Hành trình “Xuân vận” của hàng ngàn công nhân lao động trên cả nước đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều người đã lựa chọn ở lại, “ăn Tết tại chỗ” để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong bối cảnh đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã không ngừng thể hiện vai trò chăm lo quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, người lao động. | | | Một năm đằng đẵng làm việc xa quê, Tết là dịp ai cũng muốn trở về sum họp gia đình. Theo thông lệ hằng năm, khoảng thời gian này, những người lao động xa quê sẽ bắt đầu thu xếp đồ đạc, mua sắm quà cho người thân để chuẩn bị lên những chuyến xe về quê đón Tết. Thế nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có những diễn biến phức tạp đã khiến mọi thứ đều đảo lộn. Chúng tôi đến với xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi đây tập trung đông công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long. Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở xã Kim Chung, chị Ngô Thị Tuyền - công nhân Công ty SD Việt Nam (quê ở xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đang cùng hai cô con gái nhỏ chuẩn bị đón một cái Tết trong căn phòng trọ chừng 20 mét vuông. Làm công nhân đã hơn 10 năm, năm nào chị Tuyền cũng thu xếp công việc về quê ăn Tết với gia đình. Năm nay là năm đầu tiên chị Ngô Thị Tuyền ăn Tết cách nhà hàng trăm km. Và năm nay cũng là năm đầu tiên ba mẹ con chị ăn Tết mà không có chồng bên cạnh. Chị Tuyền tâm sự, do quê chị nằm trong vùng dịch nên sau khi chồng chị về quê sửa nhà đã không thể quay trở lại Hà Nội. Theo kế hoạch, ngày 28 âm lịch chị cùng các con sẽ trở về sum vầy với gia đình, nhưng dịch bệnh Covid-19 đến quá bất ngờ khiến ba mẹ con đành chấp nhận ở lại Hà Nội. | | Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường tặng lì xì cho con công nhân lao động. | “Năm nay mẹ con tôi quyết định không về quê ăn Tết. Mặc dù cũng rất buồn nhưng tôi hiểu rằng nếu mẹ con tôi cứ cố về thì sẽ không đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người. Cả gia đình tự nhủ với nhau rằng sẽ cùng nhau cố gắng. Tết không ăn năm nay thì ăn năm sau”, chị Tuyền tâm sự. Cầm trên tay vé xe của chương trình đưa công nhân về quê ăn Tết, chị Tuyền cất gọn vào tủ. Gạt qua nỗi nhớ nhà và để cho các con không cảm thấy buồn, những lúc rảnh rỗi, chị Tuyền lấy điện thoại gọi cho chồng, cho bố mẹ để các con không cảm thấy xa cách quê hương, xa gia đình ở nơi đất khách. Trước những câu hỏi của họ hàng “Sắp về quê chưa”, chị Tuyền lại nén nỗi buồn. Nhưng cô con gái Đỗ Khánh Ngọc vừa tròn 10 tuổi của chị lại tỏ ra rất chững chạc, thay chị giải thích cho ông bà, cô bác và nhận được sự đồng tình rất lớn của gia đình. | Cách phòng trọ của chị Tuyền không xa, vợ chồng chị Phan Thị Thu Hiền (quê Hà Tĩnh) trở về sau ca làm đêm và chuẩn bị làm bữa cơm trưa. Tổ ấm của đôi vợ chồng son nhỏ nhắn chừng hơn 10 mét. Không khó để chúng tôi nhận ra mâm ngũ quả được bày ngay ngắn một góc. Hỏi ra mới biết, mâm ngũ quả đó vợ chồng anh chị chuẩn bị đón Tết, bởi năm nay, anh chị không về nhà. Vợ chồng chị Hiền mới lấy nhau được 3 tháng và ấp ủ kế hoạch Tết này sẽ ra mắt hai họ. Trước mắt là ăn Tết nhà nội ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) rồi sang nhà ngoại ở huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh). Nhưng giờ đây, kế hoạch này phải dời lại chưa biết đến bao giờ. Đôi mắt rưng rưng chứa đựng nhiều nỗi niềm, chị Hiền kể năm vừa qua tình hình dịch bệnh khiến đời sống kinh tế, việc làm của vợ chồng chị bị ảnh hưởng, số tiền dành dụm cũng không còn nhiều. Do vậy, anh chị đã quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết để tiết kiệm chi phí đồng thời phòng tránh dịch bệnh. Số tiền dùng để mua vé xe, hai vợ chồng anh chị đã gửi về biếu ông bà nội ngoại sắm Tết. “Mặc dù rất nhớ nhà nhưng cũng vì hoàn cảnh và dịch bệnh diễn biến phức tạp quá nên hai vợ chồng động viên nhau ở lại. Ra Tết sắp xếp thời gian, kinh tế ổn định hơn rồi về quê sau”, chị Hiền nói. | | Không chỉ có ba mẹ con chị Tuyền và vợ chồng chị Hiền, Tết này có hàng ngàn công nhân lao động trên cả nước ở lại đón Tết tại nơi làm việc. Đây là quyết định khó khăn nhưng hoàn toàn đúng đắn. Ở lại đón Tết chính là sự đồng lòng, góp phần cùng cả nước kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho một năm mới với việc làm bền vững, ổn định. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi người lao động hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết để bảo đảm sức khỏe, việc làm lâu dài, an toàn. Thực hiện Công văn hỏa tốc số 1612/TLĐ ngày 03/02/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 và chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 03/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trong tình hình mới, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 59/LĐLĐ chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung tuyên truyền đoàn viên, công nhân viên chức lao động Thủ đô tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trong tình hình mới. | | Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Liên đoàn Lao động Thành phố đã có yêu cầu công nhân viên chức lao động Thủ đô cập nhật diễn biến của dịch bệnh thường xuyên. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là vận động công nhân lao động cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết, khuyến nghị tốt nhất là ở lại địa phương, hạn chế đi lại để cùng cả nước phòng, chống và vượt qua đợt dịch này. Cuộc vận động đã lan rộng trong các cấp công đoàn Thủ đô, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Theo Ông Đinh Quốc Toản (Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội), những ngày gần Tết, Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã gửi thư kêu gọi đến công nhân, lao động các tỉnh ở xa năm nay hãy ở lại Hà Nội đón Tết. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều công nhân đã tình nguyện “ăn Tết tại chỗ” vì an toàn của bản thân và cộng đồng. | | Công đoàn Thủ đô đến tận nơi thăm hỏi công nhân lao động. | Chị Phan Thị Mai Dung (Phó Chủ tịch Công đoàn công ty SD Việt Nam) chia sẻ, sau cuộc vận động của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội và Công đoàn Công ty, hiện nay Công ty SD Việt Nam đã có khoảng gần 100 công nhân tình nguyện đăng ký ở lại và con số đó không dừng lại trong những ngày tiếp theo. “Công đoàn Công ty đã ngày đêm cập nhật thông tin về những vùng có dịch và tiến hành vận động công nhân nên cân nhắc để đỡ đi lại vất vả, nếu về mà phải đi cách ly thì rất là tội. Đồng thời Công ty cũng động viên năm nay là năm khó khăn chung, chúng ta hi sinh việc đoàn tụ để cùng đất nước vượt qua đại dịch, trở lại cuộc sống bình an. Rất may mắn là các bạn công nhân rất thấu hiểu”, chị Dung cho biết. | | Vận động công nhân ở lại “ăn Tết tại chỗ” cũng là lúc trách nhiệm chăm lo của tổ chức Công đoàn các cấp càng nhân lên gấp bội. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khẳng định, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô đặc biệt quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Tổ chức thực hiện việc thăm hỏi, trao quà hỗ trợ người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần. “Tình huống đặc biệt thì chúng ta phải có những giải pháp đặc biệt. Khi người lao động khó khăn thì tổ chức Công đoàn phải thực hiện rõ nét vai trò trách nhiệm của mình. Nhiệm vụ trước mắt là không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết, huy động các nguồn lực để người lao động có Tết như ở nhà. Phương châm là đón Tết an toàn, phòng chống dịch nghiêm ngặt”, Chủ tịch Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh. | | Trao giò và bánh chưng cho công nhân lao động. | | Theo đó, nhằm san sẻ, chăm lo hơn nữa cho người lao động chịu tác động bởi dịch, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp trao trên 80.000 suất quà tới công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Số tiền hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ước tính trên 60 tỷ đồng. Riêng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chi trên 10 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Bên cạnh đó, những hoạt động chăm lo cho công nhân ở lại ăn Tết được cụ thể bằng việc quy đổi những chiếc vé xe miễn phí đưa công nhân về quê bị hoãn lại thành các mức tiền. Cụ thể các mức quy đổi là 500 ngàn đồng đối với vé về Thanh Hóa, 700 ngàn đồng đối với vé về Nghệ An và 1 triệu đồng đối với vé về Hà Tĩnh. Ngoài ra, cán bộ công đoàn đã đến những khu nhà trọ động viên chủ nhà trọ đón Tết cùng người lao động để họ có một cái Tết an yên, vui vẻ. Không chỉ vậy, công nhân lao động ở lại còn nhận được nhiều món quà và nhu yếu phẩm cần thiết để yên tâm đón Tết. | Cũng là một trong những công nhân được tổ chức Công đoàn chăm lo và đến chúc Tết sớm, căn phòng trọ của chị Tuyền trở nên trang hoàng hơn với những phần quà gồm 3 triệu đồng tiền mặt, bánh chưng, giò cùng cành đào hồng thắm, cây quất vàng ươm của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trao tặng. Không khí những ngày cuối năm ở khu nhà trọ của chị Tuyền rộn ràng hơn những năm trước. Mâm ngũ quả được chị bày biện đặt ở nơi trang trọng, cành đào thắm đã bắt đầu có nhiều bông hoa bung nở khiến cho bất cứ ai khi đặt chân vào cũng đều có cảm giác như không khí Tết đã tràn ngập căn phòng. Tiếng chủ nhà trọ í ới gọi mẹ con chị cùng nhau chuẩn bị Tết và lời hứa hẹn đón giao thừa cùng nhau khiến chị Tuyền cảm thấy ấm áp hơn. “Được các cấp Công đoàn quan tâm chăm lo bằng nhiều hình thức thiết thực, ý nghĩa như cán bộ Công đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, chúc Tết, tặng cây quất, cành đào… chúng tôi cảm thấy đón một Tết xa nhà được an ủi phần nào, cũng ấm áp như có người thân bên cạnh. Sự chăm lo của tổ chức Công đoàn đã khiến mùa Xuân đã đến rất gần với công nhân lao động”, chị Tuyền nói trong niềm xúc động. Nội dung: Phương Ngân Trình bày: Quốc Đại | |