Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Công đoàn Thủ đô đã luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động với nội dung và hình thức đa dạng theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn là điểm tựa vững chắc của đoàn viên, người lao động. |
Nhận thức rõ công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động là chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, nhất là những trường hợp khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng thông qua các hoạt động, như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết”, “Chợ Tết Công đoàn” nhân dịp Tết Nguyên đán; các hoạt động chăm lo nhân dịp Tháng Công nhân; hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà “Mái ấm Công đoàn”... |
Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã triển khai hiệu quả Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn” thông qua việc tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên với giá ưu đãi. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình thông qua việc triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để kịp thời chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. |
Cụ thể, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng; ưu tiên nguồn tài chính Công đoàn và kêu gọi từ nguồn xã hội hóa tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bằng kinh phí, lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là người lao động ở các Khu Công nghiệp và chế xuất, Cụm công nghiệp tập trung, người lao động ở các khu nhà trọ đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp dừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19. LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức ít nhất 1 “Siêu thị 0 đồng” tại những nơi tập trung đông người lao động hoặc bố trí ít nhất 1 “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng” thường trực hàng ngày, để kịp thời tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động; phối hợp với các doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền cơ sở, thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát đối tượng người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đối tượng người lao động đang thuê trọ tại các địa bàn dân cư, để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công bố số điện thoại đường dây nóng 24/24/7 (qua các nhóm Zalo Công đoàn) để tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người lao động và Công đoàn cơ sở. |
Trong những ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, những “Chuyến xe siêu thị 0 đồng” do LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã mang theo hàng ngàn “Túi An sinh Công đoàn” (gồm: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu) để kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại mỗi điểm dừng của “Chuyến xe siêu thị 0 đồng”, cán bộ Công đoàn đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và trực tiếp trao những suất quà ý nghĩa của tổ chức Công đoàn để chia sẻ, động viên người lao động vượt qua khó khăn. Theo thống kê của LĐLĐ Thành phố, thông qua việc triển khai các mô hình như: Chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng phó khẩn cấp”, thiết lập “Đường dây nóng hỗ trợ công nhân”… các cấp Công đoàn Thủ đô đã tiếp nhận thông tin, vận chuyển, hỗ trợ kịp thời trên 90.000 “Túi An sinh Công đoàn” đến với đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ ngân sách Công đoàn và vận động nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 100 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho 120.000 đoàn viên, người lao động; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu; ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ bữa ăn ca “3 tại chỗ”… |
Nhiều cán bộ Công đoàn đã không quản ngại vất vả, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để trực tiếp chăm lo, hỗ trợ, động viên đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, các khu nhà trọ bị phong tỏa; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ cho người lao động. Từ đó, giúp đoàn viên, người lao động yên tâm, gắn bó với tổ chức Công đoàn, gắn bó với doanh nghiệp; tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống dịch, góp phần vào thành công chung của Thành phố và cả nước. Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động thông qua việc duy trì hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; tổ chức các chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”; hướng dẫn hoạt động các câu lạc bộ nghệ thuật khiêu vũ, thanh nhạc; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ và hoạt động thể dục thể thao... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. |
Cùng với việc triển khai hiệu quả các hoạt động trên, tổ chức Công đoàn Thủ đô còn luôn đồng hành, tiếp thêm động lực để đoàn viên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Cụ thể, thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, Quỹ Trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (Quỹ Trợ vốn) đã phối hợp với các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai các sản phẩm vay vốn đến đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Quỹ Trợ vốn, trong giai đoạn 2018 - 2023, Quỹ Trợ vốn đã phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở thẩm định, giải ngân 313,7 tỷ đồng cho hơn 12.500 lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm mới cho hơn 12.700 người. Đặc biệt, đã có hơn 3.350 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tại 198 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 87 tỷ 730 triệu đồng. Song song với việc triển khai các sản phẩm vay vốn, Quỹ Trợ vốn còn triển khai hoạt động đầy tính nhân văn, hướng về cộng đồng là thực hiện tiết kiệm bắt buộc, qua đó giúp người vay nâng cao ý thức tiết kiệm cho bản thân và có trách nhiệm với đồng vốn được vay. Hơn thế, còn giúp đoàn viên, người lao động cùng góp sức để có thêm nhiều trường hợp khó khăn như mình được vay vốn. |
Ngoài ra, hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân và các dịp sơ kết, tổng kết, Quỹ Trợ vốn đều phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rà soát lựa chọn từ 200 - 250 đoàn viên đang tham gia vay vốn và lựa chọn từ 1 - 2 tập thể Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đang có bảo lãnh tín chấp cho đoàn viên vay vốn để trao sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng với tổng số tiền từ 110 - 250 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần cùng tổ chức Công đoàn Thủ đô thực hiện hiệu quả công tác chăm lo cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Theo ghi nhận thực tế, với nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn, nhiều gia đình đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đã có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Công Phúc - đoàn viên Công đoàn xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Từ năm 2018 đến nay, anh Phúc đã 3 lần được vay vốn từ Quỹ Trợ vốn để đầu tư xây dựng và phát triển mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Hiện, diện tích trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Phúc rộng gần 3.000 mét vuông, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng cây ăn quả. Bình quân thu nhập thêm của gia đình anh Phúc đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm, thậm chí có năm đạt 60 - 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. |
Từ nguồn vốn vay của Quỹ Trợ vốn, nhiều đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều lao động khác. Tiêu biểu như trường hợp của chị Phan Thị Tú Mai - đoàn viên Công đoàn Trường Mầm non Hoa Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Tú Mai chia sẻ: “Cách đây 6 năm, nhận thấy nhu cầu sử dụng áo chần bông trên thị trường ngày càng lớn lại sẵn có nghề gia truyền, tôi đã quyết định mở xưởng áo chần bông. Qua Công đoàn cơ sở và LĐLĐ quận quận Hoàng Mai, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn với số tiền là 30 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này, tôi có điều kiện để duy trì, phát triển xưởng áo chần bông của mình. Đến nay, xưởng đã đi vào hoạt động ổn định, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, xưởng đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho 13 giáo viên trong và ngoài trường, với thu nhập thêm từ 6 - 7 triệu đồng/tháng”. Phải khẳng định rằng, với việc triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo gắn với nhu cầu thực tiễn của đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang thể hiện tốt vai trò là điểm tựa giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, lao động sản xuất để cống hiến cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng và Thủ đô, đất nước nói chung. -------------------------- Nội dung: Mai Quý - Thiết kế: P.T |