Multimedia
28/09/2022 20:57
Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

28/09/2022 20:57

Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (gọi tắt là Quỹ Trợ vốn), các đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đã có thể đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình…
Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (gọi tắt là Quỹ Trợ vốn), các đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đã có thể đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình…

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Cũng như nhiều giáo viên mầm non khác, thu nhập của chị Nguyễn Thị Bốn (Trường Mầm non Tiền Phong B, huyện Mê Linh) không cao, trong khi đó, lương nhân viên bảo vệ của chồng chị cũng hạn hẹp, 2 con nhỏ lại đang tuổi ăn học nên đời sống gia đình khá bấp bênh.

Ấp ủ dự định làm một trang trại nhỏ để kiếm thêm thu nhập nâng cao mức sống gia đình, nhưng chị Bốn lại gặp khó khăn về vốn bởi không có nguồn tích lũy. Đang lúc khó khăn, chị Bốn được Công đoàn Trường Mầm non Tiền Phong B kết nối, đề xuất với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Mê Linh và hỗ trợ các thủ tục để vay 30 triệu đồng từ Quỹ trợ vốn.

Ngay sau khi được giải ngân, từ đầu năm 2022, chị Bốn đã đầu tư cơ sở vật chất để nuôi chó, gà và lợn trồng cây ăn quả. Đến thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế của chị Bốn đã đem lại thu nhập mỗi tháng từ 5 - 6 triệu đồng (chưa trừ chi phí thức ăn chăn nuôi).

“Tôi thấy rằng việc vay vốn từ Quỹ trợ vốn có nhiều ưu điểm so với các hình thức vay vốn khác. Theo đó, thủ tục vay vốn rất đơn giản, quá trình giải ngân nhanh. Vốn vay không quá lớn nhưng cũng góp phần giúp tôi có thêm kinh phí để hoàn chỉnh mô hình kinh tế của mình.” - chị Bốn cho biết.

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Quỹ trợ vốn là trường hợp chị Phạm Thị Lan Anh - giáo viên tại Trường Mầm non Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị Lan Anh cho biết, với thu nhập hạn hẹp của một giáo viên mầm non mà chồng là lao động tự do, để có thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống gia đình, năm 2019, vợ chồng chị Phạm Thị Lan Anh quyết định đẩu tư mở cửa hàng sửa chữa xe máy nhưng gặp khó khăn về vốn.

“Vay từ nguồn vốn bên ngoài, chúng tôi không dám vì lo sợ tín dụng đen, vay ngân hàng lãi suất cũng cao, lương giáo viên mầm non không có điều kiện trả nên hai vợ chồng phải đau đầu tính toán” - chị Lan Anh kể.

Đang lúc loay hoay tìm nguồn vay tin cậy và phù hợp, chị Phạm Thị Lan Anh “mừng như bắt được vàng” khi được Công đoàn cơ sở và LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn đăng ký, làm thủ tục vay vốn của Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình.

“Năm 2019, tôi được vay vốn của Quỹ lần đầu tiên. Thủ tục vay rất đơn giản, việc giải ngân trực tiếp, nhanh chóng, thuận lợi, lãi suất thấp. Với 30 triệu đồng vốn vay được, chúng tôi đã mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Từ đó, chồng tôi có công việc ổn định, gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay, năm 2021, vợ chồng tôi tiếp tục được Quỹ cho vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng quy mô cửa hàng, thu nhập được cải thiện hơn nữa, kinh tế gia đình được nâng cao. Có thể nói, chính đồng vốn nghĩa tình của Công đoàn đã giúp kinh tế và chất lượng sống của gia đình tôi được nâng lên" - chị Phạm Thị Lan Anh bộc bạch.

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Tương tự là trường hợp của chị Lê Thị Xuân Phương - giáo viên Trường Mầm non Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ. Lương giáo viên mầm non không cao, chồng ở nhà không có việc lại nuôi bố mẹ già và hai con nhỏ, trước đây, kinh tế gia đình chị Phương luôn chật vật, bấp bênh.

Sẵn có đất vườn của gia đình, chị Xuân Phương quyết tâm quy hoạch, đầu tư làm trang trại với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình. Sau khi vay mượn của người thân, bạn bè được chút vốn để xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại cũng là lúc chị Phương “cạn vốn” để mua con giống.

May mắn cho chị Phương khi thông qua Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Sen Chiểu và từ hướng dẫn của LĐLĐ huyện Phúc Thọ, chị Xuân Phương đã được Quỹ trợ vốn cho vay 30 triệu đồng. "Nguồn vốn không lớn nhưng là sự hỗ trợ rất kịp thời tôi vào lúc đó khi tôi không còn vay thêm được ở đâu nữa. Với số tiền ấy, tôi đã mua được gà giống, lợn giống về phát triển kinh tế trang trại” - chị Phương cho biết.

Nhờ sử dụng đồng vốn hiệu quả, hiện trang trại của gia đình chị Phương ngày càng được mở rộng quy mô, trong đó, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi cá mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm (sau khi trừ chi phí) cho gia đình.

“Nguồn vốn của Công đoàn thật sự có ý nghĩa với những đoàn viên khó khăn như tôi. Nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn giúp tạo đà phát triển mạnh hơn, đoàn viên cũng tránh tiếp xúc với nguồn vốn không chính thống hay "tín dụng đen"” - chị Xuân Phương bộc bạch.

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Không chỉ có những trường hợp nói trên, nhiều năm qua, có hàng chục ngàn đoàn viên, CNVCLĐ của Hà Nội tận dụng nguồn vốn vay từ Quỹ trợ vốn mà tạo được việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Riêng trong năm 2022, theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Quỹ trợ vốn, ngay từ đầu năm, Quỹ trợ vốn đã chủ động, tích cực triển khai các sản phẩm vay vốn đến đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn Thành phố, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế nội bộ, đồng thời phối hơp tốt với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành… để giải ngân nguồn vốn trực tiếp đến đoàn viên, CNVCLĐ đảm bảo an toàn, chính xác, không tồn đọng, nhàn rỗi, quay vòng vốn hiệu quả.

Kết quả, từ đầu năm đến nay, Quỹ trợ vốn đã thẩm định 1.707 hồ sơ vay vốn và chấp thuận cho 1.486 đoàn viên, CNVCLĐ tại 106 Công đoàn cơ sở có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, với số vốn giải ngân là 44 tỷ 520 triệu đồng (đạt 75,8% kế hoạch). Trong đó, đã có 684 đoàn viên, CNVCLĐ tại 30 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ trợ vốn tương ứng với số vốn giải ngân 20 tỷ 440 triệu đồng; tạo thêm việc làm mới cho 2.031 lao động…

“Được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ trợ vốn, các đoàn viên, CNVCLĐ đã sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình, trong đó có một số mô hình vay vốn sản xuất kinh đạt hiệu quả cao.

Ngoài phần lớn đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đoàn viên, CNVCLĐ còn vay vốn để mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa, cải tạo nhà nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Quỹ cũng đã giải ngân 180 triệu đồng cho 6 người vay học nghề, từ đó sẽ có cơ hội tạo việc làm ổn định, lâu dài” - ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, điều đáng nói là công tác giải ngân diễn ra tuyệt đối an toàn, đúng đối tượng, quy trình vay vốn từng bước được cải tiến và ngày càng hoàn thiện theo đúng trình tự, thủ tục đảm bảo tuân thủ nghiêm 7 quy trình vay vốn.

Hình thức giải ngân bằng chuyển khoản dần thay thế hình thức giải ngân bằng tiền mặt giúp Quỹ trợ vốn đảm bảo an toàn công tác giải ngân, tiết kiệm chi phí. Cùng đó, công tác kiểm tra thực tế sử dụng nguồn vốn vay tại cơ sở được Quỹ tăng cường nhằm đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích.

“Năm 2022, Quỹ trợ vốn đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác kiểm tra ngay từ đầu tháng 1, đến nay đã phối hợp với 26 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay tại 472 hộ gia đình đoàn viên, CNVCLĐ thuộc 101 Công đoàn cơ sở (đạt 78,9% kế hoạch).

Qua kiểm tra cho thấy cơ bản các thành viên vay vốn từ Quỹ trợ vốn đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả kinh tế. Từ nguồn vốn vay đã giúp cho các hộ gia đình đoàn viên, CNVCLĐ tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/hộ/tháng, góp phần từng bước giải quyết khó khăn trong cuộc sống của đoàn viên, CNVCLĐ nghèo trên địa bàn Thành phố” - ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn

Bên cạnh công tác cho vay vốn, Quỹ trợ vốn còn triển khai hoạt động đầy tính nhân văn, hướng về cộng đồng là thực hiện tiết kiệm bắt buộc, qua đó giúp người vay nâng cao ý thức tiết kiệm cho bản thân và có trách nhiệm với đồng vốn được vay, hơn thế còn giúp đoàn viên, người lao động cùng góp sức để có thêm nhiều người khó khăn như mình sẽ được vay vốn.

Cụ thể, theo quy định của Quỹ, mọi thành viên tham gia vay vốn đều phải tham gia sản phẩm tiết kiệm bắt buộc với mức 1% trên tổng số vốn vay. Số tiền tiết kiệm này được hoàn trả cho người vay khi thanh lý hợp đồng. Đây cũng chính là điều kiện vật chất cần thiết để Quỹ thực hiện sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng như hỗ trợ học bổng cho con các thành viên vay vốn vượt khó học giỏi, hỗ trợ người vay không may gặp rủi ro và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hoặc tổ chức tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình.

Vì mục đích và ý nghĩa nhân văn như trên, 100% các thành viên vay vốn đã tích cực tham gia sản phẩm này. Từ nguồn tiết kiệm bắt buộc này, hàng năm Quỹ trợ vốn đều tổ chức ít nhất 2 đợt trao sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng cho người vay.

Riêng năm 2022, tổng thu tiền tiết kiệm bắt buộc của Quỹ từ đầu năm đến nay là 7 tỷ 859 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm bắt buộc đã thực hiện chi trả cho người vay vốn 7 tỷ 917 triệu đồng (đạt 100,7%). Nhân dịp Tết Nguyên đán và Tháng Công nhân năm 2022, Quỹ trợ vốn đã rà soát, lựa chọn trao tặng quà bằng tiền mặt cho 58 trường hợp người vay vốn là đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trợ cấp đột xuất 1 trường hợp đoàn viên vay vốn, với số tiền 59 triệu đồng.

Mới đây, Quỹ trợ vốn cũng đã trao 87 suất quà đến con đoàn viên, CNVCLĐ vượt hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập với số tiền là 53,42 triệu đồng.

Điểm tựa của đoàn viên lúc khó khăn
Nội dung và thiết kế: Phạm Diệp - Lương Hằng