Vào hồi 22h30 phút ngày 28/2/2024, em P.L.Q.L (21 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đa chấn thương do bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đứng trước lằn ranh sinh tử, có lúc tưởng chừng không còn hy vọng cứu sống nữ bệnh nhân trẻ bởi những dấu hiệu sinh tồn vô cùng mong manh, nhưng bằng sự tận tâm, bằng trách nhiệm của người lương y, các e-kip y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã khẩn trương phối hợp tiến hành phẫu thuật với những kỹ thuật khó và phức tạp, giành giật từng phút giây cứu sống bệnh nhân từ tay “tử thần” và điều kỳ diệu đã xảy ra. |
P.L.Q.L là sinh viên Trường Đại học Mở, tối 28/2/2024 trên đường về nhà sau khi đi dạy thêm đã bị tai nạn giao thông. Khi xảy ra tai nạn thương tâm, P.L.Q.L đã được người dân quan tâm gọi cấp cứu 115, đưa vào một cơ sở y tế tại Thường Tín sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai). P.L.Q.L nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, ngừng tuần hoàn ngoại viện, mất máu nghiêm trọng. Ngay lập tức, P.L.Q.L được cấp cứu hồi sức tim phổi cho đến khi thấy dấu hiệu tim đập trở lại. Theo chẩn đoán sơ bộ của các bác sĩ, P.L.Q.L bị chấn thương ngực kín, tràn máu tràn khí màng phổi 2 bên, chấn thương sọ não. |
Với mục tiêu tối thượng là cứu người, P.L.Q.L được đẩy thẳng lên phòng mổ trong tình trạng những dấu hiệu sinh tồn vô cùng mong manh: huyết áp khó đo, SPO2 khó bắt, vận mạch liều cao, dẫn lưu màng tim dưới ức hơn 1.000 ml máu. Bác sĩ Hoàng Tuấn trong e-kip gây mê hồi sức của Trung tâm Gây mê hồi sức (Bệnh viện Bạch Mai) cùng nhóm gây mê hồi sức (gồm các bác sĩ Ngọc Anh, Hoàng, Hưng) nhanh chóng đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, ven lớn, huyết áp xâm lấn, bù dịch và lĩnh máu cấp cứu. Các bác sĩ phẫu thuật thuộc Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Phòng C8 - Viện Tim mạch (gồm các bác sĩ Hiếu, Thắng, Hoàng) khẩn trương mở màng phổi cấp cứu, cưa xương ức, mở màng tim, khâu cầm máu nhĩ phải, trái, truyền gần 3 lít máu và các chế phẩm máu. Sau khi được khẩn trương cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 và mổ cấp cứu, P.L.Q.L được chuyển lên Khoa Hồi sức ngoại (thuộc Trung tâm Gây mê hồi sức) trong tình trạng nặng, cần theo dõi sát sao và điều trị tích cực. Do tai nạn giao thông quá nặng nề, có thể nói là khủng khiếp, trải qua những giờ sinh tử của cấp cứu, phẫu thuật, bệnh nhân suy đa tạng, rối loạn đông máu do mất máu nhiều, do ngừng tuần hoàn ngoại viện và phải vận mạch liều cao trong và sau phẫu thuật. |
Khi ấy, lãnh đạo đơn vị gồm bác sĩ Vũ Văn Khâm - Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức, bác sĩ Ngô Sĩ Quý - Trưởng Khoa Hồi sức ngoại trực tiếp chỉ đạo, theo dõi tình trạng sức khoẻ của P.L.Q.L. Bác sĩ Dương Văn Nam, người trực tiếp điều trị cho P.L.Q.L tại Khoa Hồi sức ngoại cùng các y, bác sĩ đã làm việc hết sức tích cực với các phương án can thiệp điều trị tối ưu. “Chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành lọc máu, kiểm soát huyết động bằng Picco, kiểm soát thân nhiệt, thuốc vận mạch trợ tim, thở máy bảo vệ phổi, truyền máu, chăm sóc dinh dưỡng”, bác sĩ Dương Văn Nam chia sẻ. Với 21 ngày điều trị tích cực sau mổ tại đơn vị Trung tâm Gây mê hồi sức và 7 ngày điều trị tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, P.L.Q.L đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện vào sáng ngày 27/3. |
Có thể nói, với tình trạng của P.L.Q.L lúc chuyển đến Trung tâm Cấp cứu A9, hầu như các y, bác sĩ có mặt lúc đó đều thoáng nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay trong những phút giây bất giác “chạm” vào nỗi tuyệt vọng như thế, các y, bác sĩ tham gia cấp cứu cho P.L.Q.L đặt quyết tâm phải “chiến đấu” hết mình, nói theo lối nói dân gian là “còn nước còn tát”, còn một phần nghìn tia hy vọng thì còn tận tâm, tận sức để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Trên tinh thần đó, sau giai đoạn cấp cứu ngừng tuần hoàn và tiếp máu tối cấp, các e-kip y, bác sĩ của Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Phòng C8 - Viện Tim mạch, Trung tâm Gây mê hồi sức đã hết sức khẩn trương phối hợp tiến hành phẫu thuật với những kỹ thuật khó và phức tạp để cứu P.L.Q.L trong gang tấc. |
Trong quá trình cấp cứu, phẫu thuật, hồi sức và điều trị cho P.L.Q.L, các e-kip y, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Phòng C8 - Viện Tim mạch, Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Trung tâm Gây mê hồi sức đã cực kỳ “thiện chiến”, nhạy bén với tay nghề chuyên môn giỏi và tinh thần thép, sẵn sàng nhập cuộc để cấp cứu, phẫu thuật, điều trị, hồi sức sau phẫu thuật cho P.L.Q.L. Đặc biệt, trong các e-kip đã tham gia cấp cứu, phẫu thuật và điều trị cho P.L.Q.L có một số bác sĩ nội trú, tuổi đời còn rất trẻ, được tôi luyện bản lĩnh nghề nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai, luôn mang khát vọng được cống hiến. Tại buổi chúc mừng P.L.Q.L ra viện, đại diện của các e-kip y, bác sĩ tham gia cấp cứu, phẫu thuật và điều trị cho P.L.Q.L đã chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này. Theo các e-kip y, bác sĩ, từ lúc P.L.Q.L vào cấp cứu cho đến khi bình phục là cả một quá trình phối hợp hết sức ăn ý, chuyên nghiệp, chuyên tâm ở trình độ chuyên môn cao của đa chuyên khoa. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xúc động nói: Niềm vui của người đứng đầu bệnh viện cũng là niềm hạnh phúc của bệnh nhân, gia đình và các y, bác sĩ đã tham gia cứu chữa cho bệnh nhân và còn là sự phấn khởi của toàn bệnh viện. |
Với tư duy và góc nhìn khoa học, PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh điểm mấu chốt của thành công trong việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân P.L.Q.L là sự kết hợp tác chiến kịp thời của đội ngũ đa chuyên khoa từ cấp cứu nội - ngoại khoa, phẫu thuật lồng ngực, mạch máu, tim mạch, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, huyết học, sẵn sàng đáp ứng các trường hợp cấp thiết. Đây cũng là thế mạnh của Bệnh viện Bạch Mai. Từ 10 năm nay, Bệnh viện Bạch Mai đã chú trọng phát triển hài hòa đồng bộ và cân đối giữa nội khoa và ngoại khoa, đến nay bệnh viện đã có 12 chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực ngoại khoa, có những phòng mổ trang thiết bị hiện đại, nhân lực chất lượng cao, trong đó có phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật lồng ngực và mạch máu đã tham gia cứu chữa nữ bệnh nhân P.L.Q.L. |
Trò chuyện với P.L.Q.L, em đã kể lại câu chuyện “từ cõi chết trở về” của chính mình như một kỳ tích, với tấm lòng biết ơn vô hạn những “lương y như từ mẫu”. P.L.Q.L chia sẻ sau khi xuất viện trở về nhà, các vết thương đều đã khá ổn định, em có thể đi lại nhẹ nhàng. Hiện tại, em được bố mẹ và bà nội chăm sóc tại nhà. Phần lớn thời gian em dành để nghỉ ngơi, tập đi lại và thể dục cơ bản theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, em cũng dành một khoảng thời gian trong ngày cho các sở thích cá nhân như vẽ, đọc sách, xem phim. Em mong mình có thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Nếu bình phục sớm thì tháng 8 này em có thể sẽ quay trở lại trường học. Nhìn P.L.Q.L xinh đẹp ngồi vẽ tranh tại nhà, không ai có thể nghĩ rằng với những chấn thương khủng khiếp sau vụ tai nạn thảm khốc, em lại có thể được như ngày hôm nay. Đó là một điều kỳ diệu, là phúc lành dành cho em, cho những người bác sĩ tài giỏi đã cứu em và cả những người dân giàu lòng trắc ẩn đã tận tình đưa em đi cấp cứu trong đêm định mệnh kinh hoàng. Nhắc lại biến cố, P.L.Q.L xúc động nói, sau khi được các y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai mang từ lằn ranh sinh tử quay về với gia đình, cho em được như ngày hôm nay, từ tận đáy lòng em cảm thấy vô cùng biết ơn và kính trọng tấm lòng y đức và tài năng của các y, bác sĩ. |
“Chị biết không, ngày đầu tiên tỉnh dậy sau hôn mê, thấy mình trên giường bệnh, xung quanh không có một gương mặt thân quen nào, em đã vô cùng hoang mang và lo lắng. Rồi khi em được nghe người thân kể nguyên nhân khiến bản thân mình trở nên như vậy, em thầm trách kẻ vô cớ gây ra tai nạn nhưng trong lòng em cũng dâng lên niềm biết ơn các y, bác sĩ vô cùng. Nhờ có các y, bác sĩ mà em lại được thấy ông bà, ba mẹ, các anh chị em,… của em một lần nữa. Những trang sách của cuộc đời phía trước em được viết tiếp là nhờ công ơn các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu A9, Phòng C8 - Viện Tim mạch, Trung tâm Gây mê hồi sức và Khoa Phẫu thuật lồng ngực - mạch máu của Bệnh viện Bạch Mai. Đối với em, ba mẹ là người mang em đến với cuộc đời còn các y, bác sĩ là người cho em cơ hội được tiếp tục thực hiện những ước mơ, hoài bão còn dang dở”, P.L.Q.L nghẹn ngào nói. Chia sẻ về kỳ tích đến với con gái, bố của P.L.Q.L xúc động nhớ lại: “Khi Q.L nhập viện cấp cứu, tình trạng vô cùng nặng, mọi người đều cảm thấy tuyệt vọng. Thế nhưng, ngay trong lúc tuyệt vọng ấy, tất cả các y, bác sĩ tham gia cấp cứu, điều trị cho Q.L đều bám víu vào những tia hy vọng vô cùng mong manh của sự sống để rồi cùng nỗ lực đến tận cùng trên lằn ranh sinh tử. Các y, bác sĩ đã chiến đấu không khoan nhượng để giành giật sự sống về cho Q.L”. Với các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, thêm mỗi bệnh nhân khỏi bệnh được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình, bệnh viện lại có thêm những niềm vui mới. Nụ cười bình yên của người bệnh là hạnh phúc, là nguồn khích lệ động viên to lớn để mỗi người thầy thuốc có thêm động lực làm việc và cống hiến. Câu chuyện cứu sống nữ sinh 21 tuổi bị tai nạn giao thông thảm khốc đã có một cái kết không thể đẹp hơn, để lại những ấm áp tin yêu lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Cô gái lại tiếp tục sống, học tập và làm việc trong niềm biết ơn mãi mãi vào cuộc đời này - Cuộc đời luôn có những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng lặng thầm và sẵn sàng dấn thân vì người bệnh. |
---------------------- Nội dung: Lê Hà - Thiết kế: Phạm Thắng |