|
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách; các lĩnh vực dịch vụ y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ngừng trệ, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có chiều hướng tăng; gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Các chuỗi giá trị của Hà Nội liên quan đến các quốc gia có dịch bệnh bị ảnh hưởng trực tiếp với mức độ khá lớn. Một số doanh nghiệp lớn ngành điện tử (FDI) ở khu công nghiệp chế xuất, ngành giầy da, dệt may đã chịu tác động lớn do phụ thuộc nguồn nguyên liệu và thiếu đơn hàng. Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, các doanh nghiệp đang dần có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, đợt dịch thứ hai bùng phát vào cuối tháng 07/2020 đã khiến các doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, trên 30.000 công nhân lao động mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và chủ động tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thành lập 05 tổ công tác và xây dựng 03 kịch bản ứng phó sớm với diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra. Cạnh đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền đồng cấp có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. |
|
Riêng các cấp Công đoàn Thủ đô, từ nguồn ngân sách Công đoàn và quỹ xã hội đã hỗ trợ 67.970 công nhân lao động các doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên các trường ngoài công lập bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động với số tiền trên 37 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách của Công đoàn và kêu gọi xã hội hóa, Liên đoàn Lao động Thành phố cũng đã hỗ trợ tặng các doanh nghiệp 1.287.000 khẩu trang y tế, 95.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, 318 máy đo thân nhiệt, trị giá 15,8 tỷ đồng. Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, giám sát thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về hỗ trợ người dân và công nhân lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuyên truyền, vận động công nhân lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tự nguyện nghỉ việc không lương, nghỉ luân phiên, tạm hoãn Hợp đồng lao động, giảm mức lương hàng tháng... Chính nhờ có sự chia sẻ này của công nhân lao động mà nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ chân người lao động vượt qua đại dịch. |
Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, các cấp Công đoàn đã tích cực triển khai các hoạt động để đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định đời sống người lao động. Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, để ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sức khỏe, đời sống, việc làm cho người lao động và ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai các biện pháp để đảm bảo sức khỏe, đời sống, việc làm cho người lao động; chủ động phối hợp người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, phương án sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và doanh nghiệp phụ trợ trong nước; vận động người lao động chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động triển khai các biện pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Theo đó, đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cần có giải pháp cho người lao động nghỉ việc luân phiên để hưởng 75% lương; đối với những doanh nghiệp không thể bố trí được việc làm cho người lao động dẫn đến việc người lao động phải nghỉ việc thì các Công đoàn cơ sở phải phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp như tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 của Bộ Luật Lao động nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động; đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm, các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh cũng như phương án sử dụng lao động. |
|
Bên cạnh việc tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Công đoàn cũng đã triển khai nhiều hoạt động để kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã trực tiếp kêu gọi các chủ nhà trọ và đề nghị chính quyền địa phương nơi có khu công nghiệp đóng trên địa bàn chỉ đạo, vận động các chủ nhà trọ có hình thức miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động; trao hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại các doanh nghiệp, vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc đồng hành để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra cũng đã được khẳng định. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam – WOOSUNG Nguyễn Thị Hồng Tươi cho biết, nhận thức được mức độ nghiêm trọng của đại dịch, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Ban chấp hành Công đoàn công ty đã phối hợp với Ban Giám đốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nhà máy như: Phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy; phát khẩu trang miễn phí cho người lao động; đo thân nhiệt hàng ngày đối với những người ra, vào công ty… “Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đã có một số khách hàng đề cập đến việc hủy đơn hàng. Nhưng với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, đồng thời là Trưởng phòng kinh doanh của công ty, tôi đã kết hợp với Ban Giám đốc thuyết phục khách hàng không hủy đơn hàng và tính toán giảm giá để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Nhờ đó, 100% người lao động của công ty vẫn đi làm thường xuyên, không phải chia ca sản xuất, không bị cắt giảm thu nhập do đại dịch” – bà Tươi nhấn mạnh. |
Sự vào cuộc, chung tay và đồng hành của tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã được lãnh đạo các doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương nhận định, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vai trò của Công đoàn đã tiếp tục được khẳng định. Lý giải về điều này, ông Hồng cho biết, nếu không có tổ chức Công đoàn thì quá trình điều hành sản xuất của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 gây tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty, Ban lãnh đạo và Ban chấp hành Công đoàn đã cùng bàn bạc, thảo luận, đưa ra các giải pháp, biện pháp động viên kịp thời người lao động, bố trí việc làm, đảm bảo người lao động đạt 26 ngày công/tháng, mức thu nhập từ 6,5- 7 triệu đồng. Nhờ đó, trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, người lao động của công ty vẫn có việc làm và thu nhập ổn định, giúp họ càng thêm yên tâm và gắn bó lâu dài với công ty. Thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, cùng với những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa là thời cơ cũng đồng thời là thách thức, đang đặt ra cho các doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của công nhân lao động. |
Từ thực tế đó, để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở khối sản xuất kinh doanh cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt trong tổ chức các phong trào, các hoạt động triển khai phải thực chất, vì người lao động; tổ chức các hoạt động đối thoại định kỳ, đột xuất nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, trong đó cần quan tâm ký kết thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tình hình mới; các cấp Công đoàn phải tham gia một cách có trách nhiệm trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị. Thông qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định trong doanh nghiệp và từng bước khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, người lao động./. Nội dung: Mai Quý Clip: Lương Hằng Trình bày: Quốc Đại |