Multimedia
09/06/2021 15:19
Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

09/06/2021 15:19

Phát huy tinh thần chủ động tấn công, “chống dịch như chống giặc”, không ai nằm ngoài cuộc chiến chống dịch như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Mỗi người hãy coi mình là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch để nuôi dưỡng ý chí, kiên cường, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh”… Tin tưởng chắc chắn rằng, với nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, xóm, tổ dân phố và sự không quản ngại gian khổ, hiểm huy của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế.
Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Phát huy tinh thần chủ động tấn công, “chống dịch như chống giặc”, không ai nằm ngoài cuộc chiến chống dịch như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Mỗi người hãy coi mình là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch để nuôi dưỡng ý chí, kiên cường, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh”… Tin tưởng chắc chắn rằng, với nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, xóm, tổ dân phố và sự không quản ngại gian khổ, hiểm huy của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19
Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Nghe cuộc điện thoại lúc 5h sáng ngày 7/5 từ lãnh đạo, trước khi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa do dịch Covid-19, bác sĩ Phùng Thị Huyền (Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) thẫn thờ hỏi chồng: “Cả nhà mình… hai vợ chồng cùng đi, liệu có ổn không?”. Nỗi lo lắng ấy là có cơ sở bởi vợ chồng chị Huyền nếu xác định đi là xác định sẽ cách ly, “sát cánh” cùng bệnh nhân; là xác định sẽ có khoảng thời gian dài đằng đẵng không về.

Đi cùng với đó là bao nỗi tâm tư khi chị còn hai con nhỏ, một học lớp 2, một học lớp 7. Hai vợ chồng đều công tác ở Bệnh viện K, muốn để ông bà sang chăm sóc con cũng phải đợi vợ chồng chị xét nghiệm xong, nếu âm tính với Covid-19 thì ông bà mới có thể đến trông nom, đỡ đần. Bao nhiêu suy nghĩ cứ ngổn ngang trong lòng, nhưng chị Huyền vẫn nhanh tay thu dọn quần áo, chuẩn bị vào viện. Chị và chồng đều quyết tâm để con cái ở nhà, xác định cùng tham gia cuộc chiến này.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Cuộc chiến với Covid-19 còn dài, còn bao câu chuyện chưa kể. Và câu chuyện về vợ chồng bác sĩ Huyền chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện đẹp trong cuộc chiến chống dịch. Hình thức, cách ứng xử có thể ít nhiều khác nhau song có một điểm chung từ những y, bác sĩ là khi đối mặt với Covid-19, họ đã không nề hà gian khó, gác lại phía sau gia đình, con cái, lao vào cuộc chiến không biết ngày nào là ngày kết thúc. Hơn hết, họ vẫn luôn tin tưởng rằng, chỉ có sự chung sức, đồng lòng mới làm nên chiến thắng. Có bác sĩ tâm sự, ngày đầu khi mới vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19, thực sự rất khó khăn. Trong phòng không bật điều hòa vì sợ phát tán giọt bắn ra không khí. Sau khoảng 30 phút mặc đồ bảo hộ, người nào người nấy mồ hôi chảy nhễ nhại, ướt như tắm. Cảm giác ngột ngạt, khó thở thậm chí choáng váng ập đến. Thế nhưng, sứ mệnh không cho phép chùn chân. Bởi chỉ cần hình dung sau cánh cửa bao bệnh nhân đang chờ được chăm sóc, những khuôn mặt khó thở cần được vỗ rung, cần được một bàn tay giúp trở mình, cần theo dõi từng nhịp thở… khó khăn nào họ cũng quyết vượt qua.

Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, có tận mắt chứng kiến mới thấy sự không quản ngại khó khăn, vất vả, nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cả ngày lẫn đêm của lực lượng cán bộ, y bác sĩ. Họ là những người tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân. Một ngày cuối tháng 5, tôi đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, nơi đây đằng sau những thông báo các ca bệnh Covid-19 khô khan là cuộc đua thầm lặng của những người làm công tác xét nghiệm Covid-19.

Ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, mỗi khi nhận được thông tin về các ca bệnh dù ở bất cứ đâu, nhân viên của Trung tâm cũng lập tức lên đường đến để điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn kể: Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, các cán bộ Trung tâm phải tiến hành xét nghiệm ngay. Người thì ít mà công việc nhiều nên mọi người đều phải chạy đua với thời gian. Tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, không hiếm những hôm quên ăn, làm việc hết cường độ, ngày đêm cần mẫn để có được những kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Khi “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới với nhiều cam go và thử thách thì trên địa bàn Hà Nội, nhiều bệnh viện phải thực hiện phong toả hoặc cách ly y tế để phòng, chống dịch. Đáng lo ngại, ngay trong bệnh viện cũng đã có nhân viên y tế mắc Covid-19, như tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - một trong những điều mà ngành Y không mong muốn nhất đã xảy ra trong dịch bệnh. Nhưng ngay cả khi trở thành những đối tượng F1, các nhân viên y tế vẫn tham gia hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân theo nhiều cách khác nhau.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, 16 tháng nay, bệnh viện đã liên tục làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong môi trường lây nhiễm cao, sau khi phát hiện có bác sĩ mắc Covid-19, toàn thể thầy thuốc ở đây đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn tham gia phòng, chống dịch.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, ròng rã hơn một năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, anh cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Do trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 lại xuất hiện các F0 nên nhiều trường hợp như gia đình bác sĩ Phạm Văn Phúc bỗng dưng trở thành F2 phải cách ly tại nhà. Nhớ vợ, thương con và chỉ có một mong muốn duy nhất là được ôm vợ con vào lòng, song bác sĩ Phúc và hàng chục nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải tạm gác lại niềm hạnh phúc riêng tư để thực hiện sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người.

Nhắc đến những kỷ niệm của người thầy thuốc suốt chuỗi ngày qua, anh kể đêm 15/5 là một đêm đáng nhớ. Nó đáng nhớ với anh và tất thảy các đồng nghiệp. Các y, bác sĩ nơi đây đã thức trắng để cấp cứu cho 5 bệnh nhân Covid-19 nặng mới vào, trong số đó có một bệnh nhân có diễn biến nguy kịch. Đối với bác sĩ Phúc, đó là một đêm có nhiều “kỷ lục” đáng buồn. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, chưa bao giờ Khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế. Kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài được huy động tối đa lúc gần 0h đêm để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO cho 1 ca Covid-19 nguy kịch…

“Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em luôn sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất” - bác sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân Hà Nội đang cùng cả nước thực hiện cuộc chiến chống Covid-19 với niềm tin chiến thắng. Từ lấy phòng là chính, người dân là trung tâm, Hà Nội đang triển khai những chính sách mới đầy quyết liệt. Hơn hết, bằng việc chủ động nhận diện, chủ động chuẩn bị phương án, chủ động xử lý tình huống tại chỗ, Hà Nội quyết tâm vừa ngăn chặn, đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh, vừa giữ được ổn định kinh tế, thắng lợi đa mục tiêu trong cuộc chiến…

Một điểm đáng trân quý trong những ngày này là ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh, của người dân về phòng, chống dịch Covid-19 đã được nâng cao. Chẳng hạn, theo Công điện số 11/CĐ-UBND, Hà Nội sẽ tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu… Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dù nhận thức việc đóng cửa cơ sở hoặc chỉ bán hàng mang về có thể gây khó khăn nhất thời song đây là biện pháp cần thiết và cấp bách để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Chị Đặng Thị Vân, Tổ dân phố số 14, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) chủ một cơ sở làm tóc cho biết, theo Công điện, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Bởi vậy, chị Vân nhận thấy yêu cầu của Thành phố trong thời điểm này là rất cần thiết, cá nhân chị sẵn sàng chấp hành vì nó bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chị Hồng, chủ cửa hàng kinh doanh bún chả trên đường Quang Trung (quận Hà Đông) cho biết, bản thân luôn theo dõi sát thông tin về dịch Covid-19 trên các kênh thông tin đại chúng để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Với quy định của Thành phố, bản thân chị hoàn toàn ủng hộ. Hiện quán ăn của chị đã dán thông báo “Chỉ bán mang về”, trang bị nước sát khuẩn ở trước cửa để khách mua hàng thực hiện phòng dịch.

Chị Đinh Thị Tuyến, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, từ khi có dịch cơ sở của chị đã thay đổi hình thức kinh doanh. Dù chuyên phân phối gạo và đồ thực phẩm khô song chị áp dụng chuyển sang bán online, ít tiếp xúc và tập trung đông người. Cụ thể, thay vì đến tận cửa hàng để gọi mua gạo như trước đây, khách chỉ việc gọi điện hoặc đặt online qua Facebook là nhân viên cơ sở chị sẽ mang đến tận nơi. Như vậy, vừa hạn chế việc tập trung đông người lại vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh và thu nhập cho nhân viên. Các công tác phòng dịch khác như thường xuyên lau chùi, khử khuẩn cơ sở kinh doanh, đeo khẩu trang khi bán hàng… được chị Tuyến chú trọng thực hiện.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Bên cạnh những chuyển biến trong ý thức thức người dân, mỗi người dân là một chiến sĩ trong phòng, chống dịch Covid-19, thực tế đã có không ít những câu chuyện đẹp trong mùa dịch. Chẳng hạn, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng cũng như sự tận tâm, vất vả của các y, bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân và người thân đang phải cách ly y, tế tại Bệnh viện K cơ sở 2 (Tam Hiệp, huyện Thanh Trì), nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp công sức, của cải, hiện vật của mình để trợ giúp đồng bào gồng mình chống dịch. Chung tâm niệm như vậy, các tăng, ni, phật tử chùa Phúc Long (còn gọi là chùa Đống, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì) đã tổ chức nấu hàng trăm suất cơm miễn phí mỗi ngày nhằm tiếp sức, động viên tinh thần các bác sĩ, bệnh nhân và người thân hiện đang cách ly tại Bệnh viện K.

Ở góc độ của tổ chức Công đoàn, ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nắm bắt tình hình khó khăn, Công đoàn Thủ đô nói chung và Công đoàn ngành nói riêng đã tổ chức rà soát những trường hợp người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, từ đó có hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, tại các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành, nhiều hỗ trợ như: Tặng phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, hỗ trợ tiền, gạo… đã và đang được đồng bộ triển khai. Mới đây Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã đến và trao tặng 5.000 chiếc khẩu trang, 100 lọ khử khuẩn, 50 chiếc kính chắn giọt bắn… cho các đơn vị như: Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng; Bộ phận “Một cửa” Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở; trao hỗ trợ cho đội ngũ lái xe đưa đón công nhân Công ty Sam Sung thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lotte Rent-a-car Vina…

Không chỉ riêng Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, khắp tổ chức Công đoàn Thủ đô, những hoạt động hướng trực tiếp về người lao động đã đồng loạt được triển khai. Tính đến ngày 29/5, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho 1.460 người, với số tiền 968,3 triệu đồng và các Công đoàn cơ sở hỗ trợ 1.944 người với số tiền 1 tỷ 081 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động bằng các hình thức hỗ trợ khác như hỗ trợ 320.227 khẩu trang, 372 thiết bị đo thân nhiệt, 437kg dung dịch ColominB, 40.105 chai nước rửa tay sát khuẩn, 2.507 chai nước súc miệng, 1.250 tấm chắn giọt bắn, 200 bộ quần áo bảo hộ cùng nhiều vật dụng khác. Đồng thời, các cấp Công đoàn cũng vận động nguồn lực xã hội hóa để ủng hộ lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong các khu cách ly tập trung.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19
Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng” hay “Lá lành đùm lá rách”. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay, luôn biết yêu thương, chia sẻ nhau, cùng nhau vượt qua gian nan. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, những ngày qua, nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực gắn với phòng, chống dịch Covid-19 ở Hà Nội tiếp tục được triển khai với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, nối dài những hành trình thiện nguyện. Từ học sinh, sinh viên đến người già đều chung tay đóng góp công, của cho cuộc chiến chống Covid-19.

Chẳng khó để thấy trên khắp những con phố chính ở Hà Nội như đường Giải Phóng, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Phụng, Đại Cồ Việt… là những địa điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang. Theo ghi nhận tại một số điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân Bắc Giang, hiện tại dưa hấu có giá 7.000 – 10.000 đồng/kg, vải được đóng túi 5kg và 10kg với giá bán 20.000 đồng/kg, dưa lê có giá 10.000 đồng/kg được đóng thành túi 5kg… Người dân đến mua hàng đều cảm thấy vui vẻ, thậm chí không lấy lại tiền thừa bởi họ muốn góp thêm một chút tấm lòng giúp đỡ người dân vùng dịch.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Cho đi nghĩa là nhận lại. Cho đi công sức, ít nhu yếu phẩm, vật dụng nhưng được nhận lại những yêu thương, đó là thứ không thể đo đếm được. Và đó cũng là những giá trị nhân văn được gói gọn trong chữ: Thiện nguyện.

Hiện nay, những tấm lòng, những nghĩa cử giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan tỏa ở khắp nơi. Thành phố Hà Nội kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là trong thời điểm hiện nay. Thành phố còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thu hút thật nhiều sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện hạnh phúc nở hoa ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Chẳng là, cùng với việc xuyên đêm cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nặng thoát cửa tử, các chiến binh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn mổ lấy con thành công cho nhiều sản phụ mắc Covid-19. Đơn cử, cũng trong vòng 1 tuần, các bác sĩ trong Bệnh viện đã thực hiện thành công hai ca mổ cấp cứu, trong đó, có sản phụ nhiễm Covid-19 suốt 11 năm hiếm muộn. Được biết, sản phụ hiếm muộn sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có tin vui. Không may, chị bị nhiễm Covid-19 khi đang bầu 35 tuần. Những tuần gần cuối thai kỳ, sản phụ diễn biến xấu, phổi tổn thương nặng, tình trạng suy hô hấp tăng dẫn tới suy thai. Các bác sĩ lập tức chỉ định mổ cấp cứu để giữ an toàn cho cả mẹ và con. Bé gái kiên cường ra đời giữa tâm dịch, nặng 2,6kg, nhưng người mẹ chuyển hôn mê, phải đưa về Khoa Hồi sức tích cực, thở máy.

Hà Nội đồng lòng, quyết tâm chống dịch Covid-19

Và những giờ đầu đời của trẻ không có mẹ kề bên, thì những giọt sữa đầu tiên nuôi dưỡng bé lại chính từ nữ điều dưỡng Khoa Nhi, người cũng đang để lại con nhỏ chỉ mới 6, 7 tháng tuổi ở nhà đi thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Những giọt sữa ấy là những thứ ngọt ngào đầu tiên của cuộc đời tươi đẹp này dành cho em bé. Nhìn các nhân viên y tế chăm sóc cho các em bé cẩn thận, nghe tiếng các bé khóc vang căn phòng, mà người nghe thương trào nước mắt. Bởi hạnh phúc diệu kỳ đến vậy. Cảm giác giữa “tâm dịch” hạnh phúc vẫn nở hoa. Giữa tâm dịch, sự sống và tình yêu thương vẫn cứ nối dài...

Rõ ràng, có mặt kịp thời lúc người có hoàn cảnh khó khăn cần, trao cho họ món quà ấm áp nghĩa tình là những việc làm thấm đượm tinh thần tương thân, tương ái mà các cấp, ngành và mỗi người dân Thủ đô làm được trong những ngày qua. Những việc làm này đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, giúp nhân lên nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Qua đó không chỉ tạo niềm tin, cổ vũ sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô chung sức phòng, chống dịch mà còn là sức mạnh để thành phố vươn lên sau đại dịch, đưa cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.

Chống dịch là nhiệm vụ không phải của riêng cơ quan chức năng hay của ngành Y tế, mà còn cần sự chung sức của cả cộng đồng. Bởi vậy, mỗi người dân cần tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch Covid-19. Đây không chỉ là hành động tri ân ý nghĩa và thiết thực nhất với các cán bộ, nhân viên y tế, mà còn là yếu tố tiên quyết giúp ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19 hiệu quả.

Nội dung: Minh Khuê – Đinh Luyện
Thiết kế: Đức Hà

“Tổ An toàn Covid-19”: Tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp và người lao động “Tổ An toàn Covid-19”: Tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp và người lao động

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã sớm triển khai các biện pháp bảo vệ người lao ...

....