất quanh năm ngập úng ấy, anh Dũng đã cải tạo thành vùng đất trù phú, được “phủ xanh” bởi cây ăn quả và mô hình chăn nuôi.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã, sau bao năm vật lộn để tìm kế sinh nhai, anh Dũng cũng trăn trở rất nhiều là làm gì để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Có hàng trăm cách “khởi nghiệp”, nhưng khởi nghiệp trên chính mảnh đất của quê hương mình mới là điều mà anh tâm niệm. Chính vì thế, anh đã kiên nhẫn tìm hướng đi kinh tế cho gia đình.

Năm 2010, anh Dũng được Ủy ban nhân dân xã Thọ An giao cho thầu 4.500 mét vuông đất. Khu đất này xưa kia là vùng trũng, trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả nên gần như bỏ hoang, quanh năm ngập úng. Mặc “lời ra tiếng vào” chê bai anh không biết tính toán, anh Dũng vẫn kiên định vạch ra lộ trình và kế hoạch cải tạo đất, xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp trên mảnh đất này.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Lúc đầu do nguồn vốn có hạn, gia đình anh chỉ đầu tư với số vốn nhỏ, trong quá trình triển khai thực hiện, thấy hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cây trồng khá cao so với trồng cây ngô, lúa, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển với quy mô vườn trại trên diện tích 4.500 mét vuông. Cùng với đó, anh được Hội Nông dân huyện Đan Phượng hỗ trợ thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để chuyển đổi cây trồng.

Cũng tại mảnh đất “khó chiều” này, anh đã ra sức cải tạo, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm, thả cá,… Năm này qua năm khác, mảnh đất cứ sinh sôi cho ra những trái cây thơm ngon, thịt gia cầm, thủy sản đạt chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn cho gia đình.

“Bình quân thu nhập trên 1ha đạt khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm. Với người nông dân, đây là khoản thu nhập hết sức phấn khởi, phấn khởi hơn chính là được làm giàu trên đất quê hương mà không phải mưu sinh ở đâu xa”, anh Dũng chia sẻ.

Cũng từ đất quê hương, nhờ chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp từ trồng lúa sang trồng hoa ly - một trong những loài hoa đẹp và được ưa chuộng nhất thế giới, gia đình anh Trịnh Trường Giang ở thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Trong quá trình canh tác, anh Giang đã có nhiều cách làm hay, sáng kiến hiệu quả nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao lợi nhuận từ mỗi vụ hoa. Mô hình kinh tế của gia đình anh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống nông dân. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Ai cũng biết, Đan Phượng nổi tiếng với nhãn hiệu bưởi Tôm vàng. Hiện nay, xã Thượng Mỗ đang là vùng trồng bưởi Tôm vàng lớn nhất của huyện. Một trong những người tiên phong đưa cây bưởi về Thượng Mỗ là anh Phan Văn Hào.

Vườn bưởi nhà anh Hào không chỉ ngon mà hình thức còn rất đẹp mắt. Mô hình trồng bưởi của anh đã được nhân dân trong xã học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Anh nhiệt tình trao đổi lại những kinh nghiệm của mình đồng thời hướng dẫn giúp một số hộ dân chọn mua giống bưởi Diễn để trồng tại nhà, có nhiều hộ cũng xin dồn điền đổi thửa để chuyển đổi giống cây trồng.

Vườn nhà anh Hào còn được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo, Hội Nông dân Thành phố về thăm; đón nhiều đoàn đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Có hướng đi mới, kiên trì, bền bỉ trong việc làm kinh tế, chuyển đổi mô hình canh tác, anh Phan Văn Hào đã mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương từ mô hình trồng bưởi.

Nếu như cách đây hơn 10 năm, trên những cánh đồng, vùng bãi của huyện Đan Phượng chỉ có cây lúa, rau màu thì nay nơi đây đã trở thành những vựa hoa đủ màu sắc trải dài tít tắp. Cánh đồng hoa cúc, hoa ly của gia đình anh Nguyễn Đắc Chiến tại xã Thọ Xuân những ngày này như một bức tranh đa sắc, mang lại vẻ đẹp cho vùng quê Đan Phượng và cũng là điểm nhấn kinh tế nông nghiệp ở nơi đây.

Gia đình anh Chiến đã chuyển đổi gần 2.000m2 đất trồng lúa sang trồng hoa cúc, hoa ly. Ngoài ra, gia đình anh còn chăn nuôi thêm lợn, gà, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, giúp cải thiện đời sống tăng thêm thu nhập, trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập sau khi trừ chi phí được gần 300 triệu đồng.

Không chỉ phát triển mạnh về trồng trọt, nông dân Đan Phượng còn xây dựng nhiều mô hình thương mại dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Đinh Thị Hòe ở cụm 5 xã Hạ Mỗ, đã mạnh dạn đầu tư vào dây chuyền may công nghiệp. Chị vừa làm vừa hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và vận động các hộ gia đình hội viên nông dân cùng nhau góp vốn mở rộng sản xuất; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với thu nhập ổn định 7,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của gia đình chị đạt 230 triệu đồng/người/năm.

Hay như anh Đỗ Văn Đại ở thôn 5, xã Thượng Mỗ kinh doanh dịch vụ cơ khí. Thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 500 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 15-20 lao động thường xuyên, giúp đỡ 5 hộ cận nghèo, hộ khó khăn; hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 15 lao động.

Đa dạng ngành nghề, trong chăn nuôi, nông dân Đan Phượng cũng đạt được những thành tựu nổi bật, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của Đan Phượng.

Là vùng đất của “hoa thơm trái ngọt”, Đan Phượng thu hút loài ong mật ở khắp nơi đổ về. Chúng bị hấp dẫn bởi muôn loài hoa đẹp và những nhụy hoa từ cây ăn trái được trồng trên khắp mảnh đất này. Nhận ra điều này, người dân Đan Phượng đã tìm giống ong tốt nhất để nuôi lấy mật. Mật ong Đan Phượng giờ đã trở thành “thức quà” cho nhiều người yêu vị ngọt đồng quê.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm nghề nuôi ong tại Đan Phượng được truyền từ đời này qua đời khác, thế hệ sau tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của thế hệ trước tiếp tục học hỏi và phát triển kiến thức của ngành ong.

Năm 2023 nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển của xã hội cần liên kết tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước… Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mật ong, các hộ nuôi ong nhỏ lẻ tại Đan Phượng đã tập hợp thành lập Hợp tác xã nuôi ong lấy tên là Hợp tác xã ong Tuấn Minh, với 7 thành viên, quy mô 1.200 đàn ong nội, sản lượng đạt trung bình 15.000 lít/năm, các thành viên của Hợp tác xã đều có thâm niên, kiến thức về ngành ong.

Ngoài việc khai thác mật ong, Hợp tác xã ong Tuấn Minh còn khai thác phấn hoa, chia tách đàn, nhân giống cung cấp ong giống cho thị trường cả nước. Sản phẩm mật ong Tuấn Minh cung cấp cho thị trường đã có đủ nhãn mác, xuất xứ rõ ràng... là một dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị, uy tín của một sản phẩm chất lượng vì sức khỏe người tiêu dùng.

Vừa qua, Mật ong Tuấn Minh đã được Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng trao chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Đây không chỉ là “tấm vé” đảm bảo chất lượng sản phẩm của những người nông dân tâm huyết làm ra, mà còn là sự khẳng định một thương hiệu sản phẩm mới của Đan Phượng trong hàng chục sản phẩm nổi tiếng của vùng đất này như Bưởi Tôm vàng, Rượu Long trường tửu, Nho Hạ Đen, Hoa đồng tiền, Rau Cuối Quý, Hoa lan hồ điệp, Đậu phụ Hạ Mỗ, Khoai lang kén, Rau rá, Thịt lợn an toàn Trung Châu,…

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Trong ngành chăn nuôi, còn phải kể đến những hộ sản xuất kinh doanh giỏi như anh Lê Văn Tuân ở cụm 5, xã Thọ An với trang trại chăn nuôi lợn cho thu nhập 190 triệu đồng/người/năm. Anh Chu Xuân Hà ở thôn Địch Đình, xã Phương Đình với mô hình chăn nuôi lợn ổn định, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên. Anh Đỗ Quốc Toàn ở thôn La Thạch, xã Phương Đình có mô hình chăn nuôi thỏ, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên. Anh Lưu Văn Luận ở thôn Thọ Vực, xã Đồng Tháp với mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng và mô hình nuôi gà ác thương phẩm. Anh là người đi đầu áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất chăn nuôi kết hợp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn. Tổng doanh thu hằng năm của hộ kinh doanh lên đến 2.2 tỷ đồng.

Đồ mộc dân dụng cũng là một trong những hướng đi phát triển trên nền tảng truyền thống của huyện Đan Phượng. Điển hình như anh Nguyễn Văn Lợi ở cụm 4, xã Tân Lập với mô hình sản xuất đồ mộc, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên. Anh Nguyễn Sỹ Quang ở cụm 2, xã Liên Trung sản xuất mộc dân dụng cho thu nhập 260 triệu đồng/người/năm. Anh Nguyễn Phan Toàn ở cụm 1, xã Liên Hà sản xuất mộc dân dụng thu nhập 200 triệu đồng/người/năm và tạo việc làm cho 20 lao động mỗi năm,…

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Bên cạnh việc liên kết sản xuất, nông dân Đan Phượng cũng nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính vì vậy, nhiều nông dân đã nhanh chóng áp dụng công nghệ số vào làm nông nghiệp, đặc biệt là trong phương thức bán hàng - tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực sinh vật cảnh với quy mô gần 500m2, anh Nguyễn Văn Sự ở xã Đồng Tháp mỗi năm đầu tư hàng trăm triệu đồng để tiếp tục sản xuất và mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm. Tính đến nay tổng số vốn đầu tư vào mô hình lên đến trên 20 tỷ đồng và mỗi năm cho doanh thu xấp xỉ nửa tỷ đồng. Với mô hình này, anh Sự đã được Chứng nhận “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố” liên tục 3 năm liền (2021 - 2023).

Chia sẻ về mô hình, anh Nguyễn Văn Sự cho hay, hiện nay gia đình chủ yếu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực sinh vật cảnh, các loại cây bonsai, cây cảnh với hàng nghìn cây các loại. Hằng năm gia đình anh đầu tư hàng trăm triệu đồng để tiếp tục sản xuất và mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

“Gia đình đã khởi nghiệp xây dựng mô hình từ những năm 1995, bước đầu quy mô nhỏ trong gia đình với vài cây, sau nhiều năm sưu tầm, kinh doanh, sản xuất mô hình đã nhân rộng toàn xã và địa phương lân cận đến nay được duy trì sản xuất và ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đinh từ 450 triệu đến 550 triệu đồng trở lên”, anh Sự cho biết.

Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún số lượng ít, chưa có kinh nghiệm sản xuất, đến nay qua với những công nghệ, kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật mới nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gia đình đã áp dụng cơ bản các biện pháp nâng cao giá trị và sản lượng.

Hàng năm anh Sự hỗ trợ, truyền kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các hội viên trong chi hội, với 15 hộ cùng làm mô hình sinh vật cảnh, đã tạo việc làm cho từ 10 đến 15 lao động/năm trở lên và giúp đỡ có hiệu quả 4 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm với tổng giá trị ước tính trên 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Sự cho hay: “Hiện nay, với sự hướng dẫn và hỗ trợ của các ngành, các cấp, gia đình đang tập trung sản xuất phát triển mô hình, áp dụng tự động hoá, chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh; tiến tới từ Tổ hội nông dân sẽ phát triển thành mô hình Hợp tác xã trong thời gian tới để nâng cao chất lượng các sản phẩm và thay đổi hoạt động phát triển mô hình. Qua đó, tập trung xây dựng thương hiệu nhằm vươn xa toàn thành phố và trên cả nước; nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn”.

Nhiều hộ kinh doanh đã áp dụng chuyển đổi số vào các mô hình kinh doanh của mình. Như bà Nguyễn Thị Tân ở cụm 1, xã Liên Trung với mô hình kinh doanh cửa hàng nông sản cho thu nhập 215 triệu đồng/người/năm. Mặc dù đã ở tuổi 60 nhưng bà Tân đã áp dụng công nghệ số vào tiêu thụ nông sản. Đây là kênh hiệu quả nhất trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, kết nối sản phẩm nông nghiệp đến những thị trường xa hơn.

Năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phát động thi đua trong toàn thể cán bộ, hội viên nông dân và các cấp Hội Nông dân trên địa bàn với chủ đề: “Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận các nguồn lực, chương trình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; khuyến khích hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, xây dựng hình ảnh “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, Hội đã chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị tuyên tuyền quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội về công tác chuyển đổi số, liên kết sản xuất.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Qua đó, nổi bật có 18 tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, ngành nghề áp dụng chuyển đổi số từ khâu chế biến đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Có thể kế đến như mô hình trồng rau công nghệ cao Cuối Quý; Nho hạ đen Sinh Phát; trồng nấm, mộc nhĩ xã Song Phượng; Bưởi Tôm vàng xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Đồng Tháp, Tân Lập, Trung Châu, Hạ Mỗ; Sản xuất mộc xã Liên Hà, Liên Hồng, Tân Lập; mô hình nuôi lợn, gà, trâu, bò, chim bồ câu, thỏ, bò vỗ béo xã Liên Hồng, Hồng Hà, Tân lập, Đồng Tháp... với số lượng trên 274 hộ tham gia, quy mô trên 175ha,…

Ông Thiều Văn Son cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đã chỉ đạo Hội Nông dân xã Hạ Mỗ tổng kết ứng dụng chăm sóc bưởi sinh học gắn chuyển đổi số; xã Đồng Tháp mô hình ứng dụng chuyển đổi số tại Hợp tác xã Hoa đồng tiền đón đoàn lãnh đạo Trung ương, Thành phố và các huyện tham quan; các xã đăng ký lựa chọn mỗi xã 1, 2 mô hình chuyên sản xuất nông nghiệp dùng chế phẩm Anisat cho cây trồng năm 2024.

“Đến nay toàn huyện có 26 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao được gắn 101 mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thông qua đó, người tiêu dùng nắm được các thông tin chi tiết của từng sản phẩm, từ đó tạo ra tính minh bạch của sản phẩm, tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Công tác quản lý hệ thống trang trại được thực hiện toàn bộ trên hệ thống phần mềm quản lý trang trại từ đó hợp tác xã theo dõi được toàn bộ hoạt động của trang trại như: thông tin chi tiết về từng con vật, số hiệu, phả hệ, giống, tuổi, trạng thái sức khỏe...; lập lịch theo dõi và ghi chép quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi tiêm chủng phòng trị bệnh của đàn gia súc, gia cầm.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, Hợp tác xã chăn nuôi ở xã Trung Châu, Phương Đình xa khu dân cư ngày càng hiệu quả. Doanh thu mảng giết mổ, chế biến thịt 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Đan Phượng tăng cao so với cùng kỳ đạt khoảng 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động chính thức, lao động thời vụ với mức lương bình quân đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Từ đầu năm đến nay, Hội cũng đã thành lập mới 19 chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp với 250 thành viên về kinh doanh thương mại, trồng hoa đào, táo, kinh doanh mộc, cơ khí, trồng đu đủ, chăn nuôi lợn, trồng bưởi...

Nhằm xây dựng thành công mô hình thôn thông minh, cần hướng tới xây dựng xã thông minh, ngày 22/3/2024, huyện Đan Phượng tổ chức chương trình phát động “Xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã”, chỉ đạo cơ sở cử 100 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp, hợp tác xã, chủ thể tham gia thực hành cách bán hàng trên nền tảng số; mời các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo thương mại điện tử hướng dẫn, làm mẫu livestream bán sản phẩm; đào tạo thương mại điện tử livestream, chốt đơn sản phẩm… cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng thành công mô hình thôn thông minh, hướng tới xây dựng xã thông minh.

Đến nay, toàn huyện có 16 Tổ Công nghệ số xã, thị trấn; 129 Tổ Công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên; 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã hình thành mô hình thông minh. Năm 2024, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ xây dựng thương hiệu 4 sản phẩm và tham gia thi OCOP đạt chất lượng được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận 4 sao và nhiều nhãn hiệu tập thể khác.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm; từ đầu năm 1989 các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phát động thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” - nay là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.

Trải qua 35 năm triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và các cấp ủy Đảng; sự tạo điều kiện, phối hợp của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên, nông dân, phong trào đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; trở thành phong trào cách mạng của giai cấp nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Tiếp nối đà phát triển của các giai đoạn trước, trong giai đoạn 2021 - 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức do tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu và sự bùng phát của đại dịch Covid-19... song, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng đã năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai phong trào.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Từ đó, hình thành những nông dân thế hệ mới dám nghĩ, dám làm và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát huy được vai trò kinh tế hộ gia đình, tổ nhóm liên kết sản xuất, kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn.

Thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn gắn du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông; các mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả thu hút ngày càng nhiều trí thức trẻ trở về tham gia làm nông nghiệp…

Qua đó, khẳng định vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xứng đáng là chỗ dựa đáng tin cậy cho hội viên và nông dân, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, huyện Đan Phượng đã có bước phát triển ngoạn mục, vươn lên dẫn đầu thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới và từng bước đạt tiêu chí thành quận của Thủ đô. Xác định thế mạnh ven đô, huyện Đan Phượng tập trung chuyển hướng sang nông nghiệp sinh thái, hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2022 giảm 11,86% so với năm 2008. Tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.624,5ha/3.600ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm

Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, người nông dân luôn có khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp - văn minh. Tuy nhiên, để nông dân phát huy hết nội lực và sức sáng tạo của mình, những khát vọng đó cần được khơi dậy, hỗ trợ để họ thật sự tự tin thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, khẳng định vai trò và vị thế trong sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

Mặt khác, việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở địa phương cũng đã góp phần phát triển hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, đèn đường chiếu sáng, thủy lợi giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm chi phí vận chuyển. Mạng lưới internet băng thông rộng, mạng 4G giúp nông dân nắm bắt thông tin thị trường kịp thời, chủ động trong việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, mà hành trình vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân bớt gập ghềnh, gian khó hơn và có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm
Hình thành thế hệ nông dân mới dám nghĩ, dám làm
Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Đức Hà