Multimedia
14/07/2023 15:05
Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

14/07/2023 15:05

Theo các chuyên gia, di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ luôn được thành phố Hà Nội coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chương trình.
Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Theo các chuyên gia, di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ luôn được thành phố Hà Nội coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chương trình.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Hà Nội là địa phương có hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng nhất so với các tỉnh thành trong cả nước. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện Thành phố có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, UNESCO đã công nhận và ghi danh có 3 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản tư liệu thế giới, 1 di sản văn hóa. Hà Nội cũng là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước với 1.350 làng nghề; 1.173 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Thủ đô ngàn năm văn hiến... Hệ thống di sản văn hóa này với những giá trị tiềm ẩn đã tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng của Thủ đô.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Nói đến di sản nghìn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội, không thể không nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lò luyện văn quốc gia, trung tâm đào tạo tiến sĩ, nơi được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của cả nước. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài, nơi đây đã đào tạo, tuyển chọn cho đất nước hàng nghìn trí thức khoa bảng. Nhiều người trong số họ là nhà văn, nhà chính trị - quân sự thiên tài, nhà giáo lỗi lạc… hỗ trợ triều đình chăm dân, trị quốc, tạo nguồn “nguyên khí quốc gia”.

Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di sản tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc ở Hà Nội còn có Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích gắn với quá trình hình thành Kinh đô Thăng Long, nơi có liên hệ trực tiếp với nhiều thăng trầm lịch sử của Thủ đô và đất nước. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, gồm chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục với tư cách là trung tâm quyền lực cùng các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, đã đưa Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO.

Ngoài ra, công trình kiến trúc nghìn năm tuổi ở Hà Nội còn có chùa Một Cột khởi dựng thời Vua Lý Thái Tông (1028-1054); chùa Láng hình thành thời Vua Lý Anh Tông (1138-1175); chùa Kim Liên, thời Vua Lý Thần Tông (1128-1138)… và đặc biệt là Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ tứ phương huyết mạch của kinh thành.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Nhắc đến các di sản ở Thủ đô, không thể không nhắc đến Khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm). Những năm qua, Khu phố cổ là nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn. Với những giá trị di sản còn hiện hữu, Khu phố cổ Hà Nội thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và của cả cộng đồng.

Về góc độ quản lý, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ nhằm mục đích bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy các giá trị của di tích lịch sử Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Khu phố cổ. Quy chế này là cơ sở để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện công tác quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, cấp phép xây dựng, cải tạo chỉnh trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Trong nội dung Quy chế cũng đã đề ra các quy định cụ thể phục vụ việc bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan trong Khu phố cổ như: Bảo tồn tôn tạo các giá trị về cấu trúc không gian của khu Phố cổ, các công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở truyền thống và các công trình có giá trị xây dựng trước năm 1954; các không gian, chiều rộng hiện có của các ngõ, ngách, đặc biệt trong khu vực bảo vệ tôn tạo cấp I và các tuyến phố, đoạn phố cải tạo, phục dựng; bảo tồn không gian phố nghề, phố chuyên doanh, thương mại dịch vụ truyền thống…

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong Khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định. Các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, cải tạo, chỉnh trang theo hướng văn minh, chất lượng cao. Các hoạt động này đã từng bước góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong khu phố cổ. Diện mạo Khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có nhiều đổi thay ngày càng khang trang, sạch đẹp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô
Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô
Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Trên thực tế, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2016, Hà Nội hoàn thành đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014-2016”. Qua đó,xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông.

Để huy động cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản, ngày 18/2/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025 với những nội dung thực hiện từng năm và trọng tâm các năm… Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội… Trong đó, xác định rõ Thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích văn hóa tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích văn hóa còn lại cho các quận, huyện, thị xã; quy định ngân sách Thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý…

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai phương pháp giáo dục di sản với nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng. Thông qua hành trình khám phá di sản với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn, nhiều di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã tạo dựng được thương hiệu, tăng sức hút với du khách. Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai, thực hiện việc số hóa di sản. Qua đó góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô. Cùng với đó, công tác ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh người nắm giữ di sản ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Ngay tại các địa phương, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống cũng được quan tâm, chú trọng. Tại quận Ba Đình hiện có 74 di tích gồm 52 di tích lịch sử văn hóa, 22 di tích cách mạng kháng chiến, trong đó nổi bật là di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, hai di tích quốc gia đặc biệt trong “Tứ trấn Thăng Long” là đền Quán Thánh và Voi Phục... cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều làng nghề cổ. Quận Ba Đình cũng là vùng đất lịch sử - văn hóa với bản sắc văn hóa riêng có của Thập Tam Trại đã tồn tại 980 năm cùng lịch sử dân tộc; mỗi năm có 54 lễ hội truyền thống được tổ chức là những ngày hội của nhân dân trong vùng.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Từ lợi thế di sản văn hóa dồi dào, phong phú, để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn, kết nối di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, UBND quận Ba Đình xác định quan điểm xuyên suốt là bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, quận tập trung khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng thành 2 điểm đến về du lịch trên địa bàn. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá khả năng phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch của 2 di tích, từ đó quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện để công nhận là điểm đến theo quy định của Luật Du lịch. Quận cũng ưu tiên phối hợp xây dựng kết nối các di tích “Thăng Long Tứ trấn”: Đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục để tạo thành tuyến, tour du lịch tâm linh của Thủ đô Hà Nội.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, quận xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh có chất lượng, kết nối các điểm di sản tiềm năng, thế mạnh trên trục di tích lịch sử, làng nghề truyền thống quận Ba Đình và quanh hồ Tây. Quận cũng nghiên cứu tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu di sản văn hóa liên quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên để quảng bá, phát huy giá trị văn hóa di sản thành phố Hà Nội.

Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến, bà Phạm Thị Diễm cho biết thêm, quận cũng xây dựng chiến lược về sản phẩm, tạo sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan di tích; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa…

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô

Nói về công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa có đặc trưng là tính giới hạn, không thể tái sinh, tái tạo, nếu không được khai thác hợp lý có khả năng sẽ bị cạn kiệt hoặc suy thoái nghiêm trọng. Vậy, muốn phát triển bền vững phải bảo tồn tài nguyên, bảo tồn phải đi trước một bước hoặc chí ít cũng song song với phát triển. Do đó, xu hướng chung sẽ là “Bảo tồn để phát triển” hay “Bảo tồn phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển”.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng nhận định, bảo tồn di sản văn hóa hiện nay cũng nhằm phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, bảo tồn di sản văn hóa cũng góp phần phát triển du lịch mạnh mẽ. Một trong 5 nguyên tắc phát triển du lịch có nhấn mạnh “phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng”.

“Tuy nhiên cần hiểu rõ, di sản văn hóa, bảo tàng và các giá trị văn hóa chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch, tự thân chúng chưa phải là sản phẩm văn hóa, loại hàng hóa đặc thù. Ngành công nghiệp văn hóa du lịch phải sáng tạo hay sản xuất ra các loại hình dịch vụ văn hóa hay gọi là dịch vụ du lịch kết hợp với tài nguyên du lịch để trở thành loại hàng hóa văn hóa đặc biệt. Đây là loại sản phẩm, hàng hóa mang “giá trị kép” vừa văn hóa, vừa kinh tế”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô
Đánh thức tiềm năng di sản Thủ đô
Nội dung: Kim Tiến - Đồ họa: Đức Hà