Multimedia
18/05/2023 14:02
Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

18/05/2023 14:02

Trong dòng chảy nghìn năm lịch sử của đất kinh kỳ - nơi hội tụ tinh hoa cả nước, nghề kim hoàn hình thành và phát triển với những câu chuyện thăng trầm. Quá trình đô thị hóa cùng sự thay đổi của thị trường đã khiến cho đa phần làng nghề kim hoàn ở Hà Nội rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nghề kim hoàn, có chăng một mai mai một? Đó là câu hỏi đầy trăn trở của không chỉ các nghệ nhân, người dân làng nghề, mà còn của các nhà quản lý và người dân Thủ đô vốn yêu những giá trị truyền thống.
Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Trong dòng chảy nghìn năm lịch sử của đất kinh kỳ - nơi hội tụ tinh hoa cả nước, nghề kim hoàn hình thành và phát triển với những câu chuyện thăng trầm. Quá trình đô thị hóa cùng sự thay đổi của thị trường đã khiến cho đa phần làng nghề kim hoàn ở Hà Nội rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nghề kim hoàn, có chăng một mai mai một? Đó là câu hỏi đầy trăn trở của không chỉ các nghệ nhân, người dân làng nghề, mà còn của các nhà quản lý và người dân Thủ đô vốn yêu những giá trị truyền thống.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Là người dân sống trên đất Thăng Long - Hà Nội, chắc hẳn nhiều người đã biết Hà Nội có tới trên 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 400 làng nghề truyền thống. Thế nhưng trong vô vàn làng nghề ấy, thì làng nghề kim hoàn ở đâu? Có người bảo đó là làng nghề vàng bạc ở Định Công, Hoàng Mai; làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, quận Ba Đình; làng nghề dát quỳ vàng ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm; còn có làng nghề Châu Khê ở Hải Dương, Đồng Xâm ở Thái Bình.

Thế nhưng, ít ai biết, trăm sông đổ về một biển, thợ kim hoàn ở Hà Nội có, Hải Dương có, Thái Bình có… đều quy tụ về một con phố chỉ dài 280 mét ở ngay trung tâm của Hà Nội - quận Hoàn Kiếm, mang cái tên rất đặc trưng của nghề kim hoàn, đó là phố Hàng Bạc.

Đã từng một thời, phố Hàng Bạc nổi tiếng với những ngôi nhà chồng diêm, nhà hình ống, những mái ngói cong, lô xô mềm mại tạo ra nét duyên dáng làm cho Hà Nội có nét đẹp riêng không hề giống với các thành phố khác trên thế giới.

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc - nơi thờ phụng ông tổ bách nghệ, nghe bà Đỗ Thị Hảo - Ủy viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt kể câu chuyện về con phố di sản này. Theo lời bà Hảo, phố phường Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ 18 trừ một số ít ỏi bán đồ ăn uống như phố Hàng Bún, Hàng Cháo, Hàng Mắm, Hàng Dầu thì hầu hết bán sản phẩm thủ công phục vụ vua quan và đông đảo dân chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Hà Nội xưa với 36 phố phường do năm tháng đắp đổi, nếu mỗi phố xưa bắt đầu bằng chữ hàng gắn với một loại hàng thủ công nào đó thì nay đã thay đổi theo cuộc sống mới đi lên, nhưng dẫu sao, người Hà Nội hôm nay và cả mai sau cần nhớ và cần biết những phố xưa mà mỗi tên phố đều gợi nhớ một quá khứ hào hùng của dân tộc, gợi nhớ những sản phẩm độc đáo hội tụ tài khéo của trăm nghề, trăm vùng.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Phố Hàng Bạc với nghề mỹ nghệ kim ngân nổi tiếng được dân biết mặt, biết tên. Phố Hàng Bạc dài 280 mét từ cuối phố Hàng Mắm chạy ngang qua ngã tư Tạ Hiện, Đinh Liệt, cắt ngang qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào thuộc phường Hàng Bạc, quận Hòan Kiếm. Nguyên đây là nơi cư trú của thợ thủ công Châu Khê (Hải Dương), Đồng Xâm (Thái Bình) và Định Công (Hà Nội) để hành nghề đúc bạc kim hoàn và đổi tiền. Hiện còn di tích đình Trương ở số nhà 50 và đình Kim Ngân ở số nhà 42 Hàng Bạc.

Dưới thời thuộc Pháp, Hàng Bạc còn có tên là những người đổi bạc. Lại nói thợ của 3 làng Châu Khê, Đồng Xâm, Định Công lập ra phố Hàng Bạc để hành nghề. Sau khi học được nghề kim hoàn do 3 cụ tổ họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điềm truyền dạy, dân làng Định Công vốn ở sát kinh thành Thăng Long đã rủ nhau ra phường Đông Các, nay là phố Hàng Bạc để hành nghề. Lúc bấy giờ, phố Hàng Bạc cũng là nơi tụ hội của thợ bạc Đồng Xâm, Thái Bình và thợ Bạc Châu Khê, Hải Dương. Thợ kim hoàn Định Công tới đây, ai có vốn thì mở cửa hiệu bán đồ vàng bạc cho những nhà quyền quý giàu có, còn không có vốn thì đi làm thuê cho các cửa hàng. Tuy cùng đến hành nghề ở phố Hàng Bạc, xong người Đồng Xâm vốn đi bán bạc rong, hay mở cửa hiệu bán khuyên tai, nhẫn, ống vôi, dây xà tích, chóp nón, vòng kiềng cho những bà Chánh, bà Lý hay những dân mạn ngược về mua sắm.

Sau này do kinh tế ngày một phát triển người dân không tiêu bằng bạc nén mà chuyển sang tiền kẽm, tiền đồng, thợ Châu Khê đã chuyển sang làm đồ nữ trang. Vì thế thường thuê thợ Định Công làm hàng hoặc gửi con em tới Định Công học nghề. Nhờ có nghề tổ, thợ Định Công nôi tiếng khéo tay tài hoa và có nhiều thợ giỏi. Chính vì vậy, sự xuất hiện của nghề kim hoàn Định Công đã góp phần biến phố Hàng Bạc trở thành trung tâm Vàng bạc mỹ nghệ của cả nước.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Nghề nghiệp ngày một phát triển, với địa thế ở sát kinh đô, thợ kim hoàn Định Công chuyển ra Thăng Long làm ăn sinh sống. Họ chọn đất mua nhà, tập trung chủ yếu ở phố Hàng Bạc và một số phố khác và hành nghề ở đất Thăng Long.

Mặc dù những người thợ ở phố Hàng Bạc chuyển đến từ các địa phương khác nhau nhưng họ đã cưu mang đùm bọc lẫn nhau với mục đích làm cho Hàng Bạc ngày một phát triển với nghề thủ công. Dù cho người thợ có đôi bàn tay tài hoa khéo léo, nhưng đối với nghề kim ngân đòi hỏi trung thực và có trách nhiệm với sản phẩm làm ra.

Và ngày nay, tại phố Hàng Bạc, người buôn bán và thợ thủ công tâm huyết vẫn duy trì phố nghề, hoạt động mua bán, trao đổi vàng bạc, trang sức vẫn đang diễn ra hàng ngày hết sức sôi động. Bên cạnh đó, người thợ kim hoàn tại phố Hàng Bạc giờ đây còn biết trình diễn tay nghề của mình để du khách được tận mắt xem quy trình sản xuất một sản phẩm kim hoàn thủ công bằng tay như thế nào.

Những hoạt động này không chỉ thu hút được lượng khách du lịch trong nước mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế vừa tham quan vừa trải nghiệm, vừa kết hợp mua sắm. Điều này không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn đem lại giá trị văn hóa khi thông qua du lịch lan tỏa được những nét đặc trưng truyền thống của làng nghề Thủ đô.

Tuy nhiên, trên thực tế, người thợ kim hoàn ngày nay còn gặp nhiều khó khăn, công sức làm nghề chưa được trả thù lao thỏa đáng, chưa khuyến khích được thế hệ kế cận tiếp tục theo nghề và nối nghiệp.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Ngọn lửa đam mê nghề chạm bạc dường như chưa bao giờ tắt với nghệ nhân Nguyễn Chí Thành (phố Hàng Bạc). Ông nhớ lại, khi ông còn nhỏ, phố Hàng Bạc có rất nhiều cửa hàng vàng bạc, và trong cửa hàng bao giờ cũng có thợ. Thợ giỏi nhiều lắm! Không như ngày nay, tuy là một trong những con phố chuyên doanh hiếm hoi của Hà Nội, nhưng cửa hàng kim hoàn đã ít hơn trước rất nhiều và đa số đều không có thợ tại chỗ. Hàng Bạc bây giờ vẫn đông, vẫn khang trang, vẫn đẹp, nhưng là do phố buôn bán chứ đâu còn là “làng nghề” như xưa!

Xuất thân từ làng Định Công, nghệ nhân Nguyễn Chí Thành đã được kế thừa nghề truyền thống chạm bạc của gia đình từ bé, đến ông là đời thứ tư được truyền nghề. Có lẽ vì yêu nghề, vì “tiếc” nghề nên năm nay đã ngoài 70 tuổi ông vẫn say mê tỉ mỉ bên sản phẩm của mình. Bàn tay khéo léo của ông đã chế tác ra biết bao món đồ trang sức bằng bạc vô cùng tinh tế.

“Các gia đình buôn bán hãy cho con em học nghề mà giữ nghề, bởi trang sức không bao giờ mất đi. Còn Hàng Bạc nếu muốn giữ thì phải có lớp thợ nối tiếp”, đó là lời chia sẻ, cũng là lời kêu gọi đầy trăn trở của người nghệ nhân khi đứng trước những biến đổi của dòng chảy xã hội.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Đến với làng Định Công, nằm khuất trong con ngõ nhỏ phía sau đình làng, xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn hàng ngày chế tác ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo. Anh là một trong số ít những nghệ nhân còn lưu giữ nghề truyền thống hàng nghìn năm tuổi của ông cha để lại.

Nghệ nhân làng Định Công nức tiếng cả nước bởi kỹ thuật đậu kim hoàn, vì thế dân trong nghề gọi làng Định Công là “hàng đậu”. Sau này, khi bạc trở thành nguyên liệu chính để chế tác sản phẩm, lúc đó nghề đậu bạc cũng ra đời, gắn liền với người dân làng Định Công. Trước thời Pháp thuộc, có hơn một nửa số gia đình ở Định Công theo nghề truyền thống. Sau này, do thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều thợ bạc ở đây phải chuyển sang làm nông nghiệp và một số công việc khác, nghề đậu bạc dần bị rơi vào quên lãng.

Sau hơn 30 năm “ngủ quên”, đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, khi bạc nguyên liệu dồi dào, một số nghệ nhân nhận thấy đây là thời điểm tốt để khôi phục lại nghề tổ truyền, từ đó họ lại cùng nhau miệt mài làm ra những sản phẩm truyền thống. Là một trong số rất ít người trẻ có tình yêu với nghề thủ công của ông cha để lại, anh Quách Phan Tuấn Anh mong muốn có thể mở rộng xưởng đậu bạc, một phần để phục dựng lại nghề, một phần để giới thiệu nghề truyền thống của địa phương cho nhiều người biết đến, không chỉ giới hạn người làng nghề Định Công mà còn cả người ở những nơi khác, hướng tới mục tiêu khôi phục lại nghề đậu bạc Định Công nức tiếng xưa. Cũng với mong muốn đó, anh sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những người có chung niềm đam mê với nghề đậu bạc.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Một người thợ để đạt được mức lành nghề thường phải mất từ 2 năm trở lên, tùy theo sự chuyên tâm và độ khéo léo của đôi tay cũng như óc thẩm mỹ. Chính vì thế, không nhiều người có thể thành công sau thời gian học nghề. Một số ít những người thợ có đủ sự kiên trì để theo nghề, anh nhận họ ở lại xưởng để cùng làm việc. Đến nay, xưởng của anh có hơn chục nhân công lành nghề, có thể làm việc độc lập để cho ra những sản phẩm với yêu cầu kỹ thuật cao.

Cũng bởi tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên thông thường, để làm ra một sản phẩm như chế tác một bức tranh đậu bạc cỡ nhỏ nhất cũng phải mất một ngày. Tùy theo kích thước có thể mất vài ngày, thậm chí cả tuần. Sản phẩm càng nhiều họa tiết thì người thợ cũng sẽ phải dành nhiều công sức hơn. Vì mất nhiều thời gian, cùng với nguyên liệu bạc không hề rẻ nên giá của những sản phẩm đậu bạc cũng tương đối cao. Mỗi sản phẩm đậu bạc bán ra có giá từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Nhờ có đôi tay léo và óc thẩm mỹ, anh có thể sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng, một số tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2007, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh trở thành đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Tại cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), sản phẩm Trâu vàng của anh cũng được trao giải “Sản phẩm thủ công tinh xảo”.

Anh Tuấn Anh cho biết, ngoài xuất phát từ niềm đam mê, anh nhận thấy nghề đậu bạc hiện đang có tiềm năng để khôi phục. Nếu trước đây những người thợ làm nghề có mối lo về "đầu ra" thì đến nay thị trường tiêu thụ đã tương đối ổn định. Các sản phẩm hiện đang được sản xuất chủ yếu là mặt hàng trang trí, bên cạnh đó còn có đồ trang sức. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc biết đến sản phẩm của anh, đã tìm đến đặt hàng để làm quà tặng cho khách hàng, đối tác, người thân… ở trong nước và cả nước ngoài. Hiện tại, xưởng của anh sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường. Dịp gần Tết, xưởng phải hoạt động thêm giờ để kịp tiến độ.

Để khôi phục được nghề đậu bạc truyền thống, những nghệ nhân làng Định Công như anh Tuấn Anh đã mất nhiều thời gian và công sức. Trên hết, bằng những tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng, họ không chỉ giữ nghề, mà còn phát triển nghề đậu bạc lên một tầm cao mới, từ đó tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm của làng nghề đã từng một thời thịnh vượng.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nằm ở quận Ba Đình, một trong 4 quận trung tâm của Thủ đô, nơi đặt nhiều cơ quan quan trọng của Thủ đô và Đất nước, cũng là quận có nhiều công trình văn hóa lịch sử. Những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm qua, nhất là quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã tạo nên những biến động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần cho các cơ sở sản xuất trong làng, nên có những thời kỳ tưởng chừng như nghề không tồn tại được.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã cho biết, vì là làng nghề trong phố nên diện tích đất bị thu hẹp gần như không còn. Trong làng nhiều người bỏ nghề, chuyển sang nghề khác, hiện tay còn duy nhất gia đình anh còn bám trụ với nghề.

“Chúng tôi tự hào là hậu duệ của làng nghề nhiều đời đúc đồng Ngũ Xã. Với lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, chúng tôi có thể cố gắng giữ gìn và phát triển, tiếp nối, mang lại những giá trị văn hóa và đời sống tinh thần cho nhân dân. Gia đình chúng tôi không còn đặt nặng vấn đề miếng cơm, manh áo hàng lên đầu, vì nếu như thế chúng tôi không còn nhiệt huyết giữ gìn đến tận ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào là những người con làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, cũng là một công dân của Thủ đô văn hóa. Chúng tôi quyết tâm biến nơi đây thành nơi bảo tồn nghề quý”, anh Tuấn chia sẻ.

Đồng thời, chia sẻ nguyện vọng của gia đình, anh Tuấn cũng khẳng định, gia đình anh muốn động viên, khuyến khích những người trẻ hiện nay có lòng yêu nghề đúc đồng có thể đến học hỏi. “Chúng tôi đồng lòng, quyết tâm biến gia đình thành một cơ sở đào tạo nghề đúc đồng cho các người trẻ từ khắp các tỉnh thành về học tập, trở thành những nghệ nhân tương lai.

Đối với Hà Nội, bên cạnh việc phát triển và hội nhập văn hóa vẫn còn phải giữ gìn bản sắc riêng, đặc biệt là những nghề tiêu biểu gắn liền với Thủ đô. Chúng tôi mong muốn về phía chính quyền các cấp luôn quan tâm giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện để làng nghề không bị mai một và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội”, anh Tuấn nói.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Song, do quá trình đô thị hóa cùng sự thay đổi của thị trường, hiện nay, đa phần làng nghề kim hoàn ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm làng nghề không đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Làng nghề đậu bạc Định Công, đúc đồng Ngũ Xã hiện chỉ còn rất ít, thậm chí còn duy nhất 1 hộ giữ nghề, hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất ra ngoại thành. Phố Hàng Bạc hiện chủ yếu là nơi kinh doanh sản phẩm kim hoàn, số hộ gia đình tham gia sản xuất ngày càng hạn chế.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho rằng, người thợ kim hoàn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, công sức làm nghề chưa được trả thù lao thỏa đáng, chưa khuyến khích được thế hệ kế cận đi theo nghề. Qua đó, những tri thức dân gian và nghề kim hoàn đứng trước nguy cơ mai một. Hơn nữa, làng nghề, phố nghề còn phải đối mặt với các vấn đề về cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, để nghề kim hoàn trường tồn và phát triển theo thời gian, thì nghề kim hoàn cần có những đổi mới thích nghi nhanh với những thay đổi của thị trường thời kinh tế 4.0.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

“Thủ đô Hà Nội giao thoa rất nhiều làng nghề văn hóa từ phương Đông đến phương Tây. Và gần như các nước trên thế giới đều quan tâm đến Hà Nội. Mặc dù chúng ta trải qua chiến tranh, chia cắt, nhưng Hà Nội vẫn hội tụ đầy đủ những tinh hoa và người dân Hà Nội vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Với con số 1.350 làng nghề trên khắp Thủ đô, có thể thấy tính cần cù sáng tạo, yêu lao động của con người Hà Nội. Làng nghề sống được nghĩa là chúng ta đã đi đúng quy luật của xã hội”, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội khẳng định.

Ông Vũ Mạnh Hải cho rằng, nghề kim hoàn là kết tinh của rất nhiều giá trị, đặc biệt là sự tiếp cận về sản phẩm. Nghề kim hoàn không chỉ dừng lại ở nhẫn, dây chuyền hay trang sức trên người mà còn có các ngành nghề gắn với kim hoàn. Ví dụ như nghề đúc đồng cũng vẫn phải gắn với vàng, bạc, và vẫn phải có những người thợ thủ công kim hoàn. Nghề điêu khắc các công trình kiến trúc đều gắn với vàng, phải có thợ vàng, bởi nếu như không có thợ vàng quỳ thì làm sao có được quỳ vàng để thết vào những công trình như vậy?

“Người thợ vàng quỳ của Việt Nam được các nước trên thế giới gọi là “những đôi bàn tay thần thánh”. Các nước dùng máy móc công nghệ để sản xuất trang sức vàng nhưng vẫn không thể đẹp và giá trị như vàng quỳ của ta”, ông Hải nói, và đưa ra so sánh “một bức tranh in làm sao so được với một bức tranh vẽ”.

Hiện nay xu thế phát triển ngành vàng đang là thời kỳ hưng thịnh. Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì ngành thủ công lại càng được khẳng định bấy nhiêu. Nhà nước rất quan tâm đến ngành công nghiệp văn hóa, mà văn hóa thì phải có những sản phẩm vừa vật thể vừa phi vật thể. Không có gì quý bằng sản phẩm văn hóa ấy lại là kết tinh của lịch sử, kết tinh cùng sự khéo léo và công sức lao động của người nghệ nhân.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Vì vậy, để thực sự ngành kim hoàn trường tồn và phát triển theo thời gian, thích nghi với thay đổi của thị trường nền kinh tế 4.0, giúp cho những người thợ kim hoàn duy trì và phát triển, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư nguồn nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ công nghệ thiết kế mẫu mã, tạo nên những sản phẩm vừa truyền thống lại vừa hiện đại phù hợp với nhiều thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm kim hoàn và cải thiện đời sống cho các nghệ nhân, thợ kim hoàn.

Cùng với đó cần có sự phối hợp của các trường cùng các khóa đào tạo bài bản bên cạnh những kinh nghiệm của các nghệ nhân, thợ giỏi và có các cơ chế khuyến khích những người trẻ tiếp cận nghề tinh hoa này, nhằm tạo ra những sản phẩm kim hoàn đặc trưng cho Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ là trang sức hay đồ gia đình mà còn là quà tặng, quà biếu biểu trưng của Hà Nội. Có như vậy mới có thể duy trì nghề kim hoàn, có cơ hội đóng góp cho văn hóa cho di sản của Hà Nội.

Ông Vũ Hữu Sa, Chi hội trưởng Chi hội Kim hoàn Châu Khê - Hoàn Kiếm cho biết, ngày nay, các gia đình làm nghề đã tiếp thu tinh hoa nghề truyền thống và cải tiến rất nhiều máy móc, nhằm tạo ra các sản phẩm phong phú, đa dạng, đạt tính sử dụng cao. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn thách thức hiện nay, ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp bảo tồn và phát triển.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

“Có thể kết nối làng nghề với các trường đại học để sinh viên có cơ hội tiếp cận nghề kim hoàn và thiết kế kết hợp giữa thủ công truyền thống và hiện đại để tạo ra sản phẩm đa dạng. Kết hợp với làng nghề sinh viên sẽ có cơ hội thực tập và tiếp cận với nghề kim hoàn và còn có cơ hội làm nghề đúng với chuyên ngành sau khi ra trường. Chúng tôi cũng muốn được tiếp cận với các quỹ tín dụng, nguồn vốn để đầu tư máy móc và có chính sách ưu đãi thuế để giảm chi phí sản xuất. Hàng năm cần có ngày triển lãm sản phẩm làng nghề để lan tỏa giá trị sản phẩm của làng nghề truyền thống đi xa hơn”, Chi hội trưởng Chi hội Kim hoàn Châu Khê - Hoàn Kiếm đề xuất.

Trong tất cả các nghề thủ công, thì nghề kim hoàn và một số các nghề liên quan đến kim hoàn được định dạng là một trong số nghề đòi hỏi về kỹ thuật và sự sáng tạo cao nhất so với các nghề khác. Và giá trị sản phẩm cũng đem lại lợi nhuận về kinh tế lớn hơn so với các nghề thủ công khác. Trong đời sống đương đại, đóng góp của nghề kim hoàn trong rất nhiều sản phẩm không chỉ dừng lại ở trang sức mà còn ở rất nhiều đồ dùng trong cuộc sống hiện nay, đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng đẹp hơn, tinh xảo hơn và có giá trị thương mại cao hơn.

Song đứng trước những thách thức của thời đại, nếu chúng ta không hành động, thì có thể, trong một tương lai không xa, nghề kim hoàn cổ điển sẽ mai một dần và sẽ chỉ còn là nghề của “một thời vang bóng”, trở thành một di sản của tổ tiên.

Giữ di sản nghề kim hoàn trên đất Thăng Long - Hà Nội

Nội dung và thiết kế: Bảo Thoa