Sau hơn một năm triển khai,“Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” đã cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng và đạt một số kết quả ấn tượng. Tuy vậy, bên cạnh những tích cực cũng cần đánh giá cụ thể hiệu quả của từng mảng công tác, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ thực hiện. |
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng “Đề án tổng thể về quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công thuộc phạm vi quản lý”. Đây chính là cơ sở để Thành phố sớm từng bước hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công nhằm phát huy các nguồn lực từ tài sản công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, vì là đơn vị đầu tiên nên bên cạnh những thuận lợi được tạo điều kiện từ cơ chế, chính sách, thành phố Hà Nội còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ địa bàn rộng, số lượng đối tượng quản lý lớn bao trùm 30 quận, huyện, thị xã, 23 sở, 25 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, 294 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở và 2.251 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Xen kẽ trong đó là nhiều doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn với khối lượng và giá trị tài sản công lớn, đa dạng và phức tạp, thậm chí có một số nhóm tài sản công chỉ đặc thù phát sinh tại Hà Nội và một số thành phố lớn như quỹ nhà chuyên dùng... Ngoài ra, còn không ít cơ chế chính sách về tài sản công chưa được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời để đồng bộ với cơ chế chính sách hiện hành về ngân sách, đất đai, đầu tư, doanh nghiệp... Những vấn đề này dẫn đến việc chưa phát huy đầy đủ nguồn lực từ quản lý, sử dụng tài sản công, chưa đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển Thủ đô ngày càng cao. Nhận thức được những khó khăn nay, để triển khai Đề án, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 26/5/2023, với 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ triển khai thực hiện. Trong đó có 29 nhiệm vụ có thời hạn và 38 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 29 nhiệm vụ có thời hạn, có 23 nhiệm vụ có thời hạn năm 2024 và 6 nhiệm vụ có thời hạn năm 2025. Mặc dù, khối lượng công việc rất lớn như vậy nhưng đến nay đã có 15/29 nhiệm vụ đã hoàn thành triển khai thực hiện hoặc đã báo cáo UBND Thành phố. |
Đối với 14/29 nhiệm vụ còn lại, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện. Một số nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành một số giai đoạn ban đầu như nhiệm vụ: Xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu tài sản công khối hành chính sự nghiệp; Xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng… Về cơ bản, công tác quản lý tài sản công của Thành phố được chia làm 4 mảng chính gồm: Tài sản là nhà; tài sản là đất đai; tài sản là kết cấu hạ tầng; tài sản là tài nguyên, ô tô và tài sản khác. Với nhóm tài sản là nhà, theo kết quả rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng của Sở Xây dựng Hà Nội đối với 8 quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác, quỹ nhà chuyên dùng hiện có 840 cơ sở nhà, đất. Quỹ nhà chung cư tái định cư có 201 tòa và 90.234,55m2 diện tích kinh doanh dịch vụ. Quỹ nhà ở có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước là 29.127 căn. Quỹ nhà ở công vụ với 12 căn hộ. Ngoài ra, có 24.518m2 sàn thuộc quỹ nhà ở xã hội tại khu CT19A - Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), quỹ nhà ở sinh viên với 2.578 phòng và 7.436,9m2 sàn kinh doanh dịch vụ; quỹ nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh)… Các biến động khách quan cùng công tác quản lý khai thác, sử dụng một số quỹ nhà còn chưa hiệu quả đã dẫn đến một số vi phạm như quỹ nhà tái định cư giai đoạn giao cho doanh nghiệp quản lý đã bàn giao nhà cho người dân trong khi chưa thực hiện thủ tục mua nhà và nghĩa vụ tài chính... |
Với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm tồn tại, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, từ năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng không đúng quy định và trên thực tế đã thu hồi được 56 địa điểm. Trong số này có 8/28 địa điểm tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung; 6/31 địa điểm là nhà chuyên dùng; 42/54 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa chung cư tái định cư. Hiện nay, UBND các quận, huyện đang thực hiện cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại. Đối với diện tích của tầng 1 thuộc các chung cư thương mại phải bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, kết quả rà soát có 21 dự án với tổng diện tích 55.615m2, trong đó thành phố đã tổ chức tiếp nhận 17.587m2. Hiện nay, thành phố tiếp tục rà soát để thực hiện việc thu hồi và tiếp nhận bàn giao khoảng 38.000m2. Cũng theo tổng hợp của Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội về số liệu nợ phải thu từ quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nếu trừ đi số nợ còn phải thu của các hợp đồng bán nhà tái định cư trả chậm thì số nợ thực tế của các quỹ nhà tính đến thời điểm ngày 30/5/2024 là 789,4 tỷ đồng, hiện được phân loại thành 3 nhóm: Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay (3,5 tỷ đồng); nợ khó thu (285,6 tỷ đồng) và nợ xấu, khó đòi, khả năng thu hồi nợ rất thấp (500,3 tỷ đồng). UBND Thành phố đã đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về phương án chi tiết thu hồi, xử lý các khoản nợ này. Các sở, ngành, doanh nghiệp đang triển khai các nội dung theo chỉ đạo của UBND Thành phố. |
Với chức năng thay mặt đại diện chủ sở hữu thực hiện quản lý, sử dụng các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước do UBND Thành phố và Sở Xây dựng giao, đại diện Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội cho biết, trung tâm đang xây dựng và phấn đấu trình phê duyệt trong năm 2024 bộ định mức, đơn giá trong công tác cung ứng dịch vụ nhà ở, công sở, trụ sở và các quỹ nhà không phải để ở làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi theo tiêu chuẩn định mức; bổ sung các công việc quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước vào danh mục dịch vụ công của Thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ chế, chính sách của Trung ương trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công còn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung, trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được UBND Thành phố tham gia ý kiến với Bộ Tài chính từ năm 2022, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, các bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều tài sản công hiện để hoang hóa, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị. |
“Khối lượng các nhóm tài sản công thuộc thành phố lớn về số lượng và giá trị, đa dạng về chủng loại, quá trình quản lý trải qua nhiều giai đoạn, đối tượng quản lý dẫn đến công tác rà soát, tổng hợp cần nhiều thời gian. Việc xử lý tồn tại, hạn chế còn nhiều phức tạp, vướng mắc, khó khăn. Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định tháo gỡ vướng mắc trong công tác sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết cũng như quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị. Với nhóm tài sản là đất đai, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, hoàn thiện có các Tờ trình báo cáo UBND Thành phố xem xét, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền làm cơ sở phê duyệt 3 Đề án thành phần. Với nhóm tài sản là kết cấu hạ tầng, căn cứ các Nghị định của Chính phủ và chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, báo cáo UBND Thành phố giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Thành phố theo quy định. |
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, Sở Xây dựng đã ban hành các Kế hoạch kiểm tra, rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện của các Dự án cấp nước sạch trên địabàn Thành phố, làm việc, hướng dẫn 11 huyện rà soát, phân loại, đề xuất đối tượng và hìnhthức giao tài sản kết cấu hạ tầng đối với các công trình cấp nước theo quy định tại Nghị định43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Cuối cùng, đối với nhóm tài sản là tài nguyên, ô tô và tài sản khác, công tác rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai cũng đã được quán triệt đến toàn bộ sở ngành, quận, huyện, đơn vị trực thuộc Thành phố. |
Thủ đô Hà Nội có vị trí đặc biệt, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước. Tài sản công trên địa bàn thành phố Hà Nội mang đặc điểm chung của tài sản công của cả nước song cũng có những yếu tố đặc thù chỉ có ở những đô thị lớn. Bên cạnh tài sản công thuộc phạm vi của Thành phố có địa bàn trải rộng, đối tượng sử dụng lớn, chủng loại và mục đích sử dụng phong phú, đa dạng, Hà Nội còn là địa bàn phân bổ của một số lượng lớn tài sản công do Trung ương và các địa phương khác quản lý. Thực tế cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội hội tụ gần như đầy đủ các loại tài sản công. Chính vì vậy, hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công của thành phố Hà Nội sẽ có tác động lớn tới công tác quản lý tài sản công của cả nước. Việc HĐND Thành phố thông qua Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030; trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án với 9 nhóm giải pháp và nhiều nhiệm vụ cụ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quá trình xây dựng Đề án và tổ chức triển khai thực hiện Đề án đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Thủ đô để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Kết quả sau hơn một năm thực hiện cho thấy, các cấp, các ngành của Thành phố đã tập trung cao độ cho công tác này. Đơn cử như để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công đặc biệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập, HĐND thành phố Hà Nội cũng đang xây dựng Nghị quyết “Quy định về sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi của Thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết” thực hiện theo Luật Thủ đô. Góp ý với dự thảo, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, về trách nhiệm của đơn vị công, trong bối cảnh hiện nay nên bổ sung điều kiện “trường hợp bất khả kháng, tài sản công bị hư hỏng do thiên tai và lũ lụt thì nhà nước cần có đền bù” thì phải nêu rõ 2 bên khi đã đưa vào liên kết có thỏa thuận với nhau không. Đặc biệt, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nên tách bạch trách nhiệm của sở, ban, ngành và của quận, huyện, phường, xã thành 2 khoản, trong đó nên phân cấp thêm cho cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm Nghị định của Chính phủ về vai trò của Công an trong xử lý vi phạm để bổ sung vào dự thảo Nghị định này. |
Khẳng định ban hành dự thảo Nghị quyết là sự cần thiết để triển khai đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống một cách thiết thực, song TS. Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị: Bổ sung vào dự thảo Tờ trình nội dung đánh giá sơ bộ việc thực hiện Nghị định 151/CP quy định một số điều của việc quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định về quy chế sử dụng của các đơn vị sự nghiệp công lập để tham khảo, đưa vào dự thảo Nghị định mới này, nhất là về cơ chế tài chính. Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, cần có bổ sung việc đánh giá toàn bộ việc sử dụng tài sản công của thành phố Hà Nội thời gian qua nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được và chưa được trong quản lý sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập; tập hợp ý kiến của nhân dân để đưa lên Cổng thông tin điện tử; thẩm định của Sở Tư pháp… Đặc biệt, trong dự thảo Tờ trình cần bổ sung phân tích sâu về Luật Quản lý và sử dụng tài sản công trong phần cơ sở pháp lý. |
Cũng cần phải nói thêm rằng, quản lý tài sản công là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ trong công tác quản lý Nhà nước nói chung, trước bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, công tác quản lý tài sản công luôn xuất hiện những tài sản mới, những tình huống mới và yêu cầu mới và do đó, luôn đòi hỏi phải được hoàn thiện, đổi mới để theo kịp với yêu cầu của thực tiễn. Được biết, hiện Sở Nội vụ đang xây dựng Kế hoạch triển khai các lớp bồi dưỡng chuyên sâu từ năm 2025 thuộc nhóm chương trình chuyên đề về quản lý, xây dựng phát triển nguồn nhânlực chất lượng cao, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp hiện đại trong đó, có nội dung nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ công chức, viên chức làm công tác quản lý tài sản công. Về lĩnh vực chuyên môn, Sở Tài chính đã tổ chức 6 lớp tập huấn công tác quản lý, sử dụng tài sản công cho các cơ quan, đơn vị thuộc quận, huyện thuộc Thành phố và sẽ tiếp tục tổ chức 15 lớp tiếp cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài sản công tại cơ sở. |
Nội dung: Tuấn Dũng | Đồ họa: Quốc Nam |