Multimedia
03/02/2022 09:13
Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

03/02/2022 09:13

Sau một năm nhiều khó khăn, vất vả, những ngày này, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô đang đón Xuân, vui Tết Nhâm Dần trong an bình, phấn khởi. Chia sẻ với phóng viên Lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cho biết, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã làm hết sức mình để san sẻ khó khăn và chăm lo chu đáo nhất Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho CNVCLĐ. Khi và chỉ khi đoàn viên, CNVCLĐ có Tết đủ đầy, cán bộ Công đoàn mới có niềm vui Xuân trọn vẹn.
Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

Sau một năm nhiều khó khăn, vất vả, những ngày này, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô đang đón Xuân, vui Tết Nhâm Dần trong an bình, phấn khởi. Chia sẻ với phóng viên Lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cho biết, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã làm hết sức mình để san sẻ khó khăn và chăm lo chu đáo nhất Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho CNVCLĐ. Khi và chỉ khi đoàn viên, CNVCLĐ có Tết đủ đầy, cán bộ Công đoàn mới có niềm vui Xuân trọn vẹn.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch Thường trực, nhìn lại năm 2021, suy nghĩ đầu tiên của đồng chí là gì?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Nhìn lại năm 2021, có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta đều thấy rằng đó là năm đặc biệt khó khăn, chưa từng có tiền lệ. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến vô cùng phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống việc làm của NLĐ.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Một số đơn vị thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”. Một số doanh nghiệp đã phải sắp sếp lại phương án sản xuất và sắp xếp lại phương án lao động (chỉ sử dụng 1/2 hoặc 1/3 số lượng lao động của doanh nghiệp). Một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để sản xuất, dẫn đến NLĐ thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; đặc biệt là công nhân lao động (CNLĐ) đang thuê trọ ở các khu nhà trọ trong các khu vực bị phong tỏa, khu cách ly; NLĐ trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ; người lao động trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, cơ sở giáo dục ngoài công lập...

Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

Những khó khăn này chính là “phép thử” đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải linh hoạt, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; đồng bộ, khẩn trương trong triển khai, tổ chức hoạt động, vừa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đó là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn... vừa tham gia làm tốt nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị đó là phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phóng viên: Và tổ chức Công đoàn Thủ đô đã vượt qua “phép thử” đó như thế nào, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và những yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, các cấp Công đoàn Thủ đô đã linh hoạt, kịp thời, thực sự đổi mới, sáng tạo, thích ứng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Theo đó, Công đoàn các cấp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; điều chỉnh quy mô, cách thức tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo công việc luôn đồng bộ, liên tiếp không bị gián đoạn.

Công tác phòng, chống dịch, giữ môi trường làm việc an toàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo vệ sức khỏe NLĐ được đặc biệt chú trọng. Các Tổ Công tác đặc biệt do Thường trực LĐLĐ thành phố làm Tổ trưởng nhanh chóng được thành lập, chỉ đạo sát sao việc phòng, chống dịch tới từng cấp Công đoàn. Từ chủ trương của LĐLĐ Thành phố, hàng ngàn “Tổ An toàn Covid-19” trong các doanh nghiệp được ra đời, tạo lá chắn thép trong công tác phòng, chống dịch ở cơ sở.

Cùng với việc ban hành văn bản, cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web, fanpage, các cấp Công đoàn Thủ đô còn thành lập, sử dụng hàng ngàn nhóm zalo để tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, nhận thức của đoàn viên, CNVCLĐ được nâng lên rõ rệt và có ý thức nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đóng góp vào thành quả chung trong công tác phòng, chống Covid-19 của Thành phố.

Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

Đáng chú ý, song song với công tác phòng chống dịch, hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung toàn lực. LĐLĐ Thành phố đã thành lập “Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”; tổ chức các mô hình: “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, trao “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, trong bối cảnh giãn cách và dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp; tổ chức hỗ trợ NLĐ, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch và ủng hộ “Quỹ vắc xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố; hỗ trợ hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”, “Túi An sinh Công đoàn”… với số tiền gần 90 tỷ đồng.

Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

Ngoài ra, các cấp Công đoàn đã hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bằng nhiều hình thức khác, như: Trang thiết bị y tế, các nhu yếu phẩm thiết yếu và huy động xã hội hóa để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 với số tiền trên 100 tỷ đồng. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà từ 30-100% cho NLĐ, với số tiền hàng tỷ đồng.

Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, hình ảnh những cán bộ Công đoàn lăn lộn, không quản ngại thời tiết nắng mưa, không gian xa gần, thời gian sớm tối; không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đến cơ sở, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; chuẩn bị những suất hỗ trợ đưa tới NLĐ khó khăn một cách kịp thời, khẩn trương nhất đã để lại những ấn tượng đẹp, là “lời giải” thuyết phục cho phép thử vượt qua khó khăn của tổ chức Công đoàn. Có thể nói, càng trong khó khăn, vai trò của tổ chức Công đoàn càng được thể hiện rõ.

Phóng viên: Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn còn nhiều. Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ như thế nào, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Chăm lo Tết Nguyên đán cho đoàn viên, CNVCLĐ là hoạt động trọng tâm, được các cấp Công đoàn Thủ đô dồn sức thực hiện hàng năm vào mỗi dịp Tết đến Xuân về nhằm mang Tết trọn vẹn đến với mọi đoàn viên, CNVCLĐ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong một thời gian dài, đời sống CNVCLĐ gặp rất nhiều khó khăn, mức thưởng Tết và các chế độ phúc lợi của NLĐ cũng giảm hơn so với năm trước.

Do đó, công tác chăm lo Tết càng được các cấp Công đoàn chú trọng nhiều hơn với phương châm đồng bộ, linh hoạt và hướng về cơ sở. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp Công đoàn Thành phố đã ưu tiên nguồn lực, dành ngân sách trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ thông qua 4 hoạt động lớn đó là: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; hỗ trợ phương tiện đưa công nhân lao động khó khăn về quê đón Tết; thăm, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn và triển khai gói hỗ trợ theo Kế hoạch số 146/KH-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Trong đó, riêng cấp LĐLĐ Thành phố dành khoảng 71,3 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho NLĐ; thăm hỏi, hỗ trợ 14.000 suất quà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo với số tiền là 14 tỷ đồng; hỗ trợ 1.200 CNLĐ đang làm việc tại các Khu Công nghiệp và Chế xuất về quê đón Tết; hỗ trợ 50% kinh phí thuê phương tiện cho Công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức “Xe đưa công nhân về quê”; hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền 2 tỷ đồng…

Năm nay, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, các hoạt động chăm lo Tết, trong đó có chương trình “Tết sum vầy”, chương trình hỗ trợ phương tiện đưa công nhân về quê ăn Tết được điều chỉnh về quy mô và hình thức phù hợp, song vẫn đảm bảo trọn vẹn ý nghĩa. Trong những ngày cận Tết, dù bận rộn, các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, lãnh đạo các cấp Công đoàn cũng đã dành thời gian trực tiếp đi thăm, tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch, các đơn vị làm việc xuyên Tết, hỗ trợ các hoàn cảnh đoàn viên, NLĐ khó khăn, công nhân ở xa không về quê đón Tết và trực tiếp đến tiễn những công nhân về quê đón Tết trên những chuyến xe nghĩa tình… Tất cả hoạt động đó đã mang tới sự ấm áp và Tết trọn vẹn cho mọi CNLĐ.

Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

Phóng viên: Vậy là sau nhiều khó khăn, mọi đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô cũng đã được đón Tết trọn vẹn, đủ đầy. Chứng kiến niềm vui Tết của đoàn viên, NLĐ, đồng chí có cảm xúc như thế nào?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Sau một năm nhiều vất vả, đến giờ, mọi đoàn viên, CNVCLĐ đã được tận hưởng những ngày Tết ấm áp, bình an bên gia đình. Những hoàn cảnh khó khăn, người ở xa không về quê ăn Tết cũng đã được Công đoàn chăm lo chu đáo. Chứng kiến niềm vui của đoàn viên và NLĐ, bản thân tôi cũng như các cán bộ Công đoàn rất hạnh phúc và có thể an tâm phần nào.

Chúng tôi tự hào vì tổ chức Công đoàn đã làm hết sức mình để chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, NLĐ, tuy nhiên, trên thực tế, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những khó khăn, vất vả của đoàn viên, NLĐ vẫn còn nhiều khiến mỗi cán bộ Công đoàn chưa hoàn toàn bằng lòng với những gì đã đạt được đồng thời điều này cũng khiến tổ chức Công đoàn phải nỗ lực hơn nữa. Chính vì vậy, trong thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ không ngừng đẩy mạnh và đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đối với đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là trong thời điểm NLĐ khó khăn hay dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Mỗi dịp cuối năm, công việc dẫu bộn bề vất vả, nhưng đó cũng chính là hạnh phúc của người cán bộ Công đoàn khi đã san sẻ được khó khăn, chăm lo chu đáo, mang niềm vui đến cho đoàn viên, NLĐ. Với bản thân tôi cũng như mọi cán bộ Công đoàn, chỉ khi nào mọi CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đều được giúp đỡ, chia sẻ, đều được đón Tết đủ đầy thì chúng tôi mới có thể an tâm, mới thấy được công sức của mình bỏ ra là thỏa đáng và khi đó, niềm vui Xuân của cán bộ Công đoàn mới được trọn vẹn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Đoàn viên đón Tết đủ đầy, Xuân mới trọn vẹn

Nội dung: PHẠM DIỆP
Thiết kế:
ĐỨC HÀ - PHẠM THẮNG