Multimedia
03/10/2024 12:36
Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

03/10/2024 12:36

Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đáng chú ý, sau 70 năm giải phóng, giao thông Thủ đô đã có những bước nhảy vọt. Hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đã đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thu hút mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư và hội nhập quốc tế.
Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đáng chú ý, sau 70 năm giải phóng, giao thông Thủ đô đã có những bước nhảy vọt. Hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đã đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thu hút mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư và hội nhập quốc tế.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Theo các tư liệu lịch sử, kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ.

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ. Không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Theo tài liệu còn ghi lại, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội, các đoàn quân từ Chiến khu Việt Bắc và các chiến trường đồng bằng Bắc bộ tiến về tiếp quản Thủ đô. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Là người con của Hà Nội, sinh ra sau ngày Giải phóng Thủ đô khoảng 4 năm, nhưng nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lại gắn bó hầu hết thời gian công tác với Hà Nội, nghiên cứu nhiều về Hà Nội, viết nhiều sách về Thủ đô. Ông Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, là người sinh sau chiến tranh, nhưng cũng có những nghiên cứu và đi cơ sở gặp gỡ nhiều nhân chứng thì thấy rằng, đoàn quân tiến về Thủ đô 10/10 là hình ảnh có tính chất biểu tượng. Bởi, trước đó, từ 2-5/10/1954, các đơn vị lực lượng vụ trang, cán bộ hành chính đã vào tiếp quản các xí nghiệp, nhà máy. Sáng 10/10 các cánh quân của các đơn vị quân đội, đi từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng. Các nhóm khác xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Cánh quân nữa đi từ Văn Cao qua cửa ô Thanh Bảo…

Ngày 17/10/1954, tức là sau 7 ngày tiếp quản thành phố, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn và đưa ra biện pháp giữ gìn an ninh trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Việc đầu tiên là cung cấp điện và nước sạch cho Thành phố, như vậy là công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy nước Yên Phụ là lực lượng tiên phong tham gia tái thiết Thành phố sau chiến tranh.

Để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp xây dựng, từ năm 1956 là bước chuyển biến vô cùng mạnh mẽ, nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô lớn được xây dựng ở Đông Nam, Nam và phía Tây thành phố dần mọc lên, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Bắc. Đây chính là giai đoạn giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ nhất.

Bản thân ông Tiến vẫn nhớ như in những năm thập niên 60 có những công nhân đạp xe đi qua cánh đồng đến các nhà máy. Hình ảnh giao thông “chắp cánh” cho Thủ đô phát triển cũng có những khởi nguồn từ những điều tưởng chừng như nhỏ bé ấy.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thời điểm còn là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chia sẻ với tôi, Hà Nội đã có hệ thống đường sắt đô thị từ hơn một thế kỷ trước.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Tiếng tàu điện “leng keng” đã đi vào ký ức, trở thành nỗi nhớ và tình yêu của biết bao thế hệ. Nỗi nhớ khôn nguôi về một thời đã qua, về hình ảnh những đoàn tàu nhuốm đầy bụi thời gian đó lại được khơi dậy trong mỗi người dân Hà Nội khi xem những thước phim tư liệu, những bức ảnh hoặc trong những tác phẩm nghệ thuật, tranh bích họa...

Tháng 5/1890, Công ty Điền địa Đông Dương xin phép chính quyền đô hộ thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào Công ty này (tên Pháp là Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine”). Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thụy Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là “Nhà máy tàu điện Thụy Khuê”. Từ ga trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường tàu điện mặt đất tỏa ra 6 ngả là 6 cửa ngõ kết nối nông thôn với nội thành, gồm: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ; Vọng.

Với chiều dài khoảng 50km, 1 depot đặt ở phố Thụy Khuê bây giờ, tàu điện phát triển mạnh nhất ở nước ta vào những năm 1930 - 1940, thời kỳ hưng thịnh nhất, tàu điện vận chuyển trên 40 triệu lượt hành khách mỗi năm. Trong nội thành, đường ray tàu điện là riêng biệt, được đánh chìm xuống lòng đường, chỉ còn một cái gờ nhỏ tạo ra cái khe cho bánh bám vào. Mỗi đoàn tàu ngày đó thường thường có 3 toa, 1 toa đầu kéo và 2 toa khách. Riêng toa đầu kéo hai đầu toa đều có cabin điều khiển để có thể lái được cả hai hướng mà không cần phải quay đầu, ngay sau cabin là cửa lên xuống, còn các toa khác thì cửa lên xuống nằm ở giữa.

Khi Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954, cơ sở vật tàu điện không còn gì. Nhưng tàu điện đã phục hồi và phát triển. Ngay từ năm 1968, hơn ba chục triệu khách mỗi năm. Thành phố đã có ý đồ hiện đại hóa tàu điện, nên cử một đoàn đi nghiên cứu xe điện ở Romania. Dự án không thành do chiến tranh chống Mỹ. Sang những năm đầu thập kỷ 80, tàu điện xuống cấp, mỗi năm chỉ còn khoảng 8 triệu lượt khách.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội chia sẻ, cả đời ông công tác trong lĩnh vực phương tiện vận tải công cộng. Từ khi sinh ra, đi làm đến khi về hưu, ông tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng. Như vậy là 51 năm làm vận tải. Theo ông Thắng, nếu nhìn lại xe buýt, không đâu xa, chỉ cách đây 20 năm, với Hà Nội xe buýt là giấc mơ gần như không có được. Chính bởi vậy, việc có hệ thống xe buýt như hiện nay là hết sức đáng quý.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ, nhìn lại sự phát triển của Thủ đô sau ngày 10/10/1954 có thể thấy, chính sự phát triển của hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm cho kinh tế Thủ đô phát triển.

Minh chứng dễ thấy nhất là nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô. Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… thì ô tô có thể vào tận cửa.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, động lực phát triển kinh tế của đất nước. Để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đã chủ động nhiều giải pháp để can thiệp. Chẳng hạn, trong hơn một thập kỷ qua, tại Hà Nội, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện đã trực tiếp kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi.

Trong bức tranh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó các cây cầu đã được đưa vào khai thác gồm: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh, Văn Lang (cầu Việt Trì-Ba Vì). Ngoài ra, Hà Nội sẽ xây dựng mới các cầu: Hồng Hà, Mễ Sở, cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc... Đây là những “cửa ngõ” để Thủ đô “cất cánh”.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Hiện tại, Hà Nội đã có nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... những trục đường quan trọng này đã và đang trực tiếp thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Không chỉ vậy, với tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đã phát triển tuyến đường Vành đai 4 liên vùng, góp phần kết nối Thủ đô với các tỉnh lân cận. Khi tuyến đường hình thành và được khai thác sẽ trực tiếp nâng cao vai trò và vị thế của Thủ đô, giúp Hà Nội và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế.

Theo đánh giá 6 tháng đầu năm 2024 từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 9,6%.

Ngoài đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Hà Nội đang tiếp tục triển khai nhiều dự án quan trọng khác. Chẳng hạn, Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 32,4% kế hoạch vốn.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Tương tự, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai hướng đến mục tiêu cải tạo 21,7km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,5% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có chiều dài 6,7km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 7,3% kế hoạch vốn.

Điểm nhấn đáng chú ý, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, vào ngày 8/8/2024, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao của Nhổn-Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại. Đây là một sự kiện quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo. Nhiều người dân bày tỏ, họ vẫn kỳ vọng ở đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 nhiều hơn nữa, đặc biệt là việc hoàn thiện toàn tuyến, kéo dài đến ga S12 (ga Trần Hưng Đạo), kết nối với tuyến số 2A tại ga Cát Linh. Khi đó, đường sắt đô thị sẽ tạo nên một vòng cung kết nối giữa hai trục cửa ngõ Tây - Tây Nam Thủ đô, thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân đi lại.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ, chỉ sau 1 năm vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã được xếp 1 trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu của Thủ đô. Điều quan trọng nhất của việc đưa tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động là làm thay đổi nhận thức của từ lãnh đạo cao cấp đến các bộ ngành, người dân khi nhìn ra được lợi thế mang tính tự nhiên của đường sắt đô thị. Vì thế, bộ Chính trị cũng đồng ý phát triển đột phá về đường sắt đô thị tốc độ cao. Tới đây, tương lai của ngành đường sắt đô thị tốc độ cao sẽ rất phát triển.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới. Đó là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD…

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó Hà Nội tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Hằng năm, Hà Nội dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Hà Nội đều có chương trình phát triển riêng cho giao thông đô thị, các danh mục theo từng nhiệm kỳ, giai đoạn đầu tư càng ngày càng có chất lượng.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ, chủ động đề xuất, phối hợp cùng các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng Vành đai 4 - tuyến đường liên vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với phát triển kinh tế - xã hội mà còn với an ninh quốc phòng của Vùng Thủ đô.

Soi chiếu vào thực tế, những quyết sách của Hà Nội thời gian qua là hết sức đúng đắn. “Đường mở tới đâu, đô thị theo tới đó”, chẳng khó để thấy sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông cũng được cải thiện đáng kể.

Hình ảnh Hà Nội xưa với 36 phố phường, 5 cửa ô nay được điểm thêm bằng hình ảnh của những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang; những cây cầu vươn mình mạnh mẽ vắt qua sông Hồng. Từ chỗ chỉ có cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay, Hà Nội đã có nhiều cây cầu lớn, như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh…

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước. Hệ thống giao thông vận tải được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Bởi vậy, Thành phố rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông Thủ đô sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên do nguồn lực, chất lượng giao thông Hà Nội chưa tương xứng với thực tế.

Trong dịp trò chuyện với Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội về công tác quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ông chia sẻ, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản.

Thực vậy, ở khía cạnh giao thông, được biết theo quy hoạch thời gian tới, Thủ đô sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40 - 60m, tối thiểu 6 làn xe cơ giới. Đó là những trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km; là trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km; là trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài khoảng 20km; là trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25km... đây sẽ là điều kiện rất quan trọng tạo cho các đô thị vệ tinh phát triển, giúp Hà Nội từng bước vươn xa.

Bước qua quãng đường phát triển 70, tính từ ngày Thủ đô giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống người dân đã và đang có những bước chuyển mạnh. Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, bằng sự quyết tâm không ngừng nghỉ, giao thông Thủ đô sẽ tiếp tục đồng bộ và phát triển. Hà Nội sẽ trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước.

Giao thông Hà Nội: Bước chuyển mạnh mẽ sau 70 năm giải phóng

--------------------

Nội dung: Đinh Luyện - Thiết kế: Tâm An