Multimedia
28/06/2023 13:50
Giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Mê Linh

28/06/2023 13:50

Thời gian qua, huyện Mê Linh đã có cách làm bài bản, sáng tạo trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tính đến giữa tháng 6/2023, huyện đã giải phóng mặt bằng được 118,9ha, đạt 84% kế hoạch, vượt chỉ tiêu Thành phố giao.
Giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Mê Linh

Thời gian qua, huyện Mê Linh đã có cách làm bài bản, sáng tạo trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tính đến giữa tháng 6/2023, huyện đã giải phóng mặt bằng được 118,9ha, đạt 84% kế hoạch, vượt chỉ tiêu Thành phố giao.

Có thể nói, việc triển khai công tác GPMB dự án tuyến đường Vành đai 4 là việc làm mới, khó của huyện Mê Linh khi không chỉ liên quan tới việc đền bù đất nông nghiệp; các loại đất khác; hoặc thu hồi đất ở, tái định cư mà còn liên quan tới việc di dời các ngôi mộ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB trên địa bàn huyện Mê Linh đã gặt hái được nhiều kết quả.

Một trong những kinh nghiệm trong việc GPMB dự án đường Vành đai 4 của huyện Mê Linh chính việc coi công tác tuyên truyền, vận động người dân thành “mũi nhọn”. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy; UBND huyện Mê Linh về việc triển khai GPMB, 5 xã nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để người dân hiểu những lợi ích của tuyến đường Vành đai 4 đối với địa phương nói riêng và Thành phố nói chung.

Xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) là 1 trong 5 xã có tuyến đường Vành đai 4 đi qua có tổng chiều dài là 3km với diện tích thu hồi là 327.000 m2. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Kim Hoa Nguyễn Khắc Trung, ngay sau khi có chỉ đạo của Huyện ủy Mê Linh về triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 4, Đảng ủy xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân.

Quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo xã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Những nội dung vượt thẩm quyền được Đảng ủy, UBND xã tiếp thu, tổng hợp, báo cáo huyện và Thành phố xem xét, giải quyết kịp thời.

Với cách làm bài bản, xã Kim Hoa đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, trở thành địa phương đầu tiên của huyện hoàn thành di dời 100% ngôi mộ nằm trong chỉ giới đường Vành đai 4. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất ở và di dời hai trường học (Tiểu học Kim Hoa A và THCS Kim Hoa) phục vụ công tác GPMB dự án cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến tháng 6/2023, toàn xã hoàn thành bàn giao ít nhất 80% mặt bằng.

Cũng như xã Kim Hoa, xã Đại Thịnh cũng là một trong những xã của huyện Mê Linh triển khai hiệu quả công tác GPMB. Theo đó, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn tuyến qua địa bàn xã Đại Thịnh có chiều dài 1,6km, diện tích đất thu hồi khoảng 223.600 m2 và hơn 200 ngôi mộ nằm trong phạm vi dự án cần di chuyển. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, cả hệ thống chính trị của xã đã quyết liệt triển khai công việc có liên quan quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để tuyến đường sớm hoàn thành, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Thịnh Lưu Văn Tư cho biết, ngay khi nhận được các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; Đảng ủy Đại Thịnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án, tổ chức các hội nghị để phổ biến, quán triệt đến các đồng chí Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và cán bộ, đảng viên thôn Nội Đồng; chỉ đạo UBND xã quán triệt tới cán bộ, công chức, lao động hợp đồng.

Thường trực Đảng ủy xã giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã trực tiếp về dự sinh hoạt với Chi bộ thôn Nội Đồng để kịp thời thông tin, phổ biến, tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường đối với việc phát triển giao thông, kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh nói chung và các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng. Đảng ủy xã cũng chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân thông qua các hội nghị, sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ,...

Giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Mê Linh

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn huyện Mê Linh đã bày tỏ sự đồng thuận trong việc bàn giao đất. Gia đình ông Đinh Xuân Chắn - Thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh) có hơn 200m2 đất nông nghiệp và 14,9m2 đất ở thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án đường Vành đai 4 chia sẻ, các thành viên trong gia đình ông đều ủng hộ chủ trương của Nhà nước, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Bản thân ông và người dân thôn Nội Đồng đều mong tuyến đường sớm được hoàn thành để việc đi lại giao thương của người dân được thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Giới (xã Kim Hoa) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện bị thu hồi 860m2 đất nông nghiệp trồng hoa đào, để phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Mặc dù thuộc diện bị thu hồi đất để phục vụ cho dự án nhưng ông cảm thấy rất phấn khởi và ủng hộ, bởi vậy ngay khi có chủ trương ông nghiêm túc chấp hành ngay. Ông Giới đánh giá, việc thực hiện đền bù, chi trả cho người dân trong thời gian vừa qua rất thỏa đáng.

“Riêng với người dân chúng tôi có nghề trồng hoa đào, với việc hình thành con đường cao tốc mới sẽ góp phần thuận tiện vận chuyển, buôn bán đào đi khắp nơi, vậy thì chính người dân chúng tôi là người được hưởng lợi đầu tiên”, ông Giới vui vẻ cho biết.

Giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Mê Linh

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, để có được thành công trong triển khai dự án đường Vành đai 4, phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Huyện ủy; UBND huyện trong công tác chỉ đạo từ huyện tới cơ sở. Với tinh thần coi đây là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”; huyện Mê Linh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban.

Quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo huyện đã phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Công tác giao ban được duy trì thường xuyên để rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Đặc biệt, với tinh thần gần dân, sát dân, hằng tuần, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Huyện ủy đều xuống cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện hằng tuần đều có mặt tại cơ sở. Có những địa bàn người dân chưa thông, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã đối thoại, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu, đồng thuận.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, huyện Mê Linh đã nỗ lực rút ngắn thời gian triển khai từng phần việc của dự án; sáng tạo trong cách làm, phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, tất cả vì tiến độ chung của dự án. Ngoài ra, nhân dân trong huyện cũng đồng thuận cao khi sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước triển khai dự án.

Giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Mê Linh

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác GPMB của huyện Mê Linh đã đạt và vượt chỉ tiêu Thành phố giao. Tính đến ngày 15/6, huyện Mê Linh đã tổ chức chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được gần 118,9/141,5ha đất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, đạt 84% kế hoạch và vượt chỉ tiêu thành phố giao. Đặc biệt, huyện Mê Linh đã hoàn thành sớm việc di dời 370 ngôi mộ nằm trong chỉ giới tuyến đường Vành đai 4 và khu tái định cư.”- Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cũng chia sẻ thêm, cùng với công tác GPMB, huyện Mê Linh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bố trí khu tái định cư cho nhân dân. Theo thống kê, diện tích đất ở phải GPMB trên địa bàn huyện Mê Linh là 7,05ha, liên quan đến 428 hộ gia đình tại 3 thôn: Nội Đồng (xã Đại Thịnh), Tân Châu (xã Chu Phan) và Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê). Đến nay, UBND huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất và lập biên bản kiểm đếm cây trồng, tài sản trên đất của 428/428 hộ dân (đạt 100% số hộ). Đồng thời, các phòng, ban, đơn vị của huyện đang triển khai các bước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thi công 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn Nội Đồng, thôn Tân Châu và thôn Khê Ngoại 2. Trong đó, UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ, phương án khảo sát, thiết kế và dự toán chuẩn bị đầu tư hạng mục phá dỡ công trình, vật kiến trúc trên đất, vận chuyển phế thải xây dựng do phá dỡ công trình xây dựng.

Hiện, các thủ tục chuẩn bị thi công dự án hạ tầng kỹ thuật 3 khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành. Huyện đang chờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh) để bố trí khu tái định cư; chờ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cắm mốc giới dự án khu tái định cư thôn Khê Ngoại 2. Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của 2 sở này, UBND huyện Mê Linh sẽ tiến hành các bước đầu tư và khởi công xây dựng các khu tái định cư cho người dân…

Giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Mê Linh

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn tuyến qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km. Dự án tuyến đường đi qua 12 thôn của 5 xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa, với tổng diện tích đất cần thu hồi là 134,2 ha của gần 2.700 hộ dân (hơn 2.300 hộ thu hồi đất nông nghiệp, 400 hộ thu hồi đất ở); chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành không chỉ giúp Thủ đô Hà Nội hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc trong nội thành, mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển hạ tầng, kết nối giao thông giữa huyện Mê Linh với các quận, huyện, thị xã của Hà Nội và các tỉnh như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa huyện Mê Linh đạt tiêu chí quận giai đoạn 2025 - 2030 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030.

Nội dung và thiết kế: Lương Hằng - Nguyễn Tuyền