Multimedia
20/08/2020 15:05
Hiệu quả từ phong trào sáng kiến, sáng tạo

20/08/2020 15:05

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự sáng tạo của công nhân viên chức lao động là động lực rất lớn cho sự phát triển chung của mỗi đơn vị. Tuy khác nhau về ngành nghề, lĩnh vực nhưng họ có chung một đam mê sáng kiến, sáng tạo, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước.
hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781
hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781
hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, cải tiến công cụ, máy móc để tạo năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn đã trở thành một nét văn hóa trong các đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt là công nhân lao động. Không chỉ lao động bằng chân tay mà họ còn lao động hết mình bằng trí óc và khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ.

Làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam được gần 3 năm, chị Trần Thị Thanh Nga (Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) gây ấn tượng với người đối diện bằng vóc dáng nhỏ nhắn và rất nữ tính. Ẩn sâu bên trong sự dịu dàng ấy, chị Nga được biết đến là một nữ công nhân năng nổ, có tay nghề cao, ham học hỏi và rất có nghị lực phấn đấu. Gắn bó với công ty, say mê công việc nên những lúc rảnh rỗi, chị Nga thường dành thời gian tìm tòi những “sáng kiến” độc đáo, góp phần mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về sáng kiến của bản thân, chị Nga cho biết từ thực tiễn công việc, nhận thấy nguyên vật liệu đang dùng có quy trình xử lý lãng phí, hiệu quả không đạt theo yêu cầu đã thôi thúc chị cần tìm ra sự thay đổi. “Trong quá trình làm việc tôi nhận ra bên cạnh những thành phần cần phải xử lý, giấy da bò còn có cả những thành phần có thể tái chế được như nhựa và giấy. Tỉ mỉ nghiên cứu các công đoạn, tôi thấy rằng thay vì cần máy bóc tách rồi phân hủy rất lãng phí như trước đây thì chúng ta có thể tận dụng bán nguyên liệu tái chế với đơn giá tương đối cao. Mặc dù không có nhiều phức tạp nhưng trước đây chưa ai để ý đến phương pháp này”, chị Nga kể.

hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Với sáng kiến “Cải tiến phương pháp xử lý giấy da bò” đi vào hiện thực, chị Nga đã làm lợi cho công ty 1000 USD/tháng. “Khởi đầu ở con số khiêm tốn, tuy nhiên con số này sẽ còn tăng trong tương lai khi mở rộng quy mô và sản lượng”, chị Nga vui vẻ cho hay.

Không chỉ riêng chị Nga, trong những năm vừa qua, hàng loạt sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã được áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả lớn. Trong đó có thể kể đến sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn cho đời máy mới của anh Hoàng Văn Thành đã gây được tiếng vang lớn tại Công ty TNHH Canon Việt Nam khi có thể làm lợi cho công ty số tiền 61,8 tỷ đồng.

Đam mê với công việc, tích cực học hỏi, anh Thành nhận ra bản vẽ linh kiện được các nhà thiết kế Nhật Bản phát hành để làm khuôn vẫn còn nhiều điểm không tốt dẫn tới chi phí hàng năm phải sửa khuôn rất cao. Nhờ sự sáng tạo, anh đã chủ động đề xuất cùng tham gia với các nhà thiết kế Nhật Bản để thiết kế bản vẽ linh kiện từ giai đoạn đầu và được công ty cũng như tập đoàn chấp thuận. Miệt mài đưa ra những ý tưởng và thử nghiệm trong một khoảng thời gian, kết quả những cải tiến của anh đã làm giảm được chi phí sửa khuôn trung bình 269 nghìn USD/đời máy/năm.

Cùng có tâm huyết sáng tạo, sáng kiến “Cải tiến nâng cao kỹ năng nhân viên gia công linh kiện tai xưởng Đại tu khuôn tăng tuổi thọ” của anh Phạm Văn Bình (công nhân Công ty Canon Việt Nam) đã làm lợi cho công ty hơn 28 tỷ đồng/năm. “Trước cải tiến công ty phải mua linh kiện khuôn bên ngoài về thay thế. Khi khuôn đến tuổi thọ phải mua khuôn mới thay thế 34 linh kiện và 12 khuôn có giá trị rất lớn. Sau khi tìm hiểu nghiên cứu tôi đã tự gia công linh kiện tại xưởng và đại tu khuôn. Kết quả tôi tự gia công được 34 linh kiện và đại tu được 12 khuôn, giúp tăng năng suất lao động cho công ty”, anh Bình cho hay.
hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát động năm 1996, nhiều năm qua, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa bằng phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, phong trào đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực. Năm 2007, với những hiệu quả thiết thực đem lại, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Quyết định ban hành Quy chế xét tặng và trở thành danh hiệu thi đua chung của Thành phố Hà Nội.

hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Trong 5 năm gần đây, phong trào đã có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước. Góp phần quan trọng giải quyết khó khăn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đối với khối hành chính sự nghiệp, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” được gắn liền với cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành- trách nhiệm- liêm chính- sáng tạo” và tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân thông qua việc đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của thành phố Hà Nội.

Trên lĩnh vực y tế, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô“ đã hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều đề tài, sáng kiến của đội ngũ y, bác sỹ được công nhận. Nhờ đó, trong 5 năm qua, khối đơn vị ngành y tế đã có 16.200 sáng kiến cấp cơ sở; 520 sáng kiến cấp ngành; 150 sáng kiến, đề tài nghiên cứu cấp Thành phố, cấp Bộ.

Cùng với đó, các đơn vị khối giáo dục tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Riêng khối giáo dục, giai đoạn 2015-2020 đã có hơn 24.000 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở; 415 sáng kiến được công nhận cấp ngành và Thành phố.

Tiêu biểu là đề tài nghiên cứu “Thiết kế kỹ thuật cứng hóa kênh La Khê bằng cừ bê tông dự ứng lực” của ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở nông nghiệp Hà Nội, đề tài nghiên cứu đã đưa ra giải pháp kết cấu mới phù hợp với đặc điểm địa chất, địa hình hai bên kênh La Khê. Giảm giá thành, tiết kiệm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian tiến độ thi công, nhanh chóng phát huy đầy đủ hiệu quả chống úng của khu trạm bơm đầu mối. Hay như đề tài nghiên cứu “Phát triển năng lực giáo dục STEAM cho giáo viên Trung học phổ thông” của thầy giáo Lê Hồng Quang, giáo viên Trường Trung học phổ thông Xuân Giang. Đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, tính thực tiễn cao, cung cấp tài liệu giúp sinh viên, giáo viên Trung học phổ thông, nhà quản lý giáo dục nắm được những đặc trưng cơ bản dạy học theo quan điểm giáo dục STEAM. Đề tài đã được áp dụng rộng rãi, được Bộ giáo dục và đào tạo công nhận và đánh giá cao.

“Trong giai đoạn từ 2015-2020, Thành phố đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 8.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Trong đó có 290 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm”, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Riêng trong năm 2020, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” được các cấp Công đoàn Thành phố tiếp tục được đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm, Liên đoàn lao động Thành phố đã chỉ đạo triển khai, tổ chức phát động đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả, có 16.015 cá nhân được tặng danh hiệu ”Sáng kiến cấp cơ sở”; 960 cá nhân được tặng danh hiệu “sáng kiến cấp trên cơ sở”.

Từ những “sáng kiến, sáng tạo” được đề nghị từ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Hội đồng sáng kiến Liên đoàn lao động Thành phố đã xét tặng Bằng công nhân “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” cho 50 cá nhân có sáng kiến xuất sắc nhất. Trong đó có 44 sáng kiến, cải tiến thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm lợi hơn 238 tỷ đồng; 4 đề tài khoa học xuất sắc được áp dụng vào thực tế sản xuất; 2 giải pháp sáng tạo đạt giải cao trong các Hội thi, thao diễn kỹ thuật toàn quốc và của Thành phố mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Đặc biệt các giải pháp khoa học, sáng kiến, sáng tạo thuộc khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, chiếm trên 75%, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm gần 47%, số sáng kiến, sáng tạo của công nhân viên chức lao động trực tiếp sản xuất chiếm 72,4%.

hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Trường hợp “những cây sáng kiến tiền tỷ” của chị Nga, anh Thành, anh Bình kể trên chỉ là ba cá nhân trong tổng số hàng ngàn công nhân viên chức lao động được biểu dương và trao bằng thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” hàng năm. Nhờ ý nghĩa và hiệu quả thiết thực, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của công nhân viên chức lao động Thủ đô. Phong trào không chỉ tạo khí thế thi đua lao động sản xuất mà còn tạo động lực cho người lao động phát huy sáng tạo của mình trong từng vị trí công việc. Từ đó xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp điển hình với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế - xã hội.

hieu qua tu phong trao sang kien sang tao 111781

Đơn cử như công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam luôn duy trì các phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” trong suốt nhiều năm nay. Ông Phan Thanh Hải- Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết, đây là một trong những phong trào sôi nổi nhất tại công ty. Công ty đã thành lập “Ban sáng kiến, sáng tạo” hằng tháng cùng với Ban lãnh đạo công ty phát động công nhân tham gia vào phong trào sáng tạo ở tất ở các lĩnh vực. Công nhân sẽ được tham gia thuyết trình ý tưởng của mình, mỗi tháng công ty sẽ chọn ra 3 sáng kiến, sáng tạo để trao giải. Sau hoạt động từng tháng, cuối năm Ban lãnh đạo công ty sẽ tổng hợp để lựa chọn những sáng kiến có giá trị cao nhất, ý nghĩa nhất trình lên tập đoàn.

“Phong trào sáng kiến, sáng tạo hiện nay nhận được ủng hộ và quan tâm rất lớn của Ban lãnh đạo công ty. Có tháng có đến hơn 3000 sáng kiến được trình lên, có những cá nhân tiêu biểu 1 tháng có đến gần 20 sáng kiến. Rất nhiều sang kiến đã được đạt giải tại tâp đoàn và được biểu dương. Thông qua các hoạt động này người lao động sẽ cảm nhận được những giá trị thiết thực họ mang lại cho sự phát triển của nhà máy và công việc của họ diễn ra được thuận lợi hơn”, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho hay.

Cũng là đơn vị luôn duy trì các phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” trong suốt nhiều năm nay, công ty TNHH TOTO Việt Nam cũng được biết đến với nhiều điển hình tiên tiến có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang giá trị làm lợi cao.

“Một đơn vị có nhiều sáng kiến, sáng tạo thì đơn vị đó sẽ có nhiều màu sắc, chỉ một chút thay đổi cũng có thể làm đơn vị phát triển bền vững hơn. Chính vì vậy, những sáng kiến, sáng tạo có hiệu quả của công nhân đã góp phần làm cho công ty liên tục phát triển, giải quyết khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nhờ đó hằng năm công ty có được nguồn lợi rất lớn. Đồng thời khi công nhân học hỏi, mỗi ngày đều có ý tưởng mới, sáng tạo trong thời đại 4.0 sẽ giúp chúng ta ngày càng tiệm cận hơn với thế giới”, bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam chia sẻ.

Bài và ảnh: Phương Ngân

Trình bày: Quốc Đại